Câu chuyện hôm nay
Là Phật tử, trong mùa Phật đản, chúng ta có thể làm gì?
15:14 | 19/05/2021

Câu hỏi thật lớn, nhưng cũng thật thiết thực, khi mỗi ngày Phật giáo đã và đang đóng góp nhiều điều cho cuộc sống. Ở đâu đó, các vị xuất gia và cư sĩ tại gia đã dấn thân hoặc nỗ lực tu tập, lắng nghe tiếng khổ, tiếng vui của tha nhân để cùng kiến tạo bình an…

Là Phật tử, trong mùa Phật đản, chúng ta có thể làm gì?
Phật tử hân hoan đón mừng Phật đản sanh Phật lịch 2563 (2019) - Ảnh: Đăng Huy

Đóng góp bằng lòng từ

Một ngày cuối tháng 10 cách đây chục năm, người viết tháp tùng cùng đoàn từ thiện của Ni trưởng Thích nữ Từ Nhẫn, thường gọi thân thương là “Sư bà Phước Viên”. Từ TP.HCM, vị Ni ngoài 80, đọc báo, xem truyền hình thấy người miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ; không cầm lòng được, Sư bà đã vận động Phật tử chung sức, lên đường hướng về Quảng Bình, Quảng Trị.

“Quý vị, mỗi người góp một tấm tôn cũng được, có nhiêu góp nhiêu để chia sẻ với đồng bào miền Trung trong tinh thần từ bi của người học Phật và lá lành đùm lá rách của dân tộc”, Sư bà nói trong buổi sinh hoạt với đạo tràng niệm Phật. Lời kêu gọi đó cũng được phát lên mạng, những người ở nước ngoài là Phật tử từng đồng hành với Sư bà trong các chương trình khác gửi tịnh tài về. Khi chuyến đi được thực hiện, mỗi nơi đến, vị Ni trưởng đoàn đều gửi gắm “đây là tấm lòng của người con Phật chia sẻ với bà con”. Không phân biệt tôn giáo, dân tộc, người khổ nào cũng được Sư bà giúp sức và dặn dò sống lương thiện. Đó là cách Sư bà hành thiện trong hạnh nguyện tu tập của mình kể từ năm 1985 đến nay.

Là Phật tử, trong mùa Phật đản, chúng ta có thể làm gì? ảnh 1
Ni trưởng Thích nữ Từ Nhẫn (phải) trao nhà cho hộ nghèo ở Củ Chi - Ảnh: H.Hòa

Mùa bão lụt năm 2020 có thể nói là kỷ lục trong vài chục năm qua, miền Trung lại oằn mình. Sư bà, cũng phát đi thông điệp tương tự, rồi còn tháp tùng cùng phái đoàn của Trung ương Giáo hội, Ban Từ thiện xã hội Phật giáo TP.HCM đi nhiều tỉnh liền, dọc miền Trung. Ít ai biết rằng, vị Ni ấy từng có hai đợt thọ bệnh “thập tử nhất sinh”, phải hóa trị, xạ trị. “Có lẽ nhờ Phật thương, còn cho mình sống để làm việc”, Sư bà thường nói vậy mỗi khi nhắc về hành trình vượt qua bệnh tật.

Tinh thần hướng về nhân sinh được vị Ni ấy chọn làm vì nghĩ “phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”. Theo Sư bà, Đức Phật ra đời đã vì hạnh phúc của chư thiên và loài người, do vậy mình là đệ tử Phật, lẽ nào không “tuyên thệ” làm theo đại nguyện của Ngài. Có nhiều cách để góp phần mang đến hạnh phúc cho nhân sinh, trong đó có từ thiện. Ni trưởng đã chọn từ thiện.

Có thể nói, gần như chùa hay Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thành nào cũng hoạt động từ thiện. Trong các báo cáo tổng kết cuối năm hay cuối nhiệm kỳ, từ thiện luôn là hoạt động nổi bật, con số từ vài trăm triệu đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, tùy chùa, tùy địa phương. Những đóng góp của Phật giáo luôn cấp thiết và nhanh chóng. Mỗi đợt thiên tai là một lần người ta thấy bóng dáng những vị thầy, sư cô, Phật tử không ngại khó khổ chuẩn bị gạo, mì, quần áo, tịnh tài lên đường. Hòa cùng tấm lòng sẻ chia cả nước, Phật giáo đã tới và an ủi, động viên, khích lệ tinh thần, gửi chút ít tịnh tài, tịnh vật để người khó khổ do thiên tai đứng dậy. Có thể từ sự sẻ chia đó, có nhiều người được khai mở giác tính khi tiếp xúc với “bóng áo nâu”, khi được nghe những lời nhắc nhở về nhân-duyên-quả, về vô thường trong cõi Ta-bà này.

Cảm tình với Phật giáo, ngoài từ thiện, tất nhiên còn xuất phát từ nhiều phương diện khác. Ngoài vị Ni mà tôi hay gọi là “Sư bà Phước Viên” kể trên, những vị tôn đức lớn đến các nhóm Phật tử trẻ cũng đã tạo nên những “cảm tình Phật giáo” với cộng đồng khi đi làm trường, làm đường, trao học bổng, xây lớp học, khám bệnh, cấp thuốc… ở khắp nơi. Gần đây nhất, có thể kể đến chương trình “cùng góp vắc-xin Covid-19” mà Phật giáo thực hiện.

Hàng tỷ đồng đã được chung tay từ Phật tử và những người yêu mến đạo Phật, tin tưởng vào các hoạt động mang tinh thần Bồ-tát của các chùa, chư Tăng Ni, Phật tử, đại diện Giáo hội các cấp. Thực tế, trong đại dịch Covid-19, ngoài hoạt động nổi trội này thì trước đó, Phật giáo cũng đã có những chương trình thiết thực giúp đồng bào vùng dịch, những người yếu thế bị ảnh hưởng bởi Covid. Trước tiên là cứu đói, giúp ngặt, sau đó là an ủi tinh thần, chia sẻ pháp thoại, quán chiếu nhân-duyên để giúp cho họ nhận ra vô thường, an trú trong hiện tại. Từ thân đến tâm, những việc chữa lành của Phật giáo từ xưa đến nay là không thể phủ nhận và khó tính kể hết được. Mà Phật giáo chắc chắn không cần tính kể, bởi vì tất cả đều làm với tinh thần “cứu khổ ban vui”, “phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”.

Cần những công trình mang dấu ấn

Cái được thì ai cũng thấy và cần phát huy hơn nữa. Tuy nhiên, trong thời công nghệ phát triển, có tác động đến mọi phương diện của đời sống, Phật giáo cũng cần bắt nhịp, đồng thời cũng cần giữ được bản sắc, xây dựng Tăng thân có đời sống tâm linh, thoát tục. Qua đó, có thể hướng dẫn cho Phật tử, những người mến đạo hiểu và lĩnh hội giáo lý Đức Thế Tôn như một phương pháp thực tập để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau, sống có an vui, hạnh phúc.

Ngoài các khóa tu truyền thống, những tương tác qua các công cụ ứng dụng công nghệ, chẳng hạn một app về thiền là điều có thể xây dựng. Ở đó, tích hợp đầy đủ các bài vở giúp khai mở tâm, cung cấp phương pháp trị liệu giúp mọi người vượt qua khó khăn, hóa giải những ách tắc trong lòng… Đồng thời, có các video hướng dẫn các bước thiền tọa, thiền hành, ăn cơm chánh niệm, hành trì trong đời sống của các hệ phái Phật giáo.

Để gần với giới trẻ, Giáo hội, hoặc các ban ngành chuyên trách trực thuộc, cũng có thể lập ra một trang Fanpage chung (có tích xanh) để tương tác tốt hơn với người trẻ, bên cạnh mạng xã hội Phật giáo Butta. Có thể nói, giới trẻ hiện nay, hầu như ai cũng có một tài khoản Facebook. Fanpage hay một app về thiền, sẽ giúp ích cho họ rất nhiều, cả về mặt tiếp cận, tìm hiểu Phật giáo, cả trên phương diện thực tập.

Thêm nữa, những hoạt động của Phật giáo hướng về vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc… cũng cần được tổ chức thường xuyên và hệ thống hơn nữa. Nên có nghiên cứu và đưa ra chương trình sinh hoạt dành riêng cho Phật tử đồng bào dân tộc thiểu số để họ tiếp cận Phật giáo phù hợp với tập tục. Kinh điển Phật giáo dịch ra, phổ biến đến đồng bào bằng các ngôn ngữ riêng của họ cũng là điều cần nghĩ tới, dù lâu nhưng phải bắt đầu.

Cách đây ít lâu, báo Giác Ngộ có tiếp nhận một lá thư của một tù nhân. Họ bày tỏ nhờ đọc bài giảng, tiếp cận sách báo Phật giáo vị này có chuyển hóa tích cực. Mong ước của anh có lẽ cũng là một “đơn đặt hàng” cho Phật giáo: đem phương pháp thực tập của Phật giáo đến với trại giam, khơi dậy những hạt giống lành nơi những tù nhân. Thực ra, trong mỗi người, ai cũng có hạt giống tốt và hạt giống xấu, môi trường và cách tưới tẩm sẽ làm cho những hạt giống tương thích nảy nở. Nếu có Phật pháp vào trại giam, dù chỉ là một cuốn báo Giác Ngộ hàng tuần cũng đã phần nào chuyển tâm của các tù nhân có duyên. Được một người tốt lên, chuyển hóa được tâm ý, biết lánh ác làm lành đã là góp phần làm xã hội tốt đẹp hơn.

Là Phật tử, trong mùa Phật đản, chúng ta có thể làm gì? ảnh 2
Bức thư được gửi từ trại giam Thanh Lâm đến Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng

Việc xây dựng chương trình hành động xuyên suốt của Giáo hội, để có các công trình mang dấu ấn, rất cần những sáng kiến và đóng góp của giới trí thức Phật giáo. Bên cạnh đó, cũng nên học hỏi cách hành đạo, tải Phật pháp vào đời sống ở những trung tâm tu học nổi tiếng trên thế giới. Từ đó, gạn lọc cho phù hợp với đạo Phật Việt Nam để ứng dụng mang lại hiệu quả cao nhất. Ở những nước phương Tây, như Anh quốc, thiền cũng đã vào trường học; những tập đoàn lớn, như Google hay một số sở cảnh sát của Mỹ còn cho nhân viên ứng dụng thiền để tĩnh tâm - một hình thức nâng cao năng lực, sự sáng tạo… thì một đất nước Phật giáo có mặt, đồng hành cùng dân tộc hàng ngàn năm qua lẽ nào không thể làm được việc đó?
 

Có thể nói, đại dịch vẫn đang phức tạp, tuy nhiên, chắc chắn đến lúc sẽ kiểm soát được, nhất là khi vắc-xin đang được sản xuất, tiêm phổ biến tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Chống dịch không chỉ khi nó diễn ra mà còn sau đó, với những hệ lụy mà Covid-19 mang lại. Những tổn thương tinh thần, những áp lực do dịch đè nặng cần được chữa lành, giúp đỡ. Chương trình hành động của Phật giáo sau Covid-19 thiết nghĩ nên đề cao nội dung yểm trợ người bị ảnh hưởng của đại dịch: các khóa tu cho người bị tổn thương do đại dịch hoặc người yếu thế; các hoạt động an ủi, chia sẻ thiết thực khác...


Theo Chánh Quán - Giác Ngộ online

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng