“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” thường được nhắc đến như biểu tượng của Tết Việt. Thực tế, Tết ở các vùng miền trên cả nước phong phú, đa dạng hơn, trải qua các thời kỳ lịch sử lại thay đổi nhiều. Tuy nhiên, giá trị căn cốt và thiêng liêng của Tết thì giống nhau, và vẫn đang được lưu giữ, tiếp nối qua thời gian.
Vị Tết trong miền nhớ
Tết năm nào cũng đến, nhưng vẫn là niềm mong mỏi, háo hức của nhiều người. Bên cạnh việc rộn ràng chuẩn bị cho ngày Tết, thời khắc chuyển từ năm cũ sang năm mới cũng là lúc ký ức về những cái Tết đã qua ùa về trong mỗi người, với dư vị thật đẹp.
Chứng kiến sự đổi thay của Tết nhiều thời kỳ, nhà văn Đỗ Phấn vẫn nhớ đến một giai đoạn đặc biệt. “Thời tem phiếu nhọc nhằn, ngày Tết cả gia đình chỉ cần một người ra Bách hóa tổng hợp xếp hàng mua túi hàng Tết theo tiêu chuẩn. Một thứ tiêu chuẩn rất tượng trưng. Túi hàng của gia đình sáu người ngày ấy không đủ cho một người dùng bây giờ. Rất khó quên gói hạt tiêu bột nhỏ đúng bằng gói thuốc tím rửa rau ở hiệu thuốc. Rắc vào thịt gói bánh chưng thì thôi xào nấu. Túi mì chính vài chục gram nếu để ở quán phở đầu cầu bây giờ chưa đủ cho vào hai bát. Miếng bóng bì lợn bằng hai bàn tay ngâm ngâm tẩy tẩy cắt ra xào súp lơ mộc nhĩ một lần là hết. Đặc biệt có bánh pháo năm đùng năm xịt là làm người ta hồi hộp đến phát sợ. Cứ phải mua thêm một bánh ở ngoài cho chắc ăn. Đốt bánh pháo phiếu không nổ còn có cái mà đốt tiếp cho khỏi xúi quẩy...”.
“Quê tôi ở Tứ Liên, xưa là ngoại thành Hà Nội, nay đã lên phường thuộc quận Tây Hồ. Và quất Tứ Liên đã thành thương hiệu của quê tôi ngày Tết. Lũ trẻ con vô cùng thích thú chơi trò trốn tìm trong vườn quất trồng thẳng tắp nhưng vẫn rất um tùm với tuổi thơ. Chúng lom khom chạy nấp dưới tán lá xanh đã lác đác quả chín. Và bố mẹ chốc chốc lại hét: “Rụng hết quả là mất Tết đấy con ơi!” - Chúng con biết rồi mà”... Nhưng khi chơi xong, trên đầu lũ trẻ dắt đầy những đóa hoa trắng xinh - mà bố mẹ hiểu là hoa đã đậu đủ quả rồi, giờ có rụng vài bông cũng không sao...” - nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn kể về những ngày Tết xa xăm.
Trong miền nhớ của nhiều người, Tết thường gắn liền với những giây phút quây quần đầm ấm bên gia đình. Nhà văn Y Phương, người con của dân tộc Tày chia sẻ: “Một năm có mười hai tháng, mỗi tháng cổ nhân nghĩ ra một cái Tết nho nhỏ để cho con cháu nhớ mùa. Nhưng Tết Nguyên đán là thời khắc quan trọng nhất của một năm. Và nó đã trở thành nét tinh hoa văn hóa Tết”. Với ông, mỗi cái Tết gắn liền với kỷ niệm tuổi thơ không bao giờ quên, nhất là Tết Nguyên đán, dịp để gặp gỡ, đoàn viên gia đình. Trẻ con được mặc áo mới, được ăn quà, được tiền mừng tuổi. Người già gặp gỡ nhau, chuyện trò vui vẻ...
Như một thói quen, sự nhớ nhung ấy lại được đem so sánh với Tết nay, và thật kỳ lạ, bao giờ những ký ức về Tết cũng hiện lên đầm ấm hơn.
Thiếu những tất bật, niềm vui
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ, ít nhất hai nghìn năm, khi cộng đồng Việt cổ tiếp xúc với âm lịch, Tết Nguyên đán đã được thực hành trong đời sống văn hóa như là thành phần cơ hữu của toàn bộ hệ thống. Nó là thời điểm tích lũy, bùng nổ những ứng xử, thành tựu văn hóa của cả một cộng đồng. Từ một lễ tiết đánh dấu kết thúc vòng quay một năm, bốn mùa xuân - hạ - thu - đông, Tết ở một số nước phương Đông thực sự đã trở thành sinh hoạt mang tính lễ hội quan trọng.
Thời kỳ trước, các cụ nói “ăn Tết”, chứ không phải “chơi Tết”, có lẽ do ngày đó, nước ta còn nghèo, thiếu nhiều thứ, chờ đến Tết mới có bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành. Từ tháng Chạp, các bà, các mẹ lại lo mua sắm, tích trữ, chuẩn bị đồ ăn cho Tết; người ở nhà lo dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, rồi cả nhà quây quần gói bánh chưng, vây quanh nồi bánh chưng kể chuyện, nói cười vui vẻ, đầm ấm.
Nhưng mọi thứ đã đổi thay. Ở nhiều nơi, giờ đây bất kể ngày nào, người ta cũng có thể ăn như Tết, nên đến kỳ lễ lớn nhất trong năm không còn quan trọng miếng ăn, nấu nướng thịnh soạn. Nhiều nhà ba mươi Tết mới bắt đầu đi sắm sửa, thậm chí ngồi nhà đặt hàng qua điện thoại, qua mạng internet, chốc lát đã có người mang đến tận cửa, nào cặp bánh chưng, gà giò, dưa hành; các loại mứt, hạt, hoa quả bán khắp nơi... Thế là xong cái Tết!
Tết rộn ràng hơn, nhanh gọn hơn, song người từng trải qua những cái Tết cách đây hai chục năm trở về trước tiếc nuối không khí Tết Cổ truyền. Tết nay giàu vật chất hơn nhưng phong vị Tết đã nhạt dần, bởi thiếu những tất bật, niềm vui, mùi vị không bao giờ còn tìm thấy nữa.
“Ngày nay, nhiều gia đình, các bạn trẻ không còn để tâm, thậm chí Tết đi chơi, không ở nhà ăn Tết, sắm sửa gì. Không có không khí Tết, mỗi ngày lại suy giảm một ít niềm vui đón Tết, những người lớn tuổi như chúng tôi cảm thấy mất mát khá nhiều. Tôi vẫn ao ước một lúc nào đó lớp trẻ sẽ quan tâm hưởng thụ cho đúng nghĩa không khí Tết, đó cũng là cách hưởng thụ rất hay” - nhà văn Đỗ Phấn chia sẻ.
Giá trị căn cốt
Từng có lúc, Tết trở nên quá cầu kỳ, kỹ lưỡng, và xen lẫn cả mệt mỏi, áp lực, thậm chí có ý kiến kêu gọi bỏ Tết truyền thống. Gần đây, một số người có xu hướng quay về với sự tối giản: Tết không bày biện quá nhiều, tập trung vào các giá trị tinh thần chứ không phải là vật chất, để người khác trông vào đo đếm, đánh giá ở đâu Tết to, Tết nhỏ. Nhà văn, nhà báo Lữ Mai cho rằng, tinh thần của Tết Việt đã là tối giản: Các cụ ngày xưa không bày biện nhiều, dù sự chuẩn bị cho Tết rất cẩn trọng, nâng niu, nhưng rõ ràng không nhiêu khê, sự nhiêu khê là do đời sống, biến tấu của con người trong xã hội hiện đại. Trong khi những cái đó không thuộc giá trị căn cốt của Tết.
Giá trị căn cốt của Tết chính là sự đoàn viên, sum họp, sự giao hòa giữa đất trời và con người, giữa con người với con người. Nhờ có Tết mà người ta trò chuyện, đối thoại, chia sẻ với nhau nhiều hơn, nói về những gì đã qua, nghĩ về những điều chưa tới… “Tôi được đón Tết thuở ấu thơ ở làng quê nghèo, cho đến khi ở trọ phố phường là Hà Nội, rồi cái Tết ở quê chồng, cũng có những cái Tết di chuyển đến vùng miền khác. Sự ắp đầy, phong phú, khác biệt, nhưng Tết Việt lại mang tinh thần xuyên suốt là sự đoàn viên, sum họp” - nhà văn, nhà báo Lữ Mai nói.
Sự thay đổi trong cách đón Tết, ăn Tết, chơi Tết cho phù hợp với giá trị sống hiện nay là điều không thể khác. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ: “Trong tính bảo lưu đậm đà của nó, Tết cũng không từ chối những tiếp biến, phát triển. Văn hóa mãi mãi là vậy. Uyển chuyển, thực tiễn và phong phú. Tết từng thời, từng hoàn cảnh có những biến đổi khác đi. Trong chiến tranh, thiên tai, hoạn nạn... chúng ta có những cái Tết khác. Trong thời bình làm ăn buôn bán Tết có những biểu hiện khác hơn. Tết phố thị khác Tết nông thôn. Tết du lịch khác Tết hồi hương. Tết không cố chấp những ứng xử cứng nhắc, song tâm thức hướng về nguồn cội, kỳ vọng tương lai thì Tết lưu giữ mãi mãi... Vấn đề cuối cùng là, không phải bỏ đi một di sản văn hóa truyền đời mà chúng ta cần nhận thức, bảo lưu giá trị, phát triển và thực hành, quảng bá nó như thế nào”.