Trước các phương tiện nghe nhìn, sách đang trở nên yếu thế hơn. Người lớn cũng ngại đọc sách, còn trẻ em thì thích xem iPad và chơi game. Làm sao để tạo được thói quen đọc sách cho trẻ, qua đó, dần nuôi dưỡng tâm hồn các em bằng sách?
Đọc sách cho con từ khi nào?
Đây là thắc mắc của rất nhiều bậc cha mẹ quan tâm tới sự phát triển nhân cách của trẻ trong xã hội hiện đại. Chuyên gia Nhật Bản Ko Shichida- tác giả cuốn sách “33 bài thực hành theo phương pháp Shichida” và bộ sách tranh “Nuôi dưỡng tâm hồn” (NXB Kim Đồng phát hành) cho rằng, đọc sách cho con trẻ càng sớm càng tốt. Hãy đọc sách cho con ngay từ khi con còn đang nằm trong bụng, bởi ông Ko Shichida cho rằng: “Đọc cho trẻ lúc này có thể củng cố tốt việc giao tiếp giữa mẹ với bé”.
Tuy vậy, việc đọc sách không có lúc nào là muộn. Nếu chưa đọc sách cho con từ lúc còn trong bụng mẹ, thì cha mẹ cũng có thể đọc cho con từ lúc 1, 2 tuổi. “Hãy dành từ 20 đến 30 phút mỗi ngày để đọc sách cho con, và tốt nhất nên đọc cho con vào trước lúc đi ngủ thay vì để con tự đọc”- chuyên gia đến từ Nhật Bản chia sẻ. Theo vị chuyên gia này, đây là thời gian để cha mẹ gần gũi và chia sẻ cùng con, đồng thời, con cũng thấy được việc quan tâm và tình yêu thương của cha mẹ.
Việc đọc sách sớm giúp trẻ phát triển khả năng tưởng tượng và tăng vốn từ vựng giúp tăng khả năng diễn đạt cho trẻ…
Nhưng thực tế hiện nay đây là công việc nhiều người cảm thấy nản, bởi các thiết bị nghe nhìn đã “choán” đi nhiều tâm trí của trẻ ngay khi ở “giai đoạn vàng”- tức là từ 0 đến 3 tuổi. Bên cạnh đó, tại các đô thị lớn, áp lực công việc và nhiều thứ khác đã khiến thời gian cha mẹ dành cho con cái ngày một ít đi.
TS. Giáp Văn Dương cho rằng, để trẻ thích đọc sách thì trước hết bố mẹ phải là người thích đọc sách. Trong gia đình phải có không gian sống sao cho việc đọc sách thuận lợi. Ngay từ khi con còn nhỏ, chưa biết chữ thì hãy chọn những cuốn sách được sử dụng như đồ chơi. Lớn hơn là những cuốn sách có nhiều hình ảnh, nhiều tranh đẹp…
Đồng quan điểm này, bà Jeannie Ho-Chan - Viện trưởng Viện giáo dục Shichida Việt Nam đưa ra gợi mở: Muốn con yêu thích việc đọc sách thì cha mẹ nên tìm hiểu sở thích của con trước khi đọc. Đồng thời, cha mẹ nên tạm tắt tất cả các thiết bị nghe nhìn quanh mình. “Đứa trẻ sẽ không thể tập trung nếu ba mẹ vẫn còn cầm theo điện thoại bên cạnh. Những việc làm tuy nhỏ nhưng sẽ làm giảm, thậm chí mất dần hứng thú muốn nghe/ đọc sách của con”- bà Jeannie Ho-Chan nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa ra tư vấn, để giúp trẻ giảm bớt việc giải trí trên các thiết bị điện tử, mỗi tuần cha mẹ nên dẫn con đến nhà sách 1 đến 2 lần. Việc thường xuyên dẫn con tới các nhà sách hoặc các hội sách để con tự chọn những cuốn sách con thích là một cách có thể tăng hứng thú đọc sách đồng thời để con có “trách nhiệm” với những cuốn sách con đã chọn. Một điều quan trọng nữa, nên bổ sung nhiều sách mới cho tủ sách của trẻ.
Truyện tranh hay truyện chữ?
Thế giới sách ngày nay thật sự phong phú và đa dạng. Mảng sách dành cho thiếu nhi cũng đã được chú trọng không chỉ ở nội dung mà hình thức cũng đã được các đơn vị xuất bản, phát hành đầu tư in ấn với hình thức đẹp, thậm chí nhiều tựa sách không thua kém sách được xuất bản ở nước ngoài. Bên cạnh đó, độc giả ở bất cứ lứa tuổi nào cũng có các đầu sách, kể cả sách dành cho các em ở độ tuổi từ 0 đến 1 tuổi. Sách do các tác giả trong nước biên soạn cũng có, sách mua bản quyền nước ngoài cũng nhiều.
Tuy vậy, đứng trước “rừng” sách như hiện nay, nhiều bậc cha mẹ rất băn khoăn. Một trong những băn khoăn đó là cho con tiếp cận truyện chữ hay truyện tranh?
Theo TS. Giáp Văn Dương, mỗi thể loại đều có cái hay, cái dở, cái hạn chế và vấn đề là chúng ta phải điều chỉnh như thế nào. TS. Dương chia sẻ thêm, khi còn ở nước ngoài, nhờ truyện tranh mà con trai ông giữ được tiếng Việt. Cho đến bây giờ gia đình ông vẫn để con đọc cả truyện tranh và truyện chữ. TS Dương cũng cho rằng, việc trẻ đọc truyện tranh không phải là xấu, và ngay cả đọc truyện chữ cũng không phải hoàn toàn tốt.
Trong khi đó, nhà văn Di Li cho rằng, quan niệm truyện chữ tốt hơn truyện tranh là một hiểu lầm khá phổ biến. Theo Di Li, mỗi người có thể tiếp thụ qua một phương pháp khác nhau. Có người tiếp thu rất tốt qua phương pháp đọc và có thể tự học, có người tiếp thu qua phương pháp nghe và có người tiếp thụ qua phương pháp có hình ảnh trực quan sinh động. Đó là lý do khiến có những trẻ chỉ đọc được truyện tranh mà không thể đọc truyện chữ. Bởi nếu đọc truyện chữ trẻ phải có óc tưởng tượng. Nhưng có những trẻ không thể tưởng tượng được hình ảnh qua con chữ. Cho nên chúng ta không thể áp dụng máy móc trẻ nào cũng giống như nhau. Cũng đừng so sánh tại sao đứa trẻ này đọc truyện chữ mà con mình hay đứa trẻ khác chỉ đọc truyện tranh… điều này không có vấn đề gì cả, miễn là các cháu thích đọc, truyện tranh hay truyện chữ cũng tốt.
Chốt lại, nhà văn Di Li cho rằng, chọn cho con dù là truyện tranh hay truyện chữ cũng phải bổ ích, không nên chọn truyện tranh bạo lực.
Theo Hà Khanh - ĐĐK