Câu chuyện hôm nay
Sính danh và những hệ lụy xấu cho xã hội
14:52 | 22/07/2019

Việc xuất hiện hàng loạt các danh hiệu như “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam”, “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam”, “Nữ hoàng thực phẩm Việt Nam”… theo TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam thì đây không chỉ là minh chứng cho căn bệnh “cuồng” danh hiệu, “loạn” danh hiệu dường như ngày càng tăng nặng mà hơn thế, nếu không có giải pháp “điều trị” triệt để sẽ đem tới nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.

Sính danh và những hệ lụy xấu cho xã hội
TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Giá trị thương hiệu quan trọng hơn cả chất lượng thực tế

- PV: Thưa tiến sĩ, việc xuất hiện quá nhiều các danh hiệu theo ông nguyên nhân bắt nguồn từ đâu ? 

- TS Bùi Hoài Sơn: Thực tế, người Việt chúng ta, không phải đến bây giờ, mà từ khá lâu rồi, nhiều học giả đã đồng thời phê phán rất nhiều về thói háo danh. Ngay từ những năm đầu của thế kỷ trước, các học giả như Đào Duy Anh trong “Việt Nam Văn hóa sử cương” xuất bản năm 1938 hay Nguyễn Văn Huyên trong “Văn minh Việt Nam” xuất bản năm 1944 cũng đã đề cập đến vấn đề này đủ để chúng ta thấy, đây không phải là vấn đề mới, mà dường như là một tính cách khá phổ biến của người Việt trong lịch sử cũng như hiện nay. Tất nhiên, không phải ai cũng có thói xấu này, nhưng những gì mà học giả Đào Duy Anh nói về người Việt là “hay khoe khoang, trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh”, theo tôi, cũng đáng để chúng ta xem xét khi nó có thể đúng với hầu hết các nhóm người Việt, bất kể sang hèn hay nghề nghiệp khác nhau. Có thể cách thức thể hiện điều này đa dạng, khác nhau mà thôi! Hiện chúng ta mới chỉ bàn nhiều về các danh hiệu nữ hoàng, hoa hậu, người đẹp, song việc theo đuổi các danh hiệu cũng xuất hiện trong nhiều lĩnh vực như nghệ thuật, giáo dục, nghiên cứu…

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay thì giá trị thương hiệu nhiều khi quan trọng hơn cả chất lượng thực tế. Điều đó có thể thấy rõ trên các chương trình quảng cáo, trên truyền thông. Từ chuyện về kinh tế chuyển hóa trở thành những câu chuyện của đời sống thật và nó không chỉ áp dụng đối với hàng hóa mà còn là câu chuyện cá nhân. Cá nhân nhiều người cũng cần thương hiệu giống như thương hiệu của hàng hóa bất chấp có thật hay không để nhằm phục vụ lợi ích của bản thân. Đấy là một trong những lý do căn bản tại sao người ta theo đuổi các danh hiệu như thế. 

Tôi cũng chứng kiến khá nhiều người không xứng đáng với những danh hiệu nhưng bằng mọi cách, họ vẫn cố để có được những danh hiệu không xứng đáng này. Hệ lụy của hiện tượng này không chỉ làm ảnh hưởng xấu đến công việc chung mà hơn thế, họ làm cho những người có năng lực, nhưng có thể vì lý do này hay lý do khác, không có được những bằng cấp, danh hiệu nên không được đặt vào đúng vị trí xứng đáng cảm thấy hụt hẫng, mất ý chí phấn đấu. Căn bệnh “sính danh” này nguy hại hơn khi người dân không thể phân biệt thật giả trong bằng cấp, danh hiệu, trong vị trí và trong công việc. 

- Theo ông làm thế nào để hạn chế và sau cùng là triệt tiêu được “căn bệnh” được cho là thâm căn này?

- Nếu không tìm nguyên nhân cơ bản thì sẽ không thể giải quyết được tận gốc vấn đề thương hiệu bởi lẽ nếu xóa bỏ danh hiệu này thì sẽ rất sớm xuất hiện danh hiệu khác, không hôm nay thì ngày mai.

Trong xã hội của chúng ta có nhiều điều thật giả lẫn lộn, không biết tin vào đâu nên nhiều người đã đánh đồng danh hiệu là thương hiệu. Họ mải miết săn kiếm bằng cấp, giấy chứng nhận hay những cái gì tạo thành thương hiệu cho cá nhân, để chứng minh cho phẩm chất, chất lượng của con người nào đó mà trong bối cảnh hôm nay việc kiểm định chất lượng rất khó khăn.

Ví như việc phong tặng danh hiệu, hay trao các giải thưởng có tính chất tôn vinh, thậm chí ngay các cuộc thi học sinh giỏi, sinh viên tài năng… góp phần lan tỏa các tấm gương tốt trong xã hội nhưng mặt khác tiêu cực là nó tạo ra hiệu ứng đam mê các danh hiệu, vô tình tạo thêm hiệu ứng sùng bái các danh hiệu. Vì thế, tại thời điểm này rất cần rà soát, chấn chỉnh việc trao tặng danh hiệu, việc vinh danh sao cho những người được tặng xứng đáng là tấm gương để mọi người hướng đến. Những người có danh hiệu đó phải cảm thấy tự hào để từ đó mỗi cá nhân đều ý thức được việc gìn giữ danh hiệu để luôn là tấm gương tốt định hướng cho đạo đức xã hội.

- Điều này có thể hiểu là việc tôn vinh và trao tặng giải thưởng, danh hiệu như thời gian qua là quá nhiều và dễ dãi?

- Chính sự cào bằng các danh hiệu đã gây ra những hỗn loạn thời gian qua. Hai nỗ lực khác nhau, phấn đấu khác nhau đáng lẽ phải có những vị trí, danh hiệu khác nhau, do các tổ chức có uy tín và trách nhiệm khác nhau đưa ra thì đáng lẽ hai danh hiệu đó cũng phải khác xa nhau về độ tín nhiệm cũng như giá trị xã hội… Song tại thời điểm này, do những trục trặc trong tổ chức, do có những kẽ hở trong quản lý mà một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng để trục lợi, mang tới những ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội.

Trong bối cảnh xã hội, mặt bằng dân trí hiện nay thì cần phải siết chặt quản lý không nên để “trăm hoa đua nở” như vừa qua. Tuy nhiên, đối với quản lý văn hóa thì vẫn nên theo hướng hậu kiểm. Việc áp quá nhiều nguyên tắc hoặc khuôn mẫu dễ vô tình dẫn tới việc ngăn cản sự phát triển tự do sáng tạo của xã hội.

Phải kiểm soát chặt việc tôn vinh, phong tặng danh hiệu
 

ảnh 2

Những kẽ hở trong quản lý khiến nhiều cuộc thi nở rộ như thời gian qua (Ảnh minh họa)


- Theo ông cần có các giải pháp như thế nào để không còn lẫn lộn đồng thau?

- Đầu tiên là cần nâng cao nhận thức xã hội trong việc nhận diện thương hiệu, danh hiệu. Từ nhận thức đúng về các thương hiệu, danh hiệu gắn với nỗ lực của bản thân, phải thực chất thì mới giảm bớt được việc tôn vinh nhầm, sai trong xã hội. Trong mỗi giai đoạn cụ thể có thể kiểm soát chặt hơn việc tôn vinh, để không tràn lan. Giải pháp truyền thông cũng đóng vai trò tích cực đối với nhận thức xã hội. Cần có việc nêu gương danh hiệu tốt nhưng cũng phải phê phán những việc, những danh hiệu chưa phù hợp để nâng cao nhận thức xã hội, đồng thời định hướng để những người tổ chức cũng như tham gia tôn vinh, xét tặng… không trượt dài vào các sai lầm.

Cùng đó, với mỗi công việc cụ thể các tổ chức, đơn vị cũng hạn chế lồng danh hiệu vào công việc. Ví dụ như đối với văn bản không cần phải ghi học hàm, học vị hay ghi danh hiệu NSND, NSƯT… chẳng hạn thì không cần thiết phải đưa những xưng danh đó đi kèm với tên của người phát biểu hay ký văn bản… Chúng ta đặt đúng vị trí của danh hiệu thì dần dần người dân sẽ hiểu và không cần mải miết trang bị cho mình các danh hiệu. Hay như việc bổ nhiệm hay tuyển lao động chẳng hạn, không lấy những danh hiệu làm thước đo chính bổ nhiệm các cán bộ mà phải sử dụng đúng năng lực, sở trường của cá nhân để tránh tình trạng không thi tuyển mà chỉ tuyển dụng bằng văn bằng chứng chỉ. Cách này cũng giảm thiểu việc tạo ra sức ép tìm kiếm các văn bằng, chứng chỉ, danh hiệu để đạt được vị trí nhất định trong xã hội…

 - Không chỉ là danh hiệu mà việc xưng danh gắn với định danh quốc gia Việt Nam cũng đang bị lạm dụng?

 - Ngôn ngữ có sự phức tạp mà không phải lúc nào cũng đưa ra các chế tài được mà phải bắt nguồn, đúc kết từ hiện thực cuộc sống để đưa ra các quy định phù hợp. Từ những vụ việc vừa qua cũng đặt ra câu chuyện về việc sử dụng, quản lý như thế nào đối với các biểu tượng, thương hiệu, xưng danh mang tính quốc gia. Theo tôi cần phải có suy nghĩ kỹ lưỡng, thấu đáo hơn, có quy định cụ thể hơn thay vì việc tùy tiện sử dụng như thời gian qua. Việc gìn giữ thương hiệu quốc gia, biểu tượng linh thiêng của đất nước… cũng là gìn giữ văn hóa.

- Theo ông có cần quy định trong văn bản mang tính chính thống? 

- Chắc chắn cần rồi nhưng đưa vào như thế nào thì cần phải tính bởi chỉ có văn bản chính thống thì mới có chế tài để xử lý các vi phạm. Ngôn ngữ thì có thể thay đổi qua thời gian, có thể ngày hôm trước thì không vấn đề gì nhưng nay thì trở thành kị húy và biết đâu thời gian sau nó lại không có vấn đề gì. Sự phức tạp này cần điều chỉnh một cách chính quy. Các sản phẩm hàng hóa gắn với địa phương thì gắn với bảo hộ thương hiệu. Nhưng giờ thương hiệu Việt Nam ai sẽ là người bảo hộ? Phải tính toán. Không áp đặt, máy móc nhưng cần phải xử lý để bảo vệ biểu tượng thiêng liêng của đất nước.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Trúc Anh - ANTĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng