Câu chuyện hôm nay
Một thoáng hương trầm
09:36 | 09/02/2018

Nếp nhà lãng đãng khói hương như chiếc cầu nối với quá khứ. Hồn người tĩnh tại, thong dong hòa quyện miền tâm linh thăm thẳm. Nhưng không phải dịp Tết đến ta mới thấy nhẹ nhàng. Bất cứ khi nào đứng trước ban thờ tiên tổ, bao bộn bề, lo toan đều tự nhiên rũ bỏ, để gia tâm bảo vệ những gì tốt đẹp của tinh thần.

Một thoáng hương trầm
Bàn thờ gia tiên - nơi gìn giữ nề nếp gia phong

Đôi điều nhân nghĩa

“Ngẫm ra trong cuộc đời này, cuộc đời của mỗi con người đã được lập trình từ đâu đó, từ nơi rất cao, rất xa…”. Điều gì khiến đạo diễn Trần Văn Thủy phải thốt lên như thế? Liên hệ từ phim “Chuyện tử tế” đến cuốn “Trong đống tro tàn” hay nhiều tác phẩm khác của ông đều xoay quanh những ngẫm ngợi sâu xa về con người, về cuộc đời. Con sông thời gian cứ chảy siết dọc chiều dài lịch sử, nhìn lại những gì đã qua, bước ra vòng xoáy xôn xao của nhịp sống thường nhật, cuối cùng, với đạo diễn Trần Văn Thủy là… trở về. Về nhà, đối mặt với ban thờ tổ tiên, tưởng nhớ, trò chuyện với các bậc tiền nhân, lần về nội tâm nguyên sơ. Với ông, đó không phải hoài cổ mà hướng về phía trước.

Ai lần đầu đến thăm nhà đạo diễn Trần Văn Thủy chắc sẽ ngạc nhiên vì trước lúc trò chuyện với khách, bao giờ ông cũng thắp hương. Ông bảo, đã thành nếp, việc đầu tiên trong ngày là thắp hương, đứng trước ban thờ nói lên tiếng lòng, răn mình. Ban thờ gia tiên đặt ở phòng khách, để tổ tiên chứng kiến những điều mọi người làm với nhau. Biết vậy để không giả dối, để chân thành đối đãi. “Cuộc đời làm phim, khi xem lại tôi giật mình thấy không có bộ phim nào, kể cả cho đài truyền hình nước ngoài mà không có cảnh hương khói. Nó hoàn toàn tình cờ”.
 

Sự tình cờ xem ra nói lên bao điều về văn hóa Việt. Góc máy đặt ở đâu đều thu được hồn vía của mỗi gia đình là bàn thờ. Vì từ xưa, người Việt đã coi trọng và dành vị trí quan trọng nhất trong ngôi nhà làm ban thờ. Đó là hành trang tâm linh, biểu trưng của thế giới tinh thần, chứa đựng triết lý sống của dân tộc. Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra đã đi sâu vào tâm khảm bao thế hệ. Nhân nghĩa, luân lý, đạo đức đã hình thành nên ban thờ để rồi người sau lại mượn ban thờ để tiếp nối nhân nghĩa, luân lý, đạo đức từ lớp người đi trước. Như vậy, thờ cúng tổ tiên theo nghĩa nào đó là một đạo, nhưng đến với đạo ấy, người ta không cần sách vở, không cần truyền giáo, không cần hướng dẫn lễ nghi. Cứ sống đậm đà, nặng tình nặng nghĩa với người đã sinh thành, với người Việt, đó là gốc rễ của tình yêu thương, gốc rễ trong mỗi người.

Cội rễ đời người

“Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên và trên lễ đài của quốc gia, cổ vũ nó…”. Nhắc lại câu trong bộ phim “Chuyện tử tế”, đạo diễn Trần Văn Thủy muốn nói ban thờ tổ tiên là nơi nuôi dưỡng sự tử tế, bồi đắp nhân văn. Tử tế cho cộng đồng là hướng con trẻ và cả người lớn vào việc học làm người mà vạch xuất phát là trong mỗi gia đình. Nói tới ban thờ là đi tới câu chuyện giáo dục theo cách “sâu gốc bền rễ”. Vì rằng con người tử tế thì không quay lưng lại với tiên tổ, không thể coi thường vong linh của các bậc tiền nhân. Bởi thế, ban thờ là đầu nút gợi mở một vấn đề mang tính cốt lõi.

Trong quan niệm xưa nay, thờ cúng tổ tiên của người Việt mang nét đẹp của nền văn hóa dân tộc. Hạt nhân của xã hội là gia đình, giá trị bồi đắp sức mạnh bền vững của gia đình hội tụ ở nơi linh thiêng nhất là ban thờ. Bàn thờ có vị trí như thế nào đối với đời sống tinh thần của mỗi người thì cũng tác động đến cộng đồng như thế. Theo họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Đức, ở không gian ấy, người ta không bao giờ để xuất hiện cái xấu xa, độc ác, nham hiểm hay tư túi, mà chỉ tập trung vun xới những gì tốt đẹp nhất. Coi trọng bàn thờ gia tiên là nỗ lực gìn giữ nền nếp gia phong, để thế hệ sau hiểu được nhân, lễ, nghĩa, các phẩm hạnh của người đi trước. “Biểu tượng là bàn thờ nên nó vừa quen thuộc, gần gũi, vừa thiêng liêng, không thể xâm phạm. Biểu tượng đó là giáo dục”.

Dù nghèo, dù giàu, dù giản dị hay sang trọng, dù cuộc sống còn tất bật hay đã an nhàn, thảnh thơi thì vào ngày Rằm, mồng Một, trên bàn thờ gia tiên thế nào cũng phải có nén hương như sợi dây thiêng liêng kết nối quá khứ, hiện tại, tương lai của mỗi gia đình. Lời khẩn cầu tỏa lan theo từng vòng xoáy khói hương, thể hiện ước vọng hồn nhiên và vô điều kiện. Cái thiện, nhân văn, tính gia huấn nhờ đấy mà nhân lên. Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Đức cho rằng: “Khi không biết đâu là đúng sai, phải trái, không biết hành xử thế nào, thì ta quay về gia đình, về với cái lõi của bản thân để nhìn nhận, biết ứng xử đúng đắn. Giờ đây, khi giá trị đạo đức đang gióng lên hồi chuông báo động, khi cuộc sống quá bon chen, gấp rút, chúng ta càng cần tìm về, xây dựng lại lối sống và cách ứng xử như thế”.

Trong một tọa đàm về bàn thờ Việt, các khách mời không hề bàn về ban thờ theo cách vốn được nhiều người quan tâm như gắn với nghi lễ thờ cúng hay cách đặt ban thờ cho hợp phong thủy… Câu chuyện ban thờ lại hướng về đạo đức, về chuyện tử tế mà đạo diễn Trần Văn Thủy đã tìm ra sợi dây liên hệ bằng cách gọi: “Điều căn cốt của con người”. Còn nhà sử học Dương Trung Quốc thì bắt đầu bằng so sánh: So với kinh tế, văn hóa đang ít được quan tâm quá (!), để rồi khẳng định, suy đến cùng thờ cúng tổ tiên là giá trị đạo đức của con người, là giá trị ngàn đời của dân tộc. Những yếu tố ấy khó định lượng nhưng lại minh chứng rõ ràng dân tộc ấy phát triển bền vững hay không. “Bàn thờ trong gia đình Việt, đừng coi là chuyện hình thức. Quan tâm, phát huy đặc sắc ấy là tăng thêm sức mạnh dân tộc. Người xưa nói phú quý sinh lễ nghĩa nhưng đôi khi chính lễ nghĩa mới sinh ra phú quý là vậy”.

Theo Hải Đường - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng