Câu chuyện hôm nay
Khi xã hội được tô vẽ bởi… VIP
09:07 | 09/01/2012

NGUYỄN VĂN TOÀN

Té ra, cái thời nhân dân lao động làm chủ xã hội đã… xưa rồi Diễm. Và rằng, ở thời điểm hiện nay, VIP đã là một phần tất yếu của cuộc sống. Và họ cũng được dân gian nhìn nhận là những ông vua “con” ở cõi nhân tình thế thái khi sở hữu đầy ắp bao cơ man đô la và vàng bạc.

Khi xã hội được tô vẽ bởi… VIP
Ảnh: internet

Đẳng cấp thế nào mới là VIP?

VIP là gì? Theo các từ điển thông dụng thì VIP là chữ viết tắt của cụm từ Very Important Person, ám chỉ đến các “Nhân vật cực kì quan trọng”.

Như trong dịp Lễ Tết sắp đến, các siêu thị tranh nhau tặng thẻ VIP để câu những vị khách “sộp” đến mua sắm. Hay tại các khách sạn, nhà hàng, quán karaoke (hoặc bar, vũ trường), những ông chủ luôn chuẩn bị sẵn sàng những phòng VIP, những sự kiện VIP dành cho những khách chơi hạng “sang” lẫn rủng rỉnh túi tiền đến ăn chơi, nhảy nhót và tiêu xài xả láng những thứ kim tiền lấp láng. Hay chẳng hạn, dù chuyện bệnh viện quá tải mà báo chí bàn ra tán vào bấy lâu nay thì các VIP vẫn cứ thong dong bỏ ngoài tai. Vì đối với VIP, đó chỉ là những nỗi âu lo thường nhật của người nghèo. Bởi lẽ, chỉ cần phong bì, tiền hoa hồng lót tay cho bác sĩ là một bệnh nhân VIP nghiễm nhiên được điều trị tại phòng cá nhân theo tiêu chuẩn “năm sao” dành cho… Thượng Đế.

Tuy nhiên, nếu là VIP như kiểu này thì chẳng hơi đâu dư luận lên tiếng. Vì nói rõ ràng ra là: Cách tiêu xài của các VIP như trên chẳng qua là đang thực hiện quyền cá nhân về sở hữu tài sản theo đúng pháp luật. Nó cũng chẳng gây ra sự phản cảm đối với một ai. Nhất là đối với những người có trình độ hiểu biết về cách kiếm tiền và biết giữ mình trong sạch. Do đó, dù có thông tin một vị khách nào đó đến thuê một phòng trong một khách sạn năm sao với giá chục ngàn USD/đêm nhân dịp Noel hay Tết Dương Lịch thì thiên hạ cũng chỉ phớt lờ qua nó như là một tin tức giải trí đơn thuần.

Nhưng trên thực tế, trong cuộc sống hiện nay đã tồn tại rất nhiều loại VIP có khả năng gây “choáng”, “sốc” lẫn “giật mình” đối với dư luận. Dù sự định hướng dư luận của nó theo cả hai hướng tích cực lẫn tiêu cực.


Khoe mẽ như Thạch Sùng, đốt tiền cỡ… công tử Bạc Liêu

Trong đám dân chơi, VIP luôn là “ngôi sao sáng nhất”, là “đầu tàu”, là “chủ xị” móc hầu bao. Và cách tiêu xài, khoe mẽ của các VIP cũng khiến những kẻ… không phải VIP luôn “tự ti” và tự đặt mình ở vị trí… chiếu dưới. Còn hiển nhiên, những người dân nghèo thì cứ… trải manh chiếu rách ra mà cố ước mơ về số tiền các VIP quẳng đi trong những lần “đốt tiền nấu trứng” mang tính chất kinh điển.

Lĩnh vực game online là một thí dụ. Hiện nay, các hãng game đua nhau cho ra đời những tính năng dành riêng cho các VIP. Nghĩa là, sau khi nộp đủ số tiền card cỡ… chục triệu thì ID của các công tử, đại gia sẽ nghiễm nhiên được các hãng game công nhận là ID VIP. Và vì cấp VIP càng cao, nhân vật càng trở nên pro (mạnh mẽ) nên mới có chuyện các VIP game than thở trên diễn đàn rằng: Tớ cào mấy trăm cái card giá 500.000 đồng đến “mỏi cả tay”. Không dừng lại ở đó, các VIP game còn sẵn sàng thuê con nghiện game “cày” game thâu đêm suốt sáng để đua top, giữ top. Rồi những lần công thành chiến của một bang tốn cả bạc triệu chỉ để giành những hư danh như Võ Lâm Minh Chủ, Tứ Đại Cao Thủ...

Nhưng xét cho cùng, khoe mẽ và tiêu xài trong “thế giới ảo” cũng chưa là “cái đinh” gì so với khoe mẽ và tiêu xài trong thế giới thực. Bởi trong thế giới thực, các VIP Việt đã trở thành biểu tượng của sự khoe mẽ giàu nghèo không kém gì cụ Thạch Sùng trong những câu chuyện cổ tích mà thuở bé chúng ta thường được nghe mẹ kể. Và hiện thực là, nhiều người trong xã hội, nhất là những người dân thấp cổ bé họng đã phải “choáng”, “sốc” lẫn “giật mình” về những kiểu cách tiêu xài hoang phí như công tử Bạc Liêu của những VIP Việt này. Chẳng hạn, những sim điện thoại VIP giá cỡ bạc tỉ cũng chẳng ăn thua gì với những đại gia yêu của lạ hay “ham thích”… làm từ thiện cho các chương trình đấu giá thuộc dạng Tết vì người nghèo.

Tiếp theo là các đại gia Việt với dàn xe… siêu giá trị trong chuyến hành trình xuyên Việt đã trở thành đề tài bàn ra tán vào trong mấy tháng mưa lũ đau thương về trước. Rồi có cả chuyện cười ra nước mắt lẫn “chuyện lạ Việt Nam” trong cộng đồng VIP Việt. Một vị công tử vì bức xúc người yêu hờn giận “một phút giây” đã ném cả nhẫn hột xoàn trị giá hàng chục triệu  xuống sông cho… bỏ tức. Hay một vị công tử lấy điện thoại bạc tỉ để… đập nước đá uống bia mà không mảy may chớp mắt làm congdongvip choáng váng. Hành động khoe mẽ đó, như các vị công tử đã rêu rao trên các diễn đàn chẳng qua là để “chứng minh” về đẳng cấp VIP của mình cho thiên hạ một phen lác mắt.


VIP có lợi, VIP vô hại và VIP độc hại

Hai loại VIP nói trên, một thì có lợi cho thị trường, một thì chỉ gây ra sự phản cảm đối với dư luận chứ chẳng gây phiền hà đến một ai. Nghĩa là chúng là loại VIP có lợi và vô hại. Nhưng trên thực tế, những VIP thuộc hàng độc hại cũng không phải là không tồn tại ở xã hội Việt Nam hiện nay.

Lần theo những tin tức trên báo chí trong năm 2011 thì những VIP loại này không hiếm. Thậm chí chúng đã/đang/sẽ là những “con sâu” gặm nhắm dần nền tảng đạo đức và văn hóa truyền thống của xã hội Việt Nam. Chẳng hạn, các trường học VIP, lớp học VIP được mở ra tràn lan với quảng cáo “đao to búa lớn” là “đạt đẳng cấp quốc tế”, “chất lượng quốc tế”... Nhưng trên thực tế, dù học phí đến hàng chục triệu mỗi năm nhưng chất lượng đào tạo và bằng cấp của một số trường học VIP, lớp học VIP đã “lòi đuôi” ra là… chẳng VIP chút nào. Rồi nếu chúng ta nhìn ra ngoài xã hội, những VIP Sâu này cũng đầy rẫy ra đó. Nào là dịch vụ em út VIP, dịch vụ mát xa VIP, nhà nghỉ VIP…  để phục vụ tối đa cho các đại gia rửng mỡ, hám của lạ và ưa thích những trò tiêu khiển vô bổ mất... tư cách.

Cuối cùng, dù có cố tình lãng quên những kiểu VIP nói trên thì chúng ta cũng phải nhớ đến loại VIP Sâu này. Đó là những quan chức cao cấp bị biến chất, thoái hóa với những hành vi tham nhũng, ăn hối lộ, hành dân, xa dân hay đánh cờ tướng đến bạc tỉ… mà báo chí đã nhắc đi nhắc lại trong suốt năm 2011 này. Thậm chí, đến những ngày cuối năm nay, khi lên mạng đọc tin tức, tôi lại được dịp “giật mình” khi đọc được cả tin một nữ quan chức hàng tỉnh cầm cố cả thẻ Đảng cho chủ mua nhà để làm tin vì trót lỡ bán ngôi nhà của mình đến… hai lần.

Nói chung, sau những chuyện sầu - thương - bi - thảm đến nao lòng đó, ta đã phần nào lượng vắc – xin để cảnh giác với những VIP Sâu đang tồn tại ngấm ngầm và phá hoại đạo đức trong xã hội chúng ta hiện nay. Và chắc hẳn, bên cạnh nền pháp quyền để “bắt sâu” thì cũng sẽ có những hiệp sĩ “bắt sâu” cho xã hội chúng ta đỡ “ngứa ngáy” mình mẩy. Nhất là khi chúng ta đã tôn vinh những “hiệp sĩ đường phố” là nhân vật của năm 2011.

Đôi điều suy nghĩ về VIP 2011

Dù năm 2011 là một năm của “cơn bão” lạm phát kinh tế, “con ma” đói nghèo tăng trưởng mạnh, thiên nhiên giận dữ và tai nạn giao thông kinh hoàng… thì cũng đã có những tấm gương VIP để dư luận xã hội nhìn vào và “choáng”, “sốc” lẫn “giật mình”, rồi cười ra nước mắt và tự nhủ phải sống cho qua ngày đoạn tháng vào cái năm bi cực này.

Năm 2011 u ám cũng sắp hết. Năm 2012 tươi sáng cũng sắp về. Mong sao trong năm mới, người dân ai ai cũng có được nhiều tiền bạc như các … VIP để thoát cảnh đói nghèo, lam lũ và dựng xây Đất nước giàu mạnh.

Còn nếu trong năm mới, vẫn còn đó những gam màu sáng tối do các VIP vẽ ra thì cũng chẳng sao. Báo chí lại sẽ có dịp để đưa những tin gây “choáng”, “sốc” lẫn “giật mình” đến với bạn đọc xa gần trong cả nước.

Huế, ngày 28/12/2011











 

Các bài mới
Các bài đã đăng