Câu chuyện hôm nay
Tôn trọng đa dạng và khác biệt
09:03 | 24/07/2019

Chiến thắng khó khăn, vượt qua chính mình để cất lên tiếng hát, từ đó lan tỏa thông điệp về tình yêu thương, tôn vinh sự đa dạng và khác biệt, cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình và tươi đẹp. Đó là mục đích chương trình “Những sắc màu tình yêu” hướng tới.

Tôn trọng đa dạng và khác biệt
Âm nhạc gắn kết mọi người, tôn vinh sự đa dạng và khác biệt - Ảnh: iSEE

Mỗi chúng ta là một nốt nhạc

Cuối tuần qua, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã diễn ra chương trình biểu diễn “Những sắc màu tình yêu” (The colors of love) của Hợp xướng Đa dạng - Diversity Choir (Việt Nam) và Hợp xướng Tự hào Thái Bình Dương - Pacific Pride Choir (Australia), với các bài hát của Việt Nam và thế giới như: “Bèo giạt mây trôi”, “Bonjour Vietnam”, “Circle of life”...
 

“Ngay từ cái tên đã thể hiện sự đặc biệt của hợp xướng: Rất đa dạng với nhiều nhóm cộng đồng và biên độ tuổi, từ các em nhỏ đến người cao tuổi. Ban đầu tôi nghĩ mình làm việc này để có cơ hội đưa nghệ thuật hợp xướng đến với đông đảo công chúng, nhiều tầng lớp hơn, không chỉ giới hạn là người có điều kiện hoặc nghệ sĩ chuyên nghiệp. Nhưng hóa ra, dàn hợp xướng không chỉ là hát cho hay, mà còn có sứ mệnh khác, là mọi người học được cách yêu thương, chia sẻ, thấu hiểu, bảo vệ nhau và lan tỏa điều đó cho những người khác trong xã hội”.

Nghệ sĩ Nguyễn Hải Yến

Gây ấn tượng là màn biểu diễn của Hợp xướng Đa dạng, gồm 70 thành viên thuộc nhiều lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp khác nhau, trong đó có người thuộc những cộng đồng yếu thế như người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, nạn nhân bạo lực gia đình, người LGBTQI+… Theo bà Hoàng Thị Thu Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), Tổng đạo diễn chương trình: Hợp xướng Đa dạng ra đời tháng 11.2018, bắt đầu từ trăn trở xây dựng một dự án cộng đồng có thể thu hút nhiều thành phần tham gia để cùng chia sẻ mối quan tâm chung, niềm hứng khởi hay hoạt động ý nghĩa, tạo sự gắn kết và chia sẻ. “Và chúng tôi nghĩ đến một ngôn ngữ chung: âm nhạc. Đây là dự án âm nhạc cộng đồng đầu tiên của Việt Nam quy tụ các thành viên đến từ mọi lứa tuổi, ngành nghề, giới tính hay nhóm cộng đồng trong xã hội, những người có chung tình yêu với âm nhạc”.

70 thành viên được chọn từ 200 người tham gia thử giọng. Hàng tuần, họ gặp nhau vào thứ bảy để luyện tập. Mang theo di chứng bại liệt từ nhỏ, đi lại vô cùng khó khăn, nhưng chị Nguyễn Thị Yến lại được trời phú cho giọng hát truyền cảm. Khi được chọn tham gia hợp xướng, hàng tuần chị vượt qua chặng đường dài từ Từ Sơn, Bắc Ninh đến Hà Nội luyện tập: “Sự đa dạng của dàn hợp xướng là điều cuốn hút để tôi và mọi người đến đây. Tôi là người khuyết tật vận động, cùng tham gia hợp xướng còn có nhiều người khuyết tật khác, các bạn LGBT... mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, nhưng mọi người đều có đam mê âm nhạc. Từng hát đơn ca ở một số sân khấu, lần đầu tiên hát hợp xướng chưa bao giờ tôi lại thấy khó nhưng thú vị như thế. Đặc biệt là vào phòng tập rất vui, mọi khó khăn đều bỏ hết sau cánh cửa, bất kể thành viên nào cũng yêu thương và chia sẻ”.

Trước đó thậm chí chưa biết tới cộng đồng của nhau, chưa từng chia sẻ những vấn đề hay giá trị của nhau, tuy nhiên, âm nhạc đã giúp mỗi người thể hiện chính mình, đồng thời hiểu và tôn trọng sự khác biệt của những người xung quanh và gắn bó chặt chẽ. “Mỗi chúng ta là một nốt nhạc, cùng với nhau chúng ta tạo nên bản nhạc” là điều mà mỗi thành viên nhận ra khi cùng tạo nên hợp xướng.

Yêu thương và chia sẻ

Trong vòng 6 tháng, Hợp xướng Đa dạng đã tập hoàn thiện 5 tác phẩm có chất lượng chuyên môn tốt. Để làm được điều đó, cả chỉ huy và các thành viên đều phải nỗ lực. Gắn bó với dàn hợp xướng từ ngày đầu, nghệ sĩ Nguyễn Hải Yến, chỉ huy hợp xướng chia sẻ: “Mọi người đến đây vì niềm đam mê ca hát, nhưng không có nền tảng về âm nhạc, thanh nhạc, và cả hát bè hợp xướng. Nếu ép phải hát thế này, thế kia, thì mọi người cũng buồn chán và nghỉ hát, nên trong những giờ tập luyện, ngoài dạy hát còn phải gây cười, phải đủ dễ hiểu để mọi người biết cách hòa giọng với nhau và hát những giai điệu không phải giai điệu chính của bài hát, thậm chí hát bằng tiếng Anh...”.

Ngay trong lúc xếp bè cũng có quá nhiều vấn đề. Có thành viên là người lớn nhưng thiếu hormone sinh trưởng nên cứ bé mãi, không vỡ giọng, đáng lẽ phải xếp ở nhóm trẻ em, nhưng họ không chấp nhận mình là trẻ con, vì vậy phải có bè hòa giọng. Hay có người nghe giọng là nam nhưng vẫn phải xếp vào nhóm nữ, có người giọng nữ lại phải xếp vào nhóm nam... “Quá nhiều bài toán đặt ra. Với chỉ huy, dạy theo bản nhạc đã khó, tôi còn phải thay đổi các vấn đề trong bản nhạc (có xin phép nhạc sĩ), hoặc có bản nhạc phải tự phối để phù hợp với hợp xướng. Nhưng qua dự án như thế này, tôi trưởng thành về nghề nghiệp hơn, bao dung, lạc quan hơn nhiều, khi hàng tuần nhìn thấy các thành viên dàn hợp xướng đi xe lăn đến tập, không ai kêu ca về cuộc đời cả...” - vị chỉ huy vui tính của Hợp xướng Đa dạng nói.

Với những niềm vui và giá trị âm nhạc mang lại, các thành viên nhóm mong muốn dự án cộng đồng này sẽ được ủng hộ về tinh thần và vật chất để tiếp tục duy trì việc sáng tác, tập luyện và biểu diễn. Bởi âm nhạc là cách dễ nhất truyền đi thông điệp về sự đa dạng, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Theo Thảo Nguyên - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng