Câu chuyện hôm nay
Lúng túng chuyển mình
09:41 | 11/09/2019

Sự phát triển nhanh và mạnh của công nghệ sản xuất, chiếu phim, lưu trữ trong điện ảnh trên nền tảng công nghệ số vừa mang đến cơ hội, song cũng là thách thức cho mỗi nền điện ảnh. Trong bối cảnh đó, điện ảnh Việt Nam cần tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại, đột phá về tư duy làm phim để bắt kịp xu hướng thời đại.

Lúng túng chuyển mình

Lạc hậu và tụt hậu

Sáng 10.9, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Cục Điện ảnh, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo khoa học “Tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực điện ảnh”. Theo nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Duy Anh: Điện ảnh là một ngành công nghiệp và luôn gắn bó mật thiết với sự phát triển của công nghệ. Nếu công nghiệp thế giới đã trải qua ba cuộc cách mạng, thì công nghiệp điện ảnh cũng phải trải qua ba cuộc cách mạng. Trong đó, Cách mạng Công nghiệp mới 4.0 tất yếu sẽ dẫn đến cách mạng công nghệ mới trong lĩnh vực điện ảnh. Ở đó, sự phản ánh về hiện thực ảo và hiện thực thật xen lẫn, hòa trộn với nhau trong một bộ phim; việc phát hành và phổ biến một bộ phim vượt ra ngoài khuôn khổ truyền thống là tại các rạp chiếu phim hoặc trên truyền hình; cách thức tiếp cận, hưởng thụ nghệ thuật điện ảnh của khán giả cũng thay đổi, có nhiều sự lựa chọn phù hợp hơn để thỏa mãn nhu cầu cá nhân ở bất cứ thời gian, địa điểm nào.

Tuy nhiên, khi nền công nghiệp điện ảnh thế giới đã bước sang giai đoạn 4.0 thì điện ảnh Việt Nam vẫn còn khá lúng túng trong áp dụng các công nghệ, kỹ thuật mới. ThS. Nguyễn Lâm Tuấn Anh, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết: Tính đến hết năm 2018, nước ta có 500 doanh nghiệp được cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh sản xuất phim (thực tế có khoảng 15 - 20 doanh nghiệp đang sản xuất phim chiếu rạp, số còn lại chủ yếu sản xuất các chương trình truyền hình, quảng cáo). Công nghệ sản xuất và chiếu phim lạc hậu và tụt hậu, nhất là trong xu hướng công nghệ sản xuất và phổ biến phim của cả thế giới đã chuyển sang công nghệ số hóa. Tính đến tháng 12.2018, cả nước có 922 phòng chiếu phim. Rạp chiếu phim ở các thành phố lớn, rạp của công ty nước ngoài phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát, chiếm 60% số rạp và chi phối hoạt động chiếu phim tại Việt Nam. Trong khi đó, hệ thống rạp do Nhà nước quản lý tại các tỉnh, thành phố xuống cấp trầm trọng, công nghệ thiết bị chiếu phim lạc hậu, không đáp ứng nhu cầu chiếu phim và thưởng thức của khán giả…

Bên cạnh đó, hầu hết cơ sở vật chất của các cơ sở điện ảnh nhà nước đều được Nhà nước đầu tư 100% kinh phí. Cơ chế đầu tư về cơ bản vẫn là bao cấp, manh mún, phân tán, dàn trải, chồng chéo và không theo một quy hoạch tổng thể, hiệu quả sử dụng trang thiết bị thấp. Chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ sở kỹ thuật (công nghệ, thiết bị nhập với nhiều quy chuẩn khác nhau) gây lãng phí về khai thác công suất thiết bị. Một số thiết bị máy móc được đầu tư hiện đại ngang với các nước trong khu vực, nhưng đội ngũ chuyên gia lành nghề quá ít, không đáp ứng yêu cầu.

Tạo hành lang phát triển, hội nhập

Xu hướng toàn cầu hóa đã biến thị trường điện ảnh quốc gia trở thành bộ phận không thể tách rời của thị trường điện ảnh quốc tế, đòi hỏi nền điện ảnh các nước nói chung và Việt Nam nói riêng phải chủ động hội nhập toàn diện, tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại và tạo vị thế trên thị trường thế giới bằng bản sắc riêng. Theo ông Đỗ Duy Anh, ngành điện ảnh Việt Nam cần chủ động áp dụng những thành quả, tiến bộ khoa học mà công nghệ mang đến, hoạch định chiến lược phát triển công nghiệp điện ảnh phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ điện ảnh thế giới. Ở đó, cần xác định những bước đi cụ thể như xây dựng nền tảng dữ liệu số hóa toàn bộ quá trình sản xuất, phát hành và phổ biến phim; xây dựng cơ sở cung cấp dịch vụ kỹ thuật số cho ngành công nghiệp điện ảnh; xây dựng công nghệ điều hành quá trình sản xuất, phát hành, phổ biến phim và bản quyền tác giả…

Cho dù công nghệ số hóa với sức mạnh vượt trội của các mẫu thức trong sản xuất, phát hành và phổ biến phim, thì vai trò của con người, những nhà sáng tạo, tác giả của mỗi bộ phim vẫn là lực lượng nòng cốt mà không công nghệ nào có thể thay thế được. Trong khi đó, ThS. Hoàng Dạ Vũ, Viện Sân khấu - Điện ảnh, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội nhận định: Thành tựu Cách mạng 4.0 khiến điện ảnh Việt đối diện với nhiều tác động tiêu cực như sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất kinh doanh, dư thừa lao động trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, mất an ninh an toàn thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao... Hiện tại, Việt Nam đã có một số nhà sản xuất, phát hành và phổ biến phim cập nhật được trình độ phát triển của điện ảnh thế giới, song nguồn nhân lực chất lượng cao của điện ảnh Việt Nam còn rất ít và không đồng bộ, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thời kỳ làm phim theo công nghệ hiện đại. Tất cả những bất cập đó đặt ra nhu cầu cấp thiết phải đổi mới cách thức và tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điện ảnh.

Đề án sửa đổi Luật Điện ảnh đang được xây dựng với yêu cầu tạo hành lang pháp lý để vừa bảo vệ và phát triển điện ảnh dân tộc, vừa tăng cường hội nhập quốc tế, đồng thời bảo đảm các quy định của luật phải mang tính khả thi, ổn định và lâu dài. Theo các chuyên gia, nội dung sửa đổi vừa phải đặt trong thực tiễn phát triển đất nước, vừa phải đặt trong môi trường của Cách mạng 4.0 trong điện ảnh. Để làm được việc đó, trong quá trình sửa đổi Luật, cần quán triệt định hướng: Luật không chỉ tạo hành lang pháp lý để quản lý nội dung mà còn phải tạo hành lang pháp lý để phát triển một nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong thời đại công nghệ điện ảnh 4.0.

Theo Ngọc Phương - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng