LÊ HOÀNG TÙNG
Vai trò của thể dục, thể thao đã được xã hội thừa nhận, đánh giá là một trong những nhân tố quan trọng tác động đến sự phát triển của mỗi cá nhân và đất nước.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi người dân yếu ớt tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ, ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy thì sức khỏe. Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào tôi cũng tập”.
Cùng với những thành tựu về chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội của đất nước, sự nghiệp thể dục, thể thao ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã có bước phát triển mới. Bên cạnh các môn thể thao thành tích cao, phong trào thể thao quần chúng, trong đó có thể thao dân tộc tiếp tục phát triển sâu rộng trên địa bàn, thể hiện ở sự gia tăng về số lượng người tập thường xuyên, sự phát triển đa dạng của các loại hình tập luyện. Các hoạt động thể thao dân tộc gắn liền với nhiều lễ hội, các hoạt động truyền thống, điển hình như Festival Huế được duy trì tổ chức 2 năm/ lần và Festival Nghề truyền thống Huế cũng được duy trì tổ chức 2 năm/lần tại thành phố Huế; lễ hội Sóng nước Tam Giang tại huyện Quảng Điền; lễ hội Thuận An biển gọi tại biển Thuận An, huyện Phú Vang; lễ hội Lăng Cô huyền thoại biển tại bãi biển xinh đẹp Lăng cô, huyện Phú Lộc; Hội thi Văn hóa - Thể thao các dân tộc miền núi Thừa Thiên Huế... Những trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc được lưu giữ, tái hiện và đưa vào thi đấu hàng năm đã góp phần bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc. Ngành Thể dục, Thể thao tỉnh cũng như các đơn vị quản lý Nhà nước về các lĩnh vực liên quan đã tích cực phối hợp triển khai các hoạt động góp phần vào quá trình này, nhất là việc đưa vào chương trình thi đấu các Đại hội Thể dục, thể thao các cấp.
Lễ hội đấu Vật làng Sình, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang - Ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm |
Thi đẩy gậy tại Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế (được tổ chức 2 năm 1 lần) |
Thi đấu Cờ Người vào dịp Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế hàng năm |
Các giải thể thao ở cơ sở được tổ chức trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, các ngày lễ lớn trong năm đã diễn ra sôi nổi và thu hút nhiều người tham gia; nhiều hoạt động thể thao như Lễ hội Vật Làng Sình, Lễ hội Vật Thủ Lễ; thi đấu Cờ người, biểu diễn Võ cổ truyền, đua ghe, đua trãi, đẩy gậy, các giải bóng đá, bóng chuyền, cầu lông... tiếp tục được duy trì và phát triển ở nhiều địa phương. Sở Văn hóa và Thể thao (trước đây là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) định kỳ phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện Nam Đông, A Lưới tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế 2 năm 1 lần thu hút đông đảo vận động viên là đồng bào dân tộc tham gia; trong chương trình ngày hội, Ban Tổ chức đã lựa chọn một số bộ môn thể thao dân tộc, thể thao dân gian đưa vào thi đấu như: bắn cung, ném lao, ném còn, vật,… qua đó, tuyển chọn và thành lập được đội hình vận động viên các dân tộc thiểu số tỉnh tham dự các Đại hội thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc, khuyến khích các môn thể thao dân tộc phát triển.
Ở cấp tỉnh một số môn thể thao dân tộc đã thể hiện được vị trí quan trọng như môn võ Cổ truyền đã được nhân rộng với đội ngũ võ sư khá đông đảo, góp phần thu hút lực lượng tham gia luyện tập. Hệ thống võ đường thuộc các môn phái võ Dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh khá đa dạng, các võ sư đã tận dụng các cơ sở như trường học, cơ quan, sân tập, công viên... để luyện tập vũ thuật cho võ sinh. Theo thống kê sơ bộ, ước tính mỗi xã, phường, thị trấn có từ 1 - 2 võ đường (có nơi chỉ là sân tập), riêng trên địa bàn thành phố Huế con số này lớn hơn rất nhiều. Điều đáng quan tâm việc duy trì, khôi phục môn vật dân tộc tại Thừa Thiên Huế khá thành công thông qua việc ngày càng quy chuẩn hóa lễ hội Vật Làng Sình (huyện Phú Vang), khôi phục thành công Vật Thủ Lễ (huyện Quảng Điền), từng bước phục hồi một số môn thể thao phổ biến dưới triều Nguyễn như Cờ Người, môn phái võ dân tộc Vạn An, Hội thi Tiến sĩ Võ...
Tuy nhiên, trong thực tế còn khá nhiều môn thể thao dân tộc ít được quan tâm tổ chức, chỉ mang tính đơn lẻ của từng địa phương, của từng lễ hội, chưa nhân rộng thành các môn thể thao trong thi đấu. Điều này đã làm cho thể thao dân tộc chỉ đang trong mức là lưu giữ, chưa được phát huy tốt cho toàn xã hội. Trong hệ thống thi đấu thể dục, thể thao của tỉnh, nhất là các giải, các đại hội thể dục, thể thao chưa có nhiều môn thể thao dân tộc, do vậy, sự quan tâm của các huyện, thị xã, thành phố Huế cũng như cấp xã, phường, thị trấn đã bị giảm đi. Hệ thống các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện quy chế về tổ chức lễ hội thể thao, phong danh hiệu, các tiêu chí còn ít, chưa sát với thực tiễn. Chế độ chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển thể dục, thể thao đối với các đối tượng xã hội đặc biệt, đồng bào dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật còn thiếu. Việc xây dựng quy hoạch phát triển thể thao dân tộc gắn với hoạt động văn hóa, du lịch chưa đồng bộ.
Hội nhập quốc tế đang đặt ra nhiều thách thức đối với nền thể dục, thể thao truyền thống của nước ta hiện nay. Quá trình hội nhập sâu đang mở ra nhiều cơ hội để giao lưu văn hóa với các quốc gia, trong đó có sự giao lưu trên lĩnh vực thể dục, thể thao, nhưng đồng thời cũng đặt ra vai trò quản lý Nhà nước về thể dục, thể thao nói chung và thể thao dân tộc nói riêng là làm sao vừa phải tiếp thu các thành tựu trong quản lý thể dục, thể thao, tiếp cận với các bộ môn thể thao hiện đại của thế giới, vừa phải bảo tồn các bộ môn thể thao dân tộc, tránh không để bị mai một, lãng quên. Trong đó, một vấn đề cơ bản đặt ra là phải làm sao để vừa tiếp thu có chọn lọc các môn thể thao hiện đại, song phải gắn liền với việc kiểm tra, kiểm soát điều kiện đảm bảo để nhân dân tham gia không ảnh hưởng đến sức khỏe; mặt khác, với các quy định khắc khe của các giải thi đấu lớn của khu vực và thế giới đòi hỏi các nhà quản lý về thể dục, thể thao phải thường xuyên nâng cao năng lực, trình độ quản lý, nhằm đưa nền thể dục, thể thao Việt Nam tiến kịp và hòa nhập cùng với thể thao quốc tế, song vẫn giữ vững những nét văn hóa vốn có và bản sắc riêng của thể thao dân tộc. Điều này đặt ra nhiệm vụ trước mắt là cần tăng cường vai trò Quản lý nhà nước nhằm bảo tồn và phát triển thể thao dân tộc đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Nhằm nâng cao hơn nữa công tác quản lý Nhà nước để thể thao dân tộc tiếp tục được bảo tồn và phát huy trong giai đoạn hiện nay, trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với sự nghiệp phát triển thể thao, nhất là thể thao dân tộc, trong đó, quản lý Nhà nước giữ vai trò chủ yếu; đảm bảo tốt quan hệ giữa phát triển thể thao thành tích cao với thể thao quần chúng nói chung và thể thao dân tộc nói riêng. Ở đây, thể thao thành tích cao vừa là động lực, vừa là hạt nhân góp phần phát triển thể thao dân tộc, và thể thao dân tộc là một bộ phận của thể thao quần chúng đóng vai trò cơ sở để phát triển thể thao thành tích cao trong hoạt động thể dục, thể thao nói chung.
Thứ hai, phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao kiến thức và hiểu biết về các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý Nhà nước về thể dục, thể thao, các quy định nhà nước về nội dung, điều kiện hoạt động thể dục, thể thao cho các tầng lớp nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng. Liên hệ lồng ghép hoạt động của ngành Thể dục, Thể thao với các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội để phát triển thể thao dân tộc; phát triển các nhóm câu lạc bộ thể thao dân tộc; tổ chức các hoạt động rèn luyện thể lực gắn với các bộ môn thể thao dân tộc...
Thứ ba, cần xác định một trong những nhiệm vụ chủ đạo của quản lý nhà nước về thể dục, thể thao là tạo hành lang pháp lý và các điều kiện cho các môn thể thao dân tộc được bảo tồn, phát triển. Định chế quy trình, niên hạn tổ chức các đại hội thể dục, thể thao các dân tộc thiểu số, các ngày hội, các giải thi đấu các môn thể thao cổ truyền của dân tộc. Chỉ đạo tổ chức lễ hội thể thao, các giải thể thao gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các hệ thống tiêu chí xây dựng làng văn hóa, cơ quan văn hóa. Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách của địa phương đối với phát triển thể dục, thể thao đối với các đối tượng xã hội đặc biệt, đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiên việc khôi phục, quy hoạch phát triển thể thao dân tộc; tổ chức sưu tầm, thống kê phân loại các trò chơi vận động dân gian; tổ chức hoạt động và quản lý đối với các môn võ cổ truyền dân tộc.
Thứ tư, cần xác định ý nghĩa quan trọng của việc gắn kết giữa quá trình quản lý Nhà nước về thể thao dân tộc với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế; gắn các phong trào thể thao dân tộc với công tác quản lý Nhà nước về văn hóa và du lịch, dịch vụ. Ở đây, công tác quản lý Nhà nước về các mặt đời sống xã hội luôn nằm trong một tổng thể chung của quá trình quản lý đối với chính quyền các cấp. Xuất phát từ định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển dịch vụ và du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phát triển thể dục, thể thao thông qua xã hội hóa, ngành Thể dục, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cần phải xúc tiến các bước để đưa công tác quản lý Nhà nước về thể thao dân tộc gắn liền với quá trình quản lý Nhà nước về kinh tế, du lịch, văn hóa, trong đó tổ chức các hoạt động thể thao dân tộc gắn liền với phát triển văn hóa, du lịch của địa phương, xem thể thao dân tộc là nhân tố góp phần phát triển kinh tế - du lịch của Thừa Thiên Huế.
Thứ năm, cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới chính sách đãi ngộ, ban hành những quy chế đặc thù cho các vận động viên, huấn luyện viên đạt được nhiều thành tích trong thi đấu các bộ môn thể thao dân tộc; kết hợp hài hòa vinh danh, động viên tinh thần và vật chất. Đẩy mạnh chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa; thực hiện lộ trình chuyên nghiệp hóa một số môn thể thao dân tộc gắn với hoạt động kinh doanh giải trí; khuyến khích các đơn vị, tổ chức đầu tư cho thể thao; thí điểm chuyển giao một số hoạt động trong lĩnh vực thể dục, thể thao nói chung và thể thao dân tộc nói riêng cho các tổ chức xã hội. Mở rộng giao lưu, tăng cường hợp tác, vận động thu hút các nguồn tài trợ, các nguồn vốn đầu tư cho bảo tồn và phát triển thể thao dân tộc.
Thứ sáu, cần chú trọng việc hình thành một hệ thống các Liên đoàn thể thao, Hội thể thao từng môn, từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cơ sở xã, phường, thị trấn. Vừa khuyến khích các liên đoàn phát triển, vừa tăng cường quản lý Nhà nước để các liên đoàn hoạt động đúng hướng. Tăng cường mở các lớp hướng dẫn viên, trọng tài các môn thể thao phổ biến, nhất là các bộ môn thể thao dân tộc để từ đó vừa thu hút nhiều người tập luyện và vừa làm nòng cốt trong điều hành các giải thể thao dân tộc đảm bảo đúng quy định của pháp luật và chuyên môn.
Thứ bảy, cần đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về khai thác, sử dụng các công trình, trang thiết bị thể dục, thể thao hiện có, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đáp ứng nhu cầu tập luyện và thi đấu của quần chúng nhân dân; quy định về tổ chức thi đấu, thực hiện xã hội hóa đối với các hoạt động thể dục, thể thao ở cơ sở, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường và cải tiến hệ thống thi đấu thể thao quần chúng, thể thao dân tộc theo hướng xã hội hóa, khuyến khích khai thác các nguồn kinh phí tài trợ từ các tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao tính hấp dẫn trong việc tiến hành tổ chức thi đấu các giải thể thao dân tộc cấp tỉnh, thu hút đông đảo quần chúng tham gia tập luyện và thi đấu.
L.H.T
(TCSH362/04-2019)