Câu chuyện hôm nay
Văn hóa và phát triển bền vững
14:21 | 28/12/2017

Văn hóa là sản phẩm, đồng thời là điều kiện, động lực, phương thức tồn tại và phát triển của một đất nước. Văn hóa có sự phát triển tự thân nhưng cũng có cả sự tiếp nhận bên ngoài. Theo các chuyên gia, trong khi bảng giá trị của người Việt xuất hiện một số hiện tượng lệch lạc, cần nghiên cứu xây dựng hệ thống chuẩn mực xã hội, từ đó xác định khuôn khổ để trở lại chân giá trị.

Văn hóa và phát triển bền vững
Nhiều di sản văn hóa của Việt Nam đã được UNESO công nhận - Nguồn: ITN

Sức mạnh nội sinh

“Thực tiễn cho thấy, việc nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa và phát triển cần đi sâu, tìm ra nội dung, đặc điểm, tính chất, các biểu hiện, cơ chế tác động của những yếu tố văn hóa với tính chất là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đối với toàn bộ tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

GS. TS. Tạ Ngọc Tấn
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Văn hóa Việt Nam được cộng đồng thế giới đánh giá là có nhiều thay đổi tích cực cả trong nhận thức và thực tiễn. Việc Đảng và Nhà nước coi văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực của phát triển, đã làm cho văn hóa đất nước thực sự khởi sắc, phát huy được phần lớn giá trị truyền thống. Điều này cũng thể hiện rõ qua sau hơn 30 năm từ khi Việt Nam tham gia Thập kỷ quốc tế về văn hóa trong phát triển (1986 - 1997), văn hóa truyền thống được tôn trọng và phục hồi căn bản, các giá trị vật thể và phi vật thể được xác định và đánh giá theo chuẩn quốc tế, nhiều hoạt động văn hóa được hiện đại hóa và cộng đồng quốc tế ghi nhận; giao lưu và tiếp biến văn hóa đặc biệt mở rộng; văn hóa công quyền, ứng xử, hội nhập… gần gũi hơn với khu vực và thế giới.

Cùng với đó, đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú. Nhiều giá trị truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Sản phẩm văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng. Nhiều phong trào, hoạt động văn hóa đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực. Xã hội hóa ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa. Các giá trị và bản sắc, gồm cả bản sắc địa phương, tộc người được nghiên cứu ngày càng sâu và khơi dậy được ý nghĩa nhân văn khách quan về sự tồn tại của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong quốc gia độc lập, thống nhất.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn nhận định: Với những nỗ lực, cố gắng cùng cơ chế, chính sách phát triển, quản lý văn hóa hợp lý, những năm qua, văn hóa Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững.
 

Trở lại chân giá trị

Tuy nhiên, kinh tế thị trường và làn sóng toàn cầu hóa cũng làm xuất hiện nhiều thói hư, tật xấu, dẫn đến suy thoái đạo đức, lối sống lệch chuẩn. Trước thực trạng đó, mới đây, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học Văn hóa và phát triển: Những vấn đề của Việt Nam và kinh nghiệm của thế giới. GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn nhấn mạnh: “Bối cảnh quốc tế và vị thế của đất nước hôm nay đặt ra những thách thức mà văn hóa khó có thể tiếp tục tạo hành lang hay định hướng cho sự phát triển nhanh, bền vững nếu không nghiêm khắc nhìn nhận thực trạng, không thực sự cầu thị học hỏi kinh nghiệm các quốc gia đi trước và không quyết tâm giải quyết tận gốc vấn đề”.

Dễ nhận thấy nhất là hiện nay nước ta tiếp nhận văn hóa từ bên ngoài và chuyển đổi giai đoạn phát triển, đặt ra nhu cầu sốc lại những giá trị chuẩn. Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội Hồ Sỹ Quý cho rằng, hiện thời văn hóa Việt Nam mang một số vấn đề thực sự cản trở sự phát triển, đó là đạo đức xuống cấp, giáo dục yếu kém, y tế kém nhân văn, chính sách văn hóa bất cập, lễ hội ít văn hóa… Bảng giá trị của người Việt hiện nay đã xuất hiện một số “ngụy giá trị”, giả dối tương đối phổ biến trong nhiều lĩnh vực.

Thực tế, hiện tượng lệch lạc về giá trị lâu nay dư luận đã nói nhiều, nhưng nguy hiểm là dường như nó đã thành quen, được coi là bình thường. Những hành vi phản cảm, lố bịch của giới giải trí được các phương tiện truyền thống đưa tin hàng ngày khiến giới trẻ tưởng đó là chân giá trị. Bên cạnh đó là nạn bằng giả, kiến thức giả… rồi hiện tượng chạy chức, chạy quyền…

Theo ông Hồ Sỹ Quý, văn hóa và phát triển là mối quan hệ quy định lẫn nhau, do đó để phát triển đòi hỏi mỗi cá nhân và các tổ chức xã hội phải thật sự nghiêm khắc với những thói hư tật xấu để trở lại chân giá trị. Bởi xã hội muốn phát triển, “ngụy giá trị” không thể chiếm chỗ của chân giá trị, giả dối không thể lấn át sự tử tế và chân thật. Mặt khác, phải có đột phá văn hóa trong giai đoạn đổi mới tiếp theo, nếu không sự vận động của văn hóa sẽ ngày càng kém đi, xuống cấp văn hóa là điều không thể tránh khỏi.

Theo Hồng Nhung - ĐBND

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng