Di tích đình Tây Đằng (huyện Ba Vì) đã phát huy giá trị kiến trúc sau khi tu bổ. Ảnh: Bá Hoạt
Nơi tự ý, chỗ chậm chạp
Một sự việc đáng tiếc vừa xảy ra tại di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) khi nhà chùa cho phá dỡ, xây mới cổng phụ hai bên gác chuông; lát mới sân di tích và di dời cây lâu năm trong khuôn viên di sản. Đáng nói, sự việc trên đã được cơ quan chức năng phát hiện, nhắc nhở, song chính quyền địa phương vẫn không có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời, dẫn đến kiến trúc, cảnh quan di tích bị tác động tiêu cực.
Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Xuân Phúc khẳng định: "Sự việc trên vi phạm nghiêm trọng pháp luật về di sản văn hóa, cụ thể là Điều 24, Khoản 2, Mục b, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ về Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo".
Trong khi đó, chùa Báo Ân (xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai) đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng các khâu xử lý rất chậm. Sư Thích Đàm Trọng Nghĩa, trụ trì chùa Báo Ân cho biết: “Chùa Báo Ân được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng từ năm 1990. Trải qua thời gian, công trình bị xuống cấp nghiêm trọng: Mái hỏng, tường nứt vỡ, nhiều pho tượng quý bị thấm dột, biến dạng hình hài… Tháng 11-2018, UBND thành phố có quyết định đầu tư tu bổ cấp thiết cho di tích nhưng đến ngày 6-4-2019, UBND xã Đồng Quang mới đưa thợ tới và chỉ làm một, hai ngày lại nghỉ...”.
Trả lời về vấn đề này, ngày 23-4, UBND huyện Quốc Oai có Công văn số 781/UBND-VHTT gửi Báo Hànộimới cho biết: “Hiện tại, quá trình tu bổ cấp thiết chùa Báo Ân, xã Đồng Quang đã cơ bản hoàn thành”. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hànộimới tại di tích trong ngày 9-5, công việc tu bổ ở đây vẫn còn ngổn ngang. Sư Thích Đàm Trọng Nghĩa cho hay: "Công trình mới được giải ngõa, thay mới hơn 40 cây hoành, tàu, đầu dĩ… tại phần mái trước Tam Bảo. Ước tính việc tu bổ mới hoàn thành được 1/5 công việc...”.
Hai sự việc trên cho thấy, công tác tu bổ, tôn tạo di tích hiện tồn tại bất cập: Trong khi có nơi tự ý tu bổ, tôn tạo di tích, nhưng cũng có chỗ mặc dù được phép tu bổ nhưng lại triển khai chậm chạp.
Để không nảy sinh sai sót...
Không phải bây giờ mà từ nhiều năm qua, hiện tượng tùy tiện trong tu bổ, tôn tạo di tích đã xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố, với không ít vụ việc điển hình, như: Tự ý hạ giải, xây dựng trái phép tại chùa Trăm Gian (Chương Mỹ); xây mới, lắp đặt nhiều hạng mục không phép tại chùa Khúc Thủy (Thanh Oai); làm mới bản chạm khắc cổ ở đền Phù Đổng (Gia Lâm); tháo dỡ, xây mới toàn bộ đình cổ Lương Xá (Ứng Hòa)...
Di tích quốc gia chùa Báo Ân (xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai) xuống cấp nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội cho biết, sở hữu số lượng di tích lớn nhất trên cả nước, Hà Nội luôn cố gắng trong việc huy động các nguồn lực cũng như thực hiện hiệu quả công tác tu bổ, tôn tạo, thường xuyên chỉ đạo các cấp tăng cường quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố; yêu cầu các địa phương thực hiện đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn... Tuy nhiên, vi phạm vẫn nảy sinh, đòi hỏi tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo, phối hợp giữa các cấp, ngành.
Đối với việc tùy tiện phá dỡ, xây mới một số hạng mục tại chùa Bối Khê, Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội đã phối hợp với Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra thực tế, lập biên bản, đề nghị các cấp có thẩm quyền kiểm điểm và có hình thức kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân liên quan. Bên cạnh đó, hiện tượng “dây dưa” trong tu bổ, tôn tạo di tích tại chùa Báo Ân cũng đi ngược lại những quy định về tu bổ cấp thiết, cụ thể là phải tiến hành thi công nhanh gọn, hiệu quả, hạn chế thấp nhất những nguy cơ gây hại cho di tích. Đơn vị sẽ kiểm tra thực tế, chấn chỉnh những tồn tại (nếu có) trong tu bổ, tôn tạo tại di tích này.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ, thời gian qua, việc kiểm tra, phát hiện những vi phạm trong tu bổ, tôn tạo còn chưa quyết liệt. Hình thức xử lý chưa đủ sức răn đe. Điều cần quan tâm, chấn chỉnh hiện giờ là việc thực thi Luật Di sản văn hóa và các văn bản dưới luật tại các địa phương như thế nào, tình hình quản lý, giám sát tại các di tích đã hiệu quả hay chưa (?).
Nếu việc thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích được trao đổi rộng rãi, lấy ý kiến các nhà nghiên cứu, đồng thời quá trình tu bổ được triển khai dưới sự giám sát thường xuyên và nghiêm ngặt của tư vấn giám sát, của chính quyền địa phương và cộng đồng, chắc chắn sẽ khó nảy sinh sai sót.
Dự kiến, cuối tháng 5 này, HĐND thành phố Hà Nội sẽ tiến hành khảo sát công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa… trên địa bàn thành phố từ năm 2016 đến nay. Đợt khảo sát nhằm làm rõ những khó khăn, hạn chế, vướng mắc; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan, đồng thời kiến nghị giải pháp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện hiệu quả hơn công tác này.
Theo Hanoimoi