VIỆT HÙNG
Văn hóa là một khái niệm rộng, nó bao trùm lên mọi hoạt động của con người trong xã hội. Văn hóa không những phản ánh được quan hệ giữa con người với con người, mà nó còn phản ánh được thế giới nội tâm của con người, và cả sự hòa hợp giữa thế giới nội tâm ấy với biểu hiện của nó ra bên ngoài xã hội.
Văn hóa là sự giao thoa giữa tính chủ thể với tính khách thể của mỗi cá nhân. Thông thường, cái bị coi là phản văn hóa cũng là cái bị xem như không phù hợp với tiến bộ của xã hội. Trong văn hóa bao gồm có văn hóa nghệ thuật, văn hóa thẩm mỹ, văn hóa đạo đức, văn hóa lối sống, văn hóa gia đình, văn hóa pháp luật, văn hóa giáo dục, văn hóa thông tin, văn hóa môi trường và sinh thái... Từ đó ta có thể nói bất cứ một lãnh vực nào của con người cũng cần có văn hóa.
Trong văn hóa thì văn hóa nghệ thuật đóng một vai trò quan trọng bởi nó có sức chi phối mạnh đến tính thẩm mỹ, tính đạo đức, lối sống, tính pháp luật, tính gia đình, tính giáo dục nói chung... của con người. Văn hóa nghệ thuật có sức lay động cả một nền tảng đạo đức xã hội. Một bộ phim tràn đầy tính nhân ái sẽ giúp con người tự soi xét bản thân để sống đẹp hơn lên. Một bức tranh hồn nhiên, trong sáng làm người xem thêm yêu đời. Một cuốn tiểu thuyết ca ngợi lối sống có trách nhiệm của cá nhân trước xã hội, hoặc phê phán có trách nhiệm với những thói hư, tật xấu của con người làm người đọc thêm tự tin, dũng cảm, có bản lĩnh trước cuộc sống. Vậy có thể nói, những tác phẩm nghệ thuật làm hạ thấp tính thẩm mỹ của con người là những giá trị phản văn hóa. Trong trào lưu tiến bộ xã hội, sự sáng tạo của người nghệ sĩ đóng vai trò rất quan trọng, nó góp phần rất lớn tạo nên cái nền tảng đạo đức của xã hội ấy. Văn hóa nghệ thuật ngoài chức năng hướng con người về cái chân - thiện - mỹ (nhận thức - giáo dục - thẩm mỹ) nó còn có những chức năng: dự báo, sáng tạo, khám phá, giao tiếp ứng xử, truyền cảm, đạo đức... chức năng giải trí cân bằng đời sống trí tuệ và tâm linh và cả chức năng tự biểu hiện mình của người nghệ sĩ.
Với quan hệ quốc tế đa phương hóa, đa diện hóa như hiện nay của Việt Nam, việc giao lưu văn hóa của ta không còn bị đóng khung trong một hệ ý thức thuần túy như trước đây, mà là sự giao lưu với nhiều hệ tư tưởng, nhiều chế độ chính trị, nhiều trào lưu, khuynh hướng nghệ thuật khác nhau của thế giới. Từ đó càng có điều kiện để so sánh giữa ta và họ để tìm thấy những qui luật phổ biến, những tiếng nói chung của nhân loại, đồng thời cũng có điều kiện đánh giá chính xác những yếu tố đặc thù của văn hóa dân tộc, nhìn rõ cái thực chất văn hóa của ta để biết tiếp thu những gì có lợi cho sự phát triển một nền văn hóa có định hướng, có mục tiêu rõ ràng; bên cạnh đó phải loại bỏ kịp thời những yếu tố phản văn hóa có hại cho các giá trị thẩm mỹ và nhân văn.
Trong bối cảnh mở rộng giao lưu văn hóa, nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của quần chúng, nhất là thanh niên có nhiều sự thay đổi cơ bản về giá trị, chắc chắn khác biệt nhiều so với khoảng mười lăm năm về trước. Theo số liệu điều tra xã hội học của Ủy ban Thanh niên Việt Nam thì quan niệm của thanh niên (gồm thanh niên, công nhân, nông dân, sinh viên, học sinh) về giá trị các loại hình nghệ thuật được yêu thích hiện nay(1):
- Phim tâm lý xã hội: 61,7%
- Ca nhạc Việt Nam: 35,9%
- Cải lương: 35,0%
- Ca nhạc quốc tế: 20,7%
- Phim chiến tranh cách mạng: 11,5%
- Chèo: 4,3%
- Tuồng: 2,4%
Nhìn bảng trên, ta thấy phim tâm lý xã hội có lẽ thời nào cũng được nhiều thanh niên ưa thích, vì nó thường kết hợp được cả yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại. Ngoài ca nhạc Việt Nam và cải lương thì ca nhạc quốc tế tương đối cũng có nhiều thanh niên ưa thích, nhưng phim chiến tranh cách mạng sở thích lại ít và đặc biệt là các loại hình nghệ thuật cổ truyền như tuồng, chèo thì quá ít thanh niên ưa thích. Điều này đặt ra vấn đề là các loại hình nghệ thuật cổ truyền cần được cách tân để bắt kịp trào lưu sân khấu hiện đại.
Cũng là trong thanh niên, nhưng giữa thanh niên sinh viên với thanh niên công nhân, nông dân lại có sự khác biệt rất nhiều về quan niệm yêu thích các loại hình nghệ thuật(2):
- Ca nhạc quốc tế: 54,8% (SV) và 9,4% (CN, ND)
- Cải lương: 17,3% - và 43,3% -
- Phim chiến tranh cách mạng: 3,25% - và 16,2% -
- Thơ: 23,2% - và 6,7% -
Ở đây ta không thể đơn giản kết luận một chiều về tính thẩm mỹ khi nhìn nhận giá trị của từng loại hình nghệ thuật giữa sinh viên với công nhân, nông dân, ai cao hơn ai bởi mỗi bộ môn nghệ thuật có một giá trị riêng biệt. Quan niệm về các giá trị nghệ thuật như trên biểu hiện một quá trình biến đổi tâm lý rất phức tạp trong thanh niên - lớp người luôn nhạy cảm và ưa thích cái mới lạ, đặc biệt là sinh viên, học sinh. Do vậy trong quá trình giao lưu văn hóa, những cái từ ngoài đưa vào chắc chắn sẽ được lớp thanh niên hấp thụ trước và cũng gây ảnh hưởng xáo trộn tư tưởng mạnh nhất ở lớp này vì họ là những người thường chưa có sự định hình rõ nét về tâm lý.
Trong giao lưu văn hóa như hiện nay, Việt Nam có điều kiện để phóng tầm nhìn của mình ra nhiều quốc gia, cái lợi thì nhiều, nhưng cái hại cũng chẳng ít. Vấn đề đặt ra là phải tạo được những phương thức giao lưu thích hợp, hòa nhập được với các nền văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới, nhưng vẫn bảo đảm sự phát triển văn hóa Việt Nam có một bản sắc riêng. Đó là việc chẳng dễ dàng gì và không cẩn thận sẽ gặp rất nhiều mâu thuẫn.
Hiện nay ở một số người có sự biểu lộ tâm lý tự ty, mặc cảm, sùng ngoại quá đáng đã nhắm mắt tiếp thu bất cứ loại văn hóa nào từ ngoài dội vào. Đó chính là điều kiện để cho các tác phẩm nghệ thuật kém chất lượng du nhập ào ạt vào nước ta. Đã kém chất lượng nghệ thuật thì chẳng những không góp phần hình thành, thúc đẩy các giá trị đạo đức mới mà trái lại tạo điều kiện cho cái ác, cái bất lương phát triển, chà đạp lên những nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Chỉ tính riêng ở Thừa Thiên Huế trong mấy năm gần đây, số lượng các ấn phẩm văn hóa độc hại (còn được coi là ấn phẩm phản văn hóa) du nhập từ nước ngoài vào bằng những con đường bất hợp pháp có chiều hướng gia tăng. Năm 1994, Sở Văn hóa thông tin phối hợp với Công an bảo vệ văn hóa đã tiến hành kiểm tra và thu giữ hơn 5.000 ấn phẩm thuộc loại này. Chúng được du nhập vào bằng các con đường như từ hành lý của khách du lịch nước ngoài, Việt Kiều về thăm quê hương, bưu phẩm, bưu kiện từ nước ngoài gửi về lọt được mắt kiểm tra của hải quan, người Việt Nam đi công tác, du lịch, tham quan nước ngoài đem về... Hết 80% số trên là băng hình kích thích tình dục, bạo lực, kinh dị, tuyên truyền cho lối sống bản năng, tự do, buông thả. Có trên 1.000 bản sách gồm các loại sách bói toán, báo ảnh khiêu dâm, sách báo đồi trụy, sách có nội dung bôi xấu chế độ. Đó mới chỉ là những con số nằm trong vòng kiểm soát được của các cơ quan quản lý văn hóa, số đang lưu hành âm thầm, bí mật trong xã hội chắc chắn còn lớn hơn. Tình trạng tội phạm, tệ nạn xã hội đen ngày một gia tăng, một nguyên nhân quan trọng chính là từ sự tác động của các sản phẩm văn hóa độc hại nói trên.
Cũng trong mấy năm gần đây ở Thừa Thiên Huế, theo số liệu của phòng xuất nhập cảnh Công An tỉnh, thì lượng khách nước ngoài đến Huế cứ năm sau cao gấp đôi năm trước. Riêng 6 tháng đầu năm 1995 đã có 41.191 người nước ngoài và 2.100 Việt kiều đến Huế với nhiều mục đích khác nhau, trong đó không ít trường hợp cố ý vi phạm thủ tục xuất nhập cảnh hoặc hoạt động trái mục đích nhập cảnh. Việc số lượng du khách nước ngoài ngày một gia tăng như trên là điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch phát triển, nhưng cũng là một thách thức nặng nề cho việc giữ gìn sự ổn định về chính trị và văn hóa của đất nước.
Sự du nhập ào ạt, thiếu chọn lọc từ nước ngoài vào các sản phẩm nghệ thuật rẻ tiền, ngoài việc làm giảm tính thẩm mỹ trong hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân nói chung, nó còn tác động rất mạnh đến tâm lý sáng tạo của những nghệ sĩ trong nước, làm lung lay, chao đảo nguồn mỹ cảm truyền thống. Tuy vậy vẫn có nhiều nghệ sĩ ngày đêm miệt mài khám phá, thể nghiệm những cái mới lạ trong sáng tạo, họ đã không tiếc sức mình để đi tìm cái đẹp trong cuộc sống, hoặc thẳng thắn phê phán có trách nhiệm trước những cái xấu, cái tiêu cực cũng chỉ với mục đích xây dựng một xã hội hoàn thiện hơn, có văn hóa hơn. Điều ấy quả đáng trân trọng. Bên cạnh đó, không ít nghệ sĩ bị thương mại hóa nghệ thuật đã "uốn cong ngòi bút" cho ra đời những tác phẩm kích thích bạo lực, hoặc những chuyện tình dục rẻ tiền, bôi bác, hoặc đầy dẫy cái xấu xa, tội ác... một màu đen vô vọng và bế tắc. Những tác phẩm này ngoài việc làm cho người đọc giảm đi niềm tin với cuộc sống, làm băng hoại đạo đức, lối sống con người mà bản thân người nghệ sĩ cũng tự đánh mất đi cái danh hiệu cao quí mà người đời đã phong tặng cho họ.
Trong trào lưu sáng tạo hiện nay, người nghệ sĩ được giao du rộng hơn, được tiếp cận với nhiều khuynh hướng nghệ thuật khác nhau. Điều ấy góp phần mở rộng tư duy sáng tạo, nhưng cũng là một thử thách rất lớn, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có bản lĩnh và tỏ rõ trách nhiệm của mình trước thời đại. Tỉnh táo trong giao lưu nghệ thuật là điều rất quan trọng. Phải "phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc, đồng thời hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ của thế giới"(3).
Việc để cho các tác phẩm văn học nghệ thuật kém chất lượng phát hành đến tay bạn đọc, trách nhiệm chính thuộc về các nhà xuất bản. Từ việc dịch sách thiếu chọn lọc, đến việc duyệt chất lượng nghệ thuật qua loa trước khi cấp giấy phép xuất bản, thậm chí có nơi còn cho in lại các tác phẩm đồi trụy của chế độ cũ là những nguyên nhân. Trong lúc có nhiều tác phẩm văn học có giá trị không ra mắt được bạn đọc vì thiếu sự tài trợ thích đáng.
Tài năng nghệ thuật là tài sản quý nhất của đất nước, cần phải được chăm sóc, đối xử đặc biệt. Những tài năng thật sự cần được gìn giữ và đánh giá đúng mức. Ngược lại, những người lạm dụng nghệ thuật, biến nghệ thuật thành trò chơi phi nhân bản phải bị kịp thời phê phán. "Cần khắc phục tình trạng can thiệp thô bạo, tùy tiện, xâm phạm quyền tự do, dân chủ của văn nghệ sĩ trong sáng tạo và hoạt động văn hóa văn nghệ" (chỉ thị 61- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương).
Vậy, việc đánh giá chất lượng một tác phẩm nghệ thuật cần có sự thẩm định chính xác của hội đồng nghệ thuật, tránh tình trạng tùy tiện, cấm đoán, cắt xén, thêm bớt tác phẩm của văn nghệ sĩ mà không thông qua sự thẩm định của giới chuyên môn. Một tác phẩm phản động là tác phẩm gây ra hiệu quả kích động chống đối Đảng, Nhà nước, tuyên truyền âm mưu của các lực lượng thù địch làm mất ổn định chính trị, kích động lật đổ chế độ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Một tác phẩm đồi trụy thường là tác phẩm mở đường cho các hành động dâm ô, tội ác được tự do tung hoành, coi các hành động trên là mục đích sáng tạo. Ngược lại nhiều bức tranh khỏa thân được đánh giá cao về nghệ thuật, bởi người sáng tạo chỉ lấy đó làm phương tiện trong sự hành trình tìm về cái đẹp. Có những tác phẩm không hề mô tả việc tình dục, chém giết nhau, nhưng lại cổ vũ cho những hành động vi phạm luân thường đạo lý, chà đạp thuần phong mỹ tục, những giá trị thiêng liêng trong cuộc sống con người, làm suy đồi đạo đức xã hội đều bị coi là những tác phẩm đồi trụy.
Nếu cứ để tình trạng nghệ thuật bị thương mại hóa sẽ tạo ra một kiểu văn hóa thực dụng. Sự xuất hiện tràn lan các tác phẩm nghệ thuật rẻ tiền, chạy theo thị hiếu tầm thường, hoặc lai căng, xa lạ với đời sống hiện nay của nhân dân, chắc chắn sẽ làm mất dần ý thức phát triển văn hóa dân tộc, và sẽ không còn lấy gì làm cơ sở để giao lưu văn hóa với các quốc gia khác.
Giá trị truyền thống là của quý dân tộc, là niềm tự hào cho bao thế hệ con người Việt Nam, cần được gìn giữ đồng thời phải được phát triển, nếu không chỉ còn là cái đẹp dĩ vãng, ít có tác dụng thực tiễn. Trong quá trình chuyển đổi, phải kết hợp được cả cũ lẫn mới trên cơ sở đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Tiếp thu tiến bộ mới của nhân loại, cần phải đồng hóa được những yếu tố mới ấy nhập vào bản sắc của dân tộc mình.
Chắt lọc được cái đẹp của nghệ thuật, để xây dựng được một nền nghệ thuật vừa lành, vừa mạnh, ngày một nâng cao tính thẩm mỹ cho nhân dân. Đó chính là động lực để thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội về mọi mặt.
V.H
(TCSH79/09-1995)
-------------------------------
1, 2. Tham khảo số liệu từ bài "Sự biến đổi một số giá trị cơ bản của thanh niên hiện nay" của Trần Xuân Vinh, Tạp chí Triết học số 1. 1995.
3. Hồ Chí Minh - Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, trang 394.