Câu chuyện hôm nay
50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: “Cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”
09:29 | 04/10/2019


PHƯỚC AN

50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: “Cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”
Ảnh: Toquoc.vn

Bác Hồ đã đi xa chúng ta 50 năm. Trong suốt 50 năm qua, lòng mỗi người dân không bao giờ nguôi niềm tưởng nhớ, nỗi tiếc thương và lòng biết ơn sâu sắc đối với vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, nhà văn hóa lớn của nhân loại. Di chúc mà Bác gửi lại cho nước, cho dân, cho Đảng là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh trong đó cả tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân hiếm có đã trọn một đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân dân.

Một trong những việc quan trọng Bác Hồ nhắc trong Di chúc là sự chăm lo của Người đối với sứ mệnh của Đảng: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”. Đặc biệt Người nhấn mạnh vai trò của đạo đức cách mạng.
 

“Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”

Trong Di chúc, Bác Hồ khẳng định: “Đảng ta là một đảng cầm quyền” tức là chính quyền do Đảng Cộng sản tổ chức và lãnh đạo là chính quyền của dân, do dân và vì dân. Do đó, Người yêu cầu: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.”

Vì đạo đức cách mạng là “nền tảng”, là “cái gốc” của người cán bộ. Bởi “có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình. Khi cần, thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc”; “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; “Lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa”… Có thể nói, đạo đức cách mạng chính là cơ sở giúp đảng viên và cán bộ giáo dục, thuyết phục và lãnh đạo quần chúng nhân dân, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Bên cạnh đó, người cán bộ, đảng viên cũng cần phải “thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. “Bởi một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ. Cần, Kiệm, Liêm, là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn”.

Và câu cuối cùng trong phần nói về Đảng trong Di chúc, Bác viết: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.”

Bác căn dặn: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

Bác cũng nhắc nhở rằng, trong học tập, lao động, công tác cũng như trong cuộc sống đời thường của từng người ở xã hội ta vào thời kỳ cách mạng nào cũng thế, nếu sự bất liêm, bất chính, lãng phí, tham ô, lười biếng, vô trách nhiệm, thu vén cá nhân, ích kỷ vì lợi ta hại người... còn lẩn khuất đâu đó bằng sự dối trá với chính mình, với tập thể và cộng đồng thì đó là “kẻ thù nội xâm” nguy hiểm khôn lường.

Sinh thời, Bác Hồ luôn nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1); “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”(2); Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng đấu tranh giành chính quyền và sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh: “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”(3).  

Vận dụng tư tưởng Bác Hồ vào đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay

Thực hiện Di chúc Bác Hồ, xuyên suốt chặng đường cách mạng, Đảng luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đại hội VI (tháng 12/1986) là một bước đột phá trong công tác cán bộ nói chung và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng. Đại hội đã xác định: “Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải tuân theo một quy trình chặt chẽ. Đó là kết hợp giữa bồi dưỡng kiến thức ở các trường học với rèn luyện trong thực tiễn”(4), “Nhân tài không phải là sản phẩm tự phát, mà phải được phát hiện và bồi dưỡng công phu”(5). Bên cạnh việc xác định chủ trương đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Đảng còn quan tâm trực tiếp đến việc kiện toàn hệ thống các trường đào tạo cùng nội dung và phương pháp đào tạo nhằm mục đích chuẩn hóa việc đào tạo cán bộ theo tinh thần đổi mới.

Đến Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII, Đảng chủ trương: “Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch. Đào tạo gắn với tiêu chuẩn từng chức danh và yêu cầu sử dụng cán bộ… Đầu tư thích đáng cho việc đào tạo cán bộ đảng”(6). Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Đảng xác định: “Xây dựng, chỉnh đốn hệ thống các học viện, trường và trung tâm chính trị, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ”(7).

Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có những thành quả về chất lượng và số lượng làm động lực cơ bản, góp phần giúp Đảng đưa đất nước từng bước ra khỏi khủng hoảng, tạo nên những tiền đề quan trọng cho đất nước tiến tới thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 03- NQ/TW, ngày 18/6/1997, của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ cả nước đông nhưng chưa mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi. Đất nước còn thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực; năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều. Nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và còn nhiều hạn chế khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Đặc biệt, một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Bên cạnh đó, công tác cán bộ còn nhiều bất cập, không thể nói không có hiện tượng “nhất quan hệ, nhì tiền tệ, ba hậu duệ, bốn mới đến trí tuệ” trong bố trí cán bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chậm được đổi mới. Việc xây dựng đội ngũ làm công tác tổ chức còn nhiều hạn chế; phẩm chất, năng lực và uy tín của không ít cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu... Về vấn đề này, Bác Hồ đã sớm chỉ ra những sai lầm mà Người gọi là “những chứng bệnh”, trong đó phổ biến là căn bệnh biệt phái, cục bộ, địa phương, hẹp hòi: “1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. 2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực. 3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình. Vì những bệnh đó, kết quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho họ càng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo”(8)

Sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức và xu hướng quốc tế hóa nguồn nhân lực… hiện nay vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với nước ta. Sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn. Bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn còn hiện hữu, có mặt gay gắt hơn... Thời gian tới cũng là giai đoạn chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa; sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau. Tình hình đó tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ.

Xuất phát từ yêu cầu mới của thực tiễn, ngày 19/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ra Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, trong đó nhấn mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả.

Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân; phải thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ. Trong bối cảnh hiện nay, để chọn được những cán bộ ưu tú, có đức, có tài bổ sung cho đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, khâu lựa chọn cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu khách quan của công việc để tìm người. Cần có cơ chế thu hút, phát hiện những cán bộ thực sự có năng lực thông qua hoạt động lãnh đạo quản lý từ cơ sở để đưa đi đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm. Chú trọng phát hiện, tạo nguồn cán bộ trẻ, có tiêu chí để “sàng lọc” cán bộ. Đồng thời, cần có quy định về trách nhiệm của người lãnh đạo (đứng đầu) đơn vị về việc đào tạo, tiến cử người kế cận; cấp ủy của cơ quan phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Những tư tưởng của Bác Hồ về cán bộ và công tác cán bộ, Di chúc của Bác nhắc nhở về việc cán bộ “thấm nhuần đạo đức cách mạng” đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và sức sống thực tiễn. Việc tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng và những chỉ dạy của Người vào việc đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược “đủ tâm, đủ tầm” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay, là hết sức cần thiết và cấp bách.

P.A
(SHSDB34/09-2019)


..........................................  
(1), (2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t5, tr309, tr313.  
(4), (5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr134.  
(6) Văn kiện Nghị quyết Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1994, tr62.  
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr 142.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr 318 – 319.    




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng