Câu chuyện hôm nay
Cân bằng bảo tồn và biến đổi
09:44 | 02/08/2018

Tiếp bước sự sáng tạo với sơn mài của các bậc thầy thời kỳ hội họa Đông Dương, ngày nay nghệ thuật sơn mài đương đại vẫn kế thừa và phát triển với nhiều lối biểu hiện và tìm tòi mới. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả nghệ thuật, nhiều sáng tạo cũng gây tranh luận.

Cân bằng bảo tồn và biến đổi
Nghệ thuật hội họa sơn mài Việt Nam đã có nhiều biến đổi - Ảnh: Ng. Phương

Đổi mới ngôn ngữ biểu hiện

Sơn ta truyền thống, vốn chỉ sử dụng trong trang trí, đã trở thành một chất liệu hội họa có khả năng diễn tả phong phú nhờ đóng góp của nhiều họa sĩ tên tuổi thời kỳ đầu Trường Mỹ thuật Đông Dương, và được tiếp nối qua các giai đoạn cho đến nay. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nghệ thuật sơn mài đã có những bước cải tiến quan trọng.

Theo ý kiến nhiều họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật, hiện nay, bên cạnh những nghệ sĩ kiên trì theo lỗi vẽ truyền thống, kế thừa những thành tựu nghệ thuật từ kỹ thuật đến bảng màu và chủ đề; một số họa sĩ loay hoay tìm kiếm cái mới, cách tân cho sơn mài, mong muốn sáng tạo ra không gian và diện mạo mới cho chất liệu truyền thống này. Từ một số màu hạn hẹp, sơn mài giờ đây đã có dải màu đa sắc hơn, từ gam nóng đến gam lạnh. Gần đây, nhiều họa sĩ đã mạnh dạn thể nghiệm trên chất liệu sơn mài bằng cái nhìn thị giác theo quan niệm riêng, có tiếp thu ảnh hưởng của xu hướng tả thực, đồng thời có sự ảnh hưởng đa chiều của ngôn ngữ quốc tế như: Hiện thực biểu hiện, hiện thực ấn tượng, siêu thực. Sự đổi mới về xu hướng sáng tác cũng được xem như sự đổi mới về ngôn ngữ nghệ thuật với chất liệu sơn mài. Nhiều họa sĩ tìm cách thay đổi cách trình bày tạo ra bút pháp và quan niệm thẩm mỹ có sự tác động bởi đời sống đương đại...

Những đổi mới, tìm tòi trên cho thấy, chất liệu sơn mài truyền thống có thể trở thành chất liệu hoàn toàn phù hợp với xu hướng sáng tác hiện nay. TS. Trần Thị Biển  - Viện Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, tranh sơn mài Việt Nam mở ra nhiều hướng khám phá, sáng tạo, là thứ chất liệu cuốn hút nhiều thế hệ họa sĩ. Tuy nhiên, việc phá cách trong kỹ thuật sử dụng màu sắc mới cho chất liệu sơn mài cũng tạo ra nhiều tranh luận, có người cho rằng điều đó ít nhiều làm mất đi vẻ đẹp nguyên bản của chất liệu độc đáo tiêu biểu cho hội họa Việt Nam.

Thay đổi kỹ thuật, chất liệu

 “Gầy đây, xuất hiện những gương mặt nghệ sĩ trẻ sáng tác sơn mài kết hợp với các loại hình nghệ thuật mới như video art, sắp đặt. Việc ứng dụng chất liệu này trong nghệ thuật sắp đặt đã gợi ra hướng đi mới, đặc tính tổng hợp của sắp đặt khiến sơn mài có thể kết hợp với hình thức tạo hình độc đáo, công nghệ trình chiếu, ánh sáng... Những kết hợp này đã thổi làn gió mới vào sơn mài cổ truyền, làm mất đi tính kinh viện, nghiêm trang và trở nên gần gũi và hấp dẫn với nhiều thế hệ khán giả”.

PGS.TS. Bùi Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Không chỉ thay đổi về màu sắc và chủ đề thể hiện, một trong những đổi mới có thể dễ nhận thấy là sự thay đổi vật liệu trong quá trình sáng tác tranh sơn mài đương đại. Theo TS. Đặng Thị Phong Lan, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cùng với xu thế hội nhập thế giới, quan niệm về nghệ thuật mở rộng, bên cạnh tranh sơn mài truyền thống bắt đầu hình thành những dạng tranh sơn mài mới. Có xu hướng muốn thay thế những nguyên vật liệu truyền thống bằng những vật liệu có màu sắc, tính chất gần giống nhưng giá thành rẻ hơn, như dùng cách vẽ bột màu phủ PU, dùng thiếc thay bạc, nhũ giả thay vàng... Xu hướng thứ hai là thử nghiệm nhiều kỹ thuật khác mà không cần đến kỹ thuật mài, hoặc mài từng phần hay chỉ mài sơ. Chiều sâu bức tranh có được là do hiệu quả sử dụng những quy tắc diễn tả không gian chứ không phải độ sâu thẳm của các lớp màu do chất liệu mang lại, cách vẽ vẫn là sơn chứ không phải mài.

Với nhiều họa sĩ, đặc biệt là họa sĩ trẻ, thao tác, kỹ thuật thể hiện một tác phẩm mỹ thuật trên chất liệu sơn mài hiện nay không còn là quy định quá khắt khe. Một số họa sĩ cũng dùng vóc vẽ trên cốt mặt phẳng composite, dùng các kỹ thuật gắn, đắp, phun sơn trên bề mặt với nhiều thay đổi kỹ thuật, có chỗ tạo độ bóng, có chỗ không gắn, có chỗ gắn chất liệu khác...

Tuy vậy, những thay đổi này đã gây ra nhiều tranh luận. Nhiều người không phản đối việc dùng các chất liệu sơn khác nhau trong tranh sơn mài, kể cả việc không mài. Họ quan tâm đến sự sáng tạo và hiệu quả nghệ thuật, thậm chí còn cho rằng đó là cách đưa nghệ thuật hiện đại vào nghệ thuật truyền thống, là sự sáng tạo của nghệ sĩ, hứa hẹn sự khởi sắc cho nghệ thuật sơn mài. Nhưng có những ý kiến cho rằng làm sơn mài phải tuân thủ truyền thống, chỉ dùng sơn ta chứ không dùng sơn công nghiệp, nếu không thì không được gọi là sơn ta, sơn mài.

Trong khi sơn mài truyền thống phải mất hàng tháng, thậm chí hàng năm mới xong một tác phẩm, nhưng nay chỉ trong vòng 2 - 3 năm sáng tác, nhiều họa sĩ có thể cho ra vài chục bức... Bên cạnh sơn mài truyền thống vẫn có thể loại nghệ thuật tranh sơn hoặc hội họa chất liệu tổng hợp đáp ứng nhu cầu sáng tạo của nghệ sĩ. Trước những thay đổi đã diễn ra như một xu hướng tất yếu, TS. Đặng Thị Phong Lan cho rằng, biến đổi về chất liệu, kỹ thuật, thể loại cần có sự phù hợp của tên gọi. Khi đặc trưng và hình thức của tranh đã vượt quá giới hạn hội họa sơn mài thì cần thiết phải tìm cho nó thuật ngữ mới, phù hợp.

Đó cũng là cách các nghệ sĩ tôn trọng, cân bằng giữa bảo tồn sơn mài truyền thống, nhưng vẫn cởi mở đón nhận cái mới để khai thác hết khả năng, bí ẩn kỳ diệu của chất liệu độc đáo này.

Theo Ngọc Phương - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng