Câu chuyện hôm nay
Hãy giữ lấy những gì chúng ta đang có
09:15 | 19/03/2008
Trên thực tế, việc bảo tồn những vốn quý của cha ông để lại quả không phải là việc đơn giản, dễ dàng. Nhưng chúng ta sẽ không thể có sự chọn lựa nào khác bởi vì sẽ không có một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc nào cả nếu từ bây giờ chúng ta không biết giữ lấy những gì mình đang có.

Tháng 8 năm 1997, nhân dịp kỷ niệm 310 năm ngày thành lập đô thị Phú Xuân - Huế, Bảo tàng thành phố Huế đã tổ chức triển lãm các ngành nghề thủ công truyền thống của địa phương.
Chỉ là một người Huế bình thường đến xem triển lãm nhưng sau lần ấy tôi lại có một kỷ niệm thật khó quên! Tình cờ hôm đó, trong gian trưng bày và giới thiệu các ngành nghề thủ công của Huế xưa, tôi gặp mấy người khách Nhật Bản. Họ có vẻ rất ngạc nhiên khi biết Huế xưa đã từng có cả trăm nghề thủ công truyền thống với nhiều sản phẩm phong phú, tinh xảo và độc đáo. Tôi đã say sưa giới thiệu với họ về quê hương mình trong niềm tự hào khôn tả mặc dù kiến thức của mình còn có hạn. Thế rồi một câu hỏi đơn giản nhưng hết sức bất ngờ của vị khách Nhật nọ đã làm tôi lúng túng : "Tại sao lại ghi đây là những ngành nghề truyền thống Huế ngày xưa? Hiện nay Huế còn giữ được bao nhiêu nghề?
Câu hỏi ấy đã theo tôi mãi và vừa rồi nó lại trở thành nỗi ám ảnh khi chúng tôi về thăm lại làng Sình (tức làng Lại Ân, huyện Phú Vang). Đã là người dân xứ Huế, hẳn ai cũng biết đến làng Sình bởi truyền thống vật võ nổi tiếng. Có lẽ cũng rất nhiều người biết đến làng Sình còn vì truyền thống làm tranh lâu đời.
Xứ sở từ thế kỷ XVI đã có tiếng là trù phú, tấp nập "Xóm Lại Ân canh gà xào xạc, giục khách thương mua một bán mười" (Ô Châu Cận Lục-Dương Văn An nhuận sắc) kia lại khiến cho những kẻ vãng lai cuối thế kỷ XX phải bùi ngùi, xót xa. Cuộc sống của người dân làng Sình hãy còn quá nhiều khó khăn! Cả làng có 170 hộ với 928 khẩu, sống quần cư trên một dải đất hẹp. Nằm bên bờ sông Hương nhưng ruộng chỉ cấy được mỗi năm một vụ bởi từ đầu hè đến cuối thu nước sông đã bị nhiễm mặn! Nửa năm không làm ruộng, người dân ở đây phải xoay xở bằng đủ thứ nghề khác nhưng nghề làm tranh truyền thống thì chỉ còn 5-6 hộ gia đình mà thôi! Năm, sáu gia đình đổi nhau hơn chục mẫu khuôn để in tranh trên giấy Tây và sau đó tô tranh bằng phẩm màu hóa học!
Điều đáng nói hơn là đại đa số dân làng Sình, kể cả những người đang làm tranh hiện nay, đều đã quên mất các loại chất liệu và kỹ thuật làm tranh truyền thống! Giấy dó, bột điệp và các loại màu sắc dân giã được chế tác từ hạt mồng tơi, lá dung, lá bàng, hòe...v.v... đã trở nên xa lạ dù xưa kia chúng đã làm nên vẻ đẹp độc đáo của tranh Sình. Chúng ta lại sắp mất một nghề truyền thống! Đã đành tranh Sình là tranh phục vụ tín ngưỡng, đa số dùng để cúng bái một lần đốt đi nhưng việc đánh mất những gì là truyền thống của tranh làng Sình hôm nay cứ làm ta phải bâng khuâng, tiếc nuối.
Cũng may là ở làng Sình hiện nay, vẫn còn một vài nghệ nhân làm tranh vẫn còn ghi nhớ những gì mà tổ tiên của họ đã truyền lại. Tôi thật sự xúc động khi đến thăm gia đình nghệ nhân Kỳ Hữu Phước và được anh cho xem bộ đồ nghề cũ kỹ dùng để chạm khuôn in tranh do ông tổ anh để lại. Gia đình anh Phước cũng là gia đình còn giữ được nhiều khuôn in tranh nhất ở làng Sình hiện nay. Anh Phước tâm sự, gia đình anh cũng như tất cả những người còn làm tranh ở làng Sình đều muốn giữ gìn những kỹ thuật do cha ông truyền lại. Nhưng cái khó là tìm đâu ra nguồn giấy dó, và thêm nữa, các chi phí để lấy điệp, chế biến thành hồ, tìm và chế biến các màu truyền thống từ lá cây ngọn cỏ để có thể làm tranh theo đúng chất liệu và kỹ thuật truyền thống thật sự đã vượt quá khả năng của người dân Sình hiện nay. Cầm tấm tranh Bà mới in bằng chất liệu giấy dó đã phết hồ điệp (giấy do tôi mang về từ làng Đông Hồ để nhờ in lại bằng khuôn tranh làng Sình) trên tay, anh Phước cứ tần ngần mãi. Tranh mới in một lượt để lấy nét đen mà trông đã óng ả, bắt mắt lạ thường. Giá như có đủ gam màu truyền thống, tranh Sình hắn chẳng kém cạnh gì tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống của xứ Bắc, lại có nét rất riêng của tranh dân gian Huế!
Làm thế nào để giữ được nghề tranh ở làng Sình và khôi phục nguyên vẹn những chất liệu và kỹ thuật truyền thống nó đã từng có trước kia? Có lẽ đây là một vấn đề rất lớn đòi hỏi sự nỗ lực và trách nhiệm của rất nhiều người. Còn tôi, từng may mắn có dịp trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, tác giả của cuốn Nghề và làng nghề thủ công truyền thống Huế, với nhà nghiên cứu Huỳnh Đình Kết, cán bộ của Bảo tàng thành phố Huế, người đã cùng tôi về thăm làng Sình, tôi thấy họ đều có chung suy nghĩ và sự đồng cảm về tình trạng của tranh Sình hiện nay. Để phục hồi nghề làm tranh ở làng Sình thì cách duy nhất là làm cho nó sống được với cuộc sống hiện tại. Phải tìm được nguồn cầu đủ mạnh để người làng Sình có thể làm tranh và bán tranh mà đảm bảo được cuộc sống. Trong tương lai, tranh Sình ngoài một bộ phận để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân (có thể làm bằng giấy Tây và phẩm hóa học như hiện nay), còn có một bộ phận khác sản xuất đúng theo chất liệu và kỹ thuật truyền thống để cung cấp cho khách du lịch, cho những người suu tầm, nghiên cứu.
Huế đã, đang trở thành một trung tâm du lịch của Việt và quốc tế với lượng du khách ngày càng tăng. Sự quan tâm của giới nghiên cứu trong và ngoài nước đối với  nghề tranh ở làng Sình cũng ngày càng gia tăng.
Trên thực tế, việc bảo tồn những vốn quý của cha ông để lại quả không phải là việc đơn giản, dễ dàng. Nhưng chúng ta sẽ không thể có sự chọn lựa nào khác bởi vì sẽ không có một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc nào cả nếu từ bây giờ chúng ta không biết giữ lấy những gì mình đang có.
PHAN THANH HẢI
(Nguồn: SH 3.1999)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thư Sông Hương (18/03/2008)