Câu chuyện hôm nay
Chuyện bên lề việc xây Khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu
10:33 | 26/04/2019

NGUYỄN KHẮC PHÊ   

Gọi là “Chuyện bên lề” vì chủ trương xây Khu Lưu niệm nhà thơ Tố Hữu (KLNTH) là của UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi “bỗng dưng” bị lôi vào cuộc do đã viết bài “Ngày Xuân thăm quê nhà thơ Tố Hữu” đăng trên báo Văn nghệ số Tết Mậu Tuất - 2018.

Chuyện bên lề việc xây Khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu
Khuôn viên căn nhà ở quê nội nhà thơ Tố Hữu. Ảnh chụp Xuân 2017

Sau khi bài được đăng, một bạn văn gọi điện cho tôi nói rằng: Có người “thắc mắc” Nguyễn Khắc Phê (NKP) là em ông Viện mà sao lại viết bài này? Một người khác lại bảo: Chẳng lẽ NKP không biết Tố Hữu đã viết những câu thơ tán dương Cải cách ruộng đất.  Gần  đây,  khi  quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên  Huế  về  kế hoạch  xây  (KLNTH)  khá  hoành  tráng trên khu đất rộng hơn bốn ngàn mét vuông  với kinh phí 28 tỷ đồng, trên không ít trang mạng  đã có nhiều ý kiến “phản biện” khá gay gắt - trong  đó một số trang đã đăng “thư Nguyễn Khắc Viện  (BSNKV) gửi Tố Hữu” năm 1986, dễ làm người đọc  nghĩ  rằng  BSNKV  cũng  “hạ bệ thần tượng”  nhà  thơ từ hơn 30 năm trước! Nhà văn Phạm Viết Đào  (PVĐ) còn viết bài “Nguyễn Khắc Phê em trai học  giả Nguyễn Khắc Viện “đầu têu” xây khu lưu niệm  Tố Hữu”. Bài  viết  có rất  nhiều  sai  lạc  (sẽ  viết ở đoạn  sau) ở đây  chỉ  nói  một  điều:  tôi  là  người  đầu  tiên  đưa  lên  một  tờ báo  Trung  ương  vấn  đề  này, chứ trước đó, nhiều đồng chí ở địa phương đã  nghĩ  đến  việc  xây  KLNTH  và  năm  2014,  nhà  văn  Nguyễn  Quang  Hà cũng  đã  nêu  vấn  đề  tương  tự trên báo Thừa Thiên Huế.  

Đến nay thì UBND tỉnh đã có quyết định… Nhưng  chúng  ta  đều  biết,  đã  có những  công  trình  quan  trọng hơn của đất nước sau khi quyết định, đã phải  dừng lại hay thay đổi. Đó cũng là chuyện thường - thậm chí là đáng mừng. Kế hoạch xây dựng KLNTH  cũng  không  ngoại  lệ.  Nếu  xem  dư  luận  xã  hội  là  “kênh tham khảo” hay “chuyện bên lề” thì chuyện  đáng nói trước hết là thông tin mà tôi biết: gia đình  nhà  thơ  Tố Hữu  cũng  không  đồng  thuận  với  xây  dựng  khá  quy  mô  và  đã  gửi  thư  cho  UBND  tỉnh,  UBND  huyện  Quảng  Điền,  cảm  ơn  sự  quan  tâm  của  Đảng,  Nhà nước  và  chính  quyền  địa  phương  nhưng  không  muốn  sử dụng  công  quỹ xây  dựng  khu lưu niệm như dự kiến vì“Thừa Thiên Huế là tỉnh  còn nhiều khó khăn. Quảng Điền, quê nội của nhà  thơ  Tố  Hữu  càng  là  huyện  nghèo  lại  thiên  tai  liên  miên...”; lá thư còn dẫn hai câu thơ của Tố Hữu viết  về Bác Hồ: “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/  Hơn  tượng  đồng  phơi  những  lối  mòn” để  các  nhà chức trách hiểu quan điểm của nhà thơ Tố Hữu về  cách tưởng niệm những người đã mất…  

Các “chuyện bên lề” khác là những trao đổi trên  mạng  xã  hội;  trong  thời  đại  ngày  nay,  không  thể  xem thường nhưng cũng cần phân biệt mức độ đúng  -  sai.  Do  là  “người  trong  nhà”,  xin  nói  trước  đến  “Bức thư Nguyễn Khắc Viện gửi Tố Hữu” năm 1986 mà một số trang mạng đưa lên gần đây, có thể hàm ý BSNKV không xem trọng nhà thơ Tố Hữu. Theo tôi, điều đó là sai với chủ đích của tác giả. BSNKV viết lá thư này chỉ để bày tỏ mong muốn Tố Hữu không tiếp tục ứng cử vào “Trung ương” để bảo vệ “sự nghiệp thơ trong lòng nhân dân.”

Lâu nay, đây chỉ là “tin đồn” hoặc hiểu ngầm là loại thông tin chưa được phổ biến. Một số bạn cũng đã hỏi tôi rằng, bức thư có thật không? 33 năm đã qua từ ngày ấy và chuyện cũng chẳng đáng phải giữ “bí mật”. Trong sách “Ước mơ & Hoài niệm” - Nguyễn Khắc Viện kể chuyện” (Nxb. Trí thức, 2017) BSNKV đã kể rõ việc này. Cuốn sách “Đãi cát lấy vàng” của tôi vừa xuất bản cũng đã công khai bức thư; vậy nên xin cung cấp nguyên văn để những ai cần tư liệu có thể sử dụng:
 

Ngày 30 - 11 - 1986

Kính gửi anh Tố Hữu

Hôm nay nhân xem lại vài bài dịch thơ anh trong Anthologie de la littérature Vietnamiene (Tuyển tập Văn học Việt Nam), thấy không thể không gửi cho anh bức thư này.

Anh Tố Hữu ạ! Trước kia đọc thơ, dịch thơ anh cảm hứng đằm thắm bao nhiêu thì nay thấy ngán ngẩm bấy nhiêu. Anh bảo làm bí thư vẫn không bí thơ, chúng tôi thấy anh càng quyền cao chức trọng, đọc thơ anh càng thấy nhạt nhẽo.

Anh mà trở lại Trung ương, trở lại chức quyền, là chôn vùi luôn sự nghiệp thơ trong lòng nhân dân. Rút lui đi, anh Tố Hữu, cứu lấy nhà thơ Tố Hữu. Anh sẽ trở lại với cuộc sống bình dị của một nhà thơ, chan hòa với anh em, anh em chúng tôi lại đón anh với tấm lòng trân trọng quý mến. Xuân này anh sẽ chen vào đám đông đi chợ hoa, đi hội làng Gióng hay Đồng Kỵ chứ không tiền hô hậu ủng nữa.

Anh mà trở lại Trung ương, Bộ Chính trị, thì bài báo đối ngoại đầu năm tôi phải viết sẽ là bài “La mort d’un poète” (Cái chết của một nhà thơ). Chắc không được đăng, nhưng ít nhất cũng được truyền trong một số bạn.

Vài lời chân thành của một người đã từng yêu thơ của anh, và mong được mãi mãi giữ lấy tình cảm thắm thiết ấy.

Kính thư


(Nguyên bản bức thư gia đình đã trao cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 lưu giữ).

Trong cuốn sách vừa dẫn, sau khi tóm tắt nội dung thư ở trên, BSNKV đã viết: “Không thấy thư trả lời của đồng chí Tố Hữu, và sau đó, đồng chí không trúng cử vào Trung ương nữa.”

Vấn đề cần nói thêm là việc các trang mạng đưa ra lá thư trên vào lúc này như là một bằng chứng để “hạ bệ thần tượng” nhà thơ theo xu hướng một số người nào đó, có đúng và thích hợp không? Xin nói thẳng là không. Lá thư chỉ góp ý Tố Hữu không nên ứng cử vào Trung ương để giữ uy tín “sự nghiệp thơ trong lòng nhân dân”. Chỉ một cụm từ này đã cho thấy BSNKV “trân trọng quý mến” nhà thơ như chính ông đã viết ở cuối thư.

Hơn nữa, trong Tuyển tập Văn học Việt Nam, bộ sách lớn xuất bản bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, BSNKV đã đánh giá thơ Tố Hữu một cách trân trọng: “Trong tác phẩm của Tố Hữu, bức tranh toàn cảnh rộng lớn của cuộc kháng chiến dân tộc và quần chúng được vẽ với những màu sắc rực rỡ nhất… Có thể nói rằng Tố Hữu là nhà thơ nổi tiếng duy nhất đã có thể hòa nhập với phong trào cách mạng, để trái tim mình đập cùng nhịp với quần chúng đang chiến đấu…”.

Như thế, theo tôi nghĩ, BSNKV không hề đánh giá thấp thơ Tố Hữu và hai vị, nếu có dịp “gặp nhau” ở “cõi khác” hay đang “bay lượn” xem bà con “đi chợ hoa, đi hội làng Gióng hay Đồng Kỵ” hẳn vẫn trò chuyện với nhau vui vẻ, thân ái… Do vậy, việc “mượn” lá thư trên để thêm phản ứng kế hoạch xây KLNTH là không chính đáng. Còn xây KLNTH như thế nào lại là vấn đề khác, tùy điều kiện cụ thể và quan niệm của cơ quan thực hiện. Nhân nhắc đến BSNKV (người mà nhà văn Phạm Viết Đào phong tặng là “đại trí thức” - và còn nhiều danh hiệu cao sang khác mà không chỉ giới trí thức mà cả “chính giới” phong tặng cho ông), xin giới thiệu “cách lưu niệm” BSNKV chỉ là một tấm biển đồng gắn trước nhà với các dòng chữ “ĐÃ SỐNG VÀ LÀM VIỆC NƠI ĐÂY” kèm một số “thông tin” chủ yếu nhất.

Chuyện bên lề trên mạng phổ biến hơn là một số người theo xu hướng “hạ bệ thần tượng”, đã dẫn thơ Tố Hữu ca ngợi “bác Mao, bác Xít”. Theo tôi, khi đánh giá sự nghiệp văn chương của một tác giả, cần nhìn toàn cục và công bằng. (Ở đây, xin được “mở ngoặc” nói thêm: Trong làng văn cũng như trong xã hội, NKP không là “cái đinh” gì để bênh che một tên tuổi như Tố Hữu; mặt khác, những ai theo dõi đường văn NKP trong nửa thế kỷ qua, cũng biết NKP không xu nịnh ai, thậm chí còn bị “tai nạn nghề nghiệp” vì viết những điều “không hợp ý” một số quan niệm ấu trĩ một thời (và không hề được ông Tố Hữu che đỡ!), nhưng với cái nhìn công bằng, NKP đã viết trong tập ký vừa xuất bản:

“Theo tôi, trước hết, đó không phải là THƠ; những tuyển thơ Tố Hữu về sau không có những bài đó; cũng có thể hiểu chính tác giả cũng muốn loại bỏ chúng. Con người không ai là Thánh; nhà thơ cũng là con người, có sai, có đúng, có lầm lạc và nhận thức là một quá trình, chịu sự tác động của hoàn cảnh xã hội, lịch sử. Xin lưu ý, đâu chỉ có Tố Hữu, rất nhiều văn nghệ sĩ khác có uy tín, được xã hội kính trọng, cũng từng viết, vẽ ca tụng những điều như vậy. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự “ngây thơ” như nhà thơ Việt Phương đã viết: “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ…” BSNKV cũng từng tự nhận mình có thời là “ngây thơ”…”

Với riêng bài viết của nhà văn PVĐ, chỉ dẫn trường hợp PVĐ phê phán bài thơ nổi tiếng “Bác ơi” Tố Hữu viết sau ngày Bác Hồ qua đời mà có lẽ nhiều người còn thuộc (“Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa/ ... Chiều nay con chạy về thăm Bác...”) thì... buồn cười quá! PVĐ viết rằng: “Một cái chết của ông Hồ được trời biết, đất biết suốt mấy hôm rày mà Tố Hữu làm sao đến chiều mới chạy về thăm mà lại chỉ “Đến bên thang gác, đứng nhìn lên” mà không ào vào nơi ông Hồ Chí Minh nằm?”... Phê bình văn chương mà “máy móc” như vậy thì… hết biết! Đó là chưa nói đến việc PVĐ không biết chi đến hoàn cảnh cụ thể là ngày Bác Hồ mất, Tố Hữu đang nằm bệnh viện (chi tiết này đã có trong sách giáo khoa, vô Google 1 giây là thấy!) PVĐ cũng bất chấp việc nhà thơ Tố Hữu không sinh ra và hầu như không sống ở quê nhà (mà bài ký của tôi đã viết rất rõ!) - các con ông càng như thế, nhà lưu niệm thì đã có ở Hà Nội, nên gia đình ông không tính tới việc xây thêm nhà lưu niệm ở quê cũng có cái lý của nó (cũng như việc sẽ xây KLNTH sắp tới cũng có cái lý, từ một góc nhìn khác); vậy nhưng PVĐ viết rằng Tố Hữu “vô tâm” trước “ngôi nhà này là ngôi nhà từng che chở tuổi thơ cho Tố Hữu; sao Tố Hữu lại không đoái hoài, đếm xỉa gì?”

Bài của PVĐ còn nhiều sai lạc nữa, thậm chí nặng lời với tôi (cho rằng NKP “ngớ ngẩn, xu thời”) mặc dù như tôi hiểu, ông không “ghét bỏ” gì tôi, nhất là khi ông biết tôi là em ruột BSNKV mà ông quý trọng phong cho danh hiệu “đại trí thức”. Tuy thế, tôi vẫn kính trọng dịch giả Rumani PVĐ, nhà báo PVĐ với những bài viết nồng cháy tinh thần yêu nước. Có thể khi viết bài trên, là một “PVĐ khác” hoặc là PVĐ đã bị… “cướp quyền điều khiển” ngòi bút của mình! Đó là tôi vận dụng dựa theo một cách hiểu khoa học rất hiện đại - trong “thế giới ảo” là hiện tượng “cướp quyền điều khiển” trên không gian mạng đã xảy ra và trong thế giới tâm linh là người mộng du hay bị “vong nhập”! Các bạn có thể tìm đọc cuốn sách rất có giá trị “Hào quang vật lý trong bầu trời Phật học” mà Nxb. Thế giới & ThaihaBooks vừa xuất bản sẽ hiểu rõ hơn. Đừng nghĩ đây là “chuyện riêng” của PVĐ mà là kinh nghiệm cho cả giới cầm bút, nhất là khi lên mạng, rất dễ bị “tâm lý đám đông” cuốn hút vào xu thế “hạ bệ thần tượng” đang được một số người cổ vũ.

Dẫn những điều trên, chứng tỏ là đến nay, tôi vẫn “bỏ phiếu thuận” về việc xây KLNTH, cho dù đã có bạn khuyên tôi không nên “dính” đến “vụ” này nữa, với lý do mà “nói trắng” ra là cần tính “đường xa nghĩ nỗi sau này…” Có lẽ cái tính “gàn” của “ông Đồ Nghệ” (như Nguyễn Quang Lập đã phong tặng cho tôi trên Tuần san Thanh Niên dạo nào), tôi có cách nghĩ khác: Khi “thể chế” này mới chỉ hiện diện xa tít bên nước Nga, các nữ sinh Đồng Khánh Huế - hầu hết là con cháu nhà giàu, quan lại - đã chuyền tay nhau thơ Tố Hữu như là bảo vật! Có điều khác là tôi giữ nguyên ý tưởng từ bài ký viết mùa Xuân năm ngoái, trong đó có câu: “…đó sẽ là một phương án tốn ít tiền của nhất, giản dị, nên thơ và gần gũi với mọi người… Một “công trình” như thế, có lẽ không cần dùng đến ngân sách Nhà nước…”(*)

Cho đến nay, như tôi được biết, phương án chi tiết cuối cùng KLNTH vẫn chưa hoàn thành, nên hẳn là những ý kiến đóng góp với thiện ý (kể cả đồ án thiết kế chi tiết của các kiến trúc sư, họa sĩ từng yêu mến thơ Tố Hữu) chắc sẽ được các cơ quan hữu quan nhiệt tình đón nhận.

Xin được kết thúc bài viết với một thông tin cũng có thể xem là “chuyện bên lề” vì không phải quyết định có “dấu son” nhưng đáng tin cậy: Tôi đã có dịp trao đổi với ba đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, các đồng chí cho biết lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã lắng nghe dư luận và đã có chủ trương điều chỉnh thích hợp, kể cả tên gọi - có thể sẽ là một “Công viên văn hóa…” kết hợp tưởng niệm nhà thơ…

Với một công trình văn hóa - dù to hay nhỏ - để lại cho hậu thế, nhất là đối với một tên tuổi như Tố Hữu, không thể vội vàng, sự thận trọng như thế là rất đúng. Chúng ta hy vọng KLNTH hình thành vào dịp 100 năm ngày sinh của nhà thơ (4/10/2020) sẽ thể hiện được ý tưởng chủ đạo cơ bản của thiết kế mới tràn đầy hương vị Xuân và Thơ, đúng là nơi lưu niệm một nhà thơ đã có những bài thơ “sống trong lòng nhân dân” chứ không vì một chức tước nào khác. Do đó, công trình không phải là những khối “bê tông” thô cứng tốn nhiều tiền mà thường vắng lạnh như không ít nhà lưu niệm đã có mà thực sự là “một điểm sáng văn hóa” của vùng nông thôn huyện Quảng Điền còn nhiều khó khăn…

N.K.P  
(SHSDB32/03-2019)

------------------------
(*) Toàn văn bài ký cùng đoạn “bổ sung” in nguyên văn thư BSNKV gửi Tố Hữu và “lời bàn” của tôi về cách đánh giá sự nghiệp thơ Tố Hữu đã in trong tập “Đãi cát lấy vàng” – Nxb. Tổng hợp Tp.HCM vừa xuất bản.



 

Các bài mới
Các bài đã đăng