Câu chuyện hôm nay
Một chút tình xuân
10:14 | 13/06/2022

NGUYỄN QUANG HÀ
             Ghi chép

Trong dân gian có câu: "Giàu tại phận, trắng tại da". Tố Hữu, nhà thơ cách mạng thì đặt lại vấn đề nghèo khổ: "Số phận hay do chế độ này?".

Một chút tình xuân
“Mùa xuân bè bạn". Ảnh: Nguyễn Văn Vinh

Đã có thời người ta cố quên cái nghèo bằng cách duy ý chí, song cái nghèo vẫn trồi ra. Vẫn là điều nhức nhối. Dĩ nhiên có hàng trăm lẽ nghèo. Nghèo thì khổ. Chỉ có người có lương tâm mới biết thương kẻ nghèo. Tôi chợt nhớ hình ảnh vị Chủ tịch của nước ta trong bữa đại tiệc, Người nhón một quả táo trên đĩa, đút vào túi. Khách hội nghị Phông-ten-bờ-lô quay ngoắt vào chi tiết đó. Đến khi gặp em bé ăn xin trên đường phố Pa-ri, Người lấy quả táo ấy ra tặng em, thì cả nước Pháp bỗng bàng hoàng. Một sự bừng tỉnh về nhân cách: lòng thương người.

Huế ta bước vào thời mở cửa, trong vòng hai năm nay, các đường phố rực rỡ màu hàng hóa. Nhà thi nhau mọc lên. Cả những "ông" cán bộ công nhân viên chức sống tằn tiện bằng đồng lương còm, bỗng lên nhà hai ba tầng như có phép tiên. Nhiều cửa hàng ăn sang trọng ra đời, đèn nhấp nháy, câu khách lắm tiền đến đập phá suốt đêm ngày. Bên những người giàu có lý và vô lý ấy, đang còn rất nhiều những người nghèo.

Họ nghèo thật sự, đúng nghĩa đen của nó. Như mụ Bèo ở thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử "vườn ai biếc quá xanh như ngọc, lá trúc che ngang mặt chữ điền" ấy. Nghèo đến nỗi không còn ai nhớ tên thật của mụ nữa. Chỉ thấy mụ già 70 tuổi quanh năm suốt tháng làm một nghề duy nhất là đi vớt bèo đem ra chợ bán, người ta gọi luôn mụ bằng cái tên "mụ Bèo". Đùng một cái, ngôi lều heo hút của mụ, đụng mua đã đọng nước, được công an thành phố đắp lại nền, bạt tre mở lối đi, và dựng lên ngôi nhà tranh tình nghĩa, người ta mới vỡ lẽ mụ Bèo có tên thật là Trần Thị Sang, vợ liệt sĩ Phan Sâm, ông đã hy sinh cách đây 50 năm. Và chính mụ Bèo thủy chung đi theo đường của chồng, nuôi giấu cán bộ cách mạng, đã từng vào tù ra tội. Bị đánh gẫy chân. Cho đến nay, lưng vẫn còn những vết bầm do tra tấn, chưa tan.

Công an thành phố Huế đã tổ chức hai đợt vận động từ thiện, bà con hảo tâm đóng góp được 68 triệu đồng, trợ giúp cho các gia đình như gia đình mụ Bèo. Song điều quan trọng hơn cả là góp phần trả lại cho họ cái vị trí làm người.

Để thấy Huế, có lẽ không nên chỉ nhìn vào những nhà cao cửa rộng, những xe con bóng nhoáng lướt vi vu trên đường. Không chỉ nhìn vào chức sắc thượng lưu. E cần nhìn sâu hơn, vào cái tỷ lệ không nhỏ ở thành phố Huế, đó là những người nghèo.

Họ lam lũ lắm. Xin ai có chút lương tâm, hãy đến gần cầu Gia Hội, gần cầu chữ T sau chợ Đông Ba mà xem. Nếu lấy dòng sông Hương thơ mộng làm trục đối xứng, bên kia là khách sạn Hương Giang Một, khách sạn Hương Giang Hai, chưa kể tiền ăn, chỉ kể giường ngủ của khách vãng lai trong một đêm thôi, đã tốn ít nhất năm chục ngàn đồng. Dĩ nhiên có nệm mềm, có máy lạnh, có đèn hoa, có ti-vi màu, vi-đê-ô để xem, mặc sức. Căn phòng ngào ngạt mùi nước hoa. Có mùi son phấn thì lại khác nữa. Thì bên này sông, hàng trăm gia đình ở chen chúc nhau dưới gầm cầu. Mỗi gia đình vỏn vẹn địa giới trên một chiếc giường tre ọp ẹp, đủ cỡ. Đường biên của các địa giới ấy là một tấm ni lông căng lên. Địa giới là nói cho vui thôi, chứ họ kề vai nhau mà sống, chen chúc! Ngày nắng thì lên mặt đất ngủ qua đêm, ngày mưa rét thì đủ cảnh thảm hại. Bình quân sống, không hiểu có được 50.000 đồng một tháng không?

Mỗi kiếp đời sống gầm cầu, đã là một cuốn tiểu thuyết khổng lồ.

Đời sống khá hơn gầm cầu, là có một khoảnh đất, một mái che. Như nhà cháu Phạm Thị Na ở Phú Bình. Na 12 tuổi. Cháu không biết cha là ai. Mẹ đi buôn ngoài Thuận Lý. Bị cảm gió. Chết dọc đường. Nay cháu Na sống với bà ngoại 70 tuổi. Trên khoảnh đất chẹt giữa hai nhà. Vẻn vẹn 12 mét vuông. Trên 12 mét vuông ấy đặt một cái giường, một cái bàn mộc nhỏ nhoi, cũ kỹ, một cái bếp nấu ăn. Cái đáng giá nhất trong nhà là chiếc cặp sách, các chú công an mua cho Na, để cháu đi học.

Tôi hỏi bà già:

- Mệ làm gì để nuôi cháu?

Bà thật thà:

- Trước buôn bán lặt vặt. Nay già rồi, quả thật chẳng làm được gì. Chạy quẩn chạy quanh qua ngày. Tôi chỉ có một nỗi lo, mình chết, cháu sẽ sống ra sao?

Nhìn giọt nước mắt ứa ra trên đôi mắt già nua kia thật không thể cầm lòng.

Gia đình cháu Nguyễn Thị Thu Sương ở phường Trường An lại một hoàn cảnh khác. Cha cháu, anh Nguyễn Văn Mỹ sống bằng nghề đạp xe thồ. Cháu Sương năm nay 4 tuổi, mẹ sinh tiếp lần thứ hai. Oái ăm thay lại sinh đôi, mới sinh được mấy ngày thì chết. Trên tay anh Mỹ bây giờ, ba đứa con thơ. Quả thật không thể lường được họ sẽ sống chết ra sao?

Nhân chi sơ tính bản thiện, ở đời ai cũng có một chút tình thương. Dù mình còn đang nghèo. Xuất phát từ cái gốc ấy, vốn trong chức trách, sát từng số phận, Lê Việt Hà trưởng công an thành phố Huế, phát động một phong trào từ thiện. Tấm lòng anh được đồng đội hưởng ứng. Những tấm lòng gặp nhau, đã đi đến một quyết định: 10 đơn vị công tác trong cơ quan, nhận hỗ trợ đời sống cho 11 cháu ở hoàn cảnh như An, như Sương.

Bàn giao đỡ đầu, có sự chứng giám của gia đình, chính quyền địa phương, và công an thành phố.

Trong biên bản quyết định giao nhận có ghi rõ:

" - Từ khi nhận đỡ đầu, đơn vị tiếp nhận phải có trách nhiệm giúp đỡ cho cháu về vật chất, chăm lo đời sống tinh thần học hành.

- Thường xuyên quan hệ với gia đình có cháu đỡ đầu, nắm diễn biến tình cảm, tiến bộ của cháu. Xây dựng sổ theo dõi đời sống, học hành cháu đỡ đầu, có nhận xét hàng tháng của đơn vị, gia đình và trường học".

Tôi hỏi Lê Việt Hà:

- Cụ thể giúp đỡ vật chất cho các cháu thế nào?

Anh Việt Hà tâm sự:

- Hàng tháng nhận lương, chúng tôi trích một chút lương của mình. Góp lại, ít nhất một tháng cũng giúp cho mỗi cháu được 50.000 đồng. Mua thêm sách vở, giấy bút cho cháu đi học. Liên hệ với nhà trường miễn học phí cho các cháu. Cảm động nhất là có đồng chí, cơ quan phải trợ cấp cho hoàn cảnh khó khăn, vẫn không quên trích một phần lương để giúp đỡ các cháu cơ nhỡ.

Cháu An 11 tuổi học lớp ba. Nhìn cháu khoác cặp tung tăng trên đường Hàng Bè của chú Lượm "Loắt choắt, cái xắc xinh xinh, ca lô đội lệch, mồm huýt sáo vang" hôm nào trong thơ Tố Hữu, bỗng tôi nao lòng. Từ Lượm đến bé Na, một sợi dây mong manh, nhưng là một sợi tình. Đừng quên.

Anh Thành, cán bộ tổ chức của công an thành phố kể thêm với tôi:

- Các cháu hư hỏng cũng là một gánh nặng của ngành an ninh. Chúng tôi cũng đã làm một việc có ý nghĩa. Toàn thành phố có 80 khu vực địa bàn. Mỗi khu vực do một đồng chí công an chuyên môn, đạo đức phụ trách. Chúng tôi đã sàng lọc, chọn 80 cháu, tức là mỗi khu vực chọn 1 cháu hư hỏng nhất, giao hẳn cho đồng chí công an khu vực đỡ đầu về phương diện tinh thần. Mừng là 80 cháu tiến bộ hẳn lên. Như cháu Phi ở phường Thuận Hòa lêu lổng, ăn cắp vặt, đánh nhau. Nay xin cho đi học thợ chạm. Cháu chững chạc hẳn ra, hầu như quên quá khứ của mình.

Anh nói tiếp:

- Chúng tôi sẽ làm từng đợt. Lớp này, các cháu khá lên, ổn định, chúng tôi sẽ chọn tiếp 80 cháu khác. Có lẽ cách "ngăn chặn từ xa" này hiệu nghiệm, anh ạ.

Một mình lang thang trên đường phố Huế, tôi chợt nghĩ: Thành phố này có hàng trăm cơ quan, đoàn thể, nhiều cơ quan giàu hơn công an nhiều. Giá họ cũng lo cho các cháu như công an đã lo, thành phố này sẽ đẹp lên biết bao, tình người sẽ sâu nặng biết bao. Thành phố Huế nhiều người tốt. Song những kẻ chỉ nghĩ đến tiền, đến danh, cũng đang lúc nhúc như ròi. Những con ròi ấy thường nhân danh lương tâm, chứ có lương tâm thật đâu mà trông chờ. Kẻ không có tấm lòng thường nhìn vào cái túi của mình chứ đâu có nhìn vào xã hội.

Xã hội Huế còn đang bề bộn. Hãy cứ đảo một vòng quanh thành phố mà xem. Giờ chính quyền, giờ làm việc hẳn hoi, mà quán cà phê nào cũng đầy người. Có lẽ cà phê là một mặt hàng rẻ nhất, vừa được uống, vừa được xem vi-đê-ô để giết thời gian không mất tiền, là nơi trú ngụ tốt nhất của người thất nghiệp.

Theo báo Thừa Thiên - Huế, số 347, trong bài "Một địa chỉ cần tìm" có thông báo số liệu sau: "Ở tỉnh ta, tính đến cuối 1992, theo kết quả điều tra, có khoảng hơn 5 vạn người không có và thiếu việc làm. (Chủ yếu là thanh niên) trong số hơn 40 vạn lao động cả tỉnh".

Như vậy là cứ 8 người thì có một người thất nghiệp. Đó là chưa tính ở nông thôn tỉnh ta khoảng một phần ba quỹ thời gian chưa được sử dụng. Không có việc làm, la cà là tất nhiên. Hàng năm, thêm một lớp thanh niên đến tuổi trưởng thành. Bộ đội giải ngũ về. Tội phạm trong nhà lao ra. Người hồi hương. Người đi lao động xuất khẩu nước ngoài về nước... Khối lượng người chưa có việc làm được bổ sung từng ngày.

Để mắt tới một chút, thấy ngay đây là vấn đề nan giải. Vấn đề việc làm hiện nay là mối quan tâm hàng đầu của đất nước. Làm sao đối phó với sức ép về nạn thất nghiệp, giải quyết tận gốc nạn đói nghèo, đưa lại hạnh phúc cho người lao động? Đất nước có phồn vinh hay không, dân có giàu, nước có mạnh hay không? Lao động - việc làm, chính là những câu trả lời bức thiết.

Dân gian có câu ca dao rất nghĩa tình: "Dẫu rằng gạo cấp ngàn lương, không bằng vẽ một con đường làm ăn". Quả thật, trợ cấp biết mấy cho cùng. Đó là chưa nói tới hậu họa: "Nhàn cư vi bất thiện" đẻ ra không ít rắc rối.

Ở Huế, có một nơi trong hai năm nay, đã bắt tay vào gỡ cái mớ rối bòng bong này. Đó là "Trung tâm xúc tiến việc làm Thừa Thiên - Huế", một cơ quan của Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh.

Tôi xin đưa ra một số liệu, một số liệu còn hạn hẹp, nhưng chắc chắn sẽ làm bạn đọc giật mình: Trung tâm xúc tiến việc làm chỉ có 7 người, với 11 giáo viên hợp đồng, trong vòng hai năm đã dạy nghề cho 72 lớp, với 1361 học viên. 904 học viên đã tốt nghiệp, Trung tâm đã lo việc cho 426 học viên có việc làm ổn định.

Bảy người, lo được cho 426 người có việc làm! 426 người sẽ không ngồi lê hết quán cà phê này đến quán cà phê khác, không lang thang oán trách tương lai, giải thoát được tâm trạng âm u mù mịt, cắt đứt được mối hận đời, nhìn mặt mọi người trong xã hội bằng nụ cười... Hiểu thấu đáo như thế, mới thấy hết ý nghĩa khi trao vào tay kẻ thất nghiệp một công việc cụ thể có thể ngửa mặt với đời.

Tôi hỏi ông Nguyễn Đình Văn, giám đốc Trung tâm xúc tiến việc làm:

- Thành phố này không ít trường dạy nghề. Trách nhiệm ấy có nhẵm chân lên nhau không?

Ông giám đốc giải thích:

- Các trường dạy nghề trong thành phố thường coi việc hoàn tất các cung đoạn của họ khi học viên đã mãn khóa. Ai nấy về tự lo cho mình. Chúng tôi khác, sau chức năng dạy, chúng tôi còn một chức năng cơ bản nữa là lo tìm việc cho học viên. Hai năm nay Trung tâm đã giới thiệu việc làm tại các cơ sở trong tỉnh cho 60 người, cho thành phố Hồ Chí Minh 77 người, tổ chức việc làm thường xuyên tại trung tâm 70 người, và tổ chức tại gia đình 170 người. Với những người làm ở gia đình, chúng tôi giúp cho họ chọn vị trí mở cửa hàng. Ai không có vốn, chúng tôi giúp đỡ để vay được vốn. Phản ứng dây chuyền đã xẩy ra rất hay: Những cửa hàng tư này lại lo dạy nghề, tạo việc làm cho những người khác.

Ông giám đốc nói tiếp:

- Trong tháng 12-93 chúng tôi sẽ mở phòng tư vấn xúc tiến việc làm. Phòng tư vấn có nhiệm vụ điều tra nghề nghiệp và nhu cầu của đối tượng thiếu việc làm. Mặt khác quan hệ với các cơ sở sản xuất trong tỉnh, trong nước. Ở đâu cần thợ phu hồ, chúng tôi giới thiệu phu hồ. Đâu cần thợ điện, chúng tôi giới thiệu thợ điện. Trung tâm sẽ là chiếc cầu tin cậy giữa chủ và thợ.

Hiện nay Trung tâm đang mở dạy các lớp: may, may công nghiệp, thêu, máy nổ, điện và điện tử dân dụng... Tận dụng truyền thống "bàn tay vàng" trong nghề thủ công, và khả năng phục vụ nhu cầu đời sống. Ví như mỗi tàu đánh cá biển có thợ máy trên thuyền khỏi lo trục trặc mỗi khi ra lộng vào khơi, khỏi lo tháo gỡ lách cách đưa lên tận Huế để sửa chữa mỗi khi hỏng hóc. Trung tâm đang đi đúng hướng. Nếu không có Trung tâm xúc tiến việc làm, hợp tác xã thêu ren ở Quảng Điền chắc đã bị xoá sổ hoàn toàn. Hợp tác xã vốn có 120 tay nghề, thêu ren hàng xuất khẩu cho Đông Âu. Khối Đông Âu vô, hợp đồng tiêu tan. Công nhân bỏ nghề, lên rừng kiếm củi, hái sim, bẻ chổi sống qua ngày. Trung tâm đã xuống tận hợp tác xã, kiểm tra tại tay nghề. 60 người đã trở lại công việc của mình.

Để tận dụng thời gian rảnh rỗi ở nông thôn, trung tâm đã vay vốn trung ương 3 tỷ 6, cho 1500 hộ gia đình vay lại để "thực hiện dự án nhỏ" trong chăn nuôi. Cách tạo việc làm này đã khai thác được tiềm năng đang tiềm tàng cả nguyên liệu và tay nghề. Hiệu quả rõ ràng: tăng nguồn thịt cho xã hội, tăng phân hữu cơ cho ruộng đồng. Từ đó tăng thu nhập cho mỗi gia đình. Cũng nhằm mục đích giải quyết lao động dư thừa, trung tâm được cơ quan cao ủy Liên hiệp quốc (VNHCR) tài trợ 11.000 đô la, trung tâm xây dựng dây chuyền chế biến thức ăn gia súc, năng suất 6 tấn một ca làm việc.

Ông Nguyễn Đình Văn giới thiệu:

- Bên cạnh khu vực dây chuyền công nghệ, chúng tôi sẽ nuôi 500 con heo, với 15 công nhân chăm sóc để xác nhận hiệu quả của mình. Song điều quan trọng hơn cả là cung cấp thức ăn cho dân, giúp họ thực hiện kế hoạch chăn nuôi heo xuất khẩu. Heo xuất khẩu đòi hỏi tỷ lệ nạc, mỡ của mỗi con heo rất cụ thể. Thức ăn của chúng tôi nhằm tháo gỡ nhu cầu này. Phải xuất được heo, dân mới thấy hết ý nghĩa của con heo trong chuồng.

Mục đích của trung tâm thật nặng nề. Các anh cố gắng xoay sở từ cửa các cơ quan Trung ương để có vốn. Hai năm nay đã được sự giúp đỡ của cao uỷ Liên hiệp quốc, của cộng đồng Châu âu (EC) của Bộ Lao động Thương binh xã hội... Song nhu cầu chưa thấm tháp vào đâu. Tỉnh đã có để mắt tới, nhưng còn ít quá. Trung tâm đang xây văn phòng, thiếu hẳn 100 triệu. Lo bao che máy nóc, khu chế biến thức ăn gia súc cũng đang thiếu 100 triệu. Chưa có cách tháo gỡ. Tôi thiết nghĩ, tỉnh chỉ cần nhón tay, ý nghĩa giải quyết người thất nghiệp Thừa Thiên Huế sẽ thiết thực biết bao. Để trung tâm xúc tiến việc làm xứng đáng là địa chỉ cần tìm của người lao động, nhất là những người đang thiếu việc làm, để ổn định dần manh cơm miếng áo người thất nghiệp.

Trung tâm rất cần chính quyền tỉnh giúp đỡ cụ thể. Nhớ lời Bác Hồ dạy: "Độc lập tự do mà không có hạnh phúc thì độc lập tự do ấy mà làm gì". Ta đã có độc lập, đang có tự do đầy đủ, nhưng hạnh phúc, hiện tại đang đầy trớ trêu. 5 vạn lao động thiếu việc làm, đời sống đang bấp bênh, các em bé như Phạm Thị Na, Nguyễn Thị Thu Sương đang còn đó, giống như nỗi lo canh cánh bên lòng. Đọc câu thơ của Đỗ Phủ: "Trong nhà rượu thịt ôi, ngoài đường xương chất đống" mà vẫn kinh hoàng.

Công an thành phố đã đóng thêm một cái mốc về lòng từ thiện. Trung tâm xúc tiến việc làm cũng đóng thêm một cái mốc giúp người thất nghiệp tìm áo cơm. Sở Lao động - TBXH đã làm một việc thiết thực, xứng đáng. Đó là một chút tình xuân, mở đầu cho một mùa xuân mới.

Những ai sẽ đóng tiếp những chiếc cột mốc nối theo, để tình người thành tình xuân ngạt ngào? Để cuộc đời mau chóng tiếp cận mùa xuân? Tiếp cận hạnh phúc đúng nghĩa của nó? Với ý nghĩa ấy, Huế đang rất cần những tấm lòng. Như một nhà thơ Huế từng thổn thức: "Nào ai có nghĩa có tình lại đây!".

N.Q.H
(TCSH60/02-1994)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng