Câu chuyện hôm nay
Và thế là mùa xuân đang đến
14:32 | 12/05/2021

NGUYỄN HẢI YẾN  

Khi tôi viết những dòng này, thì ở Hải Dương, cuộc chiến chống Covid-19 vẫn đang trong hồi quyết liệt. Sự thực là tính từ ngày khởi phát làn sóng Covid-19 lần thứ ba tại Việt Nam mà điểm nóng bắt đầu công ti POYUN - thành phố Chí Linh, Hải Dương chúng tôi chưa có một ngày nào bình yên.

Và thế là mùa xuân đang đến
Mùa xuân về trên đồng lúa Gia Lộc - Hải Dương

Đây là cuộc chiến vô cùng gian khổ vì kẻ thù vốn vô hình lẩn trong môi trường thuận lợi, chờ đúng thời điểm giáp tết âm lịch bắt đầu bùng phát, khi phát hiện ra thì số người mắc bệnh đã lên tới con số hàng trăm. Hải Dương hoàn toàn bị động trong tình thế ấy nhưng đã làm hết sức mình để khống chế nó và đã vượt qua.

Ở đây tôi không nói thêm về những khó khăn, vất vả, những cơ cực, và đặc biệt là những nỗ lực của Hải Dương trong suốt những ngày qua cùng chung sức đồng lòng quyết tâm đẩy lùi đại dịch, giữ bình yên cho Hải Dương cũng là để giữ bình yên cho đất nước mình. Tôi sẽ không nói về những cánh đồng trồng đào, sau tết cành khô gom thành củi. Không nói về những cánh đồng màu rau củ thối chất đống trên bờ. Không nói về những trang trại gà lợn có nguy cơ bị bỏ đói đến chết vì không có thức ăn… Khi đại dịch hoành hành, lệnh phong tỏa áp dụng, Hải Dương chấp nhận hy sinh tất cả để mong có một ngày đất nước bình an.

Vậy, ở ngày thứ mười sau lệnh phong tỏa của Thủ tướng Chính phủ áp dụng với Hải Dương tôi muốn viết điều gì?

Tôi viết về tình yêu thương và tinh thần đoàn kết. Nó vốn là truyền thống quý báu của dân tộc ta như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói. Và trong gian nguy, trong thử thách chúng tôi càng thấu hiểu sức mạnh của truyền thống ấy. Bạn bè nhiều nơi ngỏ ý khâm phục người Hải Dương vì tinh thần đoàn kết và lòng tin tuyệt đối vào lãnh đạo. Chúng tôi khẳng định rằng: Không phải chỉ Hải Dương mà ở bất cứ tỉnh, thành trên đất nước này, rơi vào tình huống này đều cũng sẽ như chúng tôi. Đặc biệt là sau tết Nguyên đán, khi lệnh phong tỏa ban ra, đối mặt với bao điều tiếng thị phi, những nghi ngờ, chê trách, những bài xích, tẩy chay… nếu không đoàn kết, không tin tưởng vào lãnh đạo, vào chính quyền, Hải Dương chúng tôi không thể nắm tay nhau cùng cả nước vượt qua khó khăn.

“Giải cứu nông sản” - Đó là câu nói người Hải Dương nghe quen nhất trong những ngày phong tỏa. Khi hàng hóa đang nghẽn, trước hết chúng tôi tự cứu nhau. Lá lành đùm lá rách. Lá rách đùm nhau rồi cũng thành lành. Rau củ, ngô, bầu bí, ổi, cam, trứng… sau vài ngày đầu đóng băng, bắt đầu được rất nhiều chàng trai, cô gái Hải Dương đủ các ngành nghề, lứa tuổi, thành phần xuất thân, sau một đêm bỗng biến thành tình nguyện viên, xuống ruộng thu hoạch rau màu giúp đồng bào, theo những chuyến xe thiện nguyện chở đến điểm tập kết cố định như sân chùa hoặc các điểm chốt chặn, kêu gọi mua giải cứu hoặc đóng thành bịch lớn chuyển đến phát miễn phí cho từng nhà.

“Giải cứu nông sản Hải Dương” - đó cũng là câu bạn bè quanh tôi nói nhiều nhất những ngày này. Hải Dương vốn là tỉnh thuần nông. Ngoài những sản vật từ đất đai, chúng tôi không còn gì khác. Sản vật từ đất này đi khắp trong Nam ngoài Bắc và xuất khẩu ra nước ngoài. Dịch bệnh bùng phát, Hải Phòng - cửa ngõ thông thương chính của Hải Dương tuyên bố đóng cửa. Sự việc này tất nhiên gây nhiều tranh cãi và chỉ ngã ngũ sau hàng tuần bằng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng chính trong những ngày khó khăn này, đầu cầu Hà Nội bắt đầu khởi động cụm từ “Giải cứu”. Đọc bài viết kể người Hà Nội đội nắng đi mua ủng hộ nông sản Hải Dương mà rơi nước mắt. Trong những người trực tiếp đứng giữa chang chang nắng bán hàng ấy có mặt bạn bè tôi. Họ bỏ tiền bạc, công sức, không đòi hỏi được trả lại bất cứ điều gì chỉ cốt để thu về giúp người nông dân những đồng bạc lẻ. Chỉ hai từ “Giải cứu” mà yêu thương biết bao!

Những cánh đồng trồng đào của nông dân ở Gia Lộc - Hải Dương đang được trồng lại sau một mùa thất bát
Những cánh đồng vụ xuân ở Gia Lộc


Không chỉ Hà Nội, Hải Dương chúng tôi còn xin cúi đầu trân trọng cám ơn nghĩa tình bạn bè bốn phương. Nếu như đợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2020, Hải Dương đã hướng về đồng bào miền Trung bằng tất cả tấm lòng, làm tất cả những gì có thể để giúp đồng bào thì bây giờ đang được nhận ân tình trao lại. Cả đất nước, trong đó có các tỉnh miền Trung vừa gượng đứng lên trong đau thương mất mát, đang hướng về chúng tôi bằng tất cả tấm lòng. Những bài viết, lời thăm hỏi, những món quà… vẫn từng ngày, từng giờ chuyển tới và được người nhận trao gửi đến tận tay đồng bào tôi với niềm xúc động và biết ơn sâu sắc nhất.

Ngày thứ mười trong vòng phong tỏa, tôi còn viết về những âm thanh nghe thấy quanh   tôi.

Đó là âm thanh thông báo inbox của một người bạn: “Tình hình sao rồi chị?”

Tôi trả lời bốn bề yên tĩnh cả. Hiện giờ tất cả vẫn bình yên! Hải Dương sống chậm lại nhưng ngày mới của tôi vẫn bắt đầu từ 4h sáng. Lúc ấy, tiếng lịch kịch của tổ thu gom rác thải bắt đầu lan dọc đường làng. 365 ngày, đúng giờ ấy, âm thanh ấy không bao giờ sai hẹn. Và sau đó là tiếng chuông báo thức: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui…” - chúng tôi khởi đầu ngày mới bằng niềm vui mình chọn.

Nhưng ngoài những âm thanh quen thuộc ấy, trong những ngày này chúng tôi còn nghe thấy gì?

Đó là tiếng loa trong hệ thống loa truyền thanh từ huyện, xuống các xã, thị trấn phát huy hết công suất, hoạt động từ hơn 5h sáng, tuyên truyền từ cách phòng chống dịch, những quy định của chính quyền đến chương trình văn nghệ... Đủ các thể loại. Từ Remix “Việt Nam ơi! Cùng đoàn kết chống Corona!”, đến Rap nhưng đoạn đầu nghe rất bi thương: “Corona thật đáng ghét! Chung tay mình vượt qua nhé! Hãy vì cộng đồng, ta tránh xa đám đông…” , đến hát chèo: “Năm nay là năm con Covit. Covit ới ì a…”, rồi đọc thơ, rồi địa phương ca: “Xuân này anh không về” nói về tâm sự của một người chiến sĩ (áo trắng, áo vàng, áo xanh…) nhắn nhủ vợ anh không về vì việc nước, nội ngoại, con cái nhờ em lo vẹn tròn, hẹn hò khi hết dịch, đất nước bình yên, gia đình mình đoàn tụ… Một không khí thời chiến nhưng rất náo nức, rộn ràng.

Đó là tiếng bước chân chạy huỳnh huỵch của con tôi trong trang phục thể dục, giày tất đầy đủ, cầm cây vợt cầu lông ngược lên gác. Nó quay video gửi thầy thể dục đang dạy online. Rồi cằn nhằn chưa gửi được vì thầy đặt chế độ không nhận tin nhắn từ người lạ.

Đó là tiếng hát chào cờ buổi sáng thứ hai hàng tuần qua màn hình Zoom. Tiếng một bà mẹ quát con ngồi vào lớp học. Tiếng chào nhau rộn ràng: “Hello giai đẹp! Cây của lớp em mang về chăm còn sống không?”. “Sống chứ cô! Mà sao cô lại ngồi dạy  trong  bếp  thế?”  “Ngồi  đâu  kệ  tôi!  Ảnh  hưởng  gì”.  “Vâng!  Tại  em  thấy  đằng  sau  cô  toàn  rau  củ.  Giải  cứu hả cô?”

Và  khi  tôi  ngồi  làm  việc  trước  sân  nhà,  nghe  tiếng chim hót trên vòm cây muỗm cổ và cả tiếng  sáo  diều  ngân  giữa  không  trung,  tôi  cứ  băn  khoăn  không biết ai đó vượt qua mấy trạm kiểm soát, ra  được  ngoài  đồng  mà  thả  con  diều  sáo?  Một  người  nông dân nào đó khi đi làm đã mang nó theo chăng?

Mùa  xuân  năm  nay  thật  đẹp.  Không  âm  u  mưa  phùn mà nắng lên trong vắt như đầu thu. Ngô lúa  ấm chân đã xanh đồng bãi. Bên cạnh những ruộng  hoa  màu  rau  củ  vẫn  còn  chất  đống  úa  nhàu,  cạnh  những  đống  cành  đào  khô  cao  như  núi  đã  thấp  thoáng  bóng  người  cặm  cụi  cắt  tỉa,  xới  vun.  Trên  những con đường vẫn vắng bóng người qua, hoa chè  đắng, hoa xoan đang bung nở, hoa muỗm, hoa nhãn  vẫn trổ rồng rồng.  

Mỗi bước qua đều nghe thấy chân mình đất thở,  nghe tiếng diều sáo gọi cả trời xanh mây trắng xôn  xao, tôi muốn nói cho bạn bè cùng biết: Những ngày  cuối cùng trong vòng phong tỏa mùa xuân đang đến  và Hải Dương vẫn bình an!

N.H.Y
(SHSDB40/03-2021)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng