Câu chuyện hôm nay
“Lễ hội không có tội, mà do một bộ phận con người làm hỏng nó…”
09:03 | 10/02/2017

GS Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo - UBTƯMTTQ Việt Nam và TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đều cho rằng: "Lễ hội không có tội mà một bộ phận con người đã lợi dụng và làm hỏng nó đến mức này như một căn bệnh trầm kha khó chữa đã 15 năm nay".

“Lễ hội không có tội, mà do một bộ phận con người làm hỏng nó…”
Một hình ảnh phản cảm trong hội Gióng đền Sóc (Hà Nội) năm nay. Ảnh: MT

Lễ hội bị biến tướng bởi những tiêu cực không đáng có

Việt Nam được xem là một trong những đất nước có nhiều lễ hội nhất thế giới với khoảng gần 8000 lễ hội. Trong số đó, có nhiều lễ hội truyền thống thể hiện đậm nét văn hóa của người Việt nhưng cũng có những lễ hội mang nhiều biểu hiện tiêu cực của một xã hội văn minh.

Đặc biệt, nhiều lễ hội vẫn còn duy trì những tập tục không phù hợp với xã hội văn minh, bị dư luận phản đối như: tập tục chém lợn ở Lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh), tập tục treo cổ trâu ở Lễ hội đền Đông Cuông (Yên Bái)…, một số lễ hiện tượng phản cảm như cướp lộc ở hội Gióng đền Sóc, cướp lộc ở chùa Hương (Hà Nội), cướp lộc và ấn ở đền Trần (Nam Định), rải tiền lẻ ở chùa Đồng – Yên Tử (Quảng Ninh)… Bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều mặt trái trong khâu tổ chức và quản lý lễ hội ở nhiều địa phương tồn tại từ năm này qua năm khác.

Những biểu hiện tiêu cực trong Lễ hội là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, những biểu hiện này đang vượt ra khỏi giới hạn có thể chấp nhận, khiến Lễ hội bị biến tướng, mất đi vẻ đẹp vốn có và gây ảnh hưởng không ít đến sự tiến bộ của xã hội văn minh. Vì lẽ đó, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải luật hóa lễ hội để đưa lễ hội trở về với nét đẹp văn hóa vốn có. Tức là cần phải có những chế tài, quy định… để xử phạt những biểu hiện tiêu cực trong lễ hội diễn ra hàng năm ở nước ta.

GS Đỗ Quang Hưng cho rằng, là một người nghiên cứu về văn hóa dân tộc lâu năm, ông cảm thấy rất đau khổ và xấu hổ cho một quốc gia khi phải tổng kết chuyện va chạm do tranh giành lộc trong các lễ hội, đến mức sư thầy tại chùa Hương cũng bị kỷ luật của Giáo hội.

“Những sự kiện như thế này đặt ra báo động rất cao về quản lý lễ hội ở nước ta. Cách đây mấy năm, chúng ta bàn đến việc bệ rạc, rồi thương mại hóa ở cấp vĩ mô, cấp tỉnh, huyện, xã… nhưng bây giờ ở cấp độ của cá nhân, của một đám người không nhỏ đặt ra vấn đề quản lý phải nhìn lại. Vận hành một lễ hội như vậy thế là hỏng. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện vừa cho rằng “Bây giờ phải rà soát lại, không khuyến khích, hạn chế bớt lễ hội” là quá muộn. Không chỉ giảm số lượng lễ hội, mà theo tôi dần dần phải đưa yếu tố của dân sự vào trong xử lý. Không thể chỉ giải quyết vấn đề văn hóa bằng văn hóa khi nó đã bị các yếu tố chớm đến dân sự. Nhiều như thế này, hỏng như thế này thì phải dùng cả biện pháp của dân sự để quản lý chứ không chỉ giáo dục đạo đức hay tâm thức văn hóa để nói chuyện này nữa. Tại sao các vụ đánh nhau như thế mà cơ quan an ninh, chính quyền không chọn ra vụ điển hình để xét xử? Là một người nghiên cứu về văn hóa dân tộc lâu năm tôi cảm thấy rất buồn”, GS Đỗ Quang Hưng nói.

Theo GS Đỗ Quang Hưng, thái độ với lễ hội không phải ở chuyện giảm lễ hội mà là cách nhìn và quản lý lễ hội. Tức là không để lễ hội cho một nhóm cộng đồng mà xã hội phải “thò” tay vào và có yếu tố dân sự trong quản lý chứ không thể bỏ mặc thế này để cho nhiều người lợi dụng.

“Khi đã xảy ra chúng ta không nên đặt ra vấn đề giáo dục đạo đức hay lên án mà phải có tính chất xử lý dân sự vì nó làm nhục quốc thể. Tôi chỉ mong đến một lúc nào đó người ta mới nhận diện ra giá trị đích thực của lễ hội thật sự, không quá ham vào hình thức bề ngoài của lễ hội kiểu này nữa. Lễ hội không có tội mà một bộ phận con người đã lợi dụng và làm hỏng nó đến mức này như một căn bệnh trầm kha khó chữa đã 15 năm nay”, GS Hưng nói thêm.

Cần có chế tài cụ thể xử phạt chứ không thể chỉ tuyên truyền

Đồng tình với quan điểm trên, TS Trần Hữu Sơn nhận định, người dân bây giờ đi lễ hầu hết theo xu thế thị trường là chủ yếu, họ đi cầu những gì có lợi cho mình, cầu cho mình là chính chứ không nhiều người hiểu rõ được bản chất thực sự của lễ hội là gì. Về mặt cơ quan quản lý cũng chưa thống nhất được quy định, có giải pháp nhưng lại chưa mang tính hiệu quả cao.

“Hầu hết, những giải pháp đang tồn tại đều không kèm theo những chế tài cụ thể, cấm thế nào thì không có, phạt thế nào cũng chưa cụ thể mà chỉ nói chung chung nên dễ xảy ra các vấn đề tiêu cực trong lễ hội. Lấy ví dụ, đốt vàng mã thì cần thiết đốt đến đâu và đốt như thế nào? Nếu sai thì xử lý ra sao thì không rõ. Kể cả chuyện cướp giật cũng vậy, khi bắt gặp cướp giật trong lễ hội thì phải làm sao? Chúng ta cũng chưa có chế tài để xử phạt, không có phê phán mạnh, cho nên người ta cứ hồn nhiên như thế mà làm, do đó tình trạng mất trật tự và lợi dụng mùa lễ hội để thực hiện những hành vi xấu vẫn xảy ra”, TS Trần Hữu Sơn nói.

Ẩu đả trong lễ hội, cảnh dễ thấy ở nhiều lễ hội hiện nay. Ảnh: D.T
Ẩu đả trong lễ hội, cảnh dễ thấy ở nhiều lễ hội hiện nay. Ảnh: D.T

TS Trần Hữu Sơn cũng cho rằng, việc giáo dục cộng đồng khi tham gia lễ hội là cần thiết nhưng cũng phải song hành với các chế tài để quản lí lễ hội. Và trong mùa lễ hội, nếu nắm bắt tốt vai trò quần chúng sẽ quản lý được tốt vai trò phân cấp trong việc thực hiện công tác quản lý của lễ hội.

Theo TS Trần Hữu Sơn, để lễ hội đi vào nề nếp, các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa phải xây dựng được những văn bản mang tính quản lý nhà nước, nhất là các thông tư, thậm chí là nghị định, quy chế cụ thể từng vấn đề. Bên cạnh đó, phải tuyên truyền mạnh vẫn đề này cho cộng đồng và nên tuyên truyền bằng tiếng nói của các nhà khoa học, tránh dùng tiếng nói phiếm diện để nhiều kẻ xấu lợi dụng mê tín dị đoan hoặc tạo sự phản cảm trong lễ hội. Đặc biệt, cần phải có bộ quy tắc ứng xử cụ thể riêng cho nhân dân khi tham gia vào mùa lễ hội, giám sát việc thực hiện bộ quy tắc đó và phải có biện pháp xử lý kịp thời. Xử lý có thể bằng phương pháp hành chính, phát hiện qua camera…

Trong buổi Tổng kết công tác tổ chức Lễ hội năm 2016, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cũng từng nhấn mạnh, thương mại hóa làm biến tướng, mất đi giá trị văn hóa của lễ hội, dó là điều tuyệt đối ngăn chặn, quản lý thật tốt.

“Chúng ta là quản lý nhà nước, phải khắc phục điểm này, không cấp phép để lễ hội tràn lan. Đây là một trong những hạn chế khá phổ biến chứ không phải cá biệt. Cái gì nói xấu phải làm cho bớt xấu đi, phản cảm thì bớt phản cảm đi. Từ phản cảm đến không còn phản cảm thì rất khó nên chúng ta phải làm từng bước. Năm này, phải khắc phục hạn chế của năm ngoái, cứ tốt lên. Phải tổ chức đối thoại với cộng đồng, bạo lực phản cảm phải dần dần loại bỏ, không bỏ thì nên thay đổi nó để phù hợp với đời sống hiện tại.

"Cố gắng gắn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với ý nghĩa đích thực của lễ hội nhưng cũng trên cơ sở tổ chức phát triển kinh tế", Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ.

Theo “tư lệnh” ngành Văn hóa thì các cơ quan quản lý không cấp phép, tổ chức lễ hội tràn lan vì mục đích thương mại và vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Cần phải chỉ đạo dừng tổ chức đối với những lễ hội đã cấp phép trước đây nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc dư luận xã hội.

Trước những quyết tâm của “tư lệnh” ngành Văn hoá, những phân tích khoa học của các nhà chuyên môn… chúng ta có quyền chờ đợi một sự thay đổi mang tính cứng rắn hơn của các Lễ hội truyền thống trong năm nay.

Theo Hà Tùng Long - Dân Trí

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng