Câu chuyện hôm nay
Chuyển dịch đương đại
15:20 | 20/12/2018

Một đất nước không có nghệ thuật giống như con người không có tâm hồn, nhưng nghệ thuật ấy mà đóng đinh một chỗ thì chẳng khác nào một tâm hồn cằn khô. Rất may, nhiều nghệ sĩ vẫn miệt mài lao động và chuyển mình sáng tạo.

Chuyển dịch đương đại
Một sắp đặt trên tranh của Nguyễn Thế Hùng năm 2018 với tổng hợp của vàng, bạc, sơn son, giấy dó, màu nước và toan

Thay đổi cách nhìn

Có thể dẫn chứng bằng triển lãm bộ tranh mới nhất của Nguyễn Thế Hùng - “Miền lạc du” (triển lãm tại Hanoi Studio vừa qua). Đích thị là lạc du, là hành trình miên man, dẫn dắt ta lạc lối. Năm 2018 đánh dấu sự tìm tòi đầy ngẫu hứng của Hùng trong bộ tranh với chất liệu tổng hợp của vàng, bạc, sơn son, giấy dó, màu nước… trên toan. Anh khai thác tối đa chất cảm, hiệu ứng và thế mạnh của những chất liệu này, những lớp hình liên tiếp ẩn hiện trong cái xôm xốp, tinh tế, mềm mại mà chỉ giấy dó mới có thể mang lại. Sơn son vốn được dùng trong sơn mài mang lại vẻ óng ả, sâu hút, trong khi ánh kim loại của vàng, bạc tạo nên những lấp lánh.

Không còn sự khúc triết đầy lý trí của bố cục, của các sắp đặt trên tranh như trong bộ tác phẩm “Vùng nhiều mây” năm 2017, mà chỉ thoáng ẩn hiện đâu đó những chi tiết nhỏ: Một bàn tay, một cặp mắt, một bờ môi trong hòa sắc nhẹ bỗng… Đâu đó thấp thoáng sợi chỉ vàng ngẫu hứng như kết nối bất ngờ các không gian và vật thể. Nó như những sợi tâm linh vô hình, đẩy đưa, dẫn dắt tiềm thức ta, để thấy sự hiện hữu của chúng ta trong không gian lơi lỏng, buông chùng của khu vườn thiên nhiên. Nhờ vậy, sáng tạo tuy là của nghệ sĩ mà người xem như được du ngoạn trong tâm tưởng của chính mình.

Ở bộ tranh trước, Nguyễn Thế Hùng là người chỉn chu trong phác thảo, chuẩn bị nguyên vật liệu rất kỹ lưỡng, thế nên từ bố cục, mảng miếng rồi ý thức về không gian, sự đồng hiện, phần chìm phần nổi của khối hình đều có toan tính hết. Còn ở bộ tranh này, thực ra ban đầu Hùng vẫn muốn đi lại câu chuyện như vậy ở một đề tài khác, nhưng rồi vô tình cảm xúc dẫn dắt khiến cho tác phẩm rẽ sang con đường hoàn toàn khác. Hay như loạt tranh “Đa diện” trưng bày ở L’Espace đầu năm 2016, là quá trình tìm tòi, từ kỹ thuật cắt dán, giấy bồi, nhiều chấm. Xa hơn là tác phẩm sắp đặt “Những chiếc bật lửa”, đính kèm theo câu ca dao, tục ngữ của người Việt như một phép so sánh ẩn dụ giữa những điều còn nguyên hoặc đã mất giá trị trong thời điểm hiện tại.

Dõi theo hành trình của một nghệ sĩ, ít nhiều thấy được sự chuyển dịch tư duy, cảm xúc, tự do sáng tạo tác động thay đổi nghệ thuật như thế nào. Nhìn lại, chính sự cộng hưởng những thay đổi lớn nhỏ ấy là nền tảng phát triển nghệ thuật đương đại Việt Nam.
 

Phá vỡ và gây dựng

So với thế giới, nghệ thuật đương đại ở Việt Nam sinh sau đẻ muộn, bắt đầu bằng triển lãm sắp đặt đầu tiên ở số 29 Hàng Bài năm 1996, của Nguyễn Minh Thành. Sự khởi phát đó còn có sự tham gia của Trương Tân và Nguyễn Văn Cường đưa performance art ra công chúng với tác phẩm “Mẹ và con”. Dùng chính sự ra đời nghệ thuật đương đại Việt Nam, từng chuyển động của hai nghệ sĩ diễn tả chuyển động nghệ thuật của đất nước, cũ và mới, quá khứ và tương lai xung đột… Người xem thấy tác phẩm hay và đẹp, tuy nhiên lúc bấy giờ, những thứ như vậy còn rất mới mẻ, chưa rõ ràng.

Trước khi trở thành một trong những gương mặt tiên phong của nghệ thuật đương đại Việt Nam, năm 1994 nghệ sĩ Trương Tân từng làm triển lãm “Cuộc đời” ở Pháp. Anh cho biết, trong triển lãm này, anh đặt rất nhiều tranh, tượng nhỏ bằng gốm và vẽ ra nền nhà giống như giải quyết một vấn đề: Tôi lớn lên, sang Pháp, gặp một trung tâm nghệ thuật và phát triển, sau là chết, đồng thời lại sinh ra tiếp. “Thực hiện nó, tôi từng tưởng mình đã làm được điều gì đó mới. Khi biết thực ra chẳng có gì mới cả, cái đó đã xuất hiện trên thế giới rồi, tôi lại tự hỏi tại sao mình lại tiến tới cái đó trong hoàn cảnh thiếu thông tin như vậy”, Trương Tân nhớ lại.

Mãi đến khoảng năm 2010, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn mới nở rộ ở Việt Nam khi nghệ sĩ bắt đầu lựa chọn thử sức nhiều hơn ở thể loại này. Sở dĩ có sự rụt rè trước đó là bởi hầu hết họ sáng tạo trong hoàn cảnh thiếu thông tin, do các trường mỹ thuật chủ yếu dạy vẽ tranh và sắp đặt thường khó bán, kén khán giả và các gallery không mấy mặn mà. Tuy nhiên, có nhiều ẩn ức, day dứt, suy tư của cảm xúc, sức vượt thoát của lý trí và sự bật nhẩy ra ngoài khuôn khổ của nghệ thuật khiến cho nghệ thuật đương đại Việt Nam dần tìm được chỗ đứng. Đó là cách nhiều nghệ sĩ đương đại trả lời cho câu hỏi: Nghệ thuật phải chăng là sự chuyển dịch cảm xúc trong mỗi hành trình sáng tạo?

Nhưng nghệ thuật đương đại còn khoác lên mình một sức mạnh nữa, có cả tố chất phá vỡ và gây dựng, để đập tan cái cũ kỹ, lối mòn nhưng không làm biến mất đời sống tự thân trong lòng nó. Như cách Nguyễn Thế Hùng chọn hàng nghìn chiếc bật lửa hết gas tạo thành tác phẩm sắp đặt trong năm 2018, vì với anh, có những điều trong cuộc sống giống như chiếc bật lửa hết gas, chủ nhân của nó có thể vứt đi hay giữ lại nhưng nghệ sĩ thì có khả năng đọc vị để giúp nó sinh ra giá trị mới. Lối biểu hiện đương đại, vì vậy, cho rất nhiều đường dẫn để đưa nghệ sĩ đến với tác phẩm mà không bị cạn ý tưởng, còn công chúng thì đi từ chưa quen đến quen, từ quen đến hiểu. Đó là cách rút ngắn khoảng cách giữa hai đầu của một sợi dây, dần đưa nghệ thuật đương đại Việt Nam đi xa hơn.

Theo Thái Minh - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
San sẻ sách (29/10/2018)