NGUYỄN KHẮC PHÊ
Trong hoạt động văn hóa - văn nghệ, một vấn đề thường gây ra bất đồng - thậm chí đưa đến những "vụ việc” tai tiếng - là việc đánh giá, bình chọn tác phẩm.
Thế nào là một bức tượng đẹp, một bản nhạc giao hưởng có giá trị, một kịch bản hay... xứng đáng tập trung tiền của để tạo dựng, công bố cho công chúng thưởng thức? Vấn đề thật không đơn giản, vì quan niệm về nghệ thuật và thị hiếu của mỗi người nhiều khi rất khác nhau. Tuy vậy, việc đánh giá tác phẩm văn nghệ vẫn có những tiêu chí, những chuẩn mực chung đã được đúc kết, tích lũy từ bao đời truyền lại, nên nếu có một vốn kiến thức cần thiết về lĩnh vực thẩm định thì thông thường cũng đạt đến sự thống nhất. Những "vụ việc" tai tiếng phần nhiều do người thẩm định không am hiểu chuyên môn, lại quyết định độc đoán hoặc là bị sai khiến bởi cảm tình và ý đồ cá nhân.
Chính vì vậy mà từ lâu Đảng và nhà nước ta trong nhiều chỉ thị, nghị quyết đã đề ra việc thành lập Hội đồng nghệ thuật ở các cấp để quyết định hoặc làm tư vấn cho các cơ quan Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị và văn hóa-văn nghệ (năm 1987) đã chỉ rõ: "Các hội đồng nghệ thuật do cấp ủy đảng và cấp chính quyền thành lập bao gồm những người có uy tín và am hiểu nhất về một ngành nghệ thuật hoặc một số ngành nghệ thuật gần nhau. Các hội đồng có nhiệm vụ và quyền hạn đầy đủ để quyết định những vấn đề nghệ thuật thuộc phạm vi xem xét của mình, và chịu trách nhiệm về những quyết định đó. Trường hợp cần thiết, có thể thành lập các hội đồng tư vấn, hội đồng lâm thời để giúp các cơ quan lãnh đạo, quản lý xử lý các vấn đề văn hóa, văn nghệ trên cơ sở đường lối, chính sách của Đảng và những hiểu biết khoa học đáng tin cậy..."
Theo tinh thần đó, những năm qua, nhiều ngành nghệ thuật ở Trung ương và một số địa phương đã thành lập Hội đồng nghệ thuật, nhưng ở Thừa Thiên-Huế thì đến nay chưa có Hội đồng nghệ thuật nào được chính thức thành lập. (Hội đồng xét giải thưởng "Cố Đô" vừa qua chưa có đủ tính chất của một Hội đồng nghệ thuật) Vì sao có sự chậm trễ này? Trả lời cho thấu đáo câu hỏi này, chúng ta cũng sẽ rút ra được những điều có ích, nhưng vấn đề quan trọng hơn là phải thấy rõ tính chất cấp thiết và sớm quyết định những bước để tiến tới thành lập được các Hội đồng nghệ thuật ở Thừa Thiên-Huế.
Hiện nay, các ngành văn hóa-văn nghệ đang chuẩn bị cho những công trình tương đối có quy mô lớn, kỷ niệm các ngày lễ lớn trong hai năm 1994-1995. Nếu không dựa vào những Hội đồng nghệ thuật có đủ năng lực và điều kiện làm việc, những tác phẩm, công trình văn hóa-văn nghệ được chọn để công bố, dàn dựng rất dễ có khiếm khuyết; khi phát hiện được chúng thì công trình đã dựng xong, lãng phí một khối lượng tiền bạc của nhân dân không nhỏ. Có những loại hình như tượng đài, công trình kiến trúc, có khi thấy rõ khuyết tật vẫn không dễ phá bỏ, không thể "xếp xó" được, tạo nên một cái "vết" làm phiền lòng, làm đau đầu nhiều thế hệ. Đặc biệt, đối với Huế, một vùng đất đã có nhiều công trình văn hóa được quốc gia và thế giới xếp hạng, một địa chỉ đang ngày càng có nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến, nếu sơ suất để "lọt lưới" những cái "vết" như thế trong các tác phẩm, công trình mới xây dựng thì "tiếng dữ đồn xa" sẽ gây ra hậu quả xấu về nhiều mặt. Trong việc xét tặng các giải thưởng, việc chọn mua các tác phẩm tiêu biểu của văn nghệ sĩ đưa vào bảo tàng cũng rất cần đến ý kiến thẩm định của Hội đồng nghệ thuật.
Như vậy, việc thành lập sớm các Hội đồng nghệ thuật ở Thừa Thiên - Huế là điều đương nhiên, có lẽ không cần phải bàn cãi, luận lý gì thêm. Vấn đề còn lại là các Hội đồng nghệ thuật sẽ được hình thành như thế nào? Quy chế và quyền hạn ra sao?... Giải quyết các vấn đề này hẳn phải là nhiệm vụ trọng yếu của các cơ quan hữu quan (Hội Văn nghệ, Sở Văn hóa thông tin...) trong một vài phiên họp. Ở đây, trong phạm vi một bài báo ngắn, chỉ xin nêu một ý kiến là với xu thế chuyên môn hóa của đời sống xã hội cũng như trong nghệ thuật, với đặc tính cơ bản của Hội đồng nghệ thuật là để những người am hiểu chuyên môn có tiếng nói quyết định, thì rất nên tránh thành lập Hội đồng nghệ thuật theo kiểu "tổng hợp" và "liên hiệp", mà nên tổ chức nhiều Hội đồng theo các chuyên ngành và thành viên của các Hội đồng đó phải do từng chuyên ngành cử ra, sau đó công khai cho mọi người biết.
N.K.P.
(TCSH65/07-1994)