Liên quan đến câu chuyện phát triển văn hóa đọc, vào ngày 6-10, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, đã trình bày chuyên đề Hoạt động xuất bản, phát triển văn hóa đọc: Thách thức - cơ hội - những kiến nghị và công việc cần làm trước đại diện đến từ các nhà xuất bản (NXB), công ty sách tại TPHCM.
Từ những con số
Theo trình bày của ông Lê Hoàng, nếu năm 2014 có hơn 28.000 tựa sách với gần 369 triệu bản in, đạt tỷ lệ 4.1 đầu sách/người thì đến năm 2019, có 37.000 tựa với 441 triệu bản in, đạt tỷ lệ 4.6 đầu sách/người. Tuy nhiên, trong tổng số 440 triệu bản sách phát hành mỗi năm thì có đến 300 triệu bản là sách giáo khoa, giáo trình.
Như vậy, nếu lấy con số 140 triệu bản sách còn lại chia cho 97 triệu dân Việt Nam, tỷ lệ đầu sách/người/năm chỉ còn 1.4. Với tỷ lệ ấy, đương nhiên trong danh sách 61 quốc gia có số lượng người đọc sách cao nhất thế giới, không có Việt Nam. Riêng tại khu vực Đông Nam Á có 3 đại diện góp mặt là Singapore (thứ 37), Malaysia (53) và Indonesia (60).
Khi so sánh về thói quen đọc sách và hoạt động xuất bản giữa Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á, ông Lê Hoàng chỉ ra: học sinh Indonesia đọc sách 15 phút/ngày trước giờ học chính thức; ở Hàn Quốc, cha mẹ cùng con đọc sách ít nhất 3 ngày/tuần (mỗi lần khoảng 30 phút). Riêng Thái Lan khi khảo sát hơn 55.000 hộ gia đình cho ra kết quả: trẻ em dưới 6 tuổi đọc sách 71 phút/ngày, thanh niên đọc 94 phút/ngày, người ở độ tuổi lao động 61 phút/ngày và người già 44 phút/ngày.
Chính người đọc là người chi trả cho người làm xuất bản và cũng chính người đọc cũng là người quyết định sự tăng trưởng của doanh nghiệp xuất bản. Tuy nhiên, do người Việt chưa có thói quen đọc sách (tỷ lệ 1.4 đầu sách/người/năm), đã tác động đến doanh thu của ngành xuất bản khá lớn.
Cụ thể, doanh thu xuất bản tăng 36% sau 6 năm từ 2.038 tỷ đồng (năm 2014) lên 2.775 tỷ đồng (năm 2019). Trong khi doanh thu bán sách của Việt Nam chỉ khoảng 2 USD/người/năm; con số này ở Thái Lan là 10 USD/người/năm và dân số của họ chỉ hơn 1/2 dân số nước ta. Với Hàn Quốc, mặc dù dân số chỉ bằng 1/2 Việt Nam nhưng doanh số/đầu người gần gấp 52 lần Việt Nam, khoảng 104 USD/người/năm.
Theo ThS Thái Thu Hoài, Phó trưởng Khoa Xuất bản - Phát hành (Trường Đại học Văn hóa TPHCM), văn hóa đọc không phải dành cho toàn bộ xã hội mà là hiện tượng văn hóa cho một số cộng đồng và tầng lớp nhất định. “Vì thế, tỷ lệ 1.4 đầu sách/người/năm báo hiệu rằng, trong xã hội sẽ có những nhóm đối tượng không đọc cuốn sách nào trong một năm là do hoàn cảnh, môi trường sống và sở thích, hoặc họ có cách tiếp cận khác với sách”, bà Thu Hoài nói thêm.
Nâng cao chất lượng đọc
Ông Lê Hoàng chỉ ra những lý do khiến cho việc hình thành thói quen đọc sách trở nên khó khăn: Nhà trường thiếu tiết đọc sách; gia đình thiếu sự quan tâm, phát triển thói quen đọc sách từ sớm; trẻ con được tiếp xúc thiết bị công nghệ sớm nhưng không được quản lý. Riêng các nhà xuất bản, công ty sách chưa thật sự quan tâm và thúc đẩy các hoạt động phát triển văn hóa đọc.
Tuy vậy, trên nền bức tranh về văn hóa đọc tưởng chừng là màu xám kia lại đang có những tín hiệu và cơ hội đáng mừng đối với văn hóa đọc. Theo ông Lê Hoàng, nếu trước đây các chủ trương chính sách đều đã có nhưng vẫn đang dừng ở mức chung chung thì nay Luật Thư viện (Điều 30) và Điều lệ Trường học (cho các cấp tiểu học, THCS và THPT) đã chính thức đưa việc phát triển văn hóa đọc vào trong luật và vào trong điều lệ nhà trường, kèm theo những quy định cụ thể như: Phải hình thành thói quen đọc sách, phải bồi dưỡng để nâng cao việc đọc sách trong nhà trường.
Ngoài ra, trong hướng dẫn hoạt động thư viện của Bộ GD-ĐT sắp ban hành, nội dung này cũng được thể hiện cụ thể hơn bằng quy định: Tiết đọc thư viện được bố trí từ 2 - 4 tiết/tháng trong khung giờ chính thức của nhà trường.
“Rõ ràng, luật, cơ chế chính sách, các quy định càng ngày càng rõ hơn về văn hóa đọc. Đó chính là cơ hội cho việc phát triển văn hóa đọc”, ông Lê Hoàng bày tỏ. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng đọc sách cũng là vấn đề đáng quan tâm.
ThS Thái Thu Hoài cho rằng, định lượng cũng là một tiêu chí đánh giá, nhưng xu thế của xã hội hiện đại vẫn nghiêng về định tính. Vì vậy, để đánh giá văn hóa đọc, trước hết phải nhận diện đối tượng đang duy trì văn hóa đọc là ai. Sản phẩm văn hóa hướng tới giá trị thông tin thì có thể tiếp cận nhiều cách, trong đó sử dụng công nghệ thông tin là phương tiện chuyển tải nhanh nhất, đơn giản nhất. Nhưng sản phẩm văn hóa cảm thụ lại là thế mạnh của văn hóa đọc. Như vậy, quan tâm sản phẩm văn hóa cảm thụ phù hợp với từng đối tượng sẽ phát triển được văn hóa đọc cả về chất lượng, sẽ kéo theo số lượng.
Theo Hồ Sơn - SGGP