Trong bối cảnh cần khẳng định văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, việc tìm ý tưởng sáng tạo từ “Truyện Kiều” được cho là con đường ngắn nhất. Như GS. Phong Lê, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam nhận định: “Doanh nhân dùng chữ tâm ấy để tiến là phúc cho họ, cũng là phúc cho xã hội vậy”.
Soi sáng chữ “nghiệp”
“Một buổi sáng, bảo vệ bắt được một công nhân ăn trộm sản phẩm. Nếu đơn giản thì để công an xử lý và cho thôi việc là xong. Nhưng trong Kiều có câu đã ảnh hưởng đến tôi khi đưa ra quyết định: Tha ra thì cũng may đời/ Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen. Nói chuyện mới biết cậu ta chơi bài và nợ, tôi phân tích, rồi còn cho cậu ta thêm tiền sắm sửa nồi niêu, gạo nước và một ít để sinh hoạt. Sau buổi ấy, anh tỉnh ngộ, làm việc nghiêm túc, giờ đã lấy vợ, sinh con và có cuộc sống yên ổn”, TS. Phạm Văn Tuần, Tổng Giám đốc Công ty Hanvico nhớ lại. Suốt quá trình xây dựng và phát triển sự nghiệp, ông đã dựa vào chữ “tâm” trong “Truyện Kiều” như “ngọn lửa” dẫn đường như vậy. “Chữ tâm ứng xử với bạn hàng ra sao, chữ tâm làm ra sản phẩm như thế nào... Người giám đốc phải có tâm mới yêu quý công nhân, mới dẫn dụ họ đồng tâm hiệp lực xây dựng công ty”.
Tại Hội thảo “Doanh nhân với Truyện Kiều, Truyện Kiều với doanh nhân” tổ chức nhân kỷ niệm 197 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du, nhiều câu chuyện được kể về sức mạnh của Truyện Kiều với nghiệp doanh nhân. Theo GS. Phong Lê, đó như một sự khẳng định: “Chữ tâm soi sáng chữ nghiệp và sinh ra nhân văn. Có nhân văn, giải quyết công việc mới thấu lý đạt tình”. Doanh nhân Nguyễn Thị Kỳ, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Anh Quyền đúc kết, trong cuộc đời, điều bà nhớ nhất chính là những trưa hè, dưới lũy tre rợp bóng, người mẹ đưa võng à ơi: Thiện căn ở tại lòng ta… Những câu thơ cất lên tưởng thoảng qua mà cực kỳ thấm thía. Để đến thời kỳ chật vật làm kinh tế, trở thành doanh nhân, bà vẫn nghiêm túc, miệt mài theo đúng nghĩa: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
“Tôi quên sao một ngày đông giá rét, có bà mẹ một tay bế đứa trẻ mới 3 tháng tuổi, tay kia dắt đứa con chỉ hơn 1 tuổi, ba mẹ con tím tái vì rét. Bỗng bên tai tôi văng vẳng câu Kiều: Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương… Rồi tôi nhận cô vào làm công nhân trong dây chuyền sản xuất giấy dầu, đưa cô tiền mua nhà và cho trả dần. Giờ đã gần 20 năm, hai con cô một cháu đã xây dựng gia đình, một cháu đã vào đại học…”. Với doanh nhân Nguyễn Thị Kỳ, đạo đức là cái rốt ráo nhất trong kinh doanh. Có tiền trong tay nên để nó sinh sôi nảy nở một cách chân chính, biến nó thành mầm thiện để gieo cho đời bằng những việc làm ý nghĩa.
Thước đo phẩm chất doanh nhân
“Dù rằng xã hội đã thay đổi nhiều nhưng còn rất nhiều thử thách phía trước đòi hỏi sự lao động chân chính, kiên trì. Để trở thành doanh nhân, tất cả mọi người đều phải vượt qua vô vàn cản trở trong cuộc đời lập nghiệp. Đối với doanh nhân chân chính, tiền là phương tiện, công cụ, không phải mục đích hay lý tưởng cuộc đời, lý tưởng cao cả của họ là được cống hiến tài, lực cho phồn vinh xã hội”. Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam Vũ Ngọc Phương |
“Cha tôi vẫn bảo, khi giảng Kiều, ông nội con hay nhắc đi nhắc lại rằng: Đồng tiền là đen là bạc, là nén bạc đâm toạc tờ giấy. Cụ Nguyễn Du qua đó để lên án mạnh mẽ một tầng lớp con buôn lọc lừa, xảo trá. Nhưng cũng nên qua đó mà nhìn nhận đúng về tính hai mặt của đồng tiền, chọn lấy mặt tốt làm động lực phát triển kinh tế, làm sức mạnh cống hiến nhiều hơn cho xã hội” - doanh nhân Trần Thị Chung, Giám đốc Công ty TNHH Chung Thuận Phát, Phó Chủ tịch Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn Việt Nam nói. Đây cũng là điều được dược sĩ, doanh nhân Nguyễn Duy Như, Công ty TNHH Tuệ Linh ý thức sâu sắc: “Đúng là đồng tiền có sức mạnh hết sức ghê gớm nhưng bản thân nó không có tội. Đồng tiền sạch hay bẩn là do con người làm ra và sử dụng nó. Nhiều tiền thì ai mà chẳng muốn, nhưng làm tiền theo cách của Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh… thì thời đại nào cũng đáng lên án”.
Có ý kiến cho rằng, doanh nhân làm ra sản phẩm sẽ coi như con đẻ của mình nếu họ có tâm. Họ thổi hồn vào công việc, để thành quả được xã hội tiếp sức cho sức sống lâu bền. Một khi giá trị tinh thần được thăng hoa, tâm hồn doanh nhân cũng thanh thản. Ngược lại, những người đưa ra thị trường chiêu trò lừa đảo, tạo dựng sự trắng đen lẫn lộn, thật giả khó phân thì trong hoàn cảnh đó, bài học từ Truyện Kiều lại càng cần hơn bao giờ hết. Chỉ ra những mỗi quan hệ giữa Truyện Kiều với việc kinh doanh, doanh nhân - nhà Kiều học Trần Đình Tuấn cho rằng, Truyện Kiều như một thước đo phẩm chất doanh nhân. Giá trị của kiệt tác có thể được nhận định cụ thể, sâu sắc tùy thuộc vào từng lĩnh vực đặc thù của doanh nghiệp.
Đồng tình với quan điểm này, GS. Nguyễn Đình Chú, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ ra: Cuộc sống con người dù “thiên hình vạn trạng” nhưng chung quy vẫn ở hai phương diện: Đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Cách xử lý mối quan hệ giữa hai phương diện đó thế nào thể hiện là người biết sống hay chưa biết sống, biết sống sâu hay chỉ sống hời hợt… “Trong những nhân tố, điều kiện cốt thiết cho sự hình thành và bản lĩnh một doanh nhân chân chính, rất cần có tư chất văn hóa, còn gọi là văn hóa doanh nhân. Hiểu được những giá trị thực sự thì nghiệp kinh doanh sẽ phát triển bền vững”.
Theo Hải Đường - ĐBND