Câu chuyện hôm nay
Truyền lửa đổi mới
15:15 | 19/10/2017

“Học sinh như bó đuốc, nhiệm vụ của tôi là truyền lửa cho bó đuốc. Nhưng trước khi truyền lửa được thì giáo viên phải là người yêu thích, say mê tìm tòi, chắt lọc cái hay trong môn học, khơi gợi cho các em tự tìm tòi, tự phát hiện ra vấn đề”. Đó là chia sẻ của thầy giáo Lê Quang Nhân, Trường THPT chuyên Nguyễn Du, Đắk Lắk tại Lễ tuyên dương gương Người tốt việc tốt đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016 - 2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) tổ chức sáng 18.10.

Truyền lửa đổi mới

“Tôi chỉ là người hướng dẫn”

 “Những đổi mới, sáng tạo từ hôm nay sẽ là bước chuẩn bị tốt để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới trong thời gian tới. Đổi mới giáo dục sẽ chỉ thành công khi mỗi cá nhân trở thành hạt nhân đổi mới, mỗi chúng ta ý thức được trách nhiệm của mình trong quá trình đổi mới đó” -  Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, Bộ GD - ĐT xác định giáo viên là nhân tố quan trọng quyết định việc dạy và học có chất lượng; sự đổi mới, sáng tạo trong dạy và học của giáo viên và học sinh là yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục nước nhà. Xuất phát từ nhận thức đó, ngày 19.10.2016, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phùng Xuân Nhạ đã phát động phong trào đổi mới sáng tạo trong dạy và học trong toàn ngành giáo dục giai đoạn 2016 - 2020.

Một năm qua, phong trào đổi mới, sáng tạo trong dạy và học đã có vị trí quan trọng trong mỗi nhà trường. Nhờ đó, những tấm gương người thầy người cô trên khắp mọi miền đất nước, tận tụy hết lòng vì thế hệ tương lai, không ồn ào, khoa trương hàng ngày gieo chữ, gieo kiến thức, gieo tin yêu và gieo mầm tương lai cho đất nước được xã hội biết đến và trân trọng. Là một trong 63 gương mặt giáo viên được Bộ GD - ĐT tuyên dương năm nay, câu chuyện sáng tạo trong dạy và học của thầy giáo Lê Quang Nhân, Giáo viên môn Tin học, Trường THPT chuyên Nguyễn Du, Đắk Lắk vẫn được nhiều người chia sẻ. Môn Tin học thường là môn học đặc thù và được xem là môn phụ trong các trường THPT. Đây cũng không phải là môn được lựa chọn để thi tuyển đầu vào đại học nên việc thu hút, tạo hứng thú cho học sinh, đặc biệt học sinh vùng đồng bào dân tộc khá khó khăn. Thế nhưng, thầy Nhân luôn quan niệm “Học sinh như bó đuốc, nhiệm vụ của tôi là truyền lửa cho bó đuốc đó cháy. Nhưng trước khi truyền lửa được thì giáo viên phải là người yêu thích, say mê tìm tòi, chắt lọc cái hay trong môn học, khơi gợi cho các em tự tìm tòi, tự phát hiện ra vấn đề”. Do đó, thầy Nhân đã tạo ra những lớp học trực tuyến giúp các em lập trình hay giải toán trực tuyến. Thông qua những lớp học này, học sinh sẽ tự thấy mình đang ở thứ hạng nào so với các học sinh khác trong lớp. Một số trang web giải toán trực tuyến không chỉ cho các em học sinh biết kết quả ngay mà còn giúp các em biết được thứ hạng của mình so với các học sinh trên toàn quốc. “Thông qua các lớp học như vậy, học sinh có khao khát thăng hạng và tự thúc đẩy bản thân. Tôi chỉ là người hướng dẫn”, thầy Lê Quang Nhân nói.
 

Người đi đầu là người sáng tạo

Xuân Đường là một xã vùng sâu thuộc huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Dân cư phần lớn là những người di dân theo diện đi kinh tế mới đến khai phá rừng làm rẫy, làm công nhân cao su, thu nhập của phần lớn hộ dân chỉ ở mức độ thoát nghèo. Khi năm học mới đã bắt đầu, một trong những vấn đề được quan tâm là việc có tiếp tục triển khai Mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN) hay không? Với vai trò là Hiệu trưởng, thầy Lê Đức Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Đường đã có những sáng tạo trong dạy và học, khiến phụ huynh, học sinh, đặc biệt là giáo viên đồng thuận hưởng ứng.

Thầy Lê Đức Dũng chia sẻ, những ngày đầu tham gia, chúng tôi đều rất lo, bởi giáo viên vốn gắn bó bao năm với chương trình và quy trình dạy học hiện hành, lại không có kinh phí tài trợ từ nguồn dự án. Thêm vào đó, cha mẹ học sinh và cộng đồng địa phương đa số nghèo và chưa biết gì về mô hình, trong khi nhà trường vẫn phải bảo đảm chất lượng giáo dục của trường chuẩn. Thật sự, lúc đó tôi cũng chưa tin tưởng về hiệu quả của mô hình, nhất là đối với các trường ngoài dự án như trường tôi. Dần dần, chúng tôi đã nhận ra cách giải quyết tốt nhất là vận dụng linh hoạt những giá trị cốt lõi của mô hình như: Đổi mới sinh hoạt chuyên môn, hoạt động học, phối hợp với cha mẹ học sinh và rèn kỹ năng tự quản để ổn định, nâng dần chất lượng giáo dục một cách bền vững.

“Quan trọng nhất của đổi mới là người thầy, nếu không có người thầy tốt thì mọi cuốn sách hay đểu trở nên vô nghĩa, mọi đổi mới, nếu không từ người thầy thì coi như thất bại. Và để có được người thầy tốt thì đó là vai trò của người quản lý, người hiệu trưởng còn quan trọng hơn. Tôi luôn canh cánh mang đến những điều tốt nhất cho đội ngũ, cho nhà trường của mình. Vị trí quản lý phải là người có chuyên môn, là người biết chia sẻ tâm tư, ngẫm nghĩ cùng anh em (đội ngũ cán bộ, giáo viên - PV). Và đặc biệt cần truyền lửa đổi mới đến đội ngũ của mình, đó là những cách làm mới, không đi đường mòn. Tôi vẫn nói với các anh em  rằng, một là mình giỏi nhất, hai là mình phải là người mới nhất, khi mình mới nhất thì mình đã là người sáng tạo” - Thầy Lê Đức Dũng bộc bạch.

Đổi mới, sáng tạo là dòng chảy không ngừng, những hành động đẹp, việc làm tốt dù có bao nhiêu cũng không thể là đủ. Chính vì vậy, bên cạnh việc biểu dương, khích lệ những tấm gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học của các thầy cô giáo, các em học sinh trong năm học 2016 - 2017, ý nghĩa lớn lao nhất mà lễ tuyên dương mang lại đó là tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng, nhân lên nhiều hơn nữa những tấm gương điển hình trong toàn ngành giáo dục.

Theo Minh Vân - ĐBND

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng