LÊ TIẾN DŨNG
(Khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh)
Thực tiễn giảng dạy văn chương hiện nay ở phổ thông cũng như đại học đang có tình trạng người giảng dạy ít chú ý đến phân tích cái hay cái đẹp của văn chương, mà thường thiên về nêu lên những nội dung xã hội, quan điểm, lập trường... Thực ra, giảng dạy văn chương mà phân tích nội dung xã hội, quan điểm lập trường không có gì sai trái. Nhưng dạy văn mà chỉ dừng lại ở đó thôi, thì xem như chưa giảng dạy gì về văn chương cả. Bởi lẽ, những nội dung ấy, cũng có thể tiếp nhận được ở nhiều bộ môn khoa học xã hội khác. Do thiên lệch này, mà nhiều giờ giảng văn, người học có cảm giác nó cũng giống như giờ chính trị, giờ lịch sử, hay giờ đạo đức... Trong một giờ thao giảng bài "Đồng chí" của Chính Hữu, một giáo viên dạy giỏi sau khi nêu chủ đề của bài thơ đã phân tích như sau: I- Cơ sở của tình đồng chí ; 1) Hoàn cảnh xuất thân. Ở phần này giáo viên phân tích rằng: hoàn cảnh xuất thân của đồng chí là giống nhau: quê hương đều nghèo (quê hương anh nước mặn đồng chua, làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá), thành phần gia đình đều thuộc bần cố nông (vì: Áo anh rách vai, quần tôi có hai mảnh vá)... Từ đó kết luận rằng: hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh quê hương giống nhau đã tạo nên tình đồng chí keo sơn.... Thật là một cách giảng thô thiển, mang nặng tính chất xã hội học dung tục. Ở một trường khác, khi giảng bài "Đất quê ta mênh mông" của Dương Hương Ly có nhiều giáo viên đã phân tích bài thơ ở mục I là "Sức mạnh Việt Nam" rồi thao thao bất tuyệt về sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong suốt trường kỳ lịch sử, mà chẳng đề cập gì nghệ thuật của bài thơ....
Có thể dẫn ra đây khá nhiều trường hợp tương tự. Qua những hiện tượng ấy, chúng ta thấy rằng: dạy văn của chúng ta đang có khuynh hướng giảng dạy những điều ngoài văn chương, đạo đức hóa, chính trị hóa các giờ văn... Và như thế về thực chất là đánh rơi bản chất đích thực của văn chương. Phần phân tích nghệ thuật tác phẩm, thường được người dạy tách riêng ra với kiểu phân tích đại loại như: bằng nghệ thuật đối lập, bằng nghệ thuật ẩn dụ, bằng cách nói ví von so sánh, bằng cách dùng từ giàu hình ảnh... Nghĩa là chỉ nêu lên đặc điểm nghệ thuật của văn chương nói chung, chứ không phân tích cái đẹp của từng bài văn cụ thể. Và như vậy là chưa giảng gì về nghệ thuật cả.
Ở phía người học cũng có tình trạng tương tự. Học sinh khi phải bình giảng một bài văn, bài thơ nào đó nói những nội dung xã hội, những quan niệm lập trường thì rất thạo, còn vì sao bài văn ấy bài thơ ấy hay thường không nói được gì. Đề thi tuyển sinh vào đại học năm 1986 có câu: Hãy giải thích hai câu thơ Tố Hữu:
Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa
Ai chưa đến đó như chưa rõ mình.
Khi làm bài này, rất nhiều thí sinh đã quay sang giải thích một hiện tượng khí hậu ở Trường Sơn vì sao Đông nắng mà Tây lại mưa, chứ không phân tích được ý nghĩa mưa nắng mà hình tượng biểu đạt.
Việc dạy văn và học văn ở bậc đại học cũng có những thiên lệch tương tự. Chúng ta dạy Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu cũng na ná giống nhau. Ông này yêu nước thương dân, thì ông kia cũng yêu dân thương nước, ông này đau đời thì ông kia cũng băn khoăn lẽ xuất xử ở đời... Đã có học sinh nói rằng: chỉ cần học một ông rồi tìm các dẫn chứng khác thế vào là hiểu được tất cả những người khác. Trong khi đó một phương diện quan trọng là nhà văn với tư cách là những cá tính sáng tạo độc đáo lại ít được chúng ta đề cập. Nghĩa là văn chương của từng người cụ thể chưa được giảng dạy một cách thấu đáo, và do đó chưa tạo nên được chân dung riêng cho từng người.
Một thực tiễn giảng dạy văn chương như thế là đáng báo động. Nguyên nhân của nó có lẽ là nhiều. Có thể do người giảng dạy còn non tay, có thể chương trình thiếu chọn lọc... Nhưng không thể nói đến những nguyên nhân chính trị xã hội cũng có những tác động không nhỏ đối với việc dạy và học văn. Người dạy văn chúng ta trong một thời kỳ dài được chăm sóc khá kỹ về quan điểm lập trường. Nỗi lo lắng của người dạy văn là sợ nói sai quan điểm, sai lập trường, chứ không phải ở chỗ là không nói được cái hay, cái đẹp của văn chương. Một giáo viên nói trật lập trường một chút thì có vấn đề, chứ giảng dạy thô thiển, diễn nôm tác phẩm, không hiểu nghệ thuật thì cũng chưa sao cả. Mặt khác, bản thản việc giảng dạy, nói cho được cái hay cái đẹp không phải dễ, cho nên thường quay sang diễn nôm tác phẩm. Mà đã diễn nôm thì chủ yếu là chú ý đến khía cạnh nội dung là tất nhiên.
Từ thực tiễn giảng dạy như vậy, hướng khắc phục như thế nào đây. Xin được nhắc lại đây ý kiến của Chủ tịch Phạm Văn Đồng trong bài nói chuyện "Dạy văn là một quá trình rèn luyện toàn diện" tại Bộ Giáo Dục ngày 8 tháng 9 năm 1973: "Trong một bài văn, ta có thể dạy cái hay, cái đẹp của văn, đồng thời có thể dạy bao nhiêu cái hay, cái đẹp khác trong đó về tâm hồn, về tư tưởng, về lẽ sống v.v... Cho nên chọn một bài văn là rất quan trọng"(1).
Như vậy, theo Chủ tịch Phạm Văn Đồng dạy văn là dạy cái hay cái đẹp của văn. Điều đó rất đúng. Một nội dung tư tưởng sâu nhưng không được thể hiện trong một hình thức tương xứng thì nội dung tư tưởng ấy cũng không có nghĩa về mặt văn chương là bao. Các buổi bình văn. Các cụ tâm đắc với những câu hay, từ đắt, nhãn tự... cũng là tâm đắc với chính cái hay cái đẹp của văn. Bây giờ đọc những bài phê bình văn chương, chúng ta tâm đắc với những lời bình hay. Thế thì tại sao lại không dạy văn cho học sinh bắt đầu từ cái hay cái đẹp của văn. Để rồi từ đó mà nói đến cái hay cái đẹp của tâm hồn, của tư tưởng, của lẽ sống... Tố Hữu đã có lần tự phân tích đoạn thơ mở đầu bài Mẹ Tơm như sau:
"Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa
Một buổi trưa nắng dài bãi cát
Gió lộng xôn xao, sóng biển đu đưa
Mát rượi lòng ta, ngân nga tiếng hát...
Trong hai câu thơ sau có âm vang của gió và sóng, có cả âm vang của một tấm lòng. Nếu viết gió thổi lao xao, sóng biển rì rào thì có lẽ không còn gì. Hai câu thơ không chỉ tả cảnh mà còn tả tình trong cảnh. Nhịp điệu hai câu thơ là nhịp điệu của sóng gió và cũng là nhịp điệu của nao nức, xôn xao và biết bao sung sướng êm ái trong lòng người trở về quê cũ, nơi đã nuôi mình”(2). Ở đây chính tác giả đã bắt đầu từ vẻ đẹp của nhạc thơ toát lên vẻ đẹp của tâm hồn. Chúng tôi cho rằng giảng văn là phải giảng được những điều như thế. Nếu dạy một bài văn, mà chưa nói được cái hay cái đẹp của văn thì dù rất đúng lập trường, rất đúng quan điểm... theo chúng tôi vẫn chưa đạt. Dạy được cái hay cái đẹp của văn chương cũng là cách tạo ra sức hấp dẫn trong giờ giảng văn. Hiện nay sở dĩ học sinh không thích học văn vì một phần là do thầy giảng khô quá (Chữ khô chúng tôi dùng ở đây muốn nói chúng ta thiên nhiều về nội dung, quan điểm) mà còn ít chất văn quá. Để kết thúc mấy ý kiến ngắn này chúng tôi xin dẫn ra đây một nhận xét của nhà thơ Võ Văn Trực khi nói về phê bình thơ. Anh Võ Văn Trực viết: "Một số tác giả phê bình hầu như có thói quen khi nhận xét một tập thơ thế nào cũng có các phần tình yêu thiên nhiên, đất nước, đồng chí, tính đảng, tính giai cấp, tính nhân dân. Nghĩa là đầy đủ các thứ tính nhưng lại thiếu mất tính thơ. Cũng như anh con trai tán tỉnh cô con gái nào cứ khen nào là lập trường em cao, nào là công tác em tích cực nhưng quên khen một điều mà cô con gái nào cũng thích ấy là "sắc đẹp của em" (Báo Văn nghệ số 47 năm 1985). Tương tự cũng có thể nói như thế về dạy văn. Dạy văn mà không nói cái hay cái đẹp của văn cũng chẳng khác gì không biết khen cô gái đẹp. Và mong rằng, các nhà soạn sách chọn đúng những cô gái đẹp thật sự, chứ không phải những cô gái đẹp vì phấn son, áo quần.
T.P Hồ Chí Minh, 5.1988
L.T.D.
(TCSH46/04-1991)
---------------
1. Phạm Văn Đồng - Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ - In lần thứ 5 NXB Văn học HN 1983. tr. 377.
2. Tố Hữu - Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với dân ta, thời đại ta. NXB Văn học HN 1973. tr. 437.