Câu chuyện hôm nay
Hồ Chủ tịch và việc bầu cử: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ của mình”
15:32 | 18/05/2016

NGUYỄN TRI

Cử tri cả nước đang chuẩn bị cho ngày hội lớn, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Hồ Chủ tịch và việc bầu cử: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ của mình”

Ngày bầu cử do Quốc hội ấn định. Quốc hội khóa XIII đã giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là Chủ nhật, ngày 22 tháng 5 năm 2016.

Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện - cơ quan quyền lực nhà nước từ trung ương đến địa phương ở nước ta nói riêng.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 được tổ chức cùng một ngày trên phạm vi cả nước, trong bối cảnh nước ta tiếp tục triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và tổ chức bộ máy nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 mới được ban hành. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Trong những ngày này, nhân dịp kỷ niệm 116 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta lại nhớ đến Người với tư tưởng và hành động của Người với việc bầu cử.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, để xác lập nền tảng pháp lý của một nhà nước kiểu mới theo hướng pháp quyền, Hồ Chủ tịch đã lãnh đạo để soạn thảo Hiến pháp dân chủ đầu tiên - Hiến pháp 1946. Hiến pháp 1946 đã tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản của một Nhà nước dân chủ: 1) Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, trai gái, giai cấp, tôn giáo; 2) Bảo đảm các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân; 3) Thực hiện một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Với những nguyên tắc trên đây, Hiến pháp 1946 đã bảo đảm về mặt pháp lý tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân và Hiến pháp là cơ sở pháp lý để tiến hành công việc của đất nước.

Tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân còn được thể hiện ở chỗ Hồ Chủ tịch kiên quyết khước từ mọi hình thức ưu đãi mang màu sắc quân chủ trong việc kiến tạo ra một lãnh tụ quốc gia. Tháng 12 năm 1945, tại Hà Nội, 118 chủ tịch các ủy ban nhân dân và tất cả các giới đại biểu làng xã công bố một bản kiến nghị: “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh được miễn phải ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới vì Cụ đã được toàn dân suy tôn làm Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Đáp lại nguyện vọng của nhân dân, Hồ Chủ tịch đã trả lời: “Tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên tôi không vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định.

Báo Cứu Quốc số 130 ra ngày 31/12/1945 đã đăng bài viết: “Về ý nghĩa tổng tuyển cử” của Hồ Chủ tịch. Người đã chỉ rõ quyền bầu cử, ứng cử: “…Trong tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử, không phân chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”.

Chiều 5/1/1946, một ngày trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử, trước hơn hai vạn đồng bào thủ đô Hà Nội tham dự mít-tinh ủng hộ cuộc bầu cử, Hồ Chủ tịch nói: “Làm việc bây giờ là hi sinh phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung...”. Hướng về phía cử tri, Người căn dặn: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ của mình”. Người cũng nhắn nhủ các ứng cử viên: “Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng để thay mặt cho mình gánh vác việc nước. Ngày mai người ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu được bầu thì ít, tất nhiên có người được cử, có người không được cử, những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào, phải luôn luôn ghi nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng”...

Năm 1953, trên báo Cứu Quốc, Hồ Chủ tịch tiếp tục đề cập tới vấn đề quyền bầu cử của nhân dân. Người viết: “Trong các cuộc bầu cử, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái, trai, tôn giáo, mức tài sản, trình độ văn hóa, không phân biệt nòi giống đều có quyền tham gia. Đó là một cách rất hợp lý để nhân dân lao động thực hành quyền thống trị của mình”.

Về ý nghĩa của cuộc bầu cử, Hồ Chủ tịch khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà”. “Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”. Và “Lựa chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của người cử tri...”. Từ đó, Người khẳng định: “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”.

Trong bộ máy nhà nước ta, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương, làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với cả nước…

Với tầm quan trọng như vậy, trong ngày bầu cử sắp tới, nhớ lại tư tưởng của Hồ Chủ tịch, cử tri cả nước cần sáng suốt lựa chọn những người tài đức để cáng đáng việc đại sự của quốc gia.

N.T  
(TCSH327/05-2016)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng