Câu chuyện hôm nay
Minh bạch thị trường nghệ thuật
14:59 | 04/01/2018

Một năm qua, sự xuất hiện của các sàn đấu giá nghệ thuật đã góp phần thúc đẩy hội họa phát triển, tạo ra thị trường lành mạnh thu hút nhà đầu tư cũng như giới mộ điệu. Nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ.

Minh bạch thị trường nghệ thuật
Một phiên đấu giá tại Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn

Tiếng nói đối trọng

Sự xuất hiện và đi vào hoạt động của các sàn đấu giá mỹ thuật ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chỉ trong một thời gian ngắn được xem là tín hiệu vui. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đấu giá ngoài “song mã”, “tam mã” đối với một tác phẩm phần nào còn phản ánh mức độ thịnh vượng và biểu trưng văn hóa của một khu vực, nhất là trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa. Hiện nay, các nhà đấu giá được ví như hình ảnh phóng chiếu của một nhu cầu văn hóa có thật và đang tăng lên.
 

Hoạt động của sàn đấu giá còn tạo điều kiện cho các họa sĩ, nhất là tác giả trẻ khẳng định giá trị, đóng góp vào sự sôi động, đa dạng của thị trường mỹ thuật. Theo họa sĩ trẻ Phạm Đình Chương, đầu ra là điều thiết yếu để họa sĩ duy trì cuộc sống cũng như khẳng định rằng tranh của mình có được chấp nhận hay không. Việc bán tranh bây giờ dễ hơn nhờ mạng xã hội nhưng đưa lên sàn đấu giá thì khác. “Lên sàn phải đấu cùng các tác giả khác. Đó cũng là một thách thức có tính hai mặt, thành công không sao nhưng nếu thất bại hay tụt giá thì hậu quả không lường trước được. Nhưng dù sao qua đấu giá sẽ góp phần bảo vệ được quyền lợi cho nhà sưu tập và họa sĩ”.

Năm 2014, dư luận bàng hoàng từ một phiên đấu giá của Larasati tại Singapore, “sao giá tranh Việt Nam lại rẻ đến thế?”, vì ít nhiều những họa sĩ có tranh được bán ở đó đều “có tên có tuổi” ở Việt Nam. Nhắc lại câu chuyện 3 năm trước, ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn phân tích, trong mỹ thuật, giá trị và trị giá không phải lúc nào cũng song hành. “Cú sốc” này đến từ khoảng trống trên thị trường tranh Việt Nam. Nếu không có nhà đấu giá thì sẽ không có hậu thuẫn cho tranh Việt, khó bảo vệ quyền lợi từ tác phẩm. “Thử tưởng tượng, thích họ có thể đánh giá sàn của tranh Việt Nam xuống rồi mua hết, sau đó lại nâng lên. Bản thân việc đấu giá nội địa cũng ảnh hưởng ngược đến đấu giá quốc tế. Kết quả đấu giá Việt đều được công bố và quốc tế tự động nắm giá trên thị trường. Ở góc độ này, nhà đấu giá trong nước là tiếng nói đối trọng, bảo vệ các nhà sưu tầm nội địa, bảo vệ uy tín của tranh Việt trong khu vực và thế giới”.

Minh bạch và chuyên nghiệp

Hoạt động đấu giá tác phẩm nghệ thuật ở Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Trước nạn tranh giả, tranh chép, các nhà đấu giá không dám khẳng định tính chân xác của những bức tranh được đưa ra đấu giá và không chịu trách nhiệm về xuất xứ tác phẩm. Bên cạnh đó, cũng cần tính yêu cầu về sự minh bạch trong thẩm định tác phẩm trước khi đưa ra đấu giá.

Đang có rất nhiều thông tin của nước ngoài phủ nhận nguồn gốc tranh sơn mài Việt Nam, còn Nhật Bản lại tích cực thu thập thông tin khẳng định giá trị tranh sơn mài của họ. Trong một phiên đấu giá quốc tế, một tranh sơn mài kích cỡ nhỏ, khởi điểm với 80.000 bảng, kết thúc là 700.000 bảng, tức khoảng 1 triệu USD. Suốt 100 năm vừa rồi, thành tựu của Việt Nam mới có tranh của Lê Phổ đạt mốc giá ấy. “Để thấy rằng, nếu không làm mạnh thì lợi thế mỹ thuật của Việt Nam sẽ bị bỏ ngỏ”, ông Trần Quốc Hùng nói. Nhà đấu giá góp sức để hình thành thị trường mỹ thuật đúng nghĩa nhưng cái khó ở Việt Nam hiện nay, một số đơn vị đấu giá như Chọn, Lạc Việt, Lý Thị… tuổi đời non trẻ và câu chuyện đấu giá mỹ thuật vẫn còn khá mới.

Nhiều trường hợp, chính nhà đầu tư phải tự thẩm định tác phẩm, trong khi thực tế đã và đang tồn tại những đường dây làm tranh giả ngoài tầm kiểm soát của những người chuyên trách. Họa sĩ Phùng Quốc Trí băn khoăn: “Điều này nói lên một thị trường lành mạnh, một sự thẩm định mỹ thuật ở Việt Nam còn rất thiếu”. Câu chuyện thẩm định cũng là cái khó với chính các nhà đấu giá. Trong phiên đấu giá số 9 của Chọn, 6/7 tác phẩm của danh họa Bùi Xuân Phái không được trả giá. Đây có đơn thuần là giá khởi điểm hay yếu tố thẩm mỹ của các nhà đầu tư? Giám đốc Chọn cho hay: “Ngoài chuyện văn hóa, nghệ thuật, lịch sử thì còn giá trị về tài sản. Chúng tôi chỉ là đơn vị trung gian, kết hợp giữa người thẩm định tốt nhất mà chúng tôi có, cung cấp thông tin nhiều nhất có thể, còn không ai chắc chắn hoàn toàn trừ tác giả”.

Vấn đề là các chuyên gia thẩm định có thật sự hiểu và trung thực không? - -họa sĩ Lê Huy Tiếp, Hội Mỹ thuật Việt Nam đặt câu hỏi. Ông dẫn chứng: “Có những nhà thẩm định của sàn đấu giá hàng đầu thế giới biết là tranh giả nhưng vẫn đưa lên sàn. Cách đây nhiều năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng thành lập một trung tâm kiểm định tranh nhưng không ai nhờ kiểm định cả. Thậm chí có nhà sưu tập biết là tranh giả vẫn im lặng bán tiếp. Sự không minh bạch truyền từ nhà sưu tập này sang nhà sưu tập khác khi không có chế định rõ ràng, không ai xử lý”.

Trong bối cảnh phức tạp này, một mặt khích lệ nhà đấu giá nhưng cũng phải từng bước điều chỉnh cho hoạt động này đi đúng xu thế chung. Theo Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành, bước khó nhất đã qua, tức đã thành lập một số nhà đấu giá và có nhiều phiên đấu giá. Vướng mắc hiện nay là việc công khai, minh bạch mọi vấn đề liên quan đến tác phẩm, đặc biệt là người giám định trước khi đưa ra đấu giá. “Làm đúng cách vận hành của một nhà đấu giá chuyên nghiệp, công khai, minh bạch là yếu tố lớn góp phần phát triển thị trường mỹ thuật”, ông Vi Kiến Thành khẳng định.

Theo Thái Minh - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng