Nhiều chính sách về đào tạo giáo viên sư phạm, các chính sách ưu tiên, ưu đãi cho người học âm nhạc dân tộc, các cải cách và những quyết định xây dựng chương trình mới đưa âm nhạc vào giảng dạy tại bậc Trung học phổ thông là những động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của giáo dục âm nhạc nói riêng và sự nghiệp giáo dục đào tạo con người nói chung.
Đây là những cố gắng hết sức to lớn từ các cơ quan quản lý để âm nhạc với những hiệu quả của mình được đưa vào đời sống và phát huy được những thế mạnh phục vụ xã hội.
Các Nhạc viện, trường sư phạm tập trung đào tạo giảng viên với những kiến thức cần thiết để có thể áp dụng tốt trên thực tế. Tuy nhiên trình độ đào tạo, phương pháp tuyển sinh đầu vào, năng lực của giảng viên giảng dạy cũng khác nhau cho nên chưa tạo được sự đồng đều về trình độ cho các giáo viên âm nhạc tương lai.
Vừa thừa vừa thiếu
Theo số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo trong tổng số hơn 16.000 giáo viên âm nhạc chỉ có 631 giáo viên trình độ đại học (3,9%); 7.271 giáo viên trình độ cao đẳng (43%); 7.271 giáo viên trình độ trung cấp và cũng có gần 7% giáo viên dạy kiêm nhiệm. Như vậy có thể thấy trình độ đội ngũ giáo viên bộ môn âm nhạc còn rất hạn chế.
Trên thực tế giáo viên dạy bộ môn âm nhạc phải có hiểu biết về lý thuyết âm nhạc, phải rèn luyện để có những kỹ năng thực hành giúp các em hát kết hợp gõ đệm đúng với tất cả các sắc thái biểu cảm và hình thành ở các em cảm xúc và thị hiếu lành mạnh.
Tuy nhiên tại các trường, “các giáo viên dạy âm nhạc còn phải kiêm nhiệm nhiều việc như Tổng phụ trách Đội, phụ trách hoạt động. Ngoài giờ lên lớp, đồng thời luôn phải tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong nhà trường nên rất vất vả, thường xuyên bị quá tải, trong khi chế độ đãi ngộ còn rất hạn chế. Vì vậy thời gian đề chuẩn bị bài giảng, tự học đề nâng cao kiến thức là rất khó khăn.
Yếu tố quan trọng hơn cả chương trình chính là giáo viên và chất lượng giáo viên không chỉ phụ thuộc vào năng khiếu, duyên âm nhạc của thầy mà còn ở phương pháp dạy học. Hiện nay, chất lượng giáo viên dạy nhạc vẫn chưa tốt.
Trong giáo trình đào tạo giáo viên trình độ đại học sư phạm âm nhạc, tổng số 210 đơn vị học trình không kể phần nội dung về giáo dục thể chất (5 đơn vị học trình) và giáo dục quốc phòng (165 tiết). Trong đó, chỉ có bốn đơn vị học trình dành cho nhạc cụ (chiếm 3,50%), bốn đơn vị học trình dành cho thanh nhạc và ba đơn vị học trình cho hợp xướng, đồng ca. Như vậy là quá ít để đào tạo ra một người thầy giỏi về thực hành trên đàn.
Hơn nữa, đầu vào của các trường có ngành đào tạo sư phạm âm nhạc có các tiêu chí khác nhau. Có trường không cần phải thi các môn chuyên âm nhạc như nhạc cụ, xướng âm... Vì vậy đây là những bất cập, cản trở tiến trình đào tạo ra một giáo viên dạy nhạc có đủ tiêu chuẩn, đáp ứng như cầu thực tế giảng dạy.
Đi tìm giải pháp
Hệ thống đào tạo giáo viên cũng như đào tạo âm nhạc tại nước ngoài có nhiều điểm khác biệt. Hầu hết các nước châu Âu, châu Mỹ rất chú trọng phát triển năng khiếu về âm nhạc nói riêng và văn-thể-mỹ nói chung cho học sinh, sinh viên. Đặc biệt có các ưu tiên khi tuyển lựa sinh viên thi đầu vào hoặc dành các suất học bổng học sinh, sinh viên có năng khiếu trong lĩnh vực nghệ thuật-thể dục, thể thao. Tại các nước này, các giáo viên giảng dạy môn âm nhạc được đào tạo theo hình thức chuyên nghiệp.
Nhiều hệ thống nhạc viện trên thế giới như Đức, Thụy Điển có khoa sư phạm riêng biệt. Tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Hòa kỳ và một số quốc gia khác, môn Âm nhạc được hướng tới không chỉ giảng dạy nhạc lý, thanh nhạc mà còn độc tấu, hòa tấu nhạc cụ, có thể biết ngẫu hứng hoặc sáng tác những giai điệu đơn giản.
Hiện nay, hai Bộ quản lý khối trường đại học là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với khối Trung cấp và Cao đẳng là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Như vậy hiện nay có ba Bộ liên quan tới đào tạo giáo viên âm nhạc.
Việc thống nhất điều hành về chính sách, giáo trình... cần đồng bộ. Ngoài ra, hiện nay nhiều trường Đại học thuộc Bộ Giáo dục mở các khoa Âm nhạc lại không thuộc quyền quản lý của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch nên chất lượng đào tạo rất kém. Nhưng học sinh, sinh viên ra trường vẫn có bằng cấp tương đương. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến giáo viên âm nhạc không đủ năng lực giảng dạy.
Vấn đề nâng cao năng lực cho giáo viên hiện nay cũng như đào tạo giáo viên cho tương lai cần được sự tham gia của các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp. Chỉ với các trường chuyên nghiệp về đào tạo âm nhạc mới có thể tổ chức tốt việc nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên âm nhạc, bên cạnh đó có thể tổ chức các buổi sinh hoạt âm nhạc ngoại khoá mang lại các trải nghiệm bổ ích cho giáo viên và học sinh.
Theo Thái Ca - Vietnam+