Câu chuyện hôm nay
Thời của nghệ thuật phối kết
14:12 | 06/01/2021

Năm 2020 đánh dấu những bước chuyển mình đáng nhớ đối với nhiều loại hình nghệ thuật. Sự phối kết giữa những môn nghệ thuật tưởng chừng không hề “ăn nhập” với nhau lại tạo ra nhiều bất ngờ.

Thời của nghệ thuật phối kết
Rối nước và rối cạn được kết hợp với nhau

Có thể nói, sự đổi mới cách tân của nhiều loại hình nghệ thuật trong năm 2020 bắt nguồn từ những khó khăn do đại dịch Covid-19, để lại cho sân khấu Việt và những rạp diễn trống vắng. Cùng với đó là sự nhàm chán của những vở diễn cũ mòn đã khiến nhiều nghệ sĩ trăn trở đổi mới. Sẵn thời gian nhàn rảnh từ những đợt cách ly xã hội, nhiều đơn vị mạnh dạn cách tân nghệ thuật.

Nhạc cổ truyền ngẫu hứng jazz

Cuối tháng 12/2020, tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã diễn ra đêm hoà nhạc “Dân gian trên jazz/Dân gian trên dây” mang đến một không gian và ngôn ngữ âm nhạc mới lạ đầy biến hóa.

Dùng nhạc jazz làm cầu nối giữa nhạc truyền thống và hiện đại không chỉ là thử nghiệm mà còn là ngẫu hứng duyên dáng. Bốn loại hình âm nhạc truyền thống là chèo, tuồng, cải lương và âm nhạc bản địa miền núi Tây Bắc có dịp toả sáng giữa những nhạc cụ hiện đại. Hơn 40 nghệ sĩ trình diễn các sáng tác mới kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và nhạc jazz với dàn dây - kèn đồng của nhạc giao hưởng.

Mỗi giây phút qua đi lại thêm một bất ngờ với công chúng. Tiết mục tuồng mở màn, NSƯT kèn bóp Nguyễn Ngọc Khánh và NSƯT trống tuồng Nguyễn Văn Quý chơi bài Chiến Hò 7. Kèn với trống của tuồng vang lên hoà âm với kèn saxophone và trống jazz. Thử tưởng tượng một bên là tiếng kèn bi ai hoà nhịp cùng tiếng saxo trầm lắng sẽ thế nào?

Ấy thế mà tứ tấu kết hợp lại tạo ra dấu ấn mạnh trên nền cảm xúc tự do và phóng khoáng. Công chúng không còn phân biệt truyền thống – hiện đại; ngược lại là xúc cảm mới được hình thành qua sự tinh tế hoà trộn âm thanh.

Từng kết hợp cải lương với nhạc giao hưởng, NSND Đào Văn Trung chia sẻ: Sự kết hợp giữa chất liệu dân tộc với dòng nhạc hiện đại đã mang đến một ngôn ngữ âm nhạc mới. Thế mạnh của âm nhạc Việt Nam nằm ở giai điệu, khi kết hợp cải lương cùng giao hưởng hay jazz làm tăng cá tính nhưng vẫn giữ được hồn cốt của cải lương và định vị được âm nhạc dân tộc trong đó.

Rối nước “kết duyên” rối cạn

Sau khi ra mắt vở diễn mới có tên “Con yêu mẹ”, đại diện Nhà hát Múa rối Việt Nam cho hay: Vở diễn rối nước kết hợp rối cạn được dàn dựng sinh động, hấp dẫn, hướng tới khán giả nhỏ tuổi. Với sự kết hợp này, nghệ sĩ hi vọng giúp các em tiếp cận gần hơn với nghệ thuật múa rối truyền thống.

Vở diễn “Con yêu mẹ” do tác giả Minh Nhật viết kịch bản đề cập đến tình mẫu tử trong gia đình hiện đại. Bằng những con rối dễ thương, kết hợp nghệ thuật biểu diễn rối nước truyền thống với rối dây, rối que, rối mặt nạ mang đến công chúng thông điệp thân quen với hai chữ “gia đình”.

Những màn vũ đạo, màn diễn cả dưới nước và trên cạn của những nhân vật rối được các nghệ sĩ khéo léo điều khiển tạo nên không gian nghệ thuật đặc biệt hấp dẫn.

NSND Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết, rất nhiều đơn vị ngỏ ý mời nhà hát biểu diễn những chương trình về đề tài gia đình. Tuy nhiên, đến nay nhà hát mới có dịp dàn dựng một vở diễn dài về đề tài này. Đây sẽ là món quà ý nghĩa dành cho các bé vào dịp Tết Tân Sửu.

Kết hợp rối nước với rối cạn, các nghệ sĩ đã kỳ công sáng tạo trong cách thiết kế để các khớp tay, chân con rối có thể chuyển động mềm mại, linh hoạt như người thật. Đây cũng là lần đầu tiên khán giả yêu thích múa rối tận mắt thấy các nhân vật rối vừa chớp mắt, vừa mở miệng.

Không chỉ có vậy, toàn bộ các con rối trong vở diễn ra mắt đều được chế tạo bằng cao su, vẫn đạt hiệu quả về trang trí, tạo hình cũng như điều khiển, nhưng quan trọng nhất là có được giá trị sử dụng lâu dài, không bị xuống màu hoặc gẫy vỡ như con rối bằng gỗ.

Cải lương và xiếc “thổi cơm chung”

Huyền tích dân gian về Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã quá quen thuộc với khán giả Việt bởi rất nhiều đơn vị thực hiện vở diễn này. Tuy nhiên, khi Nhà hát Cải lương Việt Nam thông báo sẽ cùng Liên đoàn Xiếc phối kết hai loại hình nghệ thuật để diễn lại huyền tích Chử Đồng Tử và Tiên Dung, khiến mọi người nghi ngờ.

Không nghi ngờ sao được khi cải lương và xiếc không liên quan gì đến nhau? Và thậm chí, một số nghi ngờ còn đoán định cải lương phối kết với xiếc là một “ý đồ”. Khán giả cần thận trọng trong việc bỏ tiền mua vé vì có thể “ăn quả lừa”.

Phá vỡ các nghi ngờ, đầu tháng 12/2020 sau gần 3 tháng tập luyện, vở diễn “Cây gậy thần” chính thức ra mắt. Ngay đầu vở diễn, một không gian sân khấu hoành tráng, nhiều tầng bậc hiện ra nối tiếp, hoán đổi bối cảnh triều đình.

Nhờ kết hợp các kỹ xảo của nghệ thuật xiếc, cũng như sự xuất hiện của một số diễn viên xiếc chuyên nghiệp, hàng loạt cảnh diễn trong vở lại trở thành những điểm nhấn độc đáo.

Cảnh Chữ Đồng Tử và Tiên Dung gặp gỡ, khán giả đã ồ lên thích thú khi nhân vật vừa ca cải lương vừa đu dây mạo hiểm. Hoặc ở cảnh Chử Đồng Tử vượt biển trên chiếc thuyền độc mộc, con thuyền được treo lơ lửng giữa không trung, trong khi dàn thủy quái vây quanh (do các diễn viên xiếc thể hiện) lại không ngừng tìm cách đu lên thuyền.

Sự huyền ảo, lạ lùng của vở cải lương kết hợp xiếc đem đến cho công chúng xúc cảm mới lạ. Không chỉ vậy, sân khấu cải lương và xiếc vốn đang kén người xem có dịp toả sáng. Rạp diễn với 1.200 ghế ngồi hết chỗ và khán giả đã không ngớt những tràng vỗ tay tán tụng về sự đổi mới đầy mạo hiểm này.

Theo Hoà Nam - GD&TĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng