Câu chuyện hôm nay
Tâm sự đầu năm
16:19 | 14/03/2008
Từ xa xưa đến bây giờ, thường tục vẫn nói "sông có khúc người có lúc". Không biết Sông Hương bản báo năm rồi (năm tuổi 15) là sông hay là người? Có lẽ cả hai. Vậy nên cái khúc và cái lúc của nó đã chồng lên nhau - chồng lên nhau những khó khăn và tai tiếng!

Từ xa xưa đến bây giờ, thường tục vẫn nói "sông có khúc người có lúc". Không biết Sông Hương bản báo năm rồi (năm tuổi 15) là sông hay là người? Có lẽ cả hai. Vậy nên cái khúc và cái lúc của nó đã chồng lên nhau - chồng lên nhau những khó khăn và tai tiếng!
Có lúc, anh em tòa soạn đã ngồi lại để cùng "chiêm nghiệm tập thể" và ngộ ra rằng, trong sự chê trách nói chung, không chỉ có ghét mà nói, còn cả vì yêu mà nói. Dù vì yêu hay vì ghét mà nói thì nó vẫn hơn là sự quay lưng, là không còn gì để nói hoặc là sự im lặng đáng sợ.
Sông Hương xin ghi nhận và xin đa tạ tất cả các ý kiến phê bình, góp ý của bạn đọc cũng như bạn viết đã đoái thương mà hạ cố. Sông Hương cũng đang từng bước chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém và thậm chí, có việc "cần làm ngay" thì dứt luôn như chuyên mục trên trang viết bạn bè.  Bởi nó đã "hoàn thành nhiệm vụ" trong cam kết giữa các tổng biên tập Bắc Miền Trung là giới thiệu tác phẩm của nhau trên tạp chí của mình. Như vậy, sẽ để dành được thêm đất cho những tác phẩm còn "rin" theo nhu cầu của đông đảo bạn viết cho Sông Hương. Các chuyên mục khác sẽ được tiếp tục duy trì như một hình thức thể nghiệm và nó vẫn phải chịu áp lực của cơ chế "Cái gì hợp lí thì tồn tại".
Dù không muốn nhưng Sông Hương cũng phải làm cái việc "phải trái phân minh" cho "nghĩa tình trọn vẹn". Có đôi lúc, Sông Hương bị trách oan như trường hợp Bác Ánh là một điển hình. Bác Ánh là bút hiệu khác của nhà viết kịch Hồ Ngọc Ánh, hội viên Hội Văn Nghệ tỉnh nhà nên thường xuyên được biếu báo Sông Hương. Sông Hương đã in bài của Bác Ánh đến 2 lần rồi mà bác vẫn viết thư "phỏng vấn" Tòa soạn tại sao không in. Sông Hương đành trả lời cho Bác Ánh bằng cách in thêm ngay bài thứ 3 và hi vọng, và đinh ninh thế nào bác cũng đến tòa soạn để "rửa". Bởi vì các cộng tác viên ở tại Huế, Sông Hương không gửi báo biếu, nhuận bút qua đường bưu điện mà để tác giả trực tiếp đến nhận cho thêm phần thân mật và ấm cúng. Ai ngờ in xong, Bác Ánh cũng đến nhưng lại đến để "gây" chơi. Anh em tòa soạn bên phải giở từng số từng trang có in bài của Bác Ánh cho bác chộ. Khi chộ rồi bác mới thốt lên "thế à"! Thì ra bác không đọc Sông Hương. Đến tác giả cũng không đọc bài của mình, thử hỏi còn ai đọc nữa? Cũng vậy, đã không đọc mà lại "xuất chiêu" khen chê thì thật oan cho Sông Hương. Đến kinh luận Phật giáo cũng phải nói rằng "ly kinh giải nghĩa tức đồng ma thuyết, y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan". Chưa hết, lại có bạn còn "qui chụp" cho Sông Hương là "cát cứ" hoặc "cục bộ" gì đó. "Nói có sách, mách có chứng", đấy là bạn Nguyễn Thị Anh Đào, sinh viên khoa văn, 2 D-K21, Đại học sự phạm Huế, trên bì thư gửi  cho Sông Hương, bạn đã ghi rõ ràng : SÔNG HƯƠNG TỰ TRỊ(!). Ngược lại, có những ý kiến khác thì bảo Sông Hương vọng ngoại. Luồng ý kiến này thuộc tuyến "nhạy cảm âm tính", Sông Hương xin được bàn lại đôi điều.
Mặc dầu Sông Hương là cơ quan ngôn luận của Hội Văn học Nghệ thuật TT.Huế nhưng nó vẫn phải hoạt động theo luật báo chí. Vả lại, điều lệ Hội cũng không qui định tờ báo của mình phải in và chỉ in bài của hội viên. Trước đây, có hẳn một tờ nội san để làm việc đó nhưng rồi không tồn tại được vì tính chất "bích báo" của nó. Hơn nữa, phần giao lưu của Sông Hương cũng phải ngang tầm với vị trí trung tâm văn hóa của Huế nên tiêu chí chất lượng được coi như sự sống còn của tờ báo. Bởi vậy, bài vở của hội viên chỉ được ưu tiên trong quan hệ so sánh chất lượng nghệ thuật. Nếu nó tương đương với tác phẩm của các cộng tác viên nơi khác thì mới được chọn trước. Các hội viên cần tự nâng mình lên chứ không thể bắt tờ báo phải hạ nó xuống. Đấy không chỉ là sự tự trọng của người cầm bút, là danh dự của tờ báo mà còn là sự tôn trọng bạn đọc. Có những bạn đọc đã tâm sự với Sông Hương rằng, sau khi đọc một tác phẩm được viết một cách dễ dãi của nhà văn nọ thì sự kính trọng bấy nay của họ đối với tác giả ấy liền bị tiêu tan. Đúng là lợi bất cập hại.
Quan niệm màu sắc hay bản sắc của địa phương trên tờ báo tỉnh nhà do tác giả tại chỗ làm nên là phiến diện và cực hữu. Chưa nói đến chuyện có hay không cái gọi là bản sắc địa phương trên những tờ báo sáng tác văn học. Có lẽ đấy là mốt hí luận thời thượng theo logic suy diễn "có hậu" từ định đề bản sắc văn hóa dân tộc. Thật khôi hài khi bản sắc văn hóa dân tộc được chẻ ra thành bản sắc văn hóa các địa phương mà đã có bản sắc văn hóa địa phương thì trên nó phải có bản sắc văn hóa Trung ương và dưới nữa là bản sắc văn hóa cơ sở! Điều này, chắc phải có những cuộc hội thảo Khoa học cấp nhà nước mới kết luận được. Dấu ấn đậm đà hơn cả trong  một tờ văn báo là dấu ấn tác giả, tác phẩm chứ không phải dấu ấn đơn vị hành chính hay cơ quan chủ quản tờ báo. Nói đến cá nhân người sáng tạo nghệ thuật là nói đến tài năng của họ. Chẳng lẽ tài năng cũng có loại tài năng địa phương riêng sao ? Và phải chăng, nền văn học đương đại nước nhà chưa có những tác phẩm lớn vì nó đang bận "sáng tạo bản sắc" cho các địa phương?!
Để có một truyện Kiều bất hủ và đậm đà bản sắc dân tộc cho hậu thế, Nguyễn Du còn phải "vận vào" cả những yếu tố văn hóa Trung Hoa. Thơ càng vượt xa những chấp ngã và càng gần với tính đồng loại thì càng có tầm văn hóa.
Thơ viết về Huế nói chung và những tuyển tập thơ Huế nói riêng đều hay là nhờ sự góp mặt của các tác giả tài năng trong cả nước. Vậy nhưng vẫn có những người muốn làm một tuyển tập thơ Huế khác để "phóng sinh" những tác giả không phải người gốc Huế. Nếu cũng như thế, ngành kiến trúc cũng "biên tập" hết những gì làm nên quần thể di tích văn hóa cố đô mà không phải do bàn tay người Huế thực thi thì Huế sẽ còn lại gì? Mọi sự cực đoan bao giờ cũng làm thỏa mãn được cho một phía nào đó nhưng nó sẽ gây dị ứng cho nhiều phía khác.
Vì những lẽ đó, Sông Hương vẫn phải noi theo truyền thống xứ Huế là tiếp thụ mọi tinh hoa sáng tạo nghệ thuật của bất cứ ai, bất cứ ở đâu mà nó làm Đẹp thêm cho Huế.
Dù vậy, Sông Hương vẫn có ngoại lệ "mâm cỗ" mỗi năm một lần vào dịp Tết, số này sẽ dành chủ yếu in cho các tác giả "tầm gần" để nhỡ gặp nhau thì happy new year cho "trôi chảy". Và cũng chỉ có dịp này, khi đất-trời-người giao hòa với nhau theo nhịp cộng sinh thì bạn đọc cũng có thể mở lượng từ bi hỉ xả mà thể tất cho Sông Hương.
Xin chúc bạn thêm một tuổi bình an hạnh phúc!
(nguồn: TCSH, 1.1999)

Các bài mới