Câu chuyện hôm nay
Hoàng đế và kẻ sĩ
09:36 | 21/01/2009
Trong mọi thời đại Hoàng đế và kẻ sĩ có mối quan hệ đặc biệt. Đó là mối quan hệ giữa người cầm quyền và người trí thức có nhân cách và tài năng. Khi Hoàng đế là minh quân thì thu phục được nhiều kẻ sĩ, khi Hoàng đế là hôn quân thì chỉ có bọn xu nịnh bất tài trục lợi bên mình còn kẻ sĩ bị gạt ra ngoài thậm chí có khi bị giết hại. Lịch sử bao triều đại đã chứng minh điều đó. Mối quan hệ giữa Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ và La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp của thế kỷ XVIII là cuộc hội ngộ lớn, mang đến nhiều lợi ích cho quốc gia và có ý nghĩa cho muôn đời. Nguyễn Huệ và Nguyễn Thiếp đều sống trong bối cảnh triều Lê suy tàn, chúa Trịnh lộng hành, chúa Nguyễn mới nổi dậy. Sau gần 300 năm hết nội chiến Lê Mạc đến Trịnh Nguyễn phân tranh đời sống nhân dân vô cùng khốn khổ. Trong bối cảnh đó Nguyễn Huệ cùng anh là Nguyễn Nhạc dựng cờ khởi nghĩa, Nguyễn Thiếp cáo quan về ở ẩn.

Trừ xong chúa Trịnh, Nguyễn Huệ lo toan nghiệp lớn. Biết được Nguyễn Thiếp tuy chỉ đậu Hương giải (cử nhân) nhưng là người có "đạo học sâu xa" Nguyễn Huệ quyết mời cho được Cụ cộng tác cùng mình. Lần thứ nhất với tư cách An Nam Đại Nguyên suý, Nguyễn Huệ sai hai đình thần mang vàng năm nén, lụa màu hai tấm mời La Sơn Phu tử ra giúp để "không những riêng nước tôi may mắn, mà mười hai thừa tuyên ở Bắc cũng rất được may"(1). Dù lễ hậu, dù được tôn là bậc Y Chu, Nguyễn Thiếp không ra cộng tác và trả lại lễ vật. Thư Nguyễn Huệ đề niên hiệu Thái Đức năm thứ 9, tháng 12 ngày 18, thư Nguyễn Thiếp trả lời đề niên hiệu Cảnh Hưng thứ 48, tháng giêng ngày 9 (1787). Cụ vẫn là tôi của nhà Lê, không theo Tây Sơn.
Ngày 10/8 năm ấy với tư cách là Đại nguyên suý Tổng quốc Chính Bình vương, Nguyễn Huệ viết thư "riêng sai hai viên thân tín (viên lưu thủ Danh phương hầu Nguyễn Văn Phương và viên Binh bộ thị lang Giác Lý hầu Lê Tài) mang lễ vật đến chực đón", "mong Phu tử nghĩ đến thiên hạ với sinh dân đi ra để cho quả đức có thầy mà thờ, cho đời này có người mà cậy"(2). Nguyễn Thiếp không ra, trả lại lễ vật và mong "được ở yên cho trọn vẹn" mà "làm một người cố vấn dự bị"(3).

Biết cụ từ chối nhưng Nguyễn Huệ không nản mà càng trọng, càng quyết mời bằng được. Mười một ngày sau Tổng quốc Chính Bình vương lại sai quan Hình bộ thượng thư Thuyên quang hầu Hồ Công Thuyên mang thư đến tận núi Bùi Phong mời. Trong thư Nguyễn Huệ tự nhận mình là anh "chỉ trơ trọi là một tụi ấp trưởng nổi lên ở phương Tây, may mà đánh được tụi yếu, dứt được kẻ hèn, gây dựng lên nghiệp bá, chưa chắc đã phải là bậc chân nhân", lúc khởi binh đến nay "chưa chắc đã khỏi làm việc bất nghĩa, giết kẻ vô tội để lấy được đất nước", "đạo trị dân đại để có nhiều điều làm cứng cỏi và phiền nhiễu". Tổng quốc chính Bình vương "mong Phu tử soi xét đến tấm lòng thành, vụt đứng dậy mà đổi bụng, lấy lòng vì Nghiên Thuấn quân dân ra mà dạy bảo, giúp đỡ. Quả đức xin im nghe lời dạy bảo, khiến cho quả đức thoả được lòng ao ước tìm thầy và đời nay được nhờ khuôn phép của kẻ tiến giáo" (4).

Thật là khiêm tốn, chân thành mà kiên trì hết mực.
Thế nhưng kẻ sĩ Nguyễn Thiếp vẫn không ra!
Tháng 3 năm Thái Đức thứ 11 (1788) ra Thăng Long giết Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Huệ có mời Nguyễn Thiếp đến hội kiến ở Phù Thạch. Cuộc hội kiến ấy diễn ra như thế nào, chưa có tài liệu nào chắc chắn. Chỉ biết rằng sau đó Nguyễn Huệ đã nhờ Cụ tìm đất đóng đô. Trong thư ngày 3/9 năm ấy, Nguyễn Huệ viết "quả cung đã ba lần mời triệu Tiên sinh vì mong Tiên sinh cùng nhau lo việc, Tiên sinh gắng nghĩ giúp cho". Không hiểu sau đó Nguyễn Thiếp có ra giúp không và giúp đến mức độ nào ta không rõ. Chỉ biết rằng thời Quang Trung đã có thành đất và lầu rồng ở chân núi Kỳ lân.
Như vậy, ba lần mời, một lần gặp, nhiều lần thư từ, Nguyễn Huệ thì thiết tha mà Nguyễn Thiếp chưa thật mặn mà. Xét riêng sự thiết tha của Tổng quốc chính bình vương thì thật là hiếm và đáng quý.

Một sự kiện lớn đã xẩy ra: Hai mươi chín vạn quân Thanh xâm lược Việt . Trong tình thế tổ quốc lâm nguy, tư tưởng, tình cảm, tài năng của Hoàng đế và kẻ sĩ được bộc lộ mạnh mẽ, đầy đủ. Lúc này với tư cách là Hoàng đế, nặng gánh non sông trên vai, Nguyễn Huệ cấp tốc tiến quân ra Bắc. Người vẫn nhớ, vẫn hiểu và tin ở tài năng của La Sơn Phu Tử, tin Phu Tử sẽ giúp mình và chỉ mời Phu Tử đến hỏi kế đánh giặc. Còn Nguyễn Thiếp, nếu trước đây còn chần chừ chưa đưa hết trí mình thì lần này khi nền độc lập của dân tộc bị xâm phạm đã sẵn sàng bàn việc nước cùng Quang Trung. Nội dung cuộc hội kiến này không ai được biết nhưng chắc chắn là bàn kế sách đánh quân Thanh. Chỉ biết được Quang Trung đã dừng tại Nghệ An chiêu mộ quân lính, hơn một vạn người dân xứ Nghệ đã gia nhập đoàn quân Tây Sơn. Xuân Kỷ Dậu (1789), Quang Trung đã đại thắng quân Thanh, lập nên chiến công chói lọi của dân tộc. Thắng giặc, Hoàng đế Quang Trung gửi thư cho Nguyễn Thiếp: “Trẫm ba lần xa giá Bắc Thành, tiên sinh chịu ra bàn chuyện thiên hạ.
Người xưa bảo rằng "Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ" lời tiên sinh hẳn có thế thật" (Hoàng Xuân Hãn - Sđd trang 575). Lời khen đó chứng tỏ La Sơn Phu Tử đã có những ý kiến hết sức quý báu góp phần quan trọng để Nguyễn Huệ đánh tan quân Thanh. Qua đó ta thấy Hoàng đế Quang Trung rất coi trọng kẻ sĩ biết nghe lời kẻ sĩ và đánh giá cao công lao của kẻ sĩ. Còn La Sơn Phu Tử thì khi tổ quốc lâm nguy đã vượt qua thiên kiến mà đem tài năng phục vụ tổ quốc. Khi mà người nắm trọng trách quốc gia và kẻ sĩ gắn bó với nhau sẽ có hành động đúng mang lại lợi ích lớn cho dân tộc.

Hoàng đế Quang Trung còn ban cho La Sơn Phu Tử được hưởng thuế ở xã Nguyệt Ao để làm lộc dưỡng lão. Thế nhưng, kẻ sĩ nghèo La Sơn Phu Tử không nhận. Tháng 9 Quang Trung năm thứ 2 (1789), La Sơn Phu Tử gửi thư cho Hoàng đế Quang Trung: “Gần đây tiện thần khí huyết suy hao, bệnh tật thường phát. Không làm nên việc gì mà chỉ ăn không lộc ấy, thì xưa nay lấy thế làm đáng thẹn. Nguyên của được đội ơn ban cho, nay tiện thần dám xin trả lại để sung vào công dụng”. (Hoàng Xuân Hãn - Sđd trang 581).
Điều đó nói lên nhân cách cao đẹp của Nguyễn Thiếp và có thể thấy Cụ không muốn tiếp tục cộng tác cùng Quang Trung. Nguyễn Huệ không tự ái mà tiếp tục chinh phục Cụ, nên gửi thư phúc đáp. Trong thư Nguyễn Huệ đã bày tỏ lòng mình: “Vì Trẫm không biết lấy gì để tỏ tình đãi hiền, nên đã ban một xã để làm lễ ưu lão. Ấy là Trẫm bởi lòng rất thành thật. “Cuối thư Hoàng thượng khéo léo gợi ý: “Ví dù tiên sinh muốn bỏ qua không nhận, lên núi ẩn, thì thường dân sẽ ra làm sao? Tiên sinh nên nghĩ lại điều đó”(5).

Lời thư chân thành, tha thiết, đầy sự tôn trọng. Chính điều này đã chinh phục được La Sơn Phu Tử. Tiên sinh đồng ý nhận bổng lộc có nghĩa là đồng ý cộng tác với Quang Trung. Mới hay kẻ sĩ chỉ thực sự đến với người cầm quyền khi biết được người đó có tâm đức lớn, còn người cầm quyền muốn kẻ sĩ thực sự cộng tác với mình thì phải biết quý người tài, chân thành cầu tài và độ lượng. Từ đây quan hệ giữa Hoàng đế Quang Trung và kẻ sĩ La Sơn Phu Tử bước sang một trang mới. La Sơn Phu Tử trực tiếp bàn chính sự với Quang Trung.
Ngày 11/1 Quang Trung năm thứ 2 (1789) cụ dâng biểu, tâu trình một số việc:
- Nêu cao tư tưởng "dân là gốc nước", Phu Tử chỉ rõ tình trạng lạm thu và trưng binh ở Nghệ An "về trước chỉ chịu suất binh chứ không phải nộp tiền gạo. Nay thì binh lương đều phải suất, số lính ngày một tăng bội. Kẻ cày cấy ít, kẻ đợi ăn nhiều".
- Chỉ rõ sự cồng kềnh của bộ máy hành chính "Một xứ 12 huyện(6) mà chia làm ba bốn trấn. Trấn này trấn nọ không cùng nhau thống nhiếp. Quan càng nhiều thì dân càng bị nhiễu...".
- Cuối bản biểu Cụ đề nghị: "Cúi mong Hoàng Thượng chọn trong các bầy tôi lấy một viên thanh, cần, nhân, dũng để làm chánh trấn, một viên sẵn có văn học để làm hiệp tá, ủy cho tùy tiện mà làm. Tụi điêu toa thì trừ đi, người lương thiện thì giúp đỡ", (Hoàng Xuân Hãn - Sđd trang 586).

Qua những điều tấu trình trên ta thấy Nguyễn Thiếp trung thực hết lòng vì việc công, muốn làm những điều tốt cho triều đại Quang Trung. Còn Hoàng đế Quang Trung nghe lời nói thẳng chỉ rõ sai sót mà chịu nghe, bị "dạy khôn" mà không tự ái, không giận oán, trái lại càng quý mến kẻ sĩ tài ba. Đó là một vị Hoàng Thượng có tầm hiểu biết rộng và thực tâm muốn làm tốt hơn trọng trách của mình. Biết rằng thư từ không thể nói hết, hiểu hết, học hết, Hoàng đế lại viết chiếu mời cụ vào Phú Xuân để hội kiến. Sau khi khẳng định "mấy phen bàn bạc, bày vẽ rất hợp ý Trẫm" Hoàng đế Quang Trung mong "Tiên sinh vụt đứng dậy, bằng lòng tới đây chúng ta sẽ có nhiều điều bàn nghị"(7). Quang Trung còn sức cho trấn quan chuẩn bị kiệu, phu lính đưa cụ vào Phú Xuân chu đáo.

Lần hội kiến này rất quan trọng. La Sơn Phu Tử làm bài tấu, vào ngày 10/8 năm Quang Trung thứ 4 (1791) đề xuất những ý kiến về quân đức, nhân tâm và học pháp.
- Về Quân đức: Tiên sinh chỉ rõ "Vua dốc một lòng tu đức, ấy là gốc vạn sự".
Đề cao tài năng của Nguyễn Huệ "Thượng đức tính chất cao minh, nghị luận lỗi lạc liệu việc lượng người, hơn người ta" nhưng vẫn góp ý nghiêm túc: "Nếu lấy sự học vấn mà tăng thêm tài thì thật là một đấng ở trước đời Thang, Vũ". Khuyên Hoàng đế nên học thêm, thật là lời khuyên xưa nay chưa thấy. Cứng cỏi, không sợ chết, tin ở mình, tin ở Hoàng đế Quang Trung, tiên sinh mới dám nói như vậy.
- Về nhân tâm: Tiên sinh nhắc lại tư tưởng của thánh hiền: "Dân là gốc nước, gốc vững nước mới yên"; Cụ tiếp tục nói rõ hiện tình của đời sống dân chúng phải nộp tiền của quá nhiều" một người cày trăm kẻ ăn, của hết lực kiệt". Cụ nhận xét về triều đại Quang Trung "Nhà nước thì uy vũ có thừa mà ân trạch chưa ban ra khắp. Tiếng sầu oán dậy đường sá". Thật là tiếng nói cứng cỏi của một kẻ sĩ sẵn sàng hy sinh cả sự sống của mình, hết sức thiết tha cho sự sống của muôn dân và sự thịnh vượng của triều đại. Dám nói như vậy vì Cụ tin Hoàng đế Quang Trung sẽ hiểu cụ.
- Về học pháp: La Sơn Phu Tử nhận xét: "Nước Việt ta từ khi lập quốc đến bây giờ chính học mất đã lâu. Người ta chỉ tranh nhau đua học việc lập từ chương, cầu công lợi" vì thế dẫn đến cảnh "chúa tầm thường, tôi nịnh hót. Quốc phá, gia vong. Những tội kia đều ở đó mà ra". Cụ đề xuất việc học cần mở rộng, chỉ rõ nội dung học, mục đích học "học cho rộng rồi ước lược cho gọn, theo điều học biết mà làm". Đó là cái nhìn rất sáng suốt. (những chữ trong" "trích ở Hoàng Xuân Hãn - Sđd trang 590, 592).

Qua lời tấu trình trên ta thấy được tri thức uyên bác, sâu sắc và tiến bộ của La Sơn Phu Tử và cả cốt cách cứng cỏi cùng tình cảm lớn mà Tiên sinh đã dành cho triều đại Quang Trung và đất nước. Qua lời tấu trình đó ta càng hiểu thêm Hoàng đế Quang Trung thực sự tôn trọng kẻ sĩ, nghe lời nói thẳng để làm tốt việc chăm dân. Tiếc rằng sau đó Hoàng đế đột ngột băng hà, bao nhiêu điều muốn làm, cần làm mà không làm được. Quang Toản còn non trẻ, triều thần chia rẽ tranh giành quyền lợi làm mất lòng dân, nên nhanh chóng sụp đổ.

"Cổ kim vị kiến thiên niên quốc" (Nguyễn Du) - Xưa nay chưa thấy triều đại nào đứng vững nghìn năm, triều đại Quang Trung tồn tại quá ngắn ngủi nhưng đã để lại những trang sử chói lọi cho dân tộc. Mối quan hệ giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Thiếp là mối quan hệ giữa Hoàng đế và kẻ sĩ, giữa người cầm quyền và trí thức. Nguyễn Huệ đã làm một tấm gương lớn của người gánh vác trọng trách quốc gia biết nhìn người tài, biết trọng người tài, biết nghe người tài để làm lợi cho đất nước, nhân dân. Nguyễn Thiếp là người có tài năng lớn về nhiều mặt, hết lòng yêu nước thương dân có lúc cố chấp nhưng cuối cùng vẫn hiểu được Nguyễn Huệ, đem hết tâm trí của mình cùng Hoàng đế bảo vệ và xây dựng đất nước. Giá như Tiên sinh đến với Nguyễn Huệ sớm hơn thì tổ quốc và nhân dân được nhờ cậy thêm nhiều.
Mối quan hệ giữa Hoàng đế Quang Trung và kẻ sĩ La Sơn Phu Tử mãi mãi là bài học quý cho nhiều thế hệ.
NGUYỄN THẾ QUANG
(nguồn: TCSH số 240 - 02 - 2009)

 



-----------
1. Thư của Nguyễn Huệ gửi Nguyễn Thiếp. Thái Đức năm thứ 9 tháng 12 ngày 18 (Hoàng Xuân Hãn - Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. NXB KHXH 2003, trang 536).
2. Thư của Nguyễn Huệ gửi Nguyễn Thiếp. Thái Đức năm thứ 10 tháng 8 ngày 10 (Hoàng Xuân Hãn - Sđd - trang 542).
3. Thư của Nguyễn Thiếp gửi Nguyễn Huệ, Chiêu Thống năm đầu tháng 9 ngày 5 (1787) (Hoàng Xuân Hãn - Sđd - trang 544).
4. Thư của Nguyễn Huệ gửi Nguyễn Thiếp. Thái Đức năm thứ 10 tháng 9 ngày 13 (Hoàng Xuân Hãn - Sđd - trang 546).
5. Chiếu của Hoàng đế Quang Trung gửi Nguyễn Thiếp, Quang Trung năm thứ 2 ngày 5 tháng 10 (Hoàng Xuân Hãn - Sđd - trang 583).
6. 12 huyện: Kỳ Hoa, Thạch Hà, Thiên Lộc, Hương Sơn, La Sơn, Nghi Xuân, Chân Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đường, Thanh Chương, Đông Thành, Quỳnh
Lưu.
7. Chiếu của Hoàng đế Quang Trung năm thứ 4 ngày 10 tháng 7 - 1791 (Hoàng Xuân Hãn - Sđd- trang 589).

Các bài mới
Các bài đã đăng