Câu chuyện hôm nay
Không bỏ qua nghệ thuật
15:16 | 09/01/2018

Để không bị lãng quên giữa các loại hình nghệ thuật giải trí hiện đại, sân khấu cải lương nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung, đang tìm cách chuyển mình, dần tìm lại chỗ đứng. Trong quá trình tìm hướng đi mới ấy, các nghệ sĩ không hoàn toàn chạy theo thị hiếu một cách dễ dãi mà bỏ qua yếu tố nghệ thuật.

Không bỏ qua nghệ thuật
Trích đoạn vở diễn “Ni sư Hương Tràng”, Nhà hát Cải lương Việt Nam

Tự làm mới

 Vở Ni sư Hương Tràng, dù đây thực sự là câu chuyện của bang giao, hòa hiếu, và vấn đề bảo vệ quốc gia, dân tộc… song người xem được bước vào câu chuyện tình yêu, tìm hiểu lịch sử một cách tự nguyện mà không cảm thấy bị lên gân hay khiên cưỡng. Câu chuyện dù rất giản dị, nhưng thông qua các khúc quanh, các sự cố trong cuộc đời của Huyền Trân công chúa đã khiến khán giả cảm động, khâm phục.

Gần đây, nhiều nhà hát sân khấu truyền thống nỗ lực tìm hướng đi để tồn tại và phát triển với nhiều hình thức, như làm mới các vở diễn kinh điển, kết hợp biểu diễn tăng tính tương tác với khán giả, phối hợp với các công ty du lịch tổ chức biểu diễn phục vụ du khách… Riêng với nghệ thuật cải lương, đã có một số gameshow truyền hình thực tế về loại hình sân khấu này như “Học viện cải lương”, “Chuông vàng vọng cổ”, thậm chí Đài Truyền hình Việt Nam còn xây dựng sân chơi “Ai rành 6 câu” với mong muốn thế hệ trẻ có cơ hội tiếp xúc với cải lương và văn hóa dân tộc, tiếp bước một thế hệ nghệ sĩ cải lương đã một thời vàng son...

Theo Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSƯT Triệu Trung Kiên, sân khấu cải lương đang có những điểm sáng, được thể hiện qua sự thừa nhận của công chúng và khán giả yêu nghệ thuật dân tộc. Hiện nay, một bộ phận khán giả vẫn trông chờ được đến thưởng thức mỗi dịp nhà hát ra mắt tác phẩm mới.

Dành nhiều tâm huyết cho sân khấu nói chung và nghệ thuật cải lương nói riêng, NSƯT Triệu Trung Kiên cho biết, để lôi kéo đông đảo khán giả, chính các nghệ sĩ phải thực sự yêu thích loại hình nghệ thuật truyền thống này và tự làm mới mình. “Quan trọng là những người làm nghề phải sống được bằng nghề. Tôi nghĩ, khi ai đó làm việc bằng tất cả tâm huyết và sự yêu thích của mình thì ở bất cứ sân khấu nào, khó khăn đến mấy cũng có thể gặt hái thành công, để lại dấu ấn trong lòng công chúng”, NSƯT Triệu Trung Kiên khẳng định.

Việc công chúng dần xa rời nghệ thuật truyền thống không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, thông qua những vở diễn của Nhà hát Cải lương Việt Nam 5 - 7 năm gần đây cho thấy, các nghệ sĩ cũng đã rất cố gắng để phô diễn được cái hay, cái đẹp của loại hình nghệ thuật này mà nhiều khi nó bị khỏa lấp bởi nhiều lý do của cuộc sống hiện đại.

Thay đổi một cách hài hòa

Cuối năm 2017 vừa qua, vở diễn Ni sư Hương Tràng (do TS. Bùi Hữu Dược chấp bút, NSƯT Triệu Trung Kiên đạo diễn) được Nhà hát Cải lương Việt Nam ra mắt khán giả Thủ đô, với các đêm diễn tại sân khấu rạp Đại Nam thu hút rất đông khán giả, thuộc nhiều lứa tuổi. Đây cũng là một trong hai vở diễn dàn dựng theo đơn đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm qua. Nghệ sĩ Trần Quang Khải, thủ vai Phật hoàng Trần Nhân Tông, hồ hởi cho biết, nhìn ba tầng khán phòng không còn chỗ trống, khán giả ngồi kín cả lối đi lên xuống, anh và đồng nghiệp có thêm động lực để cống hiến.

Rõ ràng, so với một vài năm trước đây, lượng khán giả yêu nghệ thuật cải lương đã tăng lên. Điều này cũng chứng tỏ, nghệ thuật cải lương vẫn có sức sống. Tuy nhiên, để đưa nó trở lại thời hoàng kim cần nỗ lực rất lớn của nhiều người, cũng như sự hỗ trợ của nhiều ban, ngành. Bên cạnh đó, bản thân khán giả cũng nên mở lòng đón nhận.

Các đơn vị nghệ thuật hiện nay có xu hướng làm mới tác phẩm truyền thống để có thể phù hợp với thị hiếu khán giả cũng như bối cảnh xã hội đương đại. Đạo diễn Triệu Trung Kiên cho rằng, cần hài hòa ở sự thay đổi này, không hoàn toàn chạy theo thị hiếu một cách dễ dãi mà bỏ quên yếu tố nghệ thuật. “Cách tân nghệ thuật cải lương để thỏa mãn phần nào những tiêu chí và đòi hỏi của khán giả hiện đại, nhưng điều đó không có nghĩa là biến nó thành một loại hình nghệ thuật lai tạp”.

Theo đạo diễn Triệu Trung Kiên, không đổi mới không được, nhưng đổi mới yếu tố gì và ở mức độ nào lại là một sự tinh toán rất tinh tế của những người làm nghề. “Bởi vì thực tế cho thấy những nhân tố của sân khấu cải lương đã trở lại với sân khấu giải trí. Tuy nhiên, cũng nên đánh giá một cách thấu đáo rằng các chương trình không phải đều giống nhau, món ăn phải được thay đổi thường xuyên, người ta chán ăn món ăn quốc tế hóa rồi thì phải quay lại với các món ăn dân tộc. Đây có lẽ cũng chỉ là sự thay đổi ở khẩu vị mà thôi”.

Theo Hồng Hà - ĐBND

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng