Câu chuyện hôm nay
Tranh chép - chép tranh
14:13 | 22/03/2017

Khi nhắc đến tranh chép hay công việc chép tranh, nhiều ý kiến khắt khe cho rằng, chính những bức tranh chép đã làm lũng đoạn thị trường hội họa và ảnh hưởng xấu đến nền mỹ thuật nước nhà.

Tranh chép - chép tranh
Một phòng tranh trên đường Bùi Viện, quận 1

Nhưng các phòng tranh chép hiện nay không đồng ý với điều này, họ cho rằng đã không gian dối với khách hàng và tranh chép hay công việc chép tranh được pháp luật công nhận.

Ai chép - chép ai?

Dọc theo các tuyến đường tại TPHCM như Trần Phú, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đồng Khởi và đặc biệt là khu phố Tây đường Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão, có khá nhiều phòng tranh. Với giá từ khoảng 500.000 đồng đến vài triệu đồng, người mua có thể sở hữu những bức tranh chép lại các tác phẩm nghệ thuật không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn lừng danh trên thế giới, của nhiều danh họa như Léonard de Vinci, Goya, Picasso… bên cạnh một số loại tranh phong cảnh, hay tranh décor (tranh trang trí).

Theo họa sĩ Hứa Thanh Bình, Phó Giám đốc nghiệp vụ Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, về vấn đề tranh chép, Bộ Văn hóa - Thông tin đã có quy định cụ thể về “Quy chế sao chép tác phẩm tạo hình” ngày 5-5-2004, như sau: Sao chép tác phẩm mà chủ sở hữu là tổ chức, cá nhân Việt Nam phải được sự đồng ý của chủ sở hữu tác phẩm bằng văn bản (trừ trường hợp chủ sở hữu tác phẩm với người sao chép có thỏa thuận khác). Trường hợp sao chép tác phẩm của tác giả đã qua đời trên 50 năm thì không phải xin phép chủ sở hữu tác phẩm đó. Bản sao chép phải có kích thước lớn hơn hoặc nhỏ hơn tác phẩm gốc, trừ trường hợp sao chép bằng khuôn đúc hoặc khuôn in. Bản sao chép phải giữ đúng nội dung, hình thức như tác phẩm gốc. Bản sao chép tác phẩm tạo hình phải ghi ở phía sau các thông tin: chữ “bản sao” và tên tác giả, tên tác phẩm, chất liệu tác phẩm gốc, năm sáng tác (nếu có), tên người sao chép, kích thước bản sao chép.

Dù luật đã quy định, nhưng trên thực tế, các phòng tranh hiện nay ở TPHCM vẫn chủ yếu chép theo kích thước khách hàng yêu cầu. Nhiều thợ vẽ ở các phòng tranh cũng cho biết, hoàn toàn không ký tên hay chú thích gì lên sản phẩm. Đa phần người mua, người bán đều ngầm hiểu với nhau là tranh chép, nếu là các tác phẩm tranh của các họa sĩ nổi tiếng hay những tác phẩm đã lừng danh trên thế giới. “Tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng giá rất cao, nhiều tranh được đấu giá đến cả triệu USD là chuyện bình thường. Khách hàng tìm đến các phòng tranh chép chủ yếu vì giá cả phải chăng, nhưng vẫn có tranh đẹp theo ý thích”, anh Văn Cường, một thợ vẽ với hơn 10 năm cầm cọ trên đường Bùi Viện cho hay. Còn với những khách hàng là các nhà sưu tầm nghệ thuật, các nhà đấu giá thì nơi họ đến phải là các phòng tranh của các họa sĩ nổi tiếng hay các triển lãm tầm cỡ.

Hiện nay, thị trường tranh chép khá bão hòa và cũng không còn nhộn nhịp như trước. Đơn hàng chủ yếu từ những khách quen, khách nước ngoài và sản phẩm chủ yếu là tranh chép từ các tác phẩm của các danh họa nổi tiếng trên thế giới như Picasso, Van Gogh…“Khách nước ngoài thường đặt mua tranh chép làm quà, khách trong nước thì đa phần để trang trí nhà cửa, văn phòng hay quán xá”, anh N.H, chủ một phòng tranh trên đường Trần Phú cho hay.

Tranh chép, nên hay không nên?

Ý kiến từ các phòng tranh cho rằng: “Tranh mà chúng tôi sao chép không gọi là tác phẩm mà là hàng hóa. Có cầu có cung. Chứ giá từ vài trăm ngàn đồng hay vài chục USD một bức, lấy đâu ra tranh thật. Từ việc treo bảng hiệu đến giới thiệu với khách hàng, chúng tôi đều nêu rõ là tranh chép”, anh T.H, chủ một phòng tranh trên đường Bùi Viện cho biết.

Những người trong giới mỹ thuật tạm gọi tranh chép là dòng tranh thứ cấp, nhưng rõ ràng dòng tranh này vẫn phục vụ được một bộ phận khách hàng có nhu cầu. Đến nay, tranh chép hay công việc chép tranh hoàn toàn đã có quy định của pháp luật. Khách hàng vẫn còn nhu cầu tìm đến thì tranh chép vẫn có thị trường riêng.

Tuy nhiên, qua sự việc đáng tiếc khi một triển lãm tranh tại TPHCM bị phát hiện là sử dụng tranh giả đã tạo nên một làn sóng phẫn nộ không chỉ riêng với giới hội họa mà cả những người dành tình yêu cho mỹ thuật. Câu hỏi đặt ra, liệu có chăng một dòng tranh chép tinh xảo hơn, tuy không xuất hiện công khai nhưng đã làm ảnh hưởng xấu đến nền mỹ thuật nước nhà, cũng như danh dự của các họa sĩ có tên tuổi.

Theo Kim Loan – SGGP





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Hạnh phúc là... (21/03/2017)