Trong dịp tết vừa qua, tại TPHCM, sàn diễn cải lương khá heo hút. Ngoại trừ chương trình nghệ thuật Ba thế hệ về lại cội nguồn do NSƯT Kim Tử Long đứng ra thực hiện, có bán vé tại rạp Công Nhân vào ngày 6-2, cùng với vài buổi diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang ở cơ sở thì không còn nơi nào tổ chức.
Ngay cả kế hoạch của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang sẽ diễn suốt Tết Nguyên đán Đinh Dậu tại “địa điểm vàng” rạp Hưng Đạo cũng bất thành, vì sân khấu hiện tiếp tục sửa chữa, không thể nghiệm thu và bàn giao.
Sàn diễn cải lương ngày càng heo hút, các rạp hát phục vụ loại hình nghệ thuật này ngày một teo tóp, khán giả vì thế cứ xa dần với niềm say mê sân khấu một thời, nghệ sĩ không có nhiều cơ hội để làm nghề… là một thực trạng đáng buồn. Điều này đang bào mòn sức sống của sân khấu truyền thống, một loại hình nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa đặc sắc, độc đáo của người dân Nam bộ. Đặc biệt, dù từng được mệnh danh là cái nôi của nghệ thuật cải lương, nơi quy tụ nhiều nghệ sĩ tài danh sân khấu, nhưng hiện nay tại TPHCM, sân khấu cải lương đang dần mất chỗ đứng. Những hoạt động lẻ mẻ của sàn diễn cải lương, tình trạng tổ chức biểu diễn èo uột, là quang cảnh cải lương nhiều năm qua, đã và đang là nỗi âu lo rất lớn, nhưng đến nay vẫn chưa được các cơ quan quản lý văn hóa, các cấp lãnh đạo thành phố quan tâm sâu sát, cụ thể.
Nhìn toàn cảnh, TPHCM đã mất đi rất nhiều địa điểm biểu diễn dành cho sân khấu cải lương. Không có điểm diễn ổn định, anh em nghệ sĩ tứ tán, mạnh ai nấy kiếm show lẻ để được diễn, được hoạt động nghề và để có chi phí trang trải cuộc sống. Mặt khác, trong sự phát triển ồn ào của đời sống văn hóa nghệ thuật, giải trí, sân khấu truyền thống bị lấn át bởi nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại, các chương trình giải trí trên truyền hình… Tình hình kinh tế khó khăn nên các hoạt động tổ chức biểu diễn cải lương cũng vì thế mà giảm đi nhiều về số lượng lẫn chất lượng. Những ông bà “bầu” là nghệ sĩ, khi muốn tổ chức các chương trình biểu diễn cũng phải đắn đo cân nhắc vì cầm chắc sự thua lỗ. Muôn trùng khó khăn bủa vây, khát vọng làm nghệ thuật của các nghệ sĩ chân chính cứ thế chất chồng, ngày một nặng nề hơn.
Đã có rất nhiều câu hỏi được các nghệ sĩ, người làm nghề đặt ra: Bao giờ lĩnh vực sân khấu tìm lại thời hoàng kim; đến lúc nào TP mới có được một sân khấu đúng nghĩa, đủ chuẩn, dành cho những trái tim nghệ sĩ tâm huyết với nghề; khi nào lĩnh vực nghệ thuật truyền thống này mới được các cấp lãnh đạo, nhất là lãnh đạo của cơ quan quản lý ngành văn hóa chú trọng, xem xét và trợ giúp cụ thể để thay đổi được hiện thực đáng buồn?
Bất cứ du khách nào đến một địa điểm du lịch cũng mong muốn được khám phá nét đẹp văn hóa của nơi ấy. Nét đẹp văn hóa độc đáo, đặc trưng để giới thiệu, thu hút du khách không gì khác hơn chính là văn hóa truyền thống rất riêng của từng vùng miền, địa phương. Khi văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát huy, ắt sẽ góp sức không nhỏ vào sự phát triển chung của toàn xã hội.
Thế nhưng, tại TPHCM, rất nhiều du khách đã chia sẻ rằng không thể tìm kiếm được cho mình, bạn bè, người thân nơi để giải trí, thư giãn, thưởng thức và cả cơ hội tìm hiểu nét đẹp độc đáo của văn hóa nghệ thuật mang khí chất riêng của TPHCM. Đó là một dấu lặng buồn!
Theo Thúy Bình – SGGP