Tháng 7 âm lịch là thời điểm người dân đốt vàng mã nhiều nhất trong năm. Nhằm thay đổi hành vi lãng phí này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) vừa có thêm khuyến cáo tiếp theo không dâng cúng, không đốt vàng mã mùa Vu lan.
Ước tính mỗi năm người dân chi hàng nghìn tỷ đồng ném vào vàng mã. Tiền thật đổi tiền ảo sau vài phút vàng mã hóa tro. Lãng phí đã đành, hệ lụy đi kèm nào ô nhiễm môi trường, an toàn cháy nổ xã hội phải gánh.
Rừng thông ở Huế hôm 5/8 cháy do dân viếng mộ và đốt vàng mã. Đám cháy thật, thiệt hại thật từ hành động đốt tiền ảo không phải chuyện hiếm hoi. Thi thoảng lại có tin nhà dân (hoặc gần đây là ngôi chùa cổ ở Sóc Sơn) bị bà hỏa ghé thăm do bất cẩn thắp hương, đốt vàng mã. Năm ngoái chục ki ốt buôn bán vàng mã ở đền Mẫu Đồng Đăng (Lạng Sơn) bị thiêu rụi.
Năm 2018 GHPGVN ra văn bản khuyến nghị hạn chế đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự. Khảo sát nhiều ngôi chùa lớn nhỏ khắp cả nước từ Quán Sứ (Hà Nội) tới một số ngôi chùa ở Quảng Ninh, Bắc Ninh sau hơn một năm khuyến nghị, thấy người dân giảm đốt vàng mã nơi cửa chùa nhưng chưa chắc bớt ở tư gia hay đền phủ.
Thị trường vàng mã rục rịch từ hàng tuần nay đáp ứng nhu cầu hóa vàng mã mùa Vu lan. Ngày 18/7, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN ký Thông tư số 223 về việc tổ chức Đại lễ Vu lan báo hiếu trang nghiêm, ý nghĩa, phục vụ nhu cầu tâm linh tín ngưỡng cho Phật tử và nhân dân. Lễ Vu lan tổ chức tại các cơ sở thờ tự của Giáo hội, nơi công cộng nếu được chính quyền chấp thuận hoặc tư gia.
Tuy nhiên Giáo hội lưu ý không làm ảnh hưởng giao thông và sinh hoạt chung của cộng đồng, đề nghị không cúng, không đốt vàng mã, thay vào đó hành thiện, cứu giúp người nghèo. Một trong những lưu ý đặc biệt là GHPGVN yêu cầu các cơ sở thờ tự “không tổ chức cúng lễ thu tiền mang hình thức dịch vụ tâm linh, các nghi lễ không phù hợp chính pháp hoặc không phù hợp với nghi lễ truyền thống”.
Phật không dạy đốt vàng mã
Đại đức Thích Đạo Hiển, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Phó Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh phân tích: Dịp tháng 7 âm theo truyền thống Phật giáo là đại lễ Vu lan báo hiếu. Đó là một trong những nghi lễ quan trọng của đạo Phật đề cao tinh thần hiếu thảo đối với các đấng sinh thành, tổ tiên cũng như đề cao tinh thần báo ân, cụ thể là tứ trọng ân theo đạo Phật.
Theo Đại đức Thích Đạo Hiển: “Khi Phật giáo vào phương Đông hòa quyện với một số tín ngưỡng truyền thống-rằm tháng Bảy có lễ cúng cho cô hồn vất vưởng. Điều ấy gần gũi với tư tưởng Phật giáo-là tinh thần báo ân, tri ân-cho nên dịp này cũng có nhiều đàn lễ siêu độ cho thập loại chúng sinh”, Đại đức Thích Đạo Hiển nói. Tư tưởng này thể hiện rõ qua Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du, cho nên ở nhiều đàn lễ các tăng sư cũng tụng cả văn tế này bên cạnh kinh Phật.
Dù có sự tương đồng nhất định giữa tư tưởng đạo Phật với tín ngưỡng dân gian coi tháng 7 là tháng cúng cho cô hồn, tuy nhiên Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN nêu rõ, Phật giáo không quan niệm có tháng nào là tháng “cô hồn”. Kinh Phật dạy rằm tháng 7, Phật tử và nhân dân có thể phóng sinh, làm từ thiện, cúng dường Tam bảo, giúp đỡ người nghèo khó, lan tỏa điều hay lẽ phải.
Không chỉ đề cao trách nhiệm báo hiếu, báo ân với người đã khuất, Phật dạy, với những ai còn cha mẹ phải nhớ tinh thần tri ân bởi “dù vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ đi khắp thế gian này cũng chưa báo đáp được ân sâu cha mẹ”. Cha mẹ sống trong nhà giống như Đức Phật còn ở với đời. Đạo làm con luôn hiếu nghĩa với cha mẹ khi còn có cơ hội. Cha mẹ tại thế không lo phụng dưỡng, cha mẹ thác rồi lại đổ tiền đốt ngựa xe, nhà lầu xe hơi liệu ích gì?.
“Vu lan không chỉ thể hiện tinh thần báo hiếu, báo ân, cứu độ chúng sinh, Phật giáo hướng con người tới hành động nhân đạo giúp người, giúp đời. Vừa rồi gần 500 tăng ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam hiến máu tại Sóc Sơn, gần 200 người đăng ký hiến tạng. “Đấy là việc nên làm thay vì chỉ tập trung vào cúng lễ. Xã hội hiện nay có quan điểm tháng 7 đáng sợ nên không dám làm gì rất nguy hiểm. Điều này không có trong tư tưởng Phật giáo, càng không có trong văn hóa phương Đông mà chỉ là nhận thức tương đối sai lạc của một bộ phận nào đấy”, Đại đức Thích Đạo Hiển phân tích.
Giác ngộ
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký GHPGVN thừa nhận, một trong những tồn tại cần khắc phục sớm tại các cơ sở thờ tự là đốt vàng mã. Giáo hội có văn bản gửi tất cả các chùa, tăng ni phật tử tuyên truyền không đốt vàng mã, từ đó tạo chuyển biến rõ rệt.
“Việc sử dụng vàng mã giảm đáng kể, cho thấy hiệu quả của giáo dục và hướng dẫn người dân, Phật tử thực hành khuyến cáo ấy. Lễ Vu lan thể hiện lòng hiếu thảo bằng tình cảm, hành động chứ không phải cứ mâm cao cỗ đầy mới là báo hiếu. Bên cạnh việc bày tỏ tình cảm với tổ tiên ông bà cần đặc biệt chăm sóc những người còn sống như cha mẹ, quan tâm chăm lo các gia đình thương binh liệt sĩ, tri ân bằng hành động cụ thể.
Khi được hỏi về trách nhiệm giám sát đốt vàng mã ở nơi thờ tự, Thượng tọa Thích Đức Thiện khẳng định trụ trì là người chịu trách nhiệm. Người dân mang vàng mã đến chùa, các thầy không thể cấm vì vốn là một tập tục có từ bao đời nay, tuy nhiên các thầy phải có trách nhiệm tăng cường giáo dục, thông qua các bài thuyết giảng khai sáng cho Phật tử. “Sư trụ trì chịu trách nhiệm và phải bàn với chính quyền địa phương”, Thượng tọa nói.
Được biết với các ngôi chùa đông Phật tử dự lễ Vu lan, Giáo hội chủ trương nhà chùa phải đảm bảo an toàn, văn minh, trang nghiêm, nếu đông quá nên chia ra nhiều buổi lễ. “Chúng tôi có ý kiến với Ban Tôn giáo Chính phủ làm việc với chính quyền địa phương theo tinh thần không mong muốn hình ảnh người dân ngồi tràn ra đường. Đó là hình ảnh không đẹp”, Tổng Thư ký GHPGVN nói.
Theo Nguyên Khánh - TP