Câu chuyện hôm nay
Ứng xử với truyền thống
10:21 | 25/05/2018

Tạo tác và sử dụng mặt nạ là nét văn hóa vẫn sống động ở vùng Eo biển Torres của Australia. Những kiến thức lịch sử chứa đựng bên trong khiến chúng được mang đi trưng bày khắp thế giới. Nhưng điều đáng nói còn là câu chuyện ứng xử với truyền thống nơi đây.

Ứng xử với truyền thống
Các hoạt động giúp người dân hiểu và trân trọng văn hóa bản địa được tổ chức thường xuyên tại Australia

“Vết nứt trên mặt nạ”

Một ngày, Ephraim Bani - người dân vùng Eo biển Torres - quyết định đi thăm các bảo tàng trưng bày cổ vật quê mình, và nhận ra có rất nhiều cổ vật mà những người như ông chưa bao giờ thấy. “Đây là nơi mà sự thông thái của cha ông chúng tôi bị chôn vùi”, Ephraim Bani nghĩ, nhìn những cổ vật thiêng liêng của tổ tiên nằm im lìm trên đất khách quê người. Ông đã yêu cầu nhiều bảo tàng trả lại người dân vùng Eo biển Torres những chiếc mặt nạ và cổ vật khác để kiến thức cổ xưa được truyền lại và văn hóa có thể hồi sinh tại cộng đồng. Ephraim khẳng định tầm quan trọng trong tâm linh khi người dân quê hương ông được tiếp cận trực tiếp với những chiếc mặt nạ cổ xưa.

Từ xa xưa, những chiếc mặt nạ ấy đã gắn liền với đời sống ở vùng Eo biển Torres, được làm thủ công bằng vật liệu tự nhiên như mai rùa, sợi thừng, vỏ sò và sáp ong hoang dã... Một số mặt nạ trong thực hành tín ngưỡng còn có phần lông phía trên, tượng trưng cho sự kết nối với phần lục địa của Australia, một số có hình bò biển là loài cung cấp nguồn thức ăn cho cư dân… Bởi vậy, mỗi chiếc mặt nạ đều chứa đựng những câu chuyện mà người dân vùng Eo biển Torres tin rằng đó là cách họ kết nối với linh hồn tổ tiên và học hỏi từ quá khứ. Trước khi người Anh đặt chân đến, không có chữ viết nên đây là cách duy nhất để truyền thụ kiến thức qua các đời. Trong lễ hội, lễ thờ cúng, người đại diện cộng đồng sẽ đeo mặt nạ và nói lại lời dạy của tổ tiên.

“Những vết nứt trên mặt nạ” - bộ phim tài liệu đầu tiên khám phá truyền thống linh thiêng của người dân vùng Eo biển Torres, cũng là hành trình Ephraim Bani từ quê hương tới một số bảo tàng ở châu Âu. Mọi chuyện bắt đầu từ thế kỷ XIX, khi những nhà thám hiểm và truyền giáo châu Âu sưu tầm mặt nạ của vùng này, sau đưa vào bảo tàng trưng bày như tác phẩm nghệ thuật. Thay vì được quảng bá, điều này tạo ra những “lỗ hổng” trong tiếp nối truyền thống. Trong khi các nghi lễ vẫn được thực hiện để tái hiện các sự kiện lịch sử quan trọng tại vùng Eo biển Torres, kỹ năng và kỹ thuật cần thiết để làm mặt nạ đã bị mất đi theo thời gian.
 

Tôn trọng truyền thống bản địa

Thực tế có nhiều người như Ephraim Bani nhìn thấy những “vết nứt trên mặt nạ” với nỗi lo có ngày giá trị của chúng bị nhìn nhận sai bởi những chú giải chỉ mang tính bề ngoài. Phục hưng nghệ thuật, văn hóa này để truyền thống luôn được tiếp nối. Chỉ khi mặt nạ cổ không bị tách rời đời sống thì thế hệ sau mới được tiếp nhận lời dạy của tổ tiên. Các nền văn hóa khác hoàn toàn có quyền chiêm ngưỡng, tìm hiểu những chiếc mặt nạ vùng Eo biển Torres, nhưng quan trọng là những chiếc mặt nạ thật nên được ở lại nơi chúng ra đời.

Thông điệp này được nhấn mạnh tại trưng bày “Hồi sinh: Mặt nạ vùng Eo biển Torres” đang diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. 13 chiếc mặt nạ trang trí độc đáo mang tới câu chuyện về nghi lễ tâm linh của cư dân bản địa và việc tạo tác mặt nạ ngày nay… Hơn nữa, chúng còn mang tới câu chuyện ứng xử với truyền thống bản địa tại Australia. Theo đó, trưng bày không xuất hiện mặt nạ thật mà chỉ là ảnh chụp chất lượng cao kèm chú giải. Suốt 3 năm qua, những hình ảnh số hóa này đã thực hiện sứ mệnh quảng bá tại nhiều quốc gia và bản thân người dân Australia cũng chiêm ngưỡng mặt nạ vùng Eo biển Torres dưới hình thức ấy.

Theo Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick, đó là cách Australia giới thiệu đặc sắc mà vẫn thể hiện sự tôn trọng cư dân bản địa, đồng thời bảo đảm văn hóa bản địa không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào. Những chiếc mặt nạ gắn liền với tâm linh và có đời sống riêng nên việc tách chúng ra khỏi cộng đồng là điều Chính phủ Australia không khuyến khích. Tất nhiên không chỉ với cách này đã có thể yên tâm truyền thống sẽ được giữ gìn. Không ít nền văn hóa của các nhóm cộng đồng đang đối mặt nguy cơ mất bản sắc nảy sinh từ chính đời sống của họ.

Australia có các bộ lạc, thổ dân, nhóm cộng đồng khác nhau và phần lớn có mức sống thấp hơn so với mặt bằng chung. Để bảo đảm thời gian và điều kiện duy trì nền văn hóa rất cần hỗ trợ kinh tế. Đại sứ Craig Chittick cho biết, nhận thức như vậy, Chính phủ Australia đã đề ra chiến lược về giảm thiểu khác biệt giữa cuộc sống của người thổ dân với người dân hiện đại của Australia, thông qua không chỉ y tế, giáo dục mà còn hỗ trợ họ duy trì văn hóa của mình. “Một điều rất quan trọng là chúng tôi giúp người dân Australia hiểu và trân trọng nền văn hóa bản địa. Ngoài trưng bày lưu động, những chương trình đào tạo, cung cấp kiến thức về sự đa dạng cũng như sự cần thiết phải tôn trọng văn hóa bản địa, là hoạt động thường xuyên. Qua đó, giúp các nền văn hóa được giữ gìn một cách dễ dàng”.

Theo Thái Minh - ĐBND

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng