Câu chuyện hôm nay
Mùa xuân, ngẫm từ chuyện “Tết trồng cây”
09:16 | 20/01/2017

VĨNH AN

Trong bài viết trên báo Nhân dân số 2082, ngày 28/11/1959, ký tên Trần Lực, Bác Hồ đã phát động “Tết trồng cây”: “Chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây”. Việc này ít tốn kém mà lợi ích rất nhiều”.

Mùa xuân, ngẫm từ chuyện “Tết trồng cây”

Bác hết sức chú trọng việc phát động toàn dân trồng cây. Bác làm thơ, viết báo, trực tiếp đi trồng cây, nói chuyện và vận động nhân dân tham gia “Tết trồng cây”. Ban đầu Bác viết: “Mùa Xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước mỗi ngày một xuân”; sau Bác sửa lại thành “càng ngày càng xuân”. Đã hơn nửa thế kỷ lời kêu gọi và chính Bác phát động “Tết trồng cây” vẫn còn mãi giá trị và đã đi vào nếp sinh hoạt của cán bộ, nhân dân cả nước. Đó là một mỹ tục trong dịp Tết hết sức nhân văn, song cũng rất hiệu quả về kinh tế.

Với Bác, trồng cây là phải thiết thực chứ không chỉ là những con số báo cáo. Bác nói “trồng 100 cây mà sống cả 100 còn hơn trồng 1000 cây mà sống chỉ 90 cây”. Năm 1969, Bác Hồ đi trồng cây ở xã Vật Lại (Hà Tây cũ), có một chuyện khiến nhiều người nhớ mãi. Hôm đó gặp Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Bác hỏi về việc trồng rừng, nghe báo cáo Bác khen và hỏi: “Nghệ An trồng hàng triệu cây, vậy có bao nhiêu cây chết, chú có cho đếm được không?” Bí thư Nghệ An chịu. Bác nói: “Nghệ An là quê Bác, các chú làm không tốt thì Bác vui sao được, các chú chỉ nghĩ đến thành tích mà không nghĩ đến hậu quả, thế cũng là chưa thật thà với nhân dân. Trồng cây nào cũng phải sống tốt cây ấy, phải biết chăm sóc cây, không để lãng phí công sức và của cải vật chất”.

Bác cũng nhiều lần nói về giá trị của việc bảo vệ rừng. Tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi năm 1963, Bác nhắc nhở: “Các cô, các chú cần hết sức chú ý vấn đề bảo vệ rừng. Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít, thì rất tai hại. Phá rừng thì dễ, nhưng gây dựng lại rừng phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều”. Người xót xa trước cảnh rừng bị tàn phá, khai thác bừa bãi: “những cây gỗ to bị chặt để đốt hay để cho mục nát thì không khác gì đồng bào tự mình đem tiền bạc bỏ xuống sông”. Người cảnh báo cho toàn thể cán bộ, nhân dân về sự nguy hại của việc chặt phá, khai thác rừng bừa bãi, dẫn đến sự phá vỡ cân bằng môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất.

Thực tế hiện nay, không ít cơ quan, đơn vị được giao bảo vệ rừng thì lại là người phá rừng hoặc tiếp tay cho bọn lâm tặc phá rừng, mà phá nhiều sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Rừng có “ông chủ” là các cơ quan, đơn vị của nhà nước, nhưng rừng vẫn bị tàn phá. Thực tế ở miền Trung và Tây Nguyên những năm gần đây rừng bị giảm mạnh là do đầu tư thủy điện quá nhiều. Một con số thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Chỉ tính riêng từ năm 2013 đến nay, đã có 1.700ha rừng bị tàn phá. Riêng khu vực Tây Nguyên, trong 5 năm 2007 - 2012, có khoảng 130.000ha đã “biến mất”. Năm 2016 diện tích rừng Tây Nguyên giảm 180.000ha so với năm 2010; trữ lượng giảm 57 triệu m3...

Năm 2016 vừa qua, những trận lũ lụt khủng khiếp ở miền Trung đã gây thiệt hại lớn về người và của. Phá rừng được xem là nguyên nhân chính gây nên tình trạng lũ lụt diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Ở nhiều khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, những vạt rừng xanh đầu nguồn bị tàn phá, đất lâm nghiệp bị xẻ thịt không thương tiếc khiến người dân đã, đang hứng chịu hậu quả. Đáng nói hơn, những dự án thủy điện được cho là mang lại quyền lợi về kinh tế nhưng lại đang trực tiếp phá rừng. Thủy điện không thể chối bỏ trách nhiệm gây ra những trận lụt liên tiếp khủng khiếp trong năm qua. Tất nhiên là không thể đổ hết tất cả các nguyên nhân gây nên lũ lụt, gây nên thiệt hại lên đầu thủy điện; thế nhưng chúng ta nghĩ gì khi mà để làm một thủy điện loại nhỏ, đã phải mất hàng ngàn hecta hồ chứa, rừng phải bị chặt phá để lấy diện tích cho lòng hồ, do đó trách nhiệm của thủy điện trước bao mất mát của đồng bào miền Trung là không thể bao biện. Các dự án thủy điện ở miền Trung luôn đưa ra những hứa hẹn về điều tiết lũ, cắt giảm lũ; họ cũng hứa trồng rừng, trả lại rừng khi nhà máy thủy điện đi vào vận hành. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều thủy điện đã xả lũ vô trách nhiệm, và cũng nhiều diện tích rừng đã mất chưa hề được trồng lại. Chưa kể là nhiều thủy điện hoàn trả rừng bằng cách trồng cây cao su, họ vừa trồng vừa lớn tiếng: “Cây cao su là cây đa mục tiêu, phát triển kinh tế, chống xói lở, phòng chống lũ”. Vậy nhưng thực tế cây cao su trồng cách nhau mỗi cây là 5m, không ngăn được mưa lũ, mưa và đá cứ thế chảy tuột vào nhà dân. Không thể mãi để tình trạng cứ mưa lũ là toàn vùng bị thiệt hại toàn diện như hiện nay, chính sách trả lại rừng của các thủy điện cần phải giám sát chặt chẽ và thông tin rộng rãi.

Một thực tế khác của trồng rừng: Hơn nửa thế kỷ qua, nước ta chỉ quan tâm nhập khẩu các giống cây giá trị kinh tế và sinh thái không cao, thậm chí là nghèo kiệt đất như keo lá tràm, keo tai tượng, bạch đàn (chỉ vài tuổi là khai thác làm nguyên liệu giấy, làm dăm gỗ xuất khẩu)… mà bỏ quên các giống cây rừng nhiệt đới vốn đã thích nghi khí hậu thổ nhưỡng, có tác dụng giữ nước, cản lũ rất tốt, giá trị kinh tế cao…

Tính đến cuối năm 2015, cả nước có trên 14 triệu ha rừng, độ che phủ rừng đạt 40,84%. So với năm 2014, tổng diện tích rừng cả nước tăng 265.350 ha; độ che phủ rừng tăng 0,41%. Có thể nói từ năm 2015, cả nước đã cơ bản chặn được tình trạng suy giảm về diện tích rừng tự nhiên (như đã xảy ra trong các năm 2013, 2014 so với năm 2012). Song cũng cần nhìn nhận một cách khách quan là tài nguyên rừng đang đứng trước nhiều thách thức, tác động từ những yếu tố, điều kiện khách quan như biến đổi khí hậu, sức ép từ phát triển kinh tế - xã hội, cũng như các yếu tố chủ quan từ tác động của con người, trong đó phải kể đến là trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền các cấp, các lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Trong thư gởi Đại hội Hợp tác xã và đội sản xuất tiên tiến miền núi và trung du, Bác Hồ nhắc nhở: “Phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà cửa của mình”.

Thực trạng thiên tai hằng năm diễn ra ở nước ta rất nhiều như bão lũ, sạt lở đất, cát lấn; nếu không có hệ thống rừng phòng hộ, rừng ngập mặn được chăm sóc hằng năm thì liệu rằng con số thiệt hại do thiên tai mang đến không dừng lại ở mức đã thống kê. Có thể nói rừng chính là bùa hộ mệnh, giúp cho đời sống con người luôn được bình an.

Mùa xuân, nhớ lời dặn “Tết trồng cây” do Bác Hồ phát động từ năm 1959, nay vẫn còn rất thời sự. Bảo vệ rừng và trồng rừng, đó cũng là cách thiết thực nhất trong việc học tập đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

V.A  
(TCSH336/02-2017)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng