Câu chuyện hôm nay
Thay đổi tư duy để tái sinh nghệ thuật chèo
09:14 | 27/11/2020

Sau nhiều lần cách tân, sân khấu nghệ thuật chèo vẫn không thoát khỏi những khó khăn. Nhiều nghệ sĩ cho rằng, để chèo được tái sinh thì phải thiết kế lại tư duy để chèo thu hút khán giả.

Thay đổi tư duy để tái sinh nghệ thuật chèo
Theo nhiều nghệ sĩ, để sân khấu chèo thu hút được khán giả thì buộc phải thay đổi. Ảnh: cheo 48h.

Cùng mục đích đó, trong khuôn khổ Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2020, Workshop “Tái sinh nghệ thuật chèo với tư duy thiết kế” đã được diễn ra. Các nghệ sĩ đã hướng dẫn sinh viên Trường ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Việt Nhật và các bạn trẻ quan tâm tới nghệ thuật chèo.

Lao dốc không phanh

Theo các nghệ sĩ có nhiều năm gắn bó với nghệ thuật chèo, thì những năm 1960 - 1970, sân khấu chèo cực kỳ thịnh vượng. Khán giả phải rất khó khăn có thể chen chân mua vé.

Đến thập niên 1980, sân khấu chèo bị lấn át bởi cải lương và bắt đầu “lao dốc không phanh”. Những buổi diễn thưa dần khách đến rồi triền miên cho đến hôm nay. Trong suốt vài chục năm, nhiều nghệ sĩ chèo đã phải “bỏ nghề chạy lấy người” vì không đủ sống.

Cũng trong ngần ấy thời gian, nhiều nghệ sĩ liên tục tìm lối đi mới cho chèo. Đạo diễn Doãn Hoàng Giang là một ví dụ, ông tiên phong trong tư duy để làm mới sân khấu chèo truyền thống.

Ngày đó, Doãn Hoàng Giang liên tiếp dựng những vở diễn theo phong cách hiện đại như “Nàng Sita”, “Ngọc Hân công chúa”, “Biển khổ”.

Cho là tư duy tách rời, làm hỏng nền tảng truyền thống nên đạo diễn đã phải chịu nhiều chỉ trích. Đặc biệt là tiểu xảo hát nhép (cắm hát) mà Doãn Hoàng Giang là người đầu tiên đưa vào sân khấu kịch hát dân tộc cùng với lý giải “gương mặt đẹp dễ thu hút người xem”.

Quả đúng vậy, dù không biết hát nhưng với vẻ đẹp trời phú Lâm Bằng vẫn trở thành một hiện tượng sân khấu. Lâm Bằng cùng Quốc Chiêm đã trở thành cặp diễn viên rất sáng giá lúc bấy giờ. Tuy nhiên, sau một thời gian thì triết lý “gương mặt đẹp dễ thu hút người xem” không thể tồn tại. Tuy vậy, đạo diễn Doãn Hoàng Giang vẫn được coi là “người hùng” khi đã vực dậy một nhà hát đang trong cảnh “chết lâm sàng”.

Nhà viết kịch Trần Đình Ngôn cho rằng, có thời gian đến 70% các nhà hát trên cả nước bước vào cuộc cách tân, đổi mới nghệ thuật chèo để chiều theo thị hiếu của khán giả. Các loại chèo lai tạp được một số nghệ sĩ tận dụng triệt để nhằm thu hút người dân có điều kiện bỏ tiền mua vé.

Chèo thực sự không còn đất sống tại các thành phố mà chỉ lay lắt tại các vùng quê để phục vụ khán giả lớn tuổi. Vì vậy, kỹ năng diễn xuất và kỹ thuật hát chèo của các diễn viên mai một và xa dần nền tảng truyền thống. Sự cách tân giúp các nghệ sĩ sung túc trong khoảng vài năm, nhưng đồng thời cũng “bức tử” một thế hệ làm nghề.

Nhiều bạn trẻ đã và đang quan tâm đến các cuộc thi liên quan đến chèo. Ảnh: cheo48h.


Buộc thay đổi để chèo “được sống”

Trong khi nghệ thuật chèo cứ loay hoay không tìm ra lối đi, thì tư duy đổi mới (nếu có) dễ bị quy vào sự phá phách. Chính vì vậy, BTC chương trình “Tái sinh nghệ thuật chèo với tư duy thiết kế” mở rộng quy tụ người dự thi ý tưởng dù thuộc bất kỳ ngành học hay lĩnh vực nào.

Từ khoa học xã hội, nhân văn, nghệ thuật, kỹ thuật, thiết kế, marketing... sẽ cùng hợp tác, làm việc theo nhóm, ứng dụng quy trình tư duy thiết kế để tạo ra các giải pháp sáng tạo đưa chèo đến gần hơn với công chúng.

Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, cho hay: Cuộc thi được tổ chức với mong muốn bảo tồn tinh hoa văn hoa dân tộc, giới thiệu, quảng bá, tôn vinh nghệ thuật sân khấu chèo trong đời sống văn hóa.

Trước đó, Bộ VH-TT&DL cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi tài năng, liên hoan chèo toàn quốc, tạo sân chơi lành mạnh để các nghệ sĩ trẻ giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật sân khấu…

Ông Tuấn cho rằng, số lượng thí sinh đăng ký tham dự cuộc thi năm nay đông hơn các năm trước. Các thí sinh lựa chọn trích đoạn mà trước đó đã có nhiều nghệ sĩ biểu diễn thành công cũng sẽ tạo ra hấp dẫn cho cuộc thi. Bởi để tạo dấu ấn, đòi hỏi các thí sinh phải không ngừng nỗ lực trong tập luyện và đòi hỏi phải sáng tạo để lại dấu ấn riêng hay hơn.

NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam chia sẻ: Là đơn vị được coi như “anh cả” với gần 70 năm hình thành và phát triển, nhà hát có trách nhiệm bảo tồn và gìn giữ nghệ thuật chèo. Hiện nay nhà hát có 5 thế hệ đứng trên sân khấu, do đó về nghề nhà hát phải thường xuyên đào tạo từ diễn viên đến nhạc công để lấp đầy những khoảng trống của các thế hệ đi trước.

Tuy nhiên, NSND Thanh Ngoan thừa nhận, nghệ thuật chèo đang dần mai một. Người nghệ sĩ cần có trách nhiệm định hướng cho khán giả, những người yêu chèo, những người làm chèo nhận diện được thế nào là chèo một cách đúng nghĩa hay kịch cắm hát.

Dù các nghệ sĩ sân khấu chèo rất cố gắng nhưng có thể nói rằng, trong thời đại công nghệ 4.0, các loại hình nghệ thuật phát triển mạnh mẽ thì chèo lại cứ như bị “lạc dòng”. Không ít giới trẻ hiện nay không biết chèo là gì, chưa một lần nghe hát chèo, họ ngơ ngác khi được ai đó nói về chèo.

Thế nên thay đổi tư duy là cần thiết, nhưng làm sao phải kéo được khán giả đến sân khấu, đưa chèo đến một cách sâu rộng với giới trẻ. Khi người trẻ yêu chèo, thì sân khấu sẽ không còn trống ghế, nghệ sĩ không còn hiu quạnh. Và quan trọng là văn hoá truyền thống có cơ hội tái sinh.

Theo Hòa Siêu - GD&TĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng