Câu chuyện hôm nay
Trách nhiệm nêu gương để lấn át cái xấu
10:42 | 13/04/2019

Thần tượng là một nhu cầu thiết yếu của thế hệ trẻ, nó cần thiết như cơm ăn nước uống hàng ngày. Có phải chăng xã hội chúng ta đang thiếu vắng những anh hùng, những con người bình thường, những sự việc bình thường đã trở nên quý hiếm, được nêu gương khiến thế hệ trẻ tìm đến những kẻ giang hồ cộm cán, những kẻ tìm mọi cách để gây sốc trong đời sống và trên mạng xã hội?

Trách nhiệm nêu gương để lấn át cái xấu

Tuổi trẻ khát khao những cái mới, cái khác lạ, cái phi thường đã tự tìm cho mình những điều mà mình cần và thật đau lòng trong rất nhiều trường hợp các em đã đi sai đường, gây nguy hại cho mình và xã hội.

Một nhà giáo dục nước ngoài, trong một hội thảo mới đây ở Hà Nội đã nêu nhận xét: Rất nhiều bậc cha mẹ ở Việt Nam đã giáo dục con em theo chủ nghĩa thực dụng, nghĩa là học tập chăm chỉ để sau này có việc làm kiếm được nhiều tiền, để làm quan, mà không chú ý dạy con phải sống vị tha, làm những việc có ích cho xã hội. Đây là điều đáng lo ngại, vì theo quy luật gieo hạt nào thì gặt quả ấy.

Một vấn nạn cần phải báo động là đạo đức xã hội đang xuống cấp ngày một trầm trọng. Những lĩnh vực, những con người từ xưa đến nay được xã hội tôn trọng, nêu gương thì nay cũng bị lung lay, xuống cấp vì lối sống thực dụng, kém tiền, vô cảm. Đó là lĩnh vực y tế, giáo dục – hai trục đỡ quan trọng của đời sống xã hội. Đây là những nghề cao quý, những người cao quý.

Cả xã hội tôn vinh, gọi họ là những người thầy: thầy giáo và thầy thuốc. Một người nuôi dưỡng đời sống tâm hồn, vun đắp trí tuệ cho con người. Một người trị bệnh cứu người. Cả hai tầng lớp này đều được xã hội trọng vọng đề cao: Người đi vào lĩnh vực này không bao giờ giàu, không thể giàu được (nếu định làm giàu thì chọn nghề khác) bởi phải lo cho phần hồn và phần thể chất của nhân loại. Thế mà hiện nay, việc học sinh phải đi học thêm tràn lan, việc người bệnh vào bệnh viện phải đưa phong bì cho thầy thuốc đã là chuyện thường ngày, chẳng làm ai ngạc nhiên. Đây là điều hết sức đau lòng.

Không thể chỉ đổ tội cho vi trùng gây bệnh, vì vi trùng thì ở đâu và thời nào chẳng có. Vấn đề là mọi người phải biết cách phòng tránh tác hại của vi trùng và nền y tế đủ sức mạnh (con người và phương tiện) để chế ngự và vô hiệu hóa những nguyên nhân gây nên bệnh.

Do vậy việc nâng cao đạo đức xã hội, xây dựng lối sống lành mạnh, có văn hóa vẫn là điều kiện cốt tử để đẩy lùi cái xấu, cái ác. Vấn đề là xây dựng như thế nào cho có thực chất, bởi chúng ta đã nói quá nhiều, kêu gọi quá nhiều mà hành động lại chưa tương xứng. Mỗi người – đặc biệt là các bậc cha mẹ, các vị lãnh đạo cần nêu gương để con em chúng ta, ở nhà và xã hội đều được tiếp xúc với những người tốt, việc tốt.

Theo Trần Bảo Hưng - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng