Câu chuyện hôm nay
Người viết trẻ tự vẽ những đường bay
08:20 | 12/01/2022

HOÀNG ĐĂNG KHOA  

Trước hết cần minh định khái niệm, “trẻ” ở đây là chỉ xét về độ tuổi, cụ thể là dưới 35, theo quy ước mang tính tạm thời tương đối hiện hành của Hội Nhà văn Việt Nam.

Người viết trẻ tự vẽ những đường bay
Ảnh: internet

Phải nói như vậy để “khuyến cáo” những cái nhìn trịch thượng, những xoa đầu kẻ cả, những ngộ nhận mặc định, rằng trẻ là đồng nghĩa với xanh non, đồng nghĩa với thiếu kinh nghiệm cả về sống lẫn viết, đồng nghĩa với cần phải khiêm tốn tầm sư học đạo…

Văn chương là nghệ thuật, mà nghệ thuật là thăng hoa sáng tạo. Tất nhiên, chẳng có sáng tạo nào thăng hoa từ chân không, mà mọi nội công đều hấp phả dung chứa những dưỡng chất từ văn mạch đông tây kim cổ nói chung, văn mạch dân tộc nói riêng. Tuy nhiên, sáng tạo là kiến tạo cái mới, mà “cái mới thường vượt biên không có giấy thông hành”, nói như “phu chữ” Lê Đạt. Chủ thể viết là “phu chữ”, là lao tâm khổ tứ, là nước mắt mồ hôi, nhưng văn chương đôi khi là “lộc giời”, là bất khả cầu, trượt ra ngoài mọi khung khổ lý luận. Câu chuyện nhà thơ Trần Đăng Khoa viết bài thơ Hạt gạo làng ta khi mới 10 tuổi hay nhà văn Lev Nikolayevich Tolstoy viết tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình khi 37 tuổi và không bao giờ tận mắt thấy thời đại được ông miêu tả trong tác phẩm… là những bằng chứng hùng hồn sinh động để chất vấn lại cái gọi là kinh nghiệm sống và viết. Tất nhiên vẫn biết, rằng tài năng, nói như nhà văn Hồ Anh Thái thì, như hoa của cây vô ưu ashoka, trăm năm mới nở một lần.

Đọc cũng là sống. Sống để sáng tạo. Nhà văn không phải là nhà báo. Nhà báo cần nhập cuộc với cuộc sống, còn nhà văn phải dấn nhập vào cuộc văn. Đành rằng văn chương không thể đóng cửa trước những vang động của đời, nhưng nhà văn nếu cần ăngten đủ thính nhạy thì không nhất thiết phải thực hành những chuyến “thực tế sáng tác” cưỡi ngựa xem hoa hời hợt vô bổ. Minh Moon (sinh năm 1986) viết Hạt hòa bình, Đinh Phương (sinh năm 1989) viết Nhụy khúc, Chuyến tàu nhật thực và Nắng Thổ Tang, Nguyễn Dương Quỳnh (sinh năm 1990) viết Thăm thẳm mùa hè, Nhật Phi (sinh năm 1991) viết Người ngủ thuê, Phạm Bá Diệp (sinh năm 1991) viết Urem người đang mơ, Thành Châu (sinh năm 1991) viết Hỏa Dực, Đức Anh (sinh năm 1993) viết Tường lửa, Thiên thần mù sương Đảo bạo bệnh, Hoàng Yến (sinh năm 1993) viết Săn mộ - Thông thiên la thành Thượng Dương, Huỳnh Trọng Khang (sinh năm 1994) viết Mộ phần tuổi trẻ Những vọng âm nằm ngủ, Đặng Hằng (sinh năm 1995) viết Nhân gian nằm nghiêng, Phạm Giai Quỳnh (sinh năm 1997) viết Trăng trong cõi, Nguyễn Bình (sinh năm 2001) viết Cuộc chiến với hành tinh Fantom, Cao Việt Quỳnh (sinh năm 2008) viết Người Sao Chổi: Cuộc chiến vòng quanh thế giới… thì trước đó họ biết đi “thực tế sáng tác” ở đâu, khi mà cái gọi là “hiện thực” trong các truyện dài/ tiểu thuyết của họ đều hoặc là “hiện thực ngoài hiện thực” hoặc là hiện thực ở thì tương lai, hoặc là “hiện thực” thuộc về thời đại đã lùi xa - thời đại mà họ chưa được sinh ra?

Nhiều người kêu là một bộ phận người viết trẻ như vừa kể vì không có khả năng trực chiến áp sát đời sống tươi ròng đang diễn ra nên mới phải tự lấp đầy cái viết bằng các thể tài lịch sử, trinh thám, kỳ ảo/ fantasy, khoa học giả tưởng/ science-fiction, hoặc bằng cách liên văn bản đến những tác phẩm văn học kinh điển trong vốn đọc của mình. Nhận định này xem ra chưa đúng và trúng.

Lịch sử văn chương thế giới đã chứng kiến trường hợp nhà văn Orhan Pamuk. Trong khi ở đất nước Thổ Nhĩ Kỳ người ta thường viết các tiểu thuyết hiện thực về các vấn đề xã hội thì nhà văn này được cho là người tạo một tiền lệ khác khi trình xuất Tên tôi là Đỏ - cuốn tiểu thuyết lịch sử nhưng lại có mạch tự truyện và mang hình thức của một tiểu thuyết trinh thám. Để có được phông lịch sử, ông đã say mê chuẩn bị, xử lý đề tài, khảo cứu ròng rã tám năm, rồi hứng khởi huy động những câu chuyện thực của bản thân và gia đình kết hợp cùng trí tưởng tượng bay bổng lãng mạn để bắt tay viết tác phẩm trong vòng hai năm. Năm 2003, ông nhận giải International IMPAC Dublin cho cuốn tiểu thuyết này. Và năm 2006, giải Nobel văn học xướng tên ông. Còn nhà văn Ý Umberto Eco - tác giả của tiểu thuyết trinh thám Tên của đóa hồng nổi tiếng - từng phát biểu, rằng dưới nhãn quan của ông thì hoàn toàn không có sự khác biệt động trời giữa một tác phẩm tiểu thuyết trinh thám với một luận văn triết học hay khoa học, vì đều bao hàm cả quá trình tìm tòi, dẫn giải; và rằng tiểu thuyết trinh thám, bằng cách nào đó, giống như một tấm gương, phản ánh quan hệ của chúng ta với thế giới. Một trường hợp khác là nhà văn Olga Tokarczuk. Năm 2018, giải Nobel văn chương vinh danh nữ sĩ người Ba Lan này vì “Trí tưởng tượng trong trần thuật và sự đam mê ắp đầy bách khoa kiến thức. Trí tưởng tượng này đang chứng tỏ, vượt qua mọi ranh giới là một dạng thức của cuộc sống”…

Có nghĩa là, không thể nói rằng giữa tiểu thuyết hiện thực và tiểu thuyết lịch sử hay tiểu thuyết trinh thám hay tiểu thuyết kỳ ảo hay tiểu thuyết giả tưởng thì thể loại nào “dễ ăn” hơn thể loại nào, vì thể loại nào cũng đòi hỏi sự trường sức trường vốn nơi người viết. Cũng vậy, không thể nói rằng giữa vốn sống thực tế với vốn sống sách vở (“bách khoa kiến thức”) hay vốn sống tưởng tượng thì vốn sống nào “có giá” hơn vốn sống nào, vì vốn sống nào cũng là tài sản lớn của nhà văn, không dễ mà họ sở hữu được. Mỗi chủ thể viết sẽ tận dụng và phát huy tối đa cái lưng vốn mà mình đầy nhất, từ đó lựa chọn cách thế văn chương mà mình thuận tay nhất, có thể đem tới cho mình mức độ tự do ngôn ngữ và tự do tưởng tượng cao nhất.

Khi mà người đọc ngày nay đã quá bội thực với “hiện thực cuộc sống” được cập nhật từng khắc bởi truyền thông đa phương tiện, đặc biệt là mạng xã hội, thì người ta tìm đọc tác phẩm văn chương không nhất thiết để “nhận thức” thực tại, mà nhiều khi chỉ là phiêu lưu thám mã vào một thế giới bên ngoài thế giới hoặc một thế giới ẩn mật đầy kịch tính - để mơ tưởng, để giải trí, để tìm quên; hoặc dò vục vào lịch sử - để truy vấn, để nhắc nhớ, để dự phóng; và trên tất cả là để làm đầy lên khoái cảm thẩm mỹ nơi mình. Đón hứng nhu cầu đọc của một bộ phận người đọc này, một thế hệ nhà văn trẻ, mỗi người một vẻ, đang hăm hở dấn nhập vào cuộc văn mới. Họ từ chối lối văn thật thà kể tả hiện thực đơn nghĩa đơn giản, để tìm tòi thể nghiệm sáng tạo nên những tác phẩm phức hợp đa tầng. Mà một khi họ chọn đường đi khó là viết về lịch sử chẳng hạn, thì đó cũng là cách họ nêu cao chủ nghĩa dân tộc và đề cao bản sắc dân tộc. Và suy cho cùng, chẳng có cái viết nào của họ lại vô can với thời tiết chính trị văn hóa xã hội của thời đại mà họ đang thuộc về.


Mỗi người viết trẻ hôm nay là một “người chữ”, nên đều trình hiện mình đầy bản lĩnh tự tin với phông nền văn hóa văn chương triết mỹ vững chắc. Họ “hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa”. Họ xa lạ với kiểu viết bản năng, ăn may, “tự ăn mình”, “chuyện đời tự kể”. Họ xác tín định nghĩa, rằng phàm những tác phẩm lấy tự thân mình làm mục đích, chứ không làm công cụ, thì đó là văn học, rằng phàm cái gì không mang tính chức năng sứ mệnh, chỉ cốt thỏa mãn nhu cầu văn hóa thẩm mỹ, thì đó là văn học. Họ ý thức cao độ, rằng muốn đi đường xa đường dài với văn chương, muốn đi kịp tốc độ tiến hóa của văn chương, thì không có cách nào khác là phải không ngừng cập nhật tích nạp tinh hoa tri thức và tinh túy văn học của nhân loại. Họ nỗ lực đột xuất mình lên để không chỉ thêm vào bức tranh văn học một sắc gam mới, mà còn là một sức sống mới.

Với trữ lượng chữ vạm vỡ của mình, thế hệ người viết trẻ mới thường khi là những tay bút “đa năng”, “nhiều trong một”. Chẳng hạn, Văn Thành Lê (sinh năm 1986): nhà văn - nhà phê bình; Đào Lê Na (sinh năm 1986): nhà phê bình - nhà văn; Nguyễn Thị Thúy Hạnh (sinh năm 1987): nhà thơ - dịch giả - nhà phê bình; Hà Hương Sơn (sinh năm 1987): nhà thơ - nhà văn; Lữ Mai (sinh năm 1988): nhà thơ - nhà văn; Nguyễn Thị Kim Nhung (sinh năm 1990): nhà thơ - nhà văn; Nguyễn Thị Thùy Linh (sinh năm 1991): nhà thơ - dịch giả - nhà văn; Meggie Phạm/ Phạm Phú Uyên Châu (sinh năm 1991): nhà văn - nhà phê bình; Hiền Trang (sinh năm 1993): nhà văn - nhà phê bình - dịch giả; Phan Đức Lộc (sinh năm 1995): nhà văn - nhà thơ; Phạm Thu Hà (sinh năm 1996): nhà văn - dịch giả; Nguyễn Đình Minh Khuê (sinh năm 1996): nhà phê bình - nhà văn; Lê Quang Trạng (sinh năm 1996): nhà văn - nhà thơ; Vĩnh Thông (sinh năm 1996): nhà văn - nhà thơ; Hương Giang (sinh năm 1997): nhà thơ - nhà phê bình…

Những người viết trẻ họ ở đâu trên bản đồ văn chương của Hội Nhà văn Trung ương? Câu trả lời là họ vắng mặt, từ danh sách hội viên (trừ một vài cái tên như Văn Thành Lê, Lữ Mai, Đinh Phương, Meggie Phạm, Lê Vũ Trường Giang), đến danh sách giải thưởng 5 năm hay giải thưởng hằng năm, đến danh sách khách mời các kỳ cuộc tọa đàm hội nghị hội thảo (trừ hội nghị viết văn trẻ toàn quốc nếu diễn ra vào khung thời điểm mà họ đang còn “trẻ”).

Phải vậy chăng mà chương trình hành động của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã ráo riết vạch ra “những việc cần làm ngay” hướng đến lực lượng người viết trẻ, đó là: khôi phục tờ báo Văn nghệ Trẻ với phiên bản mới mang tên Nhà văn Trẻ và giao cho người trẻ làm; mời người trẻ giỏi vào Hội; thành lập Giải thưởng Tác giả Trẻ… Tân Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều sốt sắng: “Hội Nhà văn bạt ngàn lau trắng, chúng tôi muốn có thêm người trẻ”.

Vâng, nói đến người trẻ là nói đến mới mẻ khỏe khoắn trẻ trung, nhiệt hứng năng động sáng tạo. Họ phong phú nhiều màu lắm vẻ. Thứ đáng giá nhất ở họ là sức trẻ, là lập trường cái mới cái khác, là tín hiệu chuyển dịch của ý thức tư duy văn chương thời đại, là sự “dấn thân một cách đầy đủ cá tính, tận lực mà không hỗn loạn” (Irot Armstrong Richards). Trên mục “Tiếng nói nhà văn”, báo Văn nghệ ra ngày 27/3/2021, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật (sinh năm 1945, thế hệ “lau trắng”) cất lời như sau: “Những người cầm bút trẻ có thể tôn vinh chúng ta, cũng có thể chôn vùi chúng ta như một xác chết, nếu chúng ta không xứng đáng để họ học hỏi”.

Người viết trẻ hôm nay như bầy chim bạc rời nơi ẩn trú/ sải niềm tin về phía mặt người (thơ Nhung Nhung, sinh năm 1991), như lũ bồ câu cánh trắng/ vãi từng chùm tự do lên cao (thơ Hoàng Thúy, sinh năm 1992). Những bài xích can gián kháng cự khước từ không ngăn được đôi cánh của họ. Vậy nên, đừng là trở lực, mà nếu có thể thì trợ lực, để họ được thông thoáng vươn sải những đường bay.

H.Đ.K
(TCSH43SDB/12-2021)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng