Câu chuyện hôm nay
Tính trung thực của nhà văn
15:58 | 07/08/2008
Từ cuối tháng 6. 2008, trên mạng Internet, cùng lúc có những bài viết về nhiều nhà văn, nhà thơ ở Huế như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Vàng Sao, Tô Nhuận Vỹ và ở Quảng Trị, Quảng Bình. Các bài viết được đăng tải trên các báo điện tử nước ngoài (hoặc sách in ra được các tờ báo đó đưa lên mạng), cả trên tờ báo của một tổ chức chống nhà nước Việt Nam cực đoan nhất, và trên blogs của một số nhà văn trong nước (được một số báo điện tử nước ngoài nối mạng sau đó). Mục đích khác nhau nhưng các bài đó, tạm xếp vào hai loại, có một điểm giống nhau: DỰNG ĐỨNG những sự kiện của cuộc đời và hoạt động của các nhà văn nhà thơ này.

 Loại thứ nhất: Loại này công khai thái độ chống cộng cực đoan, bịa đặt một cách “đàng hoàng”, với cả sự “hãnh diện” không giấu giếm khi tạo ra, khi dựng đứng từ lý lịch cá nhân, từ quê quán, từ giọng nói, từ thời gian, từ hoạt động trong quá khứ… của đối tượng bị dựng đứng. Đó là Nhã Ca tiếp tục bịa đặt, dựng đứng về Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân về “vụ Mậu Thân” ở Huế (xem website www.nhandanvietnam.org). Đó là sự bịa đặt, dựng đứng về Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Vàng Sao trên website của cái gọi là đảng Thăng Tiến khi họ chống loạt bài tôi trao đổi về nhà văn Việt Nam trong và ngoài nước cần hợp sức, cần đồng tâm góp phần vào hoạt động hòa giải hòa hợp dân tộc đăng trên Talawas cuối năm 2007.
Thái độ chính trị có thể khác nhau, thậm chí chống đối nhau, nhưng sự bịa đặt, dựng đứng, không nói thành có, trắng nói ra đen, cho dù là ở lãnh vực chánh trị, về cá nhân con người, là quá chừng xa lạ với phẩm chất trung thực của người cầm bút.
 Loại thứ hai: Những nhà văn này công khai và vui vẻ nhận rằng “thêm bớt cho sinh động thôi mà” khi viết bất cứ chân dung nào. Công khai, vui vẻ “bịa cho vui thôi mà” nên một xuýt thành trăm, không nói thành có và thậm chí trắng biến thành đen. Họ không có ác ý nhưng hậu quả là cực kỳ ác đối với gia đình và xã hội mà “người bạn thân thiết” của họ đang sống. Bởi vì chuyện họ đem ra chế biến, làm xiếc bằng chữ nghĩa và tài hài hước sẵn có, toàn là chuyện liên quan tới phẩm chất và cuộc sống riêng tư của con người mà gần như những chuyện họ dựng đứng đều có thể kiện ra tòa án dân sự. Khi gặp phản ứng thì họ cũng vui vẻ, chân thành nữa, nhận lỗi. Nhận lỗi nhiều lần. Nhưng ngay sau đó lại tiếp tục bịa chuyện một cách ngon lành, khiến người đọc ớ ra: a, cha ni hết khả năng trung thực rồi ư? Nếu quả thật tài năng biến báo và hài hước của họ, không đem ra thi thố thì quá phí và quá ngứa ngáy trong người họ, thì lẽ ra họ nên học dân Vĩnh Hoàng và dân Gabravo tự trào mình. Nhưng việc đó thì họ không bao giờ làm. Họ chỉ đùa cho vui trên đau buồn của người khác thôi.
 Đó là một thói quen quá xa lạ với phẩm chất trung thực của một nhà văn.
Cả hai loại kể trên, dù mục đích khác nhau, đều là thói quen mà người Huế nói là THÓI QUEN VÔ HẬU.
TÔ NHUẬN VỸ
(nguồn: TCSH số 234 - 08- 2008)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thư Sông Hương (18/03/2008)