Mặt nạ giấy bồi, đèn kéo quân, tàu thủy sắt tây... từng mang lại niềm vui cho biết bao đứa trẻ mỗi độ Tết Trung thu. Nhưng trước sự phát triển của xã hội, những món đồ chơi truyền thống này liệu có cần thay đổi để đáp ứng thị hiếu trẻ nhỏ “thời 4.0”?
1. Mấy năm nay, cứ gần đến Trung thu, căn gác nhỏ của vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa (64 tuổi) và bà Đặng Hương Lan (60 tuổi) ở 73 phố Hàng Thanh (Hà Nội) lại tấp nập khách vào ra. Nhiều phóng viên cũng tìm đến để quay phim, chụp ảnh, và trò chuyện với vợ chồng ông Hòa, quanh chiếc mặt nạ giấy bồi mà vợ chồng ông cố gắng làm, bất kể thị trường ngoài kia đã tràn ngập đồ chơi Trung thu hiện đại.
“Xưởng” làm mặt nạ giấy của gia đình bà Lan tít trên tầng 3. Tận dụng mọi diện tích có thể, từ lan can cầu thang, tới mái tôn, rồi chỗ nghỉ giữa cầu thang bà Lan phơi kín những chiếc mặt nạ đủ hình sắc mới tô xong. Căn nhà đã nhỏ nay càng nhỏ hơn bởi la liệt các loại mặt nạ được bày, được xếp chồng khắp nơi.
Theo bà Lan, làm nghề này phải có đam mê và tình yêu nếu không rất dễ nản. “Để chiếc mặt nạ “ra hồn”, thể hiện được tính cách nhân vật thì người làm phải làm tỉ mỉ, không được vội, được ẩu với từng công đoạn. Nghề này vất vả nhưng lại không thể kiếm được nhiều tiền. Có lẽ vì thế mà nhiều người đã bỏ nghề...”- bà Lan nói.
Ông Hòa cho biết thêm, nghề này cần cả lòng kiên trì và yêu trẻ nữa. Mặt nạ nào cũng để trống hai con mắt, để trẻ đeo vào còn nhìn thấy được mọi vật xung quanh, vì thế, nhất thiết người vẽ phải nhìn mọi thứ bằng con mắt trẻ thơ thì nét vẽ mới hồn nhiên tươi vui, trẻ con mới yêu thích sản phẩm của mình.
Đèn kéo quân thời 4.0.
2. Một món đồ Trung thu truyền thống khác, đó là chiếc đèn kéo quân. Ngày trước, những dịp thế này đám trẻ rộn ràng khắp làng trên, xóm dưới. Nhưng nay, loại đèn này kén người chơi, ít xuất hiện trong đời sống. Phố Hàng Mã mấy năm trước bày bán khá nhiều đèn kéo quân, nay cũng thưa vắng đi nhiều, thay vào đó là các loại đèn mới, với nhiều tính năng tiện ích để hấp dẫn trẻ nhỏ.
Muốn mua đèn kéo quân, nhiều người phải tìm về thôn Đàn Viên (xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội). Nhưng ở đây cũng chỉ còn có gia đình ông Vũ Văn Sinh và ông Nguyễn Văn Quyền làm nghề. Ông Sinh (58 tuổi) cho biết, từ năm 7-8 tuổi, ông đã biết tự làm đèn cho các em và các bạn cùng chơi. Mươi năm nay, để giữ gìn nghề truyền thống, đặc biệt là mong muốn thế hệ con cháu không quên lịch sử dân tộc, nên cứ tầm giữa tháng 7 âm lịch hàng năm là lại bắt tay làm đèn kéo quân.
Ông Sinh chính là nghệ nhân nổi tiếng với chiếc đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam được trao kỷ lục vào năm 2006. Nhưng Trung thu năm nay, ông cũng có “rất ít” đơn hàng làm đèn truyền thống. Điều đó khiến ông lo lắng, rồi đây sẽ chẳng còn ai nhớ và chơi đèn kéo quân nữa…
Cũng như nhiều nghề truyền thống khác, làm đèn kéo quân phải làm thủ công, tỉ mẩn với từng sợi nan, rồi chăm chút dán từng tờ giấy, và thắp nến để đèn quay. Theo ông Sinh, để hoàn thành một chiếc đèn kéo quân phải mất tới 2-3 ngày công.
Một niềm vui nho nhỏ là mấy năm nay, cứ đến Trung thu một số bảo tàng, hay ở Hoàng thành Thăng Long lại tổ chức các buổi sinh hoạt, mời nghệ nhân làm đèn kéo quân đến “trình diễn”, hướng dẫn các em thiếu nhi làm đèn kéo quân. Các nghệ nhân không hi vọng to tát, nhưng thông qua những buổi như thế, đồ chơi truyền thống nói chung, chiếc đèn kéo quân nói riêng đã phần nào được lan tỏa, được “thấm” vào tâm hồn các em…
Nhiều người không muốn mua tàu thủy sắt tây cho con vì món đồ chơi này cần có nước và lửa.
3. Một thứ đồ chơi trung thu khác cũng chỉ còn duy nhất một người làm nghề, đó là tàu thủy sắt. Đó là nghệ nhân Nguyễn Văn Mạnh Hùng ở làng Khương Hạ (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội). Theo anh Hùng, trước đây hầu như cả làng Khương Hạ ai cũng làm các loại đồ chơi sắt tây như tàu thủy, con thỏ, con bướm… Nhưng nay, trong làng chỉ còn một mình anh giữ lửa đam mê với nghề làm đồ chơi sắt tây. Tính ra, anh Hùng đã có tới 40 năm làm tàu thủy sắt tây, nhưng mỗi năm lại thấy “khó thêm” một chút, bởi ít người quan tâm, ít trẻ chơi.
“Tàu thủy sắt tây muốn bán được phải có nước, có lửa để thử tàu, khá phức tạp nên muốn bày bán không dễ dàng”- anh Hùng chia sẻ và cho biết, món đồ chơi này hiện nay anh bán chủ yếu đến các quầy lưu niệm ở Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hoặc một số cửa hàng trên phố Hàng Thiếc và bán lẻ tại nhà…
Vào dịp Trung thu, anh Hùng thường được mời đến giới thiệu và bán sản phẩm tại một số địa chỉ văn hóa như đình Kim Ngân, hay Trung tâm giao lưu Phố cổ Hà Nội. Tại đây, trẻ rất thích thú với món đồ chơi này, nhưng nhiều phụ huynh lại không sẵn lòng mua cho con bởi sự “lích kích” của nó. Giờ nhiều gia đình sống trong chung cư, phải có chậu nước, rồi châm lửa khiến người ta ái ngại.
4. Đồ chơi truyền thống mang bản sắc văn hóa, là giá trị được trao truyền giữa các thế hệ. Những món đồ chơi Trung thu cũng vậy. Song, để có thể hòa nhập với đời sống, hấp dẫn được trẻ nhỏ “thời 4.0” nhiều ý kiến cho rằng, rất cần có sự đổi mới.
Trò chuyện với những nghệ nhân làm đồ chơi Trung thu truyền thống, bản thân họ cũng có băn khoăn. Như vợ chồng ông Hòa, bà Lan làm mặt nạ giấy bồi, bản thân họ cũng sáng tạo thêm những mẫu mới với mong muốn đáp ứng sở thích của trẻ hiện nay. Nhưng các chất liệu và công đoạn để hoàn thành một chiếc mặt nạ giấy bồi thì chưa cải tiếp được.
Hay nghệ nhân Vũ Văn Sinh cho biết, Trung thu năm nay, gia đình ông chế tạo những chiếc đèn kéo quân “công nghệ 4.0”. Theo đó, ông cải tiến làm những chiếc đèn kéo quân hiện đại, không còn giấy màu mà giờ là những hình thù, nhân vật, câu chuyện được vẽ lên giấy bóng bằng sơn màu. Ánh sáng nến cũng được thay bằng đèn điện, mang lại sự tiện lợi mà cũng khá sáng tạo.
Còn theo anh Hùng, những chiếc tàu thủy sắt tây mang giá trị truyền thống, có thể hiện tại không còn phổ biến nhưng chưa bao giờ giảm sức hút đối với trẻ em. Nếu cải tiến sẽ dễ mất đi bản chất vốn có của chiếc tàu. Anh chỉ có thể làm tỉ mỉ từng chiếc tàu sao cho chạy được, giống tàu thật nhất và bắt mắt nhất đối với khách hàng.
Theo Xuân Hoa - ĐĐK