Trong những năm qua, du lịch cộng đồng (DLCĐ) đã đem đến nhiều tác động tích cực cho xã hội, mang lại các lợi ích về văn hóa, kinh tế và môi trường. Tuy nhiên, do chưa có chiến lược phát triển bài bản, các mô hình du lịch cộng đồng ở Việt Nam vẫn chủ yếu hoạt động theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ với chất lượng phục vụ chưa cao.
Một đi không trở lại
Theo số liệu thông kê, DLCĐ ở Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự tham gia của cộng đồng địa phương đối với loại hình du lịch này còn kém hiểu quả. Mới đây, Diễn đàn mô phỏng Nghị viện trẻ tổ chức buổi tọa đàm “Tăng cường sự tham gia có hiệu quả của cộng đồng địa phương trong phát triển DLCĐ ở Việt Nam” nhằm tìm ra hướng phát triển cho DLCĐ.
Tại tọa đàm, theo nhận định chung hiện nay nhận thức của cộng đồng thấp, kỹ năng làm du lịch chưa có, dẫn đến đánh mất lợi ích chính đáng của cộng đồng địa phương, và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cũng như làm mai một bản sắc văn hóa. Hiện nay lực lượng làm du lịch chưa nhạy bén trong việc tiếp cận chính sách phát triển DLCĐ. Chưa có các quy định hay quy tắc ứng xử trong du lịch.
Điển hình như trường hợp làng Trà Nhiêu (Quảng Nam) khi triển khai dự án cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, các nhóm sản phẩm dịch vụ, làng nghề truyền thống cũng được dự án du lịch hỗ trợ, quy hoạch đồng bộ. Tuy nhiên sau một thời gian hoạt động do thiếu cơ chế quản lý và những quy định ràng buộc trong việc phân chia lợi ích giữa các bên liên quan nên doanh thu không tới cộng đồng. Nguyên nhân là do chưa có quy định về mức phí phải trả cho cộng đồng nên doanh thu phần lớn thuộc về các doanh nghiệp lữ hành.
Bên cạnh đó, hiện nay cộng đồng địa phương chưa ý thức được vai trò, quyền lợi của mình dẫn tới thiếu định hướng phát triển trong tương lai. Đơn cử như dự án tại làng DLCĐ Mỹ Sơn sau khi dự án kết thúc do cộng đồng địa phương không có đủ chuyên môn để quảng bá, kết nối, duy trì hoạt động du lịch vì vậy dự án hiện nay không thể tiếp tục triển khai. Dẫn tới vấn đề bảo vệ môi trường trong việc phát triển du lịch không được coi trọng.
Ngoài ra, về sự tham gia của cộng đồng địa phương trong DLCĐ còn mờ nhạt, tự phát, manh mún. Cộng đồng địa phương chưa đóng vai trò chủ chốt trong DLCĐ. Hiện nay các mô hình DLCĐ còn chưa chủ động trong việc tìm kiếm và gây dựng nguồn vốn. Các mô hình chỉ được đưa vào thực tế khi có nguồn vốn bên ngoài làm thiếu đi sự chủ động trong việc quản lý du lịch tại địa phương. Thiếu nguồn vốn còn dẫn tới cộng đồng địa phương không có tiếng nói trong mô hình hoạt động kinh doanh dẫn tới tâm lý đi làm thuê.
Hiện nay các cộng đồng địa phương chỉ tham gia vào các hoạt động sản xuất thiếu sự quan tâm vào các hoạt động quy hoạch, định hướng phát triển du lịch của chính cộng đồng. Các cộng đồng không có đủ chuyên môn hoặc không đủ quyền hạn để tham gia vào quá trình quyết định. Sự tham gia của cộng đồng địa phương thường có quy mô vừa và nhỏ bên cạnh đó kinh doanh du lịch còn bị chi phối bởi yếu tố mùa vụ. Vì vậy mô hình thường không tập trung và mang tính chất ngắn hạn, không được quan tâm và đánh giá đúng mực từ phía các cộng đồng địa phương.
Tìm hướng phát triển bền vững
Với những nguyên nhân chủ quan và khách quan trên đã kéo theo hệ lụy là nhiều du khách “một đi không trở lại”, nguồn lợi du lịch không những không được khai thác hết mà còn đứng trước nguy cơ mai một, lai tạp bản sắc. Để tháo gỡ thực trạng này, bên cạnh sự phối hợp của các cơ quan nhà nước thì bản thân cộng đồng dân cư cần hiểu rõ mục đích của việc phát triển DLCĐ cũng như chủ động tham gia vào quy trình nâng cao, năng lực trình độ, tích cực phối hợp cùng các bên liên quan tuyên truyền lan rộng các chương trình đào tạo và đóng góp tri thức địa phương để xây dựng nội dung đào tạo phù hợp.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Quang Trung- Chi hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam (VTGA), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam cho rằng, DLCĐ muốn phát triển cần tôn trọng nguyên lý “4 chung, 3 nhà”. Trong đó, “4 chung” ở đây là chung văn hóa, chung cộng đồng, ăn chung, làm chung. Vấn đề tồn đọng từ nhiều năm nay ở mô hình này đó là chưa có sự phân chia quyền lợi rõ ràng giữa các bên, dẫn đến các hoạt động còn chưa thực sự chuyên nghiệp và đồng bộ. Cũng theo ông Trung, để du lịch cộng đồng có thể phát triển đúng như định hướng cốt lõi của nó, cần giới hạn lượng khách tham quan. Không thể vừa phát triển ồ ạt, vừa giữ được các bản sắc văn hóa trong đời sống cộng đồng.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên- Trợ lý Dự án tại Quỹ Văn hóa Hà Nội cho rằng, DLCĐ không thể độc lập, tự thân phát triển mà cần có cả một hệ sinh thái. “3 chân kiềng” của DLCĐ là “Du lịch cộng đồng giúp người dân thân thiện hơn với môi trường; Giúp mọi người gần gũi với nhau hơn về mặt văn hóa – xã hội; Giúp người dân có nguồn kinh tế tốt hơn”. DLCĐ không hề tiêu cực, nhưng tất nhiên như mọi hoạt động khác của đời sống, trong quá trình phát triển, nó luôn đi kèm với những hệ lụy. Đó là điều mà những chính sách cần lưu tâm để có những điều chỉnh cho phù hợp.
Có thể thấy, du lịch nói chung và DLCĐ đồng nói riêng đã, đang và sẽ mang lại những nguồn lợi vô cùng to lớn cho xã hội, kinh tế, môi trường... của Việt Nam. Để đảm bảo các mô hình du lịch cộng đồng hoạt động lâu bền và mang lại những giá trị cao nhất, cần phải nâng cao, thúc đẩy sự tham gia có hiệu quả của chính cộng đồng địa phương vì cộng đồng địa phương là nền móng của loại hình du lịch này.
Theo Minh Quân - ĐĐK