Câu chuyện hôm nay
Sách giấy và viễn cảnh…
08:43 | 26/11/2019

Internet, việc số hóa sách và sự ra đời của những công cụ đọc sách điện tử, chính những cái mới ấy, cùng sự phổ biến chúng trong đời sống một cách rất nhanh chóng, đã buộc người ta phải nêu câu hỏi: Liệu đã sắp đến lúc sách giấy “cáo chung”?

Sách giấy và viễn cảnh…

Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ nói chung, đương nhiên, nhằm vào việc phục vụ những nhu cầu mới, ngày một nhân bội của con người trong xã hội hiện đại. Nhưng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hình như, từ những thành tựu tưởng toàn là đáng mừng ấy lại đẻ thêm ra một vài nỗi bất an cứ lớn dần khi ngày tiễn chân ngày đi vào quá khứ. Internet, việc số hóa sách và sự ra đời của những công cụ đọc sách điện tử, chính những cái mới ấy, cùng sự phổ biến chúng trong đời sống một cách rất nhanh chóng, đã buộc người ta phải nêu câu hỏi: Liệu đã sắp đến lúc sách giấy cáo chung? Nỗi bất an hiển hiện trong câu hỏi này, có lẽ, không chỉ là nỗi bất an của một số ít người đang sống bằng việc sản xuất và kinh doanh sách giấy. Nhiều hơn gấp bội, nó là nỗi bất an của những người mê sách, những người coi cuốn sách không đơn giản như một vật thể chứa đựng cái cần đọc, mà như một thế giới luôn mời gọi người ta nỗ lực đi vào khám phá để được đền bù bằng sự hiểu biết và cả trăm thứ khoái lạc tinh thần khác. Nói cách khác, với những người này, cuốn sách (giấy) chính là biểu tượng của tri thức, trí tuệ. Và vì thế, biết đâu đấy, nỗi bất an ấy sẽ dẫn họ đến trước một viễn cảnh thật nguy hiểm: Sự sụp đổ của văn hóa/ văn minh?

Không ngẫu nhiên tôi lại đặt giả định như vậy. Vào một ngày đẹp trời, khi ông đạo diễn và cô hoa hậu nọ bị chường ra trước mắt bàn dân thiên hạ bằng một bức ảnh, mà trong đó, ông và cô đang cùng tọa trên những chiếc ghế được kê cao thêm bằng các chồng sách, thì sóng gió đã lập tức xảy ra: Người ta, bỏ qua vật trung gian là chiếc ghế, sôi sục phản đối và kịch liệt lên án hành vi “ngồi trên sách” của họ, xem đó như một sự coi rẻ/phỉ báng/lăng nhục sách vở, một biểu hiện của sự vô văn hóa không còn gì chối cãi. Sao lại có thể như thế kia chứ, ở một đất nước nhiều nghìn năm văn hiến, với một dân tộc chuộng sự học, tôn vinh tri thức và yêu sách vở chữ nghĩa đến gần như sùng bái? Người ta bảo, trước kia, nhìn thấy tờ giấy có chữ viết rơi trên mặt đất, cũng không ai dám giẫm chân lên. Người ta kể, nhiều gia đình coi sách như gia bảo, sách được truyền từ đời ông qua đời cha đến vài đời con cháu; những cuốn sách được bọc bìa da, in chữ nhũ vàng, sóng gáy đứng trang nghiêm trong các tủ sách. Người ta ca tụng những người coi sách như vật thiêng, xem việc đọc sách như một nghi lễ, mỗi lúc mở cuốn sách để đọc là một lần phải bật lạp đốt trầm để tỏ lòng thành kính. Người ta nói cả đến chuyện ở những  đâu đó, trên đất nước này thôi, biết bao nhiêu đứa trẻ nghèo luôn ước ao được sở hữu dăm cuốn sách mỏng... Trước, và xuyên qua những ào ạt phẫn nộ như vậy, ta nhận thấy gì?

Theo tôi, có vài sự đáng để ngẫm nghĩ.

Trước hết, không xa xôi gì cho lắm, ta vẫn nghe báo chí rền rĩ ca thán về sự đi xuống của cái gọi là “văn hóa đọc” ở Việt Nam hiện nay. Sự ca thán ấy không phải vô căn cứ, khi những số liệu thống kê tương đối chính xác của cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản cho biết: Người Việt Nam đọc sách chưa đến 1 cuốn/người/năm. Mỗi đầu sách được in ra thường chỉ dao động trong khoảng từ 1.000 - 2.000 cuốn. (Riêng sách của nhà xuất bản Tri Thức - tức những cuốn sách mà người Nhật Bản, khi nhận thấy tầm quan trọng của chúng đối với sự phát triển quốc gia, đã dốc toàn lực để dịch, in, và phổ biến ngay từ thời Minh Trị - chủ yếu dừng ở hạn mức 500 cuốn/đầu sách). Trong khi, phải luôn nhớ điều này, dân số Việt Nam hiện đã là 90 triệu người. Nghĩa là, theo những con số thống kê lạnh lùng, quyết không thể nói nước Việt Nam hiện nay là một quốc gia ham đọc sách. Ai đó có thể sẽ nhắc tôi về chuyện những con số thống kê trên không bao hàm khối người đọc chỉ đọc sách trên internet và các công cụ đọc sách điện tử. Nhưng chắc rằng, ngay cả gộp đối tượng này vào đây, ta cũng ít cơ may để có một con số bớt ảm đạm hơn. Nếu vậy, hình như cái việc người ta phẫn nộ trước hành vi “ngồi lên sách” đầy tính mạo phạm kia, có cái gì đó… hơi kịch: Ai mà biết được chứ, bao nhiêu người trong số những người đang bừng bừng quát mắng kia có khi lại là kẻ quanh năm chẳng hề ngó lấy một trang sách?

Lại nữa, sách - với tư cách một vật thể được đẩy lên thành biểu tượng - trong thực tế đã phải chịu sự coi rẻ/phỉ báng/lăng nhục, thậm chí bách hại, với những cách thức nhiều hơn chỉ một hành động bị ngồi lên. Tôi nhớ đến nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk, chủ nhân của giải Nobel văn chương năm 2006, khi ông kể lại trong tập tiểu luận “Những màu khác” về việc mình đã vứt bớt sách đi như thế nào. Một hôm nào đó, giữa trận động đất, Pamuk nghe thấy tiếng cót két từ những kệ sách trong thư viện của mình. Điều đó tự nhiên khiến ông hoảng sợ, và ông quyết định trừng phạt nó, cái thư viện ấy, bằng cách nhặt ra 250 cuốn để vứt đi. Song không phải vứt đi một cách tùy tiện, mà có nguyên tắc: “Chúng ta có thể vứt đi một số lớn sách chỉ để không ai biết bạn từng xem những cuốn giẻ rách ấy là nghiêm túc”. Những cuốn “giẻ rách” ấy - như Pamuk nói một cách chung chung: một Thú Nhận Chính Trị, một Bản Dịch Tồi, một Tiểu Thuyết Thời Thượng, một Tập Thơ Trong Đó Mọi Bài Thơ Đều Giống Nhau và Giống Tất Cả Những Bài Thơ Khác - khiến nhà văn “xấu hổ vì từng coi trọng nó”. Dĩ nhiên, cái vứt đi với người này có khi lại đáng giá với người khác, và ta sẽ còn phải bàn cãi nhiều về chuyện đó. Nhưng rõ ràng ở đây, “vứt đi” là kết quả của một sự phân loại sách nghiêm túc. Và dù thế nào, giữa một rừng sách cũng phải có những cuốn sách chỉ đáng để vứt đi. (Nghĩa là, thậm chí chẳng cần phải giữ lại dù chỉ để… ngồi lên chúng). Tuy vậy, xét về mức độ của việc thể hiện quan điểm phủ định, vứt sách đi còn là nhẹ. Sách đã từng bị đốt nhiều lần, trong suốt thời Trung cổ ở châu Âu, trên giàn hỏa của những tòa án dị giáo. Cách đây chưa đến 70 năm, chính quyền Đức Quốc xã cũng đã lặp lại việc ấy, cuồng nhiệt hơn gấp bội. Nên coi đó là sự hủy diệt, hay rốt cuộc, nên coi đó như một sự phân loại sách theo cách khác?

Trong cuốn “Đừng mơ từ bỏ sách giấy” - thực chất là một cuộc chuyện trò lan man đầy thú vị giữa ba con người cực kỳ uyên bác và cũng vô cùng hài hước - Umberto Eco, học giả, nhà văn lừng danh người Italia đã cho chúng ta biết về cái điều mà chính quyền Quốc xã thực sự muốn qua việc đốt sách: “Kẻ kiểm duyệt biết rất rõ rằng không thể thiêu hủy hết tất cả các bản của cuốn sách mà hắn muốn loại trừ. Nhưng đó là một cách để tự tôn mình thành tạo hóa đủ khả năng thiêu hủy thế giới và bất kỳ quan niệm nào về thế giới trong lò lửa. Lấy cớ là phục hồi, thanh lọc một nền văn hóa đã bị một số cuốn sách làm cho suy thoái”. Nghĩa là, hành động đốt sách ở đây hoàn toàn mang tính tượng trưng. Nó là cách để Quốc xã “tự tôn mình thành tạo hóa”. Nhưng mặt khác, chính việc chúng lựa chọn những cuốn sách nào để bỏ vào lò lửa lại mang ý nghĩa một sự chỉ dẫn để người ta, trong những điều kiện khả thể, đã tìm đến, cất giấu và đọc những cuốn sách đó, như thưởng thức những giá trị văn chương/ khoa học đích thực. Về điểm này, chúng ta có một nhân chứng: Marcel Reich Ranicki, nhà phê bình văn học Đức gốc Do Thái Ba Lan, người được mệnh danh là Giáo hoàng của văn chương Đức. Trong cuốn tự truyện “Đời tôi”, ông kể lại rằng, năm 1933, ông đã căn cứ vào những tên sách, tên tác giả bị bôi mực đỏ trên danh mục của thư viện thành phố Berlin, tức những cuốn sách của những tác giả bị loại, để tìm đọc. Trong bảng liệt kê dài dặc của Marcel Ranicki, ta có thể nhìn thấy những tên tuổi chói sáng của văn chương Đức ngữ, như: Thomas Mann, Heinrich Mann, Klaus Mann, Stefan Zweig, Bertold Brecht, Anna Sergher, Tucholsky… Và ông đã tìm được hết, không đến nỗi khó, vì trừ những bản sách bị thiêu hủy, nhiều bản còn lại vẫn được cất giữ trong kho các nhà xuất bản hoặc trong tủ sách các gia đình tư sản. Tóm lại ở đây, với lịch sử, ít ra thì việc Đức Quốc xã đốt sách đã được lợi dụng theo một nguyên tắc: Nếu nó là xấu xa, thì những cuốn sách nó loại bỏ chính là những cuốn sách tử tế.

Trở lại với chi tiết mà tôi đã nêu ở phần đầu bài viết, tức bức ảnh hai người ngồi trên những chiếc ghế được kê cao thêm bằng các chồng sách. Thực lòng tôi rất muốn biết đó là những cuốn sách nào, tác giả là ai? Nhưng chịu, không thể nhìn ra. Có lẽ bản thân đương sự cũng không hề biết, khi đơn giản đó chỉ là bối cảnh của một trường quay talk show truyền hình, họ đến với tư cách khách mời và ngồi vào chỗ mà người khác đã sắp sẵn để sao cho có được khuôn hình tốt nhất. Nhưng cứ thử giả định rằng đó toàn là những tác phẩm văn chương kinh điển của thế giới, và chúng hiển hiện trước mắt người xem, thì sao nhỉ? Tôi tin rằng sự phẫn nộ sẽ còn ào ào dâng cao hơn thế nữa. 

Và tôi cũng vẫn tin rằng không vì thế mà những tác phẩm này, vốn đang chịu số kiếp hẩm hiu từ 1.000 - 2.000 bản/đầu sách, sẽ “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” để được in tới 10 vạn, 20 vạn bản, mặc cho người ta đang đau đớn cùng mình vì biểu tượng của tri thức/ trí tuệ bị lăng nhục. Hơn nữa, nói sao mặc lòng, cuốn sách giấy vốn không phải một thứ cổ mẫu hằn sâu trong vô thức tập thể của nhân loại. Đã từng xuất hiện nhiều hình thức cuốn sách trước khi sách giấy ra đời. Do vậy, dù đồng ý với Umberto Eco rằng “đừng mơ từ bỏ sách giấy”, nhưng nếu sách giấy có bị xuống giá bằng những phủ định nào đó, ta cũng không nên quá ngạc nhiên.

Theo Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng