Hơn 90% người đến tham dự buổi nói chuyện “Chế ngự khủng hoảng tuổi thành niên” là thanh niên. Theo Ths Tâm lý học Nguyễn Lan Anh: đó là tín hiệu đáng mừng!
Hội trường tầng ba của NXB Tri thức kín chỗ, càng về sau, khách đến càng đông, và trừ bốn giáo sư tóc bạc ở vị trí khách mời, người tham dự đều ở trong độ tuổi “mười mấy đến hai mấy”.
“Chế ngự khủng hoảng tuổi thành niên” là một cuốn sách của nữ tác giả Alexandra Robbins (sinh năm 1976). Nó bao gồm những lời khuyên của những người tuổi hai mươi đã trải nghiệm và chế ngự khủng hoảng. Đây là tác giả có sách bán chạy nhất dựa trên số liệu của New York Times. Sách của bà tập trung vào đối tượng thanh niên, vào giáo dục và cuộc sống trong trường đại học hiện đại cùng các khía cạnh thường bị bỏ qua hoặc coi nhẹ bởi những người quản lý.
Theo dịch giả Trần Nguyên (tên thật là Trần Cảnh Dương), đây là một cuốn sách dày công và tỉ mỉ, bởi ngoài những vấn đề về tâm lý học, hơn nửa cuốn sách là những ví dụ người thực việc thực. “Chế ngự khủng hoảng tuổi thành niên” đã được NXB Tri thức tổ chức dịch và phát hành vào tháng 5/2016.
Dịch giả chia sẻ: năm năm trước, khi nhận dịch cuốn sách này, bản thân anh cũng đang trong giai đoạn khủng hoảng. Mới ra trường vài năm, chưa biết tương lai là gì, chưa biết đam mê của mình là gì, và vẫn “đi tìm công việc mà mình sẽ gắn bó cả đời”.
Anh Dương cũng cho rằng, cuốn sách hấp dẫn anh vì tác giả đưa ra rất nhiều trường hợp khủng hoảng cụ thể và những gợi ý trả lời. Người đọc có thể tìm đáp án cho mình qua sách, cũng có thể chỉ cần biết rằng, họ không phải là người duy nhất gặp rắc rối như vậy.
Ngoài ra, cuốn sách còn nhấn mạnh đến việc nhận thức khủng hoảng. Rằng khủng hoảng tuổi thành niên là một điều tự nhiên, ai cũng phải trải qua và mỗi người sẽ có một vấn đề riêng của mình. Có người khủng hoảng ước mơ: không biết mình muốn gì, thích gì. Người khủng hoảng trong các mối quan hệ: không giỏi giao tiếp, mình có phải đồng tính hoặc lưỡng tính? Người khủng hoảng công việc: tự nhiên muốn bỏ việc, muốn làm lại từ đầu. Người gặp vấn đề với gia đình, bạn bè. Người gặp rắc rối về cá tính: tại sao cuộc sống của tôi tẻ nhạt và vô nghĩa?
Ths Nguyễn Lan Anh làm một test nhỏ, cô hỏi: ai trong số những người tham dự talk này đang bị khủng hoảng? Có đến 3/4 số người giơ tay. Chị Lan Anh cho rằng: việc các độc giả đến tham dự cuộc nói chuyện này và thừa nhận vấn đề của mình là một tín hiệu đáng mừng. Bởi vì không phải thanh niên nào cũng nhận ra được “mình đang có vấn đề” và “mình cần giải pháp”. Chị Lan Anh cũng thừa nhận: khi tôi 20 tuổi, tôi không làm được như các bạn. Lúc đó tôi chỉ quan tâm đến những vấn đề ngoài mình như công việc, cơ hội học tập, mức lương… mà bỏ qua những stress cá nhân.
Hơn nửa thời gian về sau là thời gian dành cho những câu hỏi “cụ thể, bé nhỏ và cá nhân” như yêu cầu của GS Chu Hảo. Đa phần những thắc mắc đưa ra tập trung vào khủng hoảng: không biết mình muốn gì, thích gì, đam mê của mình là gì, và nên chọn ngành nghề nào cho phù hợp? Có sinh viên trường Bách khoa nêu vấn đề: không hiểu chuyện gì xảy ra khi việc học liên tục tụt dốc, bị cảnh cáo lần một, lần hai, lần ba, và bây giờ nỗ lực học lại mà không có một xíu niềm vui hay hy vọng? Một trường hợp khác, từng thử qua gần mười công việc: từ bartender, đầu bếp, kế toán… và giờ đang học đông y theo gia đình nhưng vẫn không thể tìm thấy đam mê thực sự?
Nguyễn Hoàng An (ĐH Kinh tế): “Tôi đến đây vì bản thân đang cảm thấy bế tắc. Tôi sắp tốt nghiệp, muốn mở cửa hàng buôn bán, nhưng bố mẹ chỉ kỳ vọng tôi xin vào các công ty, lương thấp cũng được, chỉ cần ổn định”.
Trần Huy Hoàng (Kim Liên, Hà Nội): “Năm ngoái tôi thi trượt đại học, năm nay đang ôn lại. Rất hoang mang không biết chọn trường nào, cũng không tìm thấy chuyên ngành mình thực thích”.
GS Chu Hảo có một câu trả lời rất ngắn: muốn có đam mê thì phải giỏi, muốn giỏi phải chăm chỉ. Không chăm chỉ thì không thể nói chuyện đến đam mê, mơ ước hay bất cứ thứ gì.
Nhà giáo Phạm Toàn cho rằng: không có đam mê từ đầu, từ đầu chỉ có lười. Đam mê thực sự sẽ phát triển trong quá trình làm việc. Làm việc có thành quả tự sẽ thành đam mê.
Dịch giả Trần Cảnh Dương kể: chính tôi sau 10 năm ra trường, thử qua hơn 10 công việc khác nhau cũng mới phát hiện ra mình thích dịch sách. Nhưng bây giờ tôi lại có một khủng hoảng khác: là dịch sách thì không đủ sống, phải làm gì đó để có thể kiếm tiền nuôi việc dịch?
Ths Nguyễn Lan Anh mách nước: hiện nay đã có giáo trình và bộ test PQ (chỉ số đam mê) và AQ (chỉ số vượt khó). Những người đang hoang mang tìm đam mê có thể thử test và tham khảo.
Nguồn: Đạt Nhi - TP