Câu chuyện hôm nay
Không để các nhà báo đơn độc trong cuộc chiến chống tiêu cực
08:52 | 31/01/2019

Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 5/4/2016 đã ban hành Luật Báo chí - văn bản pháp lý quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, tổ chức và hoạt động báo chí, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí, quản lý nhà nước về báo chí.

Không để các nhà báo đơn độc trong cuộc chiến chống tiêu cực
Phóng viên bị truy đuổi khi tác nghiệp tại khu đồi bị đào bới tan hoang để khai thác khoáng sản trái phép tại thôn Tân Tiến, xã Lương Thiện (Tuyên Quang)- Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Trong đó Chương I, Điều 4, mục d nêu rõ: “Báo chí có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.”

Như vậy, các nhà báo không chỉ là “cổ động viên” cho cái thiện, cái tốt mà còn có chức năng là người chiến sỹ trên mặt trận chống lại cái xấu, cái ác. Những chiến sỹ này trong đa số các trường hợp không có được sự “hiệp đồng tác chiến,” thường “đơn thương độc mã” với nhiệm vụ cao cả là “thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân” theo đúng quy định của Luật Báo chí. 

Họ không có súng, không có áo chống đạn. Vũ khí của họ là cây bút, máy ảnh và máy quay phim. Với “vũ khí” như vậy họ lại phải đối mặt với những cá nhân, tổ chức quyết liệt tìm cách làm cho “các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực” không bị phát lộ.

Trên thực tế đã xảy ra không ít trường hợp các nhà báo bị các đối tượng xấu cản trở tác nghiệp, xúc phạm danh dự, hành hung, hủy hoại phương tiện hành nghề và tài liệu. Trầm trọng hơn là khi các đối tượng xấu câu kết với những cán bộ biến chất trong các cơ quan chức năng để ngăn cản hoạt động báo chí hợp pháp. Cũng có khi sự chậm trễ, thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng đẩy các nhà báo vào tình thế nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe.

Mới đây nhất, ngày 26/1/2019, trong khi đang tác nghiệp tại thôn Tân Tiến, xã Lương Thiện, huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) để tìm hiểu về tình hình khai thác quặng trái phép, phóng viên Nguyễn Văn Tý (thuộc Cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Tuyên Quang) và phóng viên Trần Đức Vinh (thuộc Văn phòng đại diện khu vực miền núi phía Bắc của Tạp chí Truyền thống và phát triển) đã bị các đối tượng khai thác quặng trái phép hung hăng truy đuổi.

Tiếp đó, ngày 27/1, phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam tại tỉnh Kon Tum Hoàng Đình Chiểu đã bị nhóm côn đồ tấn công gây đa chấn thương. 

Hội Nhà báo Việt Nam ngay lập tức đã ra hai văn bản gửi các ngành chức năng đề nghị xử lý hai vụ việc hành hung, cản trở phóng viên tác nghiệp.

Lên tiếng về vụ việc ở Tuyên Quang, ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc TTXVN, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo TTXVN, nhấn mạnh: “Thông tấn xã Việt Nam mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc để làm rõ, xử lý những đối tượng sai phạm.”

Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam đã làm đúng chức năng, quyền hạn của mình. Giờ là lúc các cơ quan chức năng ở Tuyên Quang và Kon Tum vào cuộc để xử lý những cá nhân hay nhóm người trực tiếp hoặc đứng đằng sau hai vụ việc tấn công các nhà báo.

Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), bất kỳ hành vi xâm phạm đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhà báo khi tác nghiệp đều bị xử lý theo Bộ luật Hình sự: Tội cố ý gây thương tích; Tội giết người; Tội đe dọa giết người; Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; Tội hủy hoại tài sản…”

Bên cạnh đó, hành động hành hung các nhà báo cũng vi phạm trắng trợn Luật Báo chí. Chương I, Điều 9, mục 12 quy định nghiêm cấm đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Việc cản trở hoạt động báo chí thậm chí còn là sự vi phạm trực tiếp đến quyền được tiếp cận thông tin của công dân ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Luật Báo chí.

Việc tuyên truyền, giáo dục để mọi người hiểu rõ hơn về quyền hạn, chức năng của báo chí cũng như trách nhiệm dân sự, hình sự của mỗi công dân là điều hết sức cần thiết.

Cũng hết sức cần thiết sự vào cuộc ráo riết của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để những vụ việc cản trở hoạt động báo chí, hành hung phóng viên không rơi vào quên lãng, đảm bảo sự tôn nghiêm của luật pháp Việt Nam nói chung và Luật Báo chí nói riêng.

Theo Trần Quang Vinh (TTXVN/Vietnam+)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng