Nhiều biểu hiện cho thấy nhận thức của xã hội đối với sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Người dân chưa hình thành ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ; chủ sở hữu chưa chủ động thực hiện việc bảo vệ quyền và tài sản của mình mà vẫn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại.
Đã hơn 10 năm kể từ khi Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành, song tình trạng vi phạm bản quyền ở mọi lĩnh vực, đặc biệt là văn học nghệ thuật dường như không giảm, thậm chí có chiều hướng gia tăng. Nhiều giải pháp nâng cao năng lực thực thi quyền tác giả, quyền liên quan đã được đưa ra, nhưng chưa hiệu quả. |
Tranh cãi không hồi kết
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) mới đây ra thông báo tiếp tục thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi trong khách sạn từ quý IV.2017, khiến hàng trăm khách sạn tại Đà Nẵng phản ứng gay gắt. Họ cho rằng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là cần thiết và phải làm, nhưng không thể theo cách không rõ ràng như thế, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác, cụ thể ở đây là các khách sạn. Theo đại diện Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng, ở các nước châu Âu, người xem trả trực tiếp cho kênh truyền hình họ muốn xem, bảng giá được niêm yết tại phòng khách sạn. Còn tại Việt Nam, đài truyền hình đã trả tiền tác quyền cho VCPMC, nên việc VCPMC tiếp tục thu tiền các khách sạn là trùng lặp. Ngoài ra, các khách sạn đã nộp tiền cho đơn vị phát sóng thì việc VCPMC thu tiền trên từng tivi là phí chồng phí.
Đáp lại phản ứng trên, Giám đốc VCPMC, nhạc sĩ Phó Đức Phương đưa quan điểm, việc các cá nhân và đơn vị tổ chức sự kiện tùy tiện sử dụng tác phẩm âm nhạc mà chưa được sự đồng ý của tác giả hoặc người được ủy quyền sở hữu tác phẩm là điều không thể chấp nhận. Tác phẩm âm nhạc là tài sản riêng của mỗi nhạc sĩ. Họ có quyền được hưởng thành quả lao động nghệ thuật của mình. Vì thế, việc thực thi trách nhiệm bản quyền đối với các nhạc sĩ là điều hiển nhiên, cũng là ứng xử văn minh, thể hiện sự tôn trọng sáng tạo của nghệ sĩ.
Bản thân nhạc sĩ Phó Ðức Phương cũng thừa nhận cách thức thu phí như vậy không đúng, nhưng không thể không làm vì có quá nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn đã “quỵt” tiền tác quyền, mà một trong những nguyên nhân là do kẽ hở của luật pháp, khi trong thủ tục xin cấp phép biểu diễn nghệ thuật không có điều kiện cá nhân, đơn vị tổ chức phải xin phép tác quyền.
Cuộc tranh cãi thu phí bản quyền qua tivi tại phòng khách sạn dường như khó có hồi kết khi mỗi bên đều đưa ra lý lẽ theo cách của mình.
Ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ kém
Tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan diễn ra ở nhiều lĩnh vực với nhiều hình thức và mức độ phức tạp. Thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về hoạt động thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đối với các sáng tạo của ngành văn hóa cho thấy, 5 tháng đầu năm 2017, Thanh tra Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính 34 doanh nghiệp, số tiền xử phạt là 900 triệu đồng. Riêng lĩnh vực âm nhạc, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, đã phát hiện và xử phạt 8 doanh nghiệp có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ, với số tiền xử phạt là 227 triệu đồng. Đó là chưa kể đến hàng trăm cá nhân, đơn vị tìm mọi cách để trốn tránh việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan.
Đại diện thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, việc thực thi bản quyền hiện nay còn nhiều bất cập. Vai trò của các cơ quan tư pháp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ chưa được phát huy đúng mức, thể hiện qua các vụ việc được giải quyết ở tòa án rất ít, mà chủ yếu ở cơ quan hành chính. Giải quyết tranh chấp dân sự đáng lẽ phải được coi là biện pháp chủ yếu nhưng đã bị hành chính hóa quá mức. Bên cạnh đó, hiện chưa có đội ngũ công chức chuyên trách về quyền tác giả, quyền liên quan, nên chưa đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn đặt ra trong công tác quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Nhận thức, sự hiểu biết của xã hội về bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng hạn chế, thể hiện ở chỗ chưa hình thành ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Do lợi ích vật chất, người tiêu dùng vẫn tiêu thụ các sản phẩm xâm phạm sở hữu trí tuệ, một số chủ thể kinh doanh có những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các chủ sở hữu trí tuệ chưa chủ động thực hiện việc bảo vệ quyền và tài sản của mình mà còn nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các tổ chức. Trưởng Phòng Quản lý nghệ thuật, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Nguyễn Văn Trực nhận định: Lâu nay, nhiều vụ việc ngay bản thân tác giả cũng không ý thức được giá trị tác phẩm của mình, không đăng ký bản quyền, để đến khi xảy ra tranh chấp rất khó xử lý. “Không phải cứ xử lý thật mạnh vi phạm là xong. Vấn đề còn nằm ở ý thức coi trọng bản quyền của tác giả, người sử dụng đối với những sản phẩm trí tuệ” - ông Nguyễn Văn Trực nói.
Theo Hồng Hà - ĐBND