Câu chuyện hôm nay
Đưa nghệ thuật kịch vào học đường
09:59 | 13/04/2018

Khi nhắc tới sân khấu kịch, người ta thường nghĩ tới ánh hào quang, trang phục lộng lẫy và hóa trang cầu kỳ. Thực tế, nghệ thuật kịch có thể được ứng dụng hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục, qua đó kích thích các khả năng tiềm ẩn của học sinh.

Đưa nghệ thuật kịch vào học đường
Tiết mục diễn kịch của học sinh ở Hà Nội

Kích thích khả năng tiềm ẩn

“Trong quá trình biểu diễn nghệ thuật, điều tôi quan tâm là chuyển tải thông điệp cuộc sống. Làm thế nào để mọi người sống hài hòa với bản thân, và cộng đồng? Dần dần, tôi hiểu ra rằng thông qua giáo dục là cách tốt nhất để truyền tải thông điệp ấy tới mọi người. Vì thế, tôi quan tâm tới giáo dục và đưa nghệ thuật kịch vào học đường. Qua nghệ thuật kịch, các em phần nào khám phá bản thân, làm chủ cuộc sống và lựa chọn được tương lai của mình; có khả năng sống hài hòa với mọi người”.

Nghệ sĩ, giáo viên kịch Quentin Delorme

Ở hầu hết các nước phương Tây, nghệ thuật kịch được đưa vào giảng dạy như một bộ môn riêng biệt trong trường học nhằm kích thích các khả năng tiềm ẩn ở học sinh. Cũng giống như trong hội họa hay âm nhạc, người thực hành nghệ thuật kịch trước hết được làm quen và khám phá những góc cạnh khác nhau của bản thân. Họ thực tập thường xuyên với cơ thể, cảm xúc, thông qua sự lắng nghe, cảm nhận chính mình và tương tác với những người khác. Đối với trẻ em, một chương trình kịch phù hợp với nhu cầu phát triển tâm sinh lý có thể giúp trẻ xây dựng cá tính, đồng thời sống hài hòa với tập thể và xã hội.

Bên cạnh đó, nghệ thuật kịch được khai thác trong giảng dạy các bộ môn khác nhau. Hàng năm, hội thảo Kịch trong giáo dục được tổ chức tại Đức bàn luận những nghiên cứu mới của việc sử dụng kịch trong các bộ môn, đặc biệt là ngoại ngữ. Các bài tập về giọng nói, hành động, cử chỉ, sáng tạo tình huống và nhân vật giúp học sinh tăng khả năng tập trung và ghi nhớ bài học một cách thoải mái và dễ dàng hơn. Đặc biệt, giáo viên cũng được tiếp cận và thực hành kịch để làm mới cách truyền đạt của mình: Học cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể, thu hút sự chú ý, giải tỏa căng thẳng, quan sát và lắng nghe học sinh một cách hiệu quả.

Ở nước ta, ứng dụng kịch trong giảng dạy các môn học là vấn đề khá mới. Đến Việt Nam 7 năm qua và dạy học tại các cơ sở giáo dục công và tư tại Hà Nội, nghệ sĩ, giáo viên kịch người Pháp Quentin Delorme đặc biệt quan tâm tới môi trường giáo dục ở đây, nơi nghệ thuật kịch có thể được áp dụng linh hoạt nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập: “Sau khi làm việc trong nhiều ngôi trường, cả công lập và tư thục, tôi thấy cách giảng dạy cho học sinh Việt Nam rất khác châu Âu. Học sinh Việt có điểm mạnh là ghi nhớ, kỷ luật tốt hơn, nhưng yếu về khả năng tưởng tượng, sáng tạo. Do vậy, để các em phát triển toàn diện, có suy nghĩ, tư duy độc lập, và được phép mắc lỗi mà không sợ hãi, cách giảng dạy cần thay đổi”.
 

Học bằng ngôn ngữ khác

Không thể đưa nghệ thuật kịch tới giới thiệu ở tất cả trường học, Quentin Delorme chọn lựa mở workshop Ứng dụng kịch trong giảng dạy dành cho giáo viên, nhằm giúp họ phát triển cách giáo dục mới, truyền lại cho học sinh, từ đó lan tỏa rộng rãi trong xã hội. “Workshop diễn ra trong 2 ngày 10 và 12.4, tại Hà Nội, không phải dạy các giáo viên diễn kịch, mà để họ nhận thấy được các giá trị mình có thể mang lại cho học sinh” - Quentin Delorme khẳng định.

Nghệ sĩ tập trung hướng dẫn giáo viên dùng tâm thế và ngôn ngữ hình thể nhằm thu hút sự chú ý của học viên và ứng dụng bài tập kịch trong các bộ môn khác nhau. Đây cũng là cơ hội để mỗi người tham gia chia sẻ khó khăn khi đứng lớp và cùng tìm ra giải pháp thông qua cách tiếp cận sáng tạo của nghệ thuật kịch. Nghệ sĩ mong muốn trải nghiệm các bài tập kịch sẽ giúp giáo viên tìm ra cách bắt đầu một tiết học hiệu quả, cải thiện bầu không khí của lớp học, giúp học sinh rèn luyện khả năng ghi nhớ, đồng thời khơi gợi sức sáng tạo và linh hoạt...

“Trước kia tôi không định hình lắm về ứng dụng kịch trong giảng dạy, nhưng nay tôi nghiên cứu kỹ hơn về loại hình này, để hướng dẫn học sinh trong quá trình học tập. Tôi gợi ý các em diễn kịch với các môn Toán và Hóa, dù hơi khó. Môn Văn và các môn xã hội đưa kịch vào dễ hơn, nhưng rất ít khi các em phát hiện ra điều này. Ngoài kịch, các em có thể quay phim, biểu diễn rối, thuyết trình... nhưng tôi vẫn thích kịch, vì lúc ấy học sinh sẽ bộc lộ cảm xúc cao nhất. Khi cảm xúc của trẻ phát triển, các em biết tôn trọng mình và người khác” - chị Thu Thủy, giáo viên môn Công nghệ 10, Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết. “Thông qua đóng kịch, các em tiếp cận kiến thức bằng một cách khác với ngôn ngữ viết. Đồng thời, phát huy trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo và kỹ năng. Khi có kỹ năng, học sinh có nhiều cách để tiếp nhận kiến thức và truyền đạt kiến thức ấy cho người khác”.

Theo Ngọc Phương - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng