Những năm qua, vấn đề quản lý và bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan được nhà nước đặc biệt quan tâm và thực thi một cách tích cực. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan ở lĩnh vực âm nhạc vẫn liên tục xảy ra các sai phạm với nhiều hình thức và mức độ phức tạp.
Nỗi lòng người nhạc sĩ
Mới đây, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã gửi công văn yêu cầu đơn vị kinh doanh nhạc Sky Music chấm dứt việc vi phạm bản quyền tác giả. Trong đó, công văn đã “tố” Sky Music vi phạm bản quyền gần 2.000 tác phẩm của khoảng 200 nhạc sĩ do VCPMC đại diện và cho biết sẽ khởi kiện nếu doanh nghiệp này tiếp tục sai phạm. Trước đó, vào tháng 5/2018, hàng loạt nhạc sĩ như Võ Thiện Thanh, Thế Hiển, Trần Minh Phi, Hoài An, Nguyễn Văn Chung... đã có mặt tại VCPMC để bày tỏ sự tức giận. Các nhạc sĩ mô tả hành vi của Sky Music là vi phạm quyền tác giả vô cùng nghiêm trọng. Gần 40 nhạc sĩ và đại diện của nhạc sĩ bị vi phạm bản quyền quyết định ủy quyền cho VCPMC giải quyết vụ việc.
Tuy nhiên, trường hợp trên cũng một trong vô vàn những sai phạm về bản quyền tác giả âm nhạc tại Việt Nam. Hiện nay, các hình thức nhái nhạc, nhái ý tưởng ngày càng có xu hướng gia tăng một cách tinh vi. Muôn kiểu vay mượn, từ bản beat, phong cách, hình chụp album cho tới ý tưởng MV cũng “trùng hợp” một cách khó hiểu. Bên cạnh đó, một vấn nạn xảy ra thường xuyên đó là không ít ca sĩ biểu diễn ca khúc hoặc ra đĩa đơn mà “lờ” đi việc xin phép tác giả ca khúc.
Về vấn đề này, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc VCPMC bày tỏ “Có chuyện nực cười, một chương trình diễn ra có hợp đồng làm việc với tất cả các bên từ âm thanh, sân khấu, hội trường biểu diễn, nghệ sĩ…song tác giả cho các ca khúc tại đêm diễn lại không hề được nhắc đến, chưa nói đến việc ký kết hợp đồng hay trả tiền bản quyền. Tôi nhắc lại, nếu không có tác giả thì làm sao có đêm nhạc”.
Theo ông Cẩn, chúng ta phải đặt câu hỏi rõ ràng rằng, ai viết nhạc ra để ca sĩ lấy đi hát một đêm kiếm mấy chục nghìn USD, 300 triệu, 500 triệu để làm giàu, mua xe hơi nhà lầu... Các đơn vị tổ chức đêm nhạc bán cả chục triệu một đôi vé nhưng khi tác giả âm nhạc lên tiếng đòi mấy đồng thì chửi um sùm. Điều 24 Luật Sở hữu trí tuệ nêu rõ tác phẩm của tác giả độc quyền cho phép hoặc không cho phép sử dụng vì đó là tài sản riêng, không phải tài sản của nhà nước. Bản thân tôi rất đau lòng khi đòi quyền lợi cho các nhạc sĩ mà gặp quá nhiều khó khăn. Có nhạc sĩ chúng tôi còn trích tiền tác quyền âm nhạc để cho ông sử dụng trước, chúng tôi thu dần sau vì ông cần tiền chữa ung thư.
Từ đầu năm đến nay nhiều show có lượng khán giả rất lớn, nhưng tính tới ngày 26/10/2018, các đơn vị tổ chức vẫn chưa chịu trả tiền tác quyền cho các nhạc sĩ. Đơn cử, như các show sử dụng âm nhạc của các nhạc sĩ nổi tiếng như Trịnh Công Sơn, Phú Quang hoặc show của các ca sĩ nổi tiếng như Lệ Quyên, Lan Anh, Đàm Vĩnh Hưng, Trọng Tấn, Anh Thơ, Khánh Ly, Hồ Ngọc Hà, Bằng Kiều… đều chưa trả tiền bản quyền cho nhạc sĩ sáng tác.
“Luật đã cho phép rồi nhưng rất đau khi người sử dụng các tác phẩm lại gây khó khăn cho Trung tâm. Thực tế có những đơn vị thành lập tới bốn công ty, xin cấp phép làm 4 chương trình, làm xong chương trình nào là xóa sổ luôn công ty. VCPMC có tìm đến nơi cũng chẳng đòi được tiền”- ông Đình Trung Cẩn nói.
Chưa hiểu luật?
Nhìn lại những sự việc đã xảy ra có thể thấy đều có một câu trả lời chung là không hiểu luật. Ở đó, các nhạc sĩ chỉ giỏi trong việc sáng tác, còn về luật thì lại khá “mập mờ” sau mỗi sự việc chỉ biết “kêu trời”. Thậm chí, nhiều nhạc sĩ lão thành chỉ khi được đồng nghiệp, bạn bè thông báo mới biết ca khúc của mình bị vi phạm bản quyền. Thế nhưng ở một chiều ngược lại với những đơn vị sử dụng nhạc, nghệ sĩ sau khi bị phát hiện cũng chỉ biết xin lỗi và “hát lại” điệp khúc chưa hiểu hết về nghĩa vụ thực hiện quy định của pháp luật về quyền tác giả. Thậm chí với một người trẻ, hiểu luật nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từng đắng cay chia sẻ: “Trải qua bao nhiêu lần vấp ngã, mất mát, nói thật, tôi mất dần niềm tin ở những người và đơn vị kinh doanh âm nhạc. Tôi thấy sợ lòng tham con người khi kinh doanh trên chất xám người khác một cách hả hê và vô tội vạ”.
Bên cạnh đó, một bất cập khác hiện nay là việc triển khai thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan chưa được đồng bộ, hiệu quả. Công tác hậu kiểm, kiểm tra, xử lý vi phạm về quyền tác giả còn chưa kịp thời, chưa triệt, chưa đủ sức ngăn chặn, răn đe. Chính vì kẽ hở này, các đơn vị tổ chức đã tìm thấy kẽ hở trong quy trình cấp phép để lách luật. Chưa kể từ trước đến nay dù đã có nhiều vụ việc vi phạm bản quyền nhưng chưa có tiền lệ về một vụ kiện. Mới đây, tại buổi làm việc Ban chủ nhiệm CLB Cựu ĐBQH với VCPMC nhiều đại biểu cũng đã cho rằng một số chính sách pháp luật ở lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật đang gây khó khăn cho công tác bảo hộ quyền tác giả âm nhạc, ảnh hưởng đến cam kết của Việt Nam với quốc tế. Trong đó, ông Nguyễn Văn Thuận- nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cho rằng chúng ta có danh sách mấy chục vi phạm chưa thực hiện, quan hệ dân sự, chúng ta phải dùng quyền dân sự để kiện họ ra tòa. Kinh nghiệm thế giới thì những vụ việc này đã và đang được giải quyết theo hướng này. “Tại sao chúng ta không sử dụng công cụ đó? Tại sao cứ bắt nhà nước can thiệp vào?”- ông Thuận đặt câu hỏi.
Có thế thấy, việc Việt Nam tham gia Công ước Bern đã và đang là một lộ trình đúng đắn trong việc bảo vệ tác quyền âm nhạc. Thế nhưng, sau những sự việc xảy ra giữa VCPMC và các đơn vị liên quan chúng ta dễ dàng nhận thấy một bức tranh hỗn loạn, tùy tiện trong việc bảo vệ tác quyền âm nhạc tại Việt Nam.
Theo Minh Quân - ĐĐK