Câu chuyện hôm nay
Vượt ra bên ngoài chân trời tập tục
09:10 | 29/01/2018

“Hiện thực” của đời sống hiện ra trước cái nhìn của chúng ta luôn luôn là một hỗn hợp, một nồi súp lẩu của “thực tế” và “tri nhận”, không tách bạch, và không dễ tách bạch được.

Vượt ra bên ngoài chân trời tập tục
Nhà trai làm thủ tục xin dâu trong một đám cưới ở Huế trước đây. Nguồn: kontumquetoi.com

“Tri nhận” mang sẵn trong nó những “đợi chờ”, nghĩa là những mặc định mà chúng ta ngầm gán nghĩa một cách vô thức cho “hiện thực đời sống”, chúng ta chắm chú vào đó và khó nhìn ra những cái khác không được “đợi chờ” trong tâm thức.

Những đợi chờ mặc định ấy là thiên hướng tự nhiên được thăng hoa bởi tập tục-một hệ thống các thói quen đã được ăn sâu vào trong nhận thức, trong cảm xúc, trong lý tưởng đời sống, trong tín ngưỡng của mỗi cộng đồng.

Khi chúng ta di chuyển qua các không gian sống của các cộng đồng khác nhau, chúng ta có nhiều cơ hội hơn để giật mình nhìn lại, nhìn ra, phát hiện lại “hiện thực”. Nhưng di chuyển chưa phải là đủ. Phải có một tinh thần, một năng lực “hoài nghi triết học” thường trực được rèn luyện ở bên trong mình để sẵn sàng đánh thức trở lại các giác quan cùng nhận thức trước những manh mối biến động của hiện thực.

**
Lâu rồi, tôi có dịp vào một bản xa sâu ở Tây Nguyên. Vừa ở rìa làng chợt thấy một đám người bê vác gì đó và rảo chạy ồn ã. Cái gì xảy ra vậy? Hóa ra đó là một đám rước người chết từ nhà ở trong làng ra khu mộ. Rước đám ma đối với cộng đồng ở đây là phải chạy, chạy cho “ma” khỏi quyến luyến rồi không dứt bỏ được nhà ở trong làng. “Chạy đám ma” là một hiện thực của một tập tục của cộng đồng người ở đây.

Và bạn chợt hiểu ra, tác phong trịnh trọng chậm rãi, mặc áo xô chống gậy đi giật lùi, thuê người bò lăn ra đường khóc lóc ngăn cản rước đám ma, vàng mã đốt rải ùn ùn, nhạc kèn thê thảm suốt ngày... thực ra cũng chỉ là một « hiện thực » của một tập tục khác của người Kinh. Những tập tục này của người Kinh, nhiều trong số đó vốn được du nhập từ các cộng đồng láng giềng, như thế cũng không có gì là “tự nhiên”, chúng là một sản phẩm của hỗn hợp thực tế đi chôn người chết cùng với những mặc định thói quen đôi khi được bài bản hóa rằng “không biết tại sao, nhưng mà cứ phải là như thế”, rằng “đạo là thế”.
***
Nếu như con người sống mãi trong một cái làng sâu thẳm trong rừng già với vài mươi nóc nhà, một loạt tập tục cùng những niềm tin vu vơ về trời, đất, núi, rừng cùng tổ tiên rồng phượng hổ báo, thế cũng là đủ. Lý luận thì cũng chỉ cần loay hoay với vài yếu tố đó.

Các cộng đồng cổ đại nào cũng đã từng lý luận với “thuyết nguyên tố”, đánh vật với những nhận biết trực quan đầu tiên vu vơ trong đời sống như “kim loại, gỗ, nước, lửa, đất” gì đó. Rồi con người nâng bịa đặt này thành ra đó là “tất cả”, và cố gắng mòn mỏi áp những “nguyên tố” đó, những “kim mộc thủy hỏa thổ” nọ thành ra “thuyết ngũ hành” chẳng hạn, áp vào bằng được cho mọi lĩnh vực có thể, từ bói toán, tử vi, xem tướng, phong thủy... rồi đến các bộ phận của cơ thể, rồi đến cả âm nhạc, võ thuật, binh pháp, trị quốc, thiên văn, v.v. Trong các môn này bao giờ cũng hòa trộn những kinh nghiệm sống có thật, thậm chí những kinh nghiệm quí báu, cùng với muôn thứ ẩm ương, và trên hết chúng cố gắng thòi ra bằng được “cái được chờ đợi”, thành ra một “thuyết nguyên tố” thánh thần, một “ý thức hệ ngũ hành”. Phép “chứng minh” dừng ở trích dẫn ra những ví dụ có lợi cho lập luận và lờ đi những gì khó ăn nói.

Các chủ nghĩa bảo thủ luôn luôn hùng mạnh, trường sinh, vì chúng khai thác triệt để cái tâm thức cổ truyền mê muội vô thức của đám đông, cái tâm thức có tuổi hàng ngàn năm, thậm chí hàng chục ngàn năm, của đời sống cộng đồng.
***
Nếu như đến một ngày mà những thuyết cổ xưa kiểu “thuyết nguyên tố” chợt tạm kém thiêng đi, dù rằng chúng không bao giờ chết hẳn, thì sẽ có những thuyết cực giản khác chen nhau tìm cách thế vào “chỗ đẹp” của chúng.

Câu chuyện phức tạp thường thấy của đám đông là mỗi khi có một thịnh thuyết được “bung ra”, người ta thường không quan tâm suy xét bản thân thịnh thuyết ấy xem chúng lấy những luận đề gì làm tiên đề, hệ thống lập luận xây dựng ra sao, cách thức nào để kiểm chứng-bác bỏ thịnh thuyết ấy. Ngược lại hành vi phổ biến là người ta cố gắng cao nhất để “áp và dụng” thịnh thuyết ấy vào các hiện tượng, giải cho bằng thích. Cho đến khi thịnh thuyết ấy kém thỏa mãn hoặc bất lực thì người ta thường cũng không vứt bỏ nó đi, mà đem cất nó vào kho để lúc khác lại dùng sau: vừa đỡ ngượng ngùng, vừa đỡ tiếc của, vừa đỡ sợ hãi, vừa trục lợi “biết đâu sau này có lúc lại vin được vào nó”.
***
Nền tảng của văn hóa, tri thức, bản lĩnh của một cộng đồng là thứ quyết định hệ thống quyền lực của sinh hoạt của cộng đồng ấy. Không phải việc thay thế một quyền lực này bằng một quyền lực khác là có ý nghĩa, mà là hình thái của quyền lực sẽ được thiết kế, được hình thành và được vận hành như thế nào, điều ấy mới quyết định việc thỏa mãn cách thức tổ chức đời sống vật chất và tinh thần của một cộng đồng ra sao.

Nền cộng hòa là một lý tưởng tổ chức cuộc sống cộng đồng sao cho các thành viên của nó có được các cơ hội bình đẳng trong một đời sống mà các qui tắc vận hành của nó được thiết kế rõ ràng mạch lạc, sự vận hành của nó có thể kiểm soát được định kì, sự tự do của các cá nhân được bảo đảm, sự tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng được thiết chế để chúng hoạt động trong khuôn khổ của khế ước xã hội, để các hệ thống tín ngưỡng dù là dưới hình thức gì đi nữa cũng không thể nhảy lên thống trị được đời sống công cộng. Hệ thống giáo dục và hệ thống công quyền phải được tách bạch độc lập với các hệ thống tín ngưỡng.

Nền cộng hòa là thiết chế để mỗi con người tham gia chủ động và tự do vào đời sống chung, chứ không bị đời sống đám đông đè bẹp.

Nền cộng hòa như thế là một lời gọi mời đời sống vượt ra bên ngoài chân trời tập tục - lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức đời sống công cộng của con người. Không dừng lại ở một lời tuyên, nó đòi hỏi con người suy nghĩ, thảo luận, tôn trọng, thi hành, kiểm tra, tái lập hệ thống các qui tắc của đời sống vì sự tự do của các thành viên và sự thịnh vượng chung của đời sống. Nền tảng của nền cộng hòa là các quyền làm người của mỗi cá nhân thành viên cộng đồng, từ đó các hệ thống quy tắc hoạt động phải phục vụ các quyền ấy, và không được xâm phạm các quyền ấy.

Con người phải được rèn luyện “tinh thần cộng hòa” từ ngay trong đời sống cá nhân, trong đời sống của mỗi gia đình, trong mỗi dòng họ, trong mỗi tổ chức xóm phường, trong mỗi lớp học trường học, trong mỗi doanh nghiệp, cho đến trong toàn thể các thiết chế của quyền lực công cộng.

Một con đường thật là dài và gian truân, và hơn nữa, phải tự vượt khó.

Những cộng đồng vốn ngàn năm thần quyền không dễ gì để tự vượt hẳn thật sự qua mình, mà thường dễ bị chững lại ở giai đoạn gọi lại tên mình sao cho hợp mốt, và con người thì dễ mơ hồ.

Cho đến ngày hôm nay, số lượng các xã hội trên Trái đất thành công thực sự nền cộng hòa không phải là thật đông đảo, và không phải cứ “thành công một lần” là “đã xong”.
**
Vượt ra bên ngoài chân trời tập tục, một ý nguyện khi Tết về, cái Tết của chưa chi đã gần một phần năm của thế kỉ thứ hai.

Nguồn: Hoàng Hồng Minh - Tia Sáng

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng